18 người sẽ phục vụ 1 thí sinh thi Sử
Hiệu trưởng THPT Quang Trung (Hà Nội) cho biết, Hội đồng thi gồm 18 người sẽ được thành lập để phục vụ thí sinh duy nhất đăng ký tốt nghiệp môn Sử.
THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) có duy nhất một học sinh chọn thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Minh Minh.
Nhận xét về thí sinh một mình đăng ký thi tốt nghiệp Sư, cô giáo Nguyễn Hồng Minh, Chủ nhiệm lớp 12D1, THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đây là học sinh rất bản lĩnh và chắc chắn. Kết quả trung bình môn Sử năm lớp 12 của nữ sinh này trên 9 phẩy, trung bình cả năm trên 7 phẩy, thi thử môn Sử đạt loại giỏi. Em cũng chọn khối C (Văn-Sử-Địa) để thi đại học.
Khi biết cả trường chỉ có mình em chọn thi tốt nghiệp Sử, gia đình em đã chủ động đến gặp giáo viên bày tỏ băn khoăn. Nghe động viên, giải thích gia đình đã yên tâm và không tạo áp lực trong việc lựa chọn môn thi của con mình.
Tâm sự với cô Minh, nữ sinh cho biết em chọn môn Sử vì em thích, tự tin với môn học và đấy là sở trường của em. “3 năm làm chủ nhiệm lớp, tôi thấy em rất bản lĩnh, vững vàng. Một mình em chọn thi môn Sử tôi cũng không ngạc nhiên”, cô Minh nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung – thầy Đỗ Đức Hòa cho hay, lúc đầu có khoảng 7-8 em đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử. Sau đó thấy ít người quá, phần lớn các em chuyển môn tự chọn khác. Riêng học sinh lớp 12D1 vẫn quyết tâm chọn môn này.
Theo thầy Hòa, Hội đồng thi để phục vụ nữ sinh trên gồm 18 người (1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 2 thư ký, 3 giám thị và 10 người phục vụ, công an, bảo vệ).
Video đang HOT
Cho rằng nhà trường đã thực hiện đúng các quy định của Bộ, Sở trong việc lập Hội đồng thi, tôn trọng quyết định của học sinh, nhưng thầy Hiệu trưởng cũng thừa nhận, việc cả Hội đồng 18 người chỉ phục vụ một thí sinh quả thật là một sự lãng phí.
Theo VNE
Giảng viên Lịch sử: 'Xã hội đang coi thường môn Sử'
Thừa nhận môn Lịch sử quá nhiều số liệu, khô khan nhưng các chuyên gia, giáo viên cũng cho rằng, ít học sinh thi Sử xuất phát từ chính gia đình, xã hội.
Trước thực trạng rất ít học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử trong năm đầu tự chọn môn thi, GS TS Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ, đó là kết quả đáng buồn nhưng không đáng ngạc nhiên vì học sinh lựa chọn đăng ký thi môn nào, trước tiên phải vì lý do dễ học, thích thú.
"Chúng ta vẫn nói với nhau rất nhiều năm qua rằng Lịch sử được coi là môn khó học hơn các môn khác. Nội dung sách sử của chúng ta hiện nay dàn trải, chẳng cô đọng cũng không sinh động thì làm sao khiến học sinh chọn Lịch sử", ông Lộc nói.
Và ông chia sẻ, hồi nhỏ môn Sử cũng không khiến bản thân ông ham thích bởi đòi hỏi tính logic không cao nhưng khối lượng kiến thức lại đồ sộ và rất khó học thuộc.
Môn Lịch sử nhiều số liệu đang khiến nhiều học sinh lo sợ. Ảnh minh họa: HH.
Đồng quan điểm, PGS TS Phạm Xuân Mỹ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng (Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho rằng, giáo trình, sách giáo khoa Sử hiện nay chủ yếu là số liệu, số giờ dạy môn Sử ở bậc phổ thông lại ít hơn các môn khác. Điều đó khiến giáo viên không còn cách nào khác, phải truyền đạt kiến thức là chủ yếu khiến học sinh chịu không ít áp lực.
Nhiều năm dạy Sử, thầy Nguyễn Minh Bình (THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội) nhìn nhận, những chi tiết, số liệu lịch sử tràn lan gây cho học sinh cảm giác nặng nề, trong khi ý nghĩa và phần mở rộng các sự kiện, nhân vật lại quá ít.
"Lịch sử dạy học sinh lòng yêu nước, tính nhân văn, nhưng việc các em không quan tâm đến môn học này là nỗi đau của những giáo viên tâm huyết", thầy Bình nói và cho hay, sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 và 12 hiện nay nhiều bất hợp lý.
Từng dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Sử, cô Nguyễn Thị Thu Hà (Hiệu phó trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao Olympic) chia sẻ, trong đội tuyển nhiều em ham thích môn này nhưng vì gia đình không cho phép, phụ huynh gọi điện đến xin giáo viên cho "rút".
"Xã hội chưa đề cao môn Sử, gia đình thấy con thích học môn này lại tỏ ra lo lắng, gây sức ép góp phần dẫn đến việc ít học sinh chọn môn Sử", cô Hà nói.
Cùng ý kiến, PGS Mỹ cho hay, việc học sinh không chọn thi Sử phần nào xuất phát từ thái độ và quan điểm của nhiều gia đình bởi hiện nay phụ huynh chỉ muốn con cái thi những "ngành hot", dễ xin việc. Trong khi đó, phụ huynh ở các nước tiên tiến quan tâm đến sở thích, tôn trọng niềm đam mê thực sự của con.
"Có thể nói, xã hội đang coi thường môn Sử", PGS TS Phạm Xuân Mỹ trầm giọng.
Tuy vậy, GS TS Nguyễn Lộc vẫn có "niềm tin lạc quan" vào giới trẻ. Ông cho rằng, họ không ngoảnh mặt làm ngơ với lịch sử như chúng ta vẫn nghĩ, mà do phương pháp giảng dạy môn Sử hiện nay khiến học sinh không ham thích.
"Hình thức đọc chép, ghi nhớ kiến thức một chiều, ít hoạt động không gây hứng thú cho học sinh. Thay vì giảng số liệu, tại sao chúng ta không nhắc đến ý nghĩa và mối quan hệ của các sự kiện lịch sử?", PGS TS Phạm Xuân Mỹ gợi ý.
Ông lấy ví dụ về câu chuyện vua An Dương Vương mất nước. Để học sinh hiểu, vì sao vua lại mất nước, những tình tiết thú vị trong câu chuyện chiếc nỏ thần... đáng được chú ý hơn việc xây thành Cổ Loa hùng vĩ ra sao, tốn kém thế nào, mất bao nhiêu tấn vật liệu.
Tương tự, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, học sinh không cần nhớ dài nhưng cần biết, GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Mỹ mà chúng ta vẫn đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh.
Theo PGS Mỹ, việc móc nối các sự kiện, nâng tầm lý luận, chỉ ra kinh nghiệm chiến thắng từ các trận đánh lịch sử lớn trong sách giáo khoa, giáo trình lịch sử còn yếu.
"Thay vì đào tạo con người thành cái thùng chứa, chúng ta sẽ có những thế hệ biết cách thu nhận kiến thức, biết nghĩ và ứng dụng kiến thức thực tiễn", PGS Mỹ mong mỏi và tin rằng, phương án đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện chắc chắn sẽ tác động đến việc thay đổi sách giáo khoa, giáo trình môn Lịch sử.
Những điểm đổi mới quan trọng của môn Lịch sử, theo ông, là chương trình, nội dung, cách dạy và thi. Trong đó, người ra đề sẽ không hỏi về số liệu cụ thể mà gộp các môn Văn, Sử, Địa vào thành đề chung. Cách đánh giá của giáo viên sẽ khác, không còn đơn phương theo kiểu thụ động thầy giảng trò chép, mà thầy giáo sẽ quan tâm đến việc trình chiếu những bộ phim lịch sử, hướng dẫn học sinh học từ bản đồ, sa bàn và đặt câu hỏi kích thích óc suy luận của học trò.
Còn cô Thu Hà phân tích, hiện nay chỉ cần một cú click chuột các em có thể biết được hàng loạt số liệu. Do đó, điều quan trọng hơn cả là môn lịch sử cần giúp học sinh hiểu bản chất vấn đề, nguồn gốc của đất nước, quê hương, gia đình. Cần gắn lịch sử với cuộc sống thường ngày và liên hệ thực tế.
Theo VNE
Chưa đưa Ngoại ngữ vào môn thi tốt nghiệp bắt buộc PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định Ngoại ngữ sẽ là môn thi tốt nghiệp bắt buộc nhưng chưa phải Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang nghiêng về chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp theo phương án 2 môn thi bắt buộc, 2 môn tự chọn. Học sinh có năng khiếu, yêu...