20-11: “Học sinh đến trường là quà quý cho chúng tôi”
Các thầy cô ở vùng lũ miền Trung chia sẻ không cần hoa, không cần quà, chỉ cần thấy những nụ cười của các em đến trường là món quà ý nghĩa nhất với họ trong ngày 20-11.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong khi học sinh (HS) cả nước đang náo nức để tri ân thầy cô thì tại những vùng ngập lụt ở miền Trung, các thầy cô, phụ huynh và các em HS đang cùng nhau nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tất cả bước vào cuộc đua để bảo đảm chất lượng chương trình học.
Đến thời điểm này, tại một số điểm vùng sâu vùng xa, phải rất khó khăn các em HS mới có thể đến trường vì sạt lở, bùn đất bủa vây.
Ngày nhà giáo đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa
Nếu như những năm trước dọc tuyến đường nhiều nơi tại Thừa Thiên-Huế rộn ràng những gian hàng bán hoa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam thì năm nay vắng hẳn. Riêng nhiều ngôi trường ở vùng lũ chúng tôi không còn thấy hình ảnh những nhóm HS đi xe đạp với bó hoa tươi thắm dâng lên thầy cô.
Hơn một tháng qua, địa phương này phải hứng chịu sáu trận bão lũ liên tiếp, nước ngập sâu trong trường hơn 1 m, hàng ngàn HS phải nghỉ học một thời gian dài.
Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), cho biết mưa lũ kéo dài hơn một tháng nay cũng là thời gian trường bị ngập lụt. Lũ rút dần, thầy cô tranh thủ dọn dẹp để đón HS trở lại trường.
“Mọi năm nhà trường vẫn tổ chức kỷ niệm 20-11 và có mời một số giáo viên về hưu tới để họ thăm lại trường lớp, giao lưu cùng các thầy cô ở trường nhưng với tình hình này, khả năng… sẽ hẹn vào mùa sau” – cô Lan tâm sự.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), cũng cho biết: Bây giờ ở điểm Trường Cu Dong, hàng rào thì bị lũ cuốn, sân trường bị vỡ nham nhở, đồ chơi cho trẻ cũng sứt sẹo, hư hỏng.
Cũng theo bà Hà, năm nay nhà trường không có hoạt động gì về ngày 20-11. Trường và giáo viên tập trung cho việc khắc phục, việc gì tự làm được thì vận động phụ huynh cùng giáo viên làm. Ước mơ của ngày truyền thống nhà giáo năm nay của các giáo viên là trường không phải đóng cửa, HS được đến trường.
Ngày 20-11 của Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng được tổ chức khác những năm trước. Các thầy cô trong trường chỉ làm một bữa cơm nhỏ để mọi người ngồi lại tâm sự sau thời gian dài vất vả dọn dẹp trường lớp.
Cô Thúy Phụng, giáo viên nhà trường, tâm sự: “Ngày 20-11 năm ngoái, lúc về đến phòng thì tôi thấy một túi nylon đựng năm lon nếp để trên bàn và mấy củ khoai, sắn nằm dưới nhà. Tôi thấy nhiều em nhỏ còn hái hoa dại, những khóm hoa dã quỳ trên rừng về tặng các thầy cô. Cảm động và ấm lòng lắm. Còn năm nay chỉ cần thấy các con đi học đầy đủ là chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi”.
Thầy cô dọn dẹp cho ngôi trường ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang – (Thừa Thiên – Huế) bị tốc mái sau bão số 13. Ảnh: N.DO
Khắc phục hậu quả bão lũ, chạy đua tiến độ dạy học
Ông Đỗ Viết Đề, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thuận (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), chỉ tay vào dãy phòng học chỉ còn bộ khung bằng bê tông nói: “Việc lợp lại mái nhà cần có kinh phí và có tay nghề, chứ nếu làm được thì giáo viên cũng leo lên đó làm rồi”.
“Được sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng địa phương kèm với công sức của các thầy cô, nhà trường sẽ cố gắng khắc phục thiệt hại và tạo điều kiện để các em HS đến trường một cách nhanh nhất. Để kịp chương trình, trường dự định vừa tổ chức cho HS trở lại học vừa khắc phục hậu quả” – ông Đề nói.
Lo ngại hơn là sau mỗi trận bão lũ, nhiều HS nghèo tay trắng trở lại trường học bởi sách vở, bút mực đều bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Sau cơn bão số 13 vừa qua, 34 điểm trường hư hỏng, nhiều trường bị tốc mái khá nặng. Hiện đã có nhiều trường ở vùng lũ HS nghỉ học quá dài ngày, nhiều trường nghỉ hơn một tháng. Từ đó việc tổ chức dạy bù cho các em là hết sức khó khăn.
Chúng tôi không tiếp khách, không nhận hoa vào ngày 20-11 này nhưng lãnh đạo sở sẽ có những món quà gửi đến các cán bộ, giáo viên ở những nơi khó khăn.
Bà LÊ THỊ HƯƠNG, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị
Giúp thầy trò vùng lũ 'rũ bùn' đứng dậy
Những trận mưa bão, sạt lở liên tiếp trong hơn một tháng qua đã khiến nhiều học sinh và giáo viên vùng lũ Quảng Trị phờ phạc. Nhiều giáo viên bị lũ cuốn hết tài sản. Nhiều học sinh không còn sách vở, áo quần vì bị lũ ngâm dài ngày.
Nhiều trường học ở Quảng Trị ngập trong bùn đất sau lũ, phải mất đúng một tháng khắc phục, thầy và trò mới có thể trở lại dạy và học - Ảnh: QUỐC NAM
Vì thế, những món quà của bạn đọc Tuổi Trẻ gửi đến vùng lũ lúc này trong chương trình "Tiếp sức cho học sinh và giáo viên vùng lũ" chính là sự sẻ chia và tiếp thêm sức lực giúp những học sinh và giáo viên nơi đây "rũ bùn" đứng lên để tiếp tục đến trường.
Như vừa qua trận bom
Vùng Ba Lòng được ví như lòng chảo của huyện Đakrông. Đây là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện miền núi này trong đợt mưa lũ kéo dài suốt một tháng qua. Trường tiểu học và THCS Ba Lòng từng ám ảnh bạn đọc khi bức ảnh chụp cánh cổng ghi tên trường chỉ còn lộ ra đúng hàng chữ ở điểm mút trên cùng được đăng trên báo Tuổi Trẻ khi lúc lũ dâng cao nhất.
"Trường học như vừa qua một trận bom. Bàn ghế sách vở giấy tờ bị nước cuốn và sóng đánh tan tác khắp nơi" - thầy Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ba Lòng, kể.
Dọn xong bùn đất ở trường mất 3 ngày liên tục, các giáo viên ở trường mới có thời gian đi về thăm nhà một số học sinh. Về tận nhà các em, các giáo viên còn thấy cám cảnh hơn. Lũ lên quá nhanh và sâu, nhiều học sinh không kịp di chuyển sách vở, áo quần lên mái nhà nên bị cuốn trôi toàn bộ. Nhiều em phải sục sạo trong lớp bùn non nhão nhoẹt để tìm sách vở, quần áo, đồ dùng... của mình.
Cách đây 4 ngày, Sở GD-ĐT Quảng Trị gửi công văn đến Trường tiểu học và THCS Ba Lòng thông báo việc sẽ có 400 học sinh và 100 giáo viên của Quảng Trị được báo Tuổi Trẻ tặng quà trong chương trình "Tiếp sức cho học sinh và giáo viên vùng lũ". "Với vùng lũ Ba Lòng hiện tại thì những món quà này mang ý nghĩa vô cùng" - thầy Tuấn nói.
Tiếp thêm sức mạnh
400 học sinh và 100 giáo viên tại Quảng Trị được nhận quà của chương trình "Tiếp sức học sinh và giáo viên vùng lũ" lần này được chia thành bốn cụm trao. Ngoài ba cụm tại những vùng lũ thuộc huyện miền núi Đakrông thì còn một cụm trao tại 5 xã vùng phía bắc huyện biên giới Hướng Hóa.
Theo kế hoạch, sáng nay (18-11), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT Quảng Trị trực tiếp đến tại ba điểm trường thuộc huyện miền núi Đakrông để trao 270 phần quà cho học sinh và 70 phần quà cho giáo viên vùng lũ thuộc huyện này trong chương trình "Tiếp sức cho học sinh và giáo viên vùng lũ".
Riêng 130 suất quà của học sinh cùng 30 phần quà của giáo viên thuộc 5 xã vùng bắc huyện Hướng Hóa sẽ được trao trong vài ngày tới khi thời tiết tốt hơn để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên đi nhận quà.
Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết những phần quà này không khác những cái siết tay để tiếp thêm sức mạnh cho học sinh và giáo viên vùng lũ Quảng Trị hiện tại.
Những cô giáo ngược núi dạy chữ Ngày 20-11 năm nay đến với vùng đất biên cương Tổ quốc khác hơn mọi năm, nắng nhạt màu vàng mật, từng khóm lau ra hoa khoe sắc trong bình yên mênh mang của vạn vật, trời đất như muốn bù đắp cho những ngày mưa lũ lịch sử vừa diễn ra ở vùng đất này. Những bông lau rừng làm hoa tặng...