Yêu cầu chấm dứt dạy Ngữ Văn theo văn mẫu, giáo viên, học sinh nói gì?
Trước quan điểm chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu của Bộ trưởng Bộ GDĐT, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều của giáo, học sinh xoay quanh vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu. Ảnh minh họa: Thiều Trang.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo sáng 11.11, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy và học theo văn mẫu ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, tình cảm chân thành của học sinh và cần chấm dứt tình trạng dạy, học theo văn mẫu.
“Cần chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu. Vì dạy theo văn mẫu, đặc biệt là giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh học thuộc rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cao tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người của môn Ngữ Văn, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai.
Là giáo viên dạy tiểu học, cô Lê Thị Dinh (Hà Nội) cho rằng, quan điểm mà Bộ trưởng Bộ GDĐT là rất đúng đắn và cần sớm thực hiện.
Theo cô Dinh, học sinh khi được bồi đắp, rèn từ bậc tiểu học tư duy sẽ tốt, càng lên lớp càng dễ tiếp thu bài.
“Trẻ con khi đọc nhiều văn mẫu sẽ bị phụ thuộc, không thể tự mình diễn đạt, mất đi khả năng sáng tạo, chủ động và yêu thích việc học.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy văn cũng cần 1 tâm hồn nhân văn, cần thấu hiểu tâm tư của từng học sinh, tìm tòi, suy nghĩ các cách hướng dẫn cho học sinh thay vì dạy theo văn mẫu….” – cô Dinh nói.
Cùng quan điểm nêu trên, em Tuấn Phương, học sinh lớp 10 tại Hà Nội cho rằng, việc chấm dứt dạy học theo văn mẫu cần được sớm thực hiện.
“Em cảm thấy rất khổ sở khi học môn Ngữ Văn vì các thầy cô áp đặt bọn em theo khuôn mẫu, lối mòn. Chúng em bị kìm hãm sự phát triển của trí tưởng tượng và thậm chí còn bị trừ điểm vì viết bài không đúng theo ý của cô” – Tuấn Phương chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, chị Đỗ Phương Hảo (Thanh Hóa) lại cho rằng, về bản chất, văn mẫu không hề xấu và không nên cấm hoàn toàn trong việc dạy học mà nên có phương pháp để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.
Lý giải về quan điểm của mình, chị Hảo cho rằng, học sinh đọc những bài cô cho chép hoặc đọc sách văn mẫu cũng là một cách để các em củng cố được cách dùng câu từ, cải thiện kỹ năng Tiếng Việt.
“Trước hết phải có cuộc điều tra trong cả nước có bao nhiêu phần trăm giáo viên đang dạy theo văn mẫu rồi mới đưa ra đánh giá chất lượng giáo viên, phương án thay đổi. Không thể đánh đồng tất cả giáo viên hiện nay đều dạy học sinh theo hướng đọc, chép văn mẫu.
Bản thân tôi trước kia cũng là dân Văn và cũng nhờ vào những cuốn văn mẫu, bài văn mẫu của giáo viên mà tôi có thể rèn luyện được rất nhiều kĩ năng, phát huy sở trường của mình. Và khi kèm cặp, hướng dẫn con cháu học bài, tôi vẫn luôn khuyến khích các em tham khảo văn mẫu, coi đó là kênh học tập, rèn luyện hiệu quả” – chị Hảo nói.
Cùng quan điểm như trên, em Minh Ánh (học sinh lớp 10) cho rằng: “Bản thân em thấy văn mẫu cũng có rất nhiều ích lợi. Đây là kênh để em có thể tham khảo, viết bài hay hơn và có hứng thú hơn trong việc học. Từ văn mẫu, em có thể nắm được các ý chính và từ đó, triển khai các ý theo khả năng, tư duy của mình.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến thì việc tự tìm tòi, nghiên cứu là điều rất cần thiết” – Ánh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ánh thú nhận, em cảm thấy khá băn khoăn và hoang mang khi nghe tin sẽ cấm sử dụng văn mẫu trong dạy học.
“Ngay từ bậc tiểu học, việc học văn của chúng em đã quá quen thuộc với văn mẫu. Nếu bây giờ đột ngột cấm thì quả thực rất khó khăn đối với chúng em, đặc biệt là những bạn không có năng khiếu và học kém môn Ngữ Văn” – Ánh bày tỏ.
Cô giáo Ngữ văn với hành trình hơn 20 năm gieo "hạt giống của kiến thức"
Hơn 20 năm công tác ở Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, với sự tận tụy, trách nhiệm với nghề, cô Hoàn đã nỗ lực truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học sinh giúp các em đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Cô Hoàn luôn dành cho học trò sự ân cần, chia sẻ và mang đến cho các em những tiết học lí thú, bổ ích. Ảnh: Tiến Việt
Đó là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Liễu Hoàn (SN 1976) giáo viên dạy Ngữ văn - người đã có hơn 20 năm công tác tại Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, giảng dạy và bồi dưỡng cho nhiều thế hệ học sinh đạt thành tích, giải thưởng cao trong học tập.
Để trò đến với bài học một cách hào hứng
Cô Hoàn chia sẻ, hồi còn là học sinh Trường THPT Quảng Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cô đã có niềm đam mê với môn văn học và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, năm 1998 cô được bố trí về giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp cho đến nay.
Hiểu được tính chất, yêu cầu của việc dạy chuyên Văn và bồi dưỡng HSG cùng với kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và niềm đam mê, cô Hoàn đã đưa văn học đến với học sinh một cách chân thành, để rồi những "trái ngọt" từ sự nỗ lực của cô và trò cứ thế ngày càng đến nhiều thêm.
Cô Hoàn chia sẻ, hiện tượng học sinh học tủ, học theo văn mẫu không hiếm. Là giáo viên, cô luôn định hướng cho học sinh cách tham khảo tài liệu nhưng không học thuộc. Từ đó, trò sẽ hình thành kỹ năng phát hiện vấn đề, thể hiện quan điểm cá nhân thay vì phụ thuộc vào văn mẫu.
Để như vậy, trước hết việc giảng dạy không nên bó hẹp bởi cô đọc, trò chép. Trong hơn 20 năm qua, cô Hoàn đã giảng dạy môn Văn theo sơ đồ tư duy. Phương pháp này được cô tích luỹ, trải nghiệm khi học trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn từ thuở cấp 3.
Cô giáo Nguyễn Thị Liễu Hoàn. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, việc lớp học được trang bị ti vi thông minh đã giúp cô tận dụng, phát huy để đổi mới phương pháp dạy học.
Cô luôn tìm những video, hình ảnh, ca khúc...phù hợp với nội dung bài dạy để có những phần khởi động bất ngờ, thú vị khi bắt đầu bài mới giúp học sinh hứng thú hơn. Và khi kết thúc bài học cô sẽ trình chiếu những sơ đồ, bảng biểu giúp các em hệ thống hóa lại kiến thức đã được học.
Qua hơn 20 năm công tác cùng cô Hoàn tại trường, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - Tổ trưởng tổ Ngữ Văn đã có những chia sẻ: " Cô Hoàn là một giáo viên dạy giỏi, trong công tác giảng dạy cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp để khơi gợi, giúp học sinh phát huy được những tố chất văn học của mình từ đó nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Với kiến thức hiểu biết sâu rộng, cô Hoàn luôn nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm với các giáo viên để cùng với tìm ra những phương pháp, bài học hay để truyền đạt cho trò. Chúng tôi luôn nói đùa với nhau rằng, cô Hoàn như một cuốn bách khoa toàn thư vậy".
Vất vả, khó nhọc đổi lấy niềm vui lớn
Bên cạnh những kết quả có được, ít ai biết rằng cô Hoàn đã trải qua không ít những khó khăn, vất vả. Có những năm chồng đi công tác xa, một mình cô phải vừa chăm lo cho 2 đứa con nhỏ, vừa chủ nhiệm lớp chuyên và đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, khiến thời gian một ngày đối với cô giáo trẻ lúc ấy hầu như quá ngắn.
Thế nhưng, vượt qua những khó khăn ấy, bằng sự tận tụy, trách nhiệm và tâm huyết với nghề, với học sinh, dưới sự chỉ dạy của cô, trong những năm qua nhiều thế hệ học sinh của Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp đã đạt nhiều thành tích, giải thưởng cao đối với môn Ngữ văn góp phần tô thắm thêm "bảng thành tích vàng" của nhà trường.
Cô Hoàn góp phần mang về cho nhà trường nhiều thành tích cao. Ảnh: Tiến Việt
Với vai trò chủ nhiệm đội tuyển thi học sinh giỏi lớp 10, 11, 12 cấp tỉnh và cấp Quốc gia trong nhiều năm, cô Hoàn đã bồi dưỡng cho học sinh, giúp nhiều em gặt hái được những thành tích cao. Trong năm học 2020 - 2021, đội tuyển thi học sinh giỏi (HSG) môn Ngữ văn lớp 12 cấp tỉnh đã xuất sắc đạt 13/14 giải, trong đó có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải 3 và 4 giải khuyến khích.
Đặc biệt, cũng trong năm học 2020 - 2021, được nhà trường tin tưởng phân công chủ nhiệm đội tuyển thi HSG môn Ngữ văn lớp 12 cấp Quốc gia, cô Hoàn tiếp tục nỗ lực giảng dạy vừa truyền đạt kiến thức vừa động viên các em, chính vì thế đã mang về 8/8 giải, học sinh giỏi Quốc gia với 4 giải nhì, 2 giải 3, 2 giải khuyến khích.
Cô Hoàn luôn mang đến cho trò những kiến thức hay, phương pháp mới giúp các em đạt nhiều kết quả, thành tích cao. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp cho biết: "Cô Hoàn là giáo viên tâm huyết, trách nhiệm với nghề và ân cần, chia sẻ, yêu thương học trò.
Ngoài kiến thức chuyên môn, cô còn có sự hiểu biết sâu rộng về kiến thức xã hội. Cô luôn tìm hiểu, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin để đưa đến cho học sinh những giờ học thú vị, hấp dẫn, có tính giáo dục mạnh mẽ, khiến các em say mê trong từng tiết học.
Bên cạnh đó, cô Hoàn cũng luôn động viên, giúp đỡ, góp ý cho các đồng nghiệp để giúp nhau cùng tiến bộ. Đặc biệt, đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong nhiều năm liền cô Hoàn rất "mát tay" góp phần mang về cho nhà trường nhiều thành tích cao".
Nguyễn Minh Bảo Đức, sinh viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp) chia sẻ, cô Hoàn là người đã truyền cảm hứng cho em có niềm say mê với văn học, em cảm thấy may mắn khi được là học trò của cô. Trong những năm học tập ở trường chúng em luôn được cô chỉ bảo ân cần, trong các buổi học cô đều mang đến sự mới lạ, hứng thú tạo cho chúng em có tâm lí thoải mái và thích thú với môn Ngữ văn hơn.
Cô giáo Nghệ An đề xuất giải pháp chấm dứt dạy, học theo văn mẫu, bài mẫu Đổi mới từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề của Bộ vẫn như cũ thì rất khó làm thay đổi thực trạng Tại tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học...