Yếu tố then chốt thực hiện thành công dạy học tích hợp
GD&TĐ – Chia sẻ về chủ trương dạy học tích hợp, NGƯT Bùi Văn Sung – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình – cho rằng: Bên cạnh việc xây dựng được chương trình tích hợp giữa các môn học hài hòa, hợp lý thì nhân tố quyết định nhất để dạy học tích hợp thành công vẫn là người thầy.
- Nhiều năm ở cương vị quản lý trường THPT, thầy có thể chia sẻ quan điểm của mình về chủ trương dạy học tích hợp trong chương trình mới?
Tối cho rằng, dạy tích hợp trong chương trình mới là phù hợp với giáo dục phổ thông hiện nay. Vì môn dạy tích hợp là môn theo hướng khoa học cơ bản chứ không phải chuyên sâu và áp dụng theo từng đối tượng một cách phù hợp.
Ví dụ, Khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất của giới tự nhiên, dành cho học sinh định hướng KHXH, không học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học.
NGƯT Bùi Văn Sung
Video đang HOT
Như vậy, các mảng kiến thức vừa phải với học sinh, phù hợp với một trong những mục tiêu của chương trình mới là học sinh có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân…
- Theo thầy, đâu là nhân tố quan trọng, quyết định đến thành công dạy học tích hợp trong chương trình mới?
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT phải xây dựng được chương trình tích hợp giữa các môn học hài hòa, hợp lý. Thứ hai, phải đào tạo được lực lượng giáo viên có khả năng dạy học tích hợp, dạy được SGK tích hợp. Trong hai nội dung trên, nhân tố quyết định nhất vẫn là người thầy.
Đây cũng là yếu tố khó nhất vì mỗi một môn học là một khoa học. Một giáo viên dạy được cả ba nội dung không phải có thể có được ngày một ngày hai.
Giải pháp khi chúng ta chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp, tôi cho rằng, trước mắt, mỗi giáo viên sẽ phụ trách một nội dung trong tích hợp – liên môn đó. Còn chủ đề tích hợp sẽ lựa chọn người tốt nhất thực hiện.
Bản thân tôi học về Sinh học, nhưng sau khi ra trường bên cạnh dạy Sinh vẫn dạy được cả Hóa, Kỹ thuật nông nghiệp. Tuy nhiên, làm như thế phải đào tạo bài bản mới dạy được tốt.
- Thầy có tự tin đội ngũ giáo viên hiện tại của chúng ta có thể thực hiện tốt dạy học tích hợp, đặc biệt khi bắt đầu triển khai chương trình, SGK mới từ năm 2018?
Tôi cho rằng, đội ngũ hiện tại của chúng ta thực hiện được dạy học tích hợp. Nhưng trước mắt phải theo tinh phần phối hợp như đã nói ở trên.
Bao giờ cái mới cũng sẽ khó, nhưng thầy cô giáo bao giờ cũng sẽ thực hiện theo chủ trương chung. Cái hay khi thực hiện đổi mới hiện nay là bao giờ Ngành mình cũng đưa thông tin thăm dò dư luận, xin ý kiến đóng góp rộng rãi trước khi chính thức quyết định.
Với Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình, hiện nay, việc dạy học tích hợp đang thực hiện vừa phải. Mới đây, các thầy cô của trường có tổ chức hoạt động ngoại khóa về Ngày truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam.
Thầy cô ra chủ đề, học sinh tự tìm hiểu qua sách báo, mạng internet về lịch sử, gắn với hoạt động của nhà trường, địa phương và tự thuyết trình, đưa ra suy nghĩ của mình và tự đánh giá việc đó. Sau đó, giáo viên định hướng cho các em đúng sai như thế nào. Học sinh đã tham gia vào hoạt động này rất hào hứng. Đây cũng chính là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp liên môn. Những hoạt động như vậy, theo tôi nghĩ rất là cần thiết.
- Thầy vừa nói, cái mới bao giờ cũng khó. Vậy khi thực hiện chủ trương dạy học tích hợp, người đứng đầu nhà trường cần làm gì để triển khai chủ trương này đạt được sự đồng thuận cao nhất, từ đó có hiệu quả cao nhất?
Đầu tiên là chủ trương phải thống nhất, cần bàn trong tổ chức cho cán bộ giáo viên tìm hiểu chủ trương mới. Sau đó, thực hiện sẽ có các bước, trong đó có việc giao cho nhóm chuyên môn xây dựng giải pháp, hội đồng cố vấn cùng tham gia góp ý.
Thông thường, chúng tôi giao cho các nhóm chuyên môn chủ động, ngay cả tổ chức hoạt động ngoại khóa vừa nói ở trên. Cụ thể, chương trình tìm hiểu Ngày truyền thống quân đội nhân dân Việt Nam vừa qua của trường có sự phối kết hợp của Tổ giáo vụ, Đoàn thanh niên và các thầy cô giáo bộ môn Lịch sử hướng dẫn học sinh làm.
Sau khi làm xong, giáo viên sẽ biết cái nào đúng, cái nào sai, sau đó nêu lên tâm tư nguyện vọng để nhà trường điều chỉnh cho phù hợp. Tất nhiên bao giờ cũng phải theo đúng chủ trương, quy định của Ngành, của Nhà nước.
- Theo tôi hiểu, nếu thực hiện tích hợp liên môn, sẽ có những điều chỉnh trong hoạt động hàng ngày của giáo viên, như cách tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy, soạn giáo án và cả sinh hoạt tổ chuyên môn… Không biết cách hiểu như vậy có đúng hay không?
Đó là điều chắc chắn. Tích hợp không phải là phép cộng giản đơn nên các thầy cô giáo cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau. Như thế thì phương pháp giảng dạy sẽ phải khác, việc soạn bài sẽ phải khác, không phải cứ theo chuẩn từ trước đến nay vẫn làm.
Thậm chí những bài dạy tích hợp, không phải chỉ một tiết trên lớp là tích hợp mà có khi trong cả một buổi, tất cả các môn, giống như một buổi ngoại khóa. Tới đây phải đổi mới như thế.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, cái mới cũng phải thận trọng, nếu không sẽ không đảm bảo kiến thức cơ bản. Bởi chất lượng, sự nghiệp GD&ĐT của nhà trường vẫn là sản phẩm đầu ra, học sinh ra trường phải đạt được cái gì đó. Ví dụ các em học được nghề, thi đỗ cao đẳng, đại học, hoặc về nhà cũng phải biết cách lao động, tự tìm việc làm…
- Xin cảm ơn thầy!
Theo GD&TĐ