11/50 quận của Bangkok chìm trong nước
Trước nguy cơ Bangkok bị lũ lụt nhấn chìm, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên truyền hình kêu gọi bảo vệ thủ đô.
Kịch bản nào tồi tệ nhất?
Tờ Bưu điện Bangkok cho biết, đến chiều 25.10, sân bay Don Mueang cách Bangkok khoảng 100km – nơi đặt Trung tâm Cứu trợ nạn nhân lũ lụt của Chính phủ và là Trung tâm lánh nạn lớn của thủ đô, đã hoàn toàn thất thủ trước nước lũ.
Video đang HOT
Thủ tướng Yingluck Shinawatra (giữa) thị sát tình hình lũ lụt cùng các quan chức Thái Lan.
Ông Sumet Phomanee – người đứng đầu về quản lý các sân bay Thái Lan (AOT) cho biết, nước lũ đã tràn ra đường băng gây ngập nặng và sân bay Don Mueang chỉ có thể hoạt động trở lại trong vòng ít nhất 10 ngày nữa.
Hai hãng hàng không nội địa của Thái Lan là Nok Air và Orien Thai đã tuyên bố ngừng các chuyến bay hai chiều qua sân bay Don Muaeng. Hãng Nok Air đã chuyển máy bay đến sân bay Utapao, các chuyến bay đến phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvanarbhumi.
Tính đến nay, đã có 11/50 quận của Bangkok bị ngập lụt. Nước bắt đầu ngập tới đoạn đường phía trước chùa Phật Ngọc nổi tiếng của Thái Lan, giáp với khu Hoàng cung. Nhiều tuyến tàu điện ngầm ở phía đông bắc thủ đô đã được lệnh đóng cửa.
Ngày 26.10, Nội các Thái Lan cảnh báo, thủy triều dâng cao có nguy cơ làm tràn bờ con sông lớn nhất ở thủ đô là Chao Phraya (vốn đã bị vỡ một đoạn đê bao dài vào ngày 25.10 gây ngập lụt một số khu dân cư dọc bờ sông) khiến thảm họa thêm tồi tệ.
Trung tâm chiến dịch giảm nhẹ thiệt hại lũ lụt Thái Lan (FROC) thông báo: “Chính phủ đã chuyển sang tình trạng đối phó khủng hoảng với dự báo thủy triều trên sông Chao Phraya sẽ dâng cao vào ngày 28.10 tới, gây ngập nặng ở nội đô Bangkok”.
Nỗ lực chống lũ
Trong khi đó, sau một chuyến thị sát cùng Bộ trưởng Quốc phòng Y.Sasiprapa và Tổng Tham mưu trưởng Prayuth Chan-ocha về tình trạng lũ lụt dọc sông Chao Phraya vào chiều 26.10, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã xuất hiện trên truyền hình và đưa ra dự báo đáng sợ về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo bà Yingluck, sức nước tràn về thủ đô đang rất mạnh và khó lòng ngăn cản nổi. “Nhiều khả năng toàn bộ Bangkok, bao gồm cả khu trung tâm hành chính với nhiều cơ quan đầu não, sẽ bị nước lũ nhấn chìm trong mực nước có thể lên tới 1,5m” – bà nói.
Hiện nhà chức trách Bangkok vẫn đang tiếp tục tháo nước vào 7 quận phía đông bắc thủ đô để giảm áp lực cho khu trung tâm. Theo dự báo của FROC, hàng tỷ m3 nước sẽ tràn về Bangkok trong khi công tác tháo nước ra khỏi thành phố chỉ vào khoảng 400 triệu m3 mỗi ngày.
Đối mặt với thử thách lớn đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8, Thủ tướng Yingluck đã đưa ra một số biện pháp cấp bách trước mắt, trong đó có việc tái bố trí trung tâm trú ẩn tạm thời ở sân bay Don Mueang. Ngoài ra, Chính phủ cũng cho phép 12 triệu người dân Bangkok được nghỉ phép bất thường 5 ngày để chống lũ. Trường học và các cơ quan chính phủ cũng đóng cửa, nhưng ngân hàng Trung ương Thái Lan và các thị trường tài chính vẫn làm việc bình thường.
Theo Reuters, tình trạng ngập lụt trong nhiều ngày qua đã khiến thị trường thực phẩm tại Bangkok trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Giá lương thực, thực phẩm như gạo, bánh mỳ, đồ hộp, mỳ tôm… đang tăng lên từng giờ. Việc xử lý cuộc khủng hoảng thêm khó khăn do tình trạng thông tin không nhất quán bởi bà Yingluck có vẻ đang gặp trục trặc với chính quyền thủ đô Bangkok hiện nằm trong tay một đảng đối lập.
Đến nay, trận lũ lớn nhất trong vòng 50 năm qua tại Thái Lan đã khiến ít nhất 373 người thiệt mạng, phá hủy hàng triệu ha mùa màng và làm ảnh hưởng tới 2,4 triệu người.