Zalo và câu chuyện đánh thức “giấc mơ Việt” bị chôn giấu
Là phần mềm nhắn tin miễn phí đầu tiên đạt mức 2 triệu người dùng tại Việt Nam (mức độ có thể giúp phát tán tự nhiên như Facebook), Zalo tạo nên bất ngờ lớn với một phần mềm nhắn tin miễn phí thuần Việt.
Khi hệ thống báo Zalo đã đạt 2 triệu người dùng vào ngày đầu tháng 5, toàn đội Zalo tổ chức một buổi tiệc nhỏ. Họ ăn mừng cột mốc mới nhưng biết rằng chặng đường phía trước còn rất dài. Một thành viên đội phát triển ứng dụng Zalo tâm sự: “Chúng tôi hiểu rằng mình không mạnh hơn các đối thủ nước ngoài. Họ có trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính lớn cũng như bề dày kinh nghiệm. Điều giúp Zalo có được chút thành quả ban đầu có lẽ là việc kiên trì theo đuổi một giấc mơ hơi viển vông với cái nhìn cũng như cách làm thực tế và được người dùng trong nước ủng hộ”.
Trên thị trường, giấc mơ sản phẩm công nghệ Việt của Zalo không khởi đầu với các tính năng được giới chuyên gia đánh giá cao, mà hướng vào nhu cầu mới đang lên của người dùng. Ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt được thiết kế để người dùng các loại feature phone (điện thoại di động giá thấp) cũng có thể sử dụng được và chạy tốt trên cả 2G và 2,5G (công nghệ đời cũ).
Zalo có mức tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng qua.
Zalo tập trung ban đầu vào nhắn tin thoại và vẽ hình khi nhắn tin – những tính năng đánh trúng nhu cầu đang bùng nổ của giới trẻ – điều mà các đối thủ quốc tế chưa chú trọng. Thêm vào đó, sản phẩm Việt Nam được tối ưu hóa với hạ tầng mạng di động trong nước để có tốc độ nhanh nhất trong số các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sự thân thiện và gần gũi với nhu cầu cụ thể của người dùng Việt chính là lý do khiến Zalo có được lượng lượt tải và sử dụng nhiều nhất dù đây chưa phải là ứng dụng có nhiều tính năng xuất sắc nhất.
Trả lời phỏng vấn khi Zalo mới ra đời và gặp rất nhiều khó khăn, ông Vương Quang Khải – Phó Tổng giám đốc VNG và là người phụ trách dự án Zalo, chia sẻ: “Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật. Sự lãng mạn này từng mang lại thành công cho làng công nghệ thông tin Việt Nam như biến giấc mơ xuất khẩu phần mềm thành sự thật, hay việc đưa hạ tầng Internet/Mobile lên tầm hàng đầu khu vực chỉ sau 10 năm phát triển”. Lúc đó, phát biểu của “kiến trúc sư trưởng” Zalo có vẻ giống như chàng “Đông ki sốt Việt Nam”.
Video đang HOT
Thế nhưng, sự lãng mạn của Zalo hóa ra không viển vông. Chỉ sau hơn 5 tháng kể từ ngày ra mắt chính thức, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt đã trở thành sản phẩm OTT đầu tiên có 2 triệu người dùng tại Việt Nam.
Lãnh đạo một công ty viễn thông lớn bình luận: Sự phát triển của Zalo có cái gì đó tương tự như Viettel trước đây. Khi mới ra đời, mạng di động Viettel yếu hơn 2 “ông lớn” MobiFone và VinaPhone ở nhiều mặt. Điều khiến cho hãng viễn thông quân đội có được sự ủng hộ rất mạnh của khách hàng là giá rẻ, sự thân thiện và giấc mơ đem dịch vụ xa xỉ chỉ dành cho người giàu đến với mọi người. Đây là điều chưa từng xảy ra vì tình trạng độc quyền về viễn thông trước đó.
Với Zalo, ứng dụng nhắn tin thuần Việt chưa thể vượt 2 đối thủ nước ngoài như Line, Kakao Talk về công nghệ, kinh nghiệm, cũng như tiềm lực tài chính. Thế nhưng, thiết kế phù hợp nhất với hạ tầng mạng và người dùng trong nước, hình ảnh thân thiện, cùng cách thức quảng bá thông minh đã giúp Zalo giành được “phiếu bầu” của hàng triệu khách hàng nội. “Zalo đã đánh thức giấc mơ về một sản phẩm công nghệ trong nước có thể cạnh tranh cùng những đối thủ quốc tế với hình ảnh người Việt Nam bé nhỏ nhưng thông minh và kiên cường. Điều này thường ít được nghĩ tới trước đây vì Việt Nam thường nhập khẩu công nghệ. Giấc mơ là một phần không thể thiếu trong kết quả bước đầu của sản phẩm này”, vị lãnh đạo nói trên bình luận.
Trong khi đó, mặc dù mới cán mốc 2 triệu người dùng và có tốc độ tăng trưởng tốt, ông Vương Quang Khải lại cho rằng: “Trong thế giới luôn thay đổi của ngành Internet, không có vị thế nào là mãi mãi. Những tượng đài thành công một thời như AOL, Yahoo hay MySpace đều đã trở thành quá khứ. Vì thế, cách duy nhất để tồn tại là phải luôn nỗ lực hết mình và sẵn sàng thay đổi để nắm bắt những xu hướng mới nhất của thị trường.”.
Theo genK
Đốt tiền để quảng bá, chưa màng doanh thu
Làm sao thu hút được nhiều người dùng, thu phí từ dịch vụ giá trị gia tăng và hợp tác với nhà mạng để đưa ra gói cước phù hợp với lợi ích các bên, đó là 3 bài toán mà các DN như VNG, VTC Online, Naver... phải giải quyết để có thể bước lên ngôi vị số 1 của thị trường ứng dụng OTT.
Sự nở rộ của các ứng dụng OTT đang khiến các nhà mạng bị thất thu lớn. Ảnh: Thái Anh
WeChat tụt dốc, Line và Kakao Talk tăng hạng
Theo bảng xếp hạng những ứng dụng hot nhất mục Social Network (MXH di động) của kho ứng dụng Apple ở Việt Nam từ ngày 1/1/2013 đến ngày 7/4/2013, trước khi xảy ra sự cố "đường lưỡi bò", ứng dụng WeChat luôn nằm trong top dẫn đầu các phần mềm chat, nhắn tin miễn phí qua Internet. Như từ thời điểm từ 1/1/2013 đến 30/1/2013, ứng dụng WeChat giữ vị trí số 2 hoặc số 3, sau Facebook Messenger (từ 1/1 đến 7/1) và sau Zalo, Facebook Messenger (từ 7/1 đến 30/1). Tuy nhiên, kể từ sau ngày 30/1 khi cư dân mạng đồng loạt tẩy chay ứng dụng WeChat, phần mềm này đã "tụt dốc" không phanh, có những thời điểm, ứng dụng này chỉ còn xếp ở vị trí số 16 và bị các ứng dụng cùng loại khác như Kakao Talk, Line, Viber, Zalo, Facebook Mesenger vượt qua.
Sau khi WeChat tụt dốc, 3 vị trí dẫn đầu từ tháng 2/2013 đến tháng 4/2013 chủ yếu bao gồm: Zalo (liên tục đứng vị trí số 1, trừ thời điểm bị Line qua mặt vào ngày 16/3); Line (vị trí số 3 từ 1/2 cho đến 10/2 và liên tục đứng ở vị trí số 2 cho đến 1/4); ngôi vị số 3 là sự luân chuyển giữa Facebook Messenger, Viber và Kakao Talk. Tuy nhiên, từ 2/4 đến 7/4, Kakao Talk đã vươn lên vị trí số 2, đẩy Line xuống vị trí số 3 trên bảng xếp hạng của Apple.
Còn trên bảng xếp hạng ứng dụng Communication (kết nối) của Google Play từ ngày 1/1 đến 7/4, các ứng dụng cũng có sự biến động tương tự như đối với kho ứng dụng của Apple, khi chứng kiến sự tụt dốc của WeChat từ vị trí số 3 (1/1 đến 12/1) xuống vị trí thứ 4 (từ 13/1 đến 29/1) và bắt đầu "lao dốc" từ sau ngày 30/1 do sự cố "đường lưỡi bò". Hiện tại, WeChat chỉ đứng ở vị trí số 13 trong bảng xếp hạng của Google.
WeChat tụt hạng, Line và Kakao Talk liền vươn lên mạnh mẽ: từ vị trí số 10 ngày 30/1, Line đã vươn lên vị trí số 1 trong suốt 5 ngày từ 17/2 đến 22/2, hay liên tục giữ vị trí số 2 trước khi đứng yên ở vị trí thứ 4 cuối tháng 3/2013 (đứng dưới Viber, Zalo, Yahoo Messenger). Kakao Talk cũng tăng trưởng 8 bậc, từ vị trí số 18 (ngày 30/1) lên vị trí số 5 (ngày 8/4).
Lý giải về sự "thăng cấp" của Kakao Talk từ đầu tháng 4, nhiều ý kiến cho rằng là do hiệu ứng TVC có sự tham gia của hot girl Midu và nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng Big Bang cũng như một loạt các bộ sticker Big Bang, Midu mà Kakao Talk vừa tung ra, nhất là khi nhóm nhạc Big Bang đang đứng vị trí số 5 trong danh sách Facebook - người nổi tiếng nhiều Fan Việt nhất với hơn 425 nghìn người hâm mộ.
"Nhọc nhằn" ngôi vị số 1 của ứng dụng OTT
Với độ phủ truyền thông dày đặc trên các phương tiện truyền thông từ nhà ra ngõ, từ mạng xã hội đến truyền hình, từ trong thang máy tới xe bus cũng như hàng loạt các cuộc thi trên Facebook, tặng quà cho cộng đồng hay tài trợ các sự kiện offline, cuộc chiến để giành ngôi vị số 1 giữa Zalo (VNG), Kakao Talk (Kakao Corp), Line (Naver)... ngày càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Trong tháng 2-3/2013, Viber, Zalo, Kakao Talk, Line đều đã lần lượt công bố số người dùng ở Việt Nam, trong đó Viber đang vượt lên dẫn đầu với 3,5 triệu người dùng, gấp hơn 3 lần con số người dùng của 3 ứng dụng còn lại (khoảng 1 triệu người dùng), trong đó riêng trong tháng 2/2013 con số người dùng mới của Line đã tăng "chóng mặt" - thêm 500.000 - và dự báo trong tháng 3/2012, số thành viên sẽ tăng lên 600.000 người.
Khi được hỏi ứng dụng nào đang giữ vị trí số 1 trong số các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet, nhiều ý kiến cho rằng, Viber hiện đang là ứng dụng có nhiều thành viên nhất và cũng là ứng dụng duy nhất trong nhóm này có khả năng tự "lan truyền" giữa những người dùng smartphone với nhau, thể hiện qua việc danh bạ của ứng dụng này luôn có đông người dùng nhất. Đại diện các nhà mạng lớn ở Việt Nam cũng khẳng định, trong số các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí đang phổ biến ở Việt Nam thì Facebook Messenger và Viber là 2 ứng dụng có nhiều người dùng và tiêu tốn nhiều băng thông nhất.
Sau cuộc đua giành ngôi vương, việc các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet kiếm tiền như thế nào cũng là một bài toán được rất nhiều người quan tâm. Trong khi WhatsApp thu phí 1 USD nếu người sử dụng muốn dùng bản không chứa quảng cáo thì Line hay Kakao Talk đạt được doanh thu lớn từ việc bán các vật phẩm đi kèm như sticker, vật dụng trong game... qua cổng thanh toán của Google Play, App Store. Theo thống kê của App Annie, tháng 2/2013, Line là ứng dụng đứng đầu về doanh thu trên App Store trong hạng mục tiện ích.
Còn tại Việt Nam, việc thu phí cũng sẽ thông qua các dịch vụ giá trị gia tăng trên ứng dụng OTT. Tại cuộc hội thảo về ứng dụng OTT mới được tổ chức gần đây, ông Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT VTC Online cho biết, chính các doanh nghiệp nội dung như VNG hay VTC Online (đơn vị đang cùng với Kakao Talk "tham chiến" thị trường Việt Nam) cũng cho rằng, dù các doanh nghiệp này đã đầu tư rất nhiều tiền để quảng bá sản phẩm nhưng cũng chưa thể có ngay doanh thu. Vì vậy, ông Nam kiến nghị nhà mạng nên linh động khi kinh doanh dịch vụ, thay vì thu tiền ngay của người sử dụng thì có thể miễn phí trong thời gian đầu để tạo thị trường, rồi sau đó phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT thu tiền người dùng từ các dịch vụ giá trị gia tăng và tiến hành ăn chia.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet đã gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. Theo tính toán sơ bộ của nhà mạng MobiFone, mỗi năm nhà mạng ở Việt Nam sẽ tổn thất hơn 1.000 tỷ đồng vì các dịch vụ OTT.
Dù Bộ TT&TT và các nhà mạng đã thống nhất rằng sẽ không chặn các ứng dụng OTT, đồng thời sẽ bắt tay với doanh nghiệp nội dung đưa ra các gói cước phù hợp, song nhiều khách hàng vẫn phản ánh về trường hợp thực hiện cuộc gọi hay nhắn tin qua Internet 3G thường chập chờn. Vì vậy, việc bắt tay được với nhà mạng di động trong thời gian tới sẽ quyết định không nhỏ đến ngôi vương của các ứng dụng OTT.
Theo GenK
Ứng dụng nhắn tin miễn phí và các bài toán khó tại VN Line, Viber, Whatsapp, Kakao Talk... đang có một cuộc đua đầy tốn kém để thu hút người dùng trong khi vẫn phải nghĩ cách kiếm tiền từ việc cung cấp dịch vụ miễn phí và xoa dịu mâu thuẫn với các nhà mạng trong nước. Các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí hay còn gọi là dịch vụ OTT đang bùng...