Ý trí vươn lên mạnh mẽ của những học sinh khiếm thị
Mong muốn trở thành một người phiên dịch, một kế toán hay một nhà đầu tư tài ba,… là dự định của những HS khiếm thị dù biết mình không được trọn vẹn. Nhưng ở những khiếm khuyết đấy luôn tràn đầy một ý trí vươn lên mạnh mẽ để được đứng vững trên đôi chân của mình.
Luôn nghĩ mọi người đều như mình cho đến ngày…
Cùng hơn 1.000 HS học chiều, Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) có 5 HS khiếm thị là Cao Thị Yến, Phạm Thị Huế, Nguyễn Thanh An và Dương Thị Xuân, Dương Văn Sơn cùng ngồi học xen kẽ vào các lớp học của khối 10, 11.
Cao Thị Yến (sinh năm 1987) ở một miền quê nghèo Phủ Lý, Hà Nam. Mẹ của Yến – bà Trần Thị My cho biết, em bị bệnh bẩm sinh do ảnh hưởng của bố đi bộ đội trong vùng chất độc da cam. Nhưng do mất hết giấy tờ nên bố em không có chế độ gì và hiện nay còn bị bệnh tâm thần. Mẹ Yến giờ đây hàng ngày phải đi bòn mót, buôn bán lặt vặt để kiếm từng đồng lo cho gia đình và ăn học cho con.
“Thường xuyên phải vay chỗ nọ đập chỗ kia để gửi tiền cho con, khoảng hơn 1 triệu/tháng. Nhiều lúc thấy bải hoải, tôi bảo cháu nghỉ học nhưng cháu cứ đòi học tiếp”, chị My tâm sự.
Yến kể, năm lên 3 tuổi em bị một trận ốm rồi không nhìn thấy gì nữa. Lúc đó còn quá nhỏ nên em không ý thức được việc đó và luôn nghĩ rằng, mọi người ai cũng đều như em. Đến tuổi đi học mẫu giáo, em vẫn đến trường bình thường.
“Cho đến một hôm, cô giáo tổ chức chơi trò chơi. Cô hô cả lớp cùng làm theo các hành động chim bay, cò bay gì đó và em cũng làm theo, nhưng khi cô bảo “bàn bay”, cả lớp lại hô “bàn không bay”. Em cứ đứng suy nghĩ mãi và tự hỏi “tại sao bàn lại không bay nhỉ?”. Về nhà em vội vàng chạy vào hỏi mẹ thì hiểu ra rằng chỉ mình em bị như thế”, Yến bùi ngùi nhớ lại.
Năm 1993, các bạn vào lớp 1, còn Yến vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà. 2 năm sau em được đi học chữ nổi ở Nam Định trong một lớp tiền hòa nhập và đến năm 2001 xin vào thẳng lớp 3 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Với Yến, bước chân vào cổng trường cấp 3 công lập là một niềm vui lớn vì đó là mơ ước, trong khi nhiều anh chị trước đó chỉ được học bổ túc.
May mắn hơn Yến, Phạm Thị Huế sinh ra vẫn nhìn thấy như bao bạn khác, cho đến năm học lớp 7 tự nhiên mắt dần mờ đi. Huế kể, năm 5 tuổi thì phát hiện là bệnh thoái hóa võng mạc. Bác sĩ bảo, nếu đi học thì chỉ 14-15 tuổi là không nhìn thấy gì, còn không học thì có thể kéo dài đến 19 tuổi. Rất vô tư, Huế trả lời, đằng nào cũng không nhìn thấy, kéo dài thêm vài năm cũng chẳng để làm gì nên đã quyết định đi học để có tri thức.
“Môn Toán đến lớp nghe cô giảng, có hình vẽ không hiểu nhưng em vẫn ngồi nghe và về nhà ngẫm nghĩ thêm chứ không bỏ luôn như trước đây. Thậm chí, em xem trước bài lý thuyết hoặc nhờ chị tả hình vẽ và đến lớp cô giảng sẽ hình dung thêm”, Huế kể.
Huế và Yến học rất khá tiếng Anh với điểm trung bình môn đạt đến 9 “phẩy” và mong ước thi vào ĐH để sau này có thể phiên dịch. Nhưng Huế cũng rất lo lắng vì không có điều kiện học thêm như các bạn khác. Mong mỏi sau này học xong sẽ có việc làm, nhưng Huế cũng trăn trở: “không phải ước mơ muốn làm gì mà làm được”.
Còn Nguyễn Thanh An lo học hết cấp 3 không biết có trường ĐH nào nhận. Hiện nay, các em chỉ biết duy nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là nhận HS khiếm thị dự thi.
Video đang HOT
Sinh ra, An cũng sáng mắt như bao bạn khác nhưng từ năm 13 tuổi tự nhiên cứ mờ dần đi. Gia đình đã đưa em đi khám và mổ rất nhiều lần nhưng không cứu vãn được. Sau đó, để tiếp tục việc học, gia đình đã gửi An vào Trường Nguyễn Đình Chiểu. An tâm sự, rất thích học các môn tự nhiên và mơ ước trở thành một nhà đầu tư.
“Lúc nào em cũng lo lắng về khiếm khuyết của mình nhưng luôn tin là học được. Em đang học để thi khối A vào trường kinh tế”, An chia sẻ.
Như quả thuốc nổ…
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội Trần Thanh Sơn cho biết, đầu năm học có ông bố dắt cậu con khiếm thị đến trường xin học. Tôi giật mình vì thấy ông này quá quen. Ngay lập tức, ông giới thiệu có con gái đã học ở đây. Tôi sững sờ và thấy xót xa khi nhớ lại hình bóng một người cha năm trước đã dắt cô con gái khiếm thị Dương Thị Xuân đến xin học và năm nay lại dắt cậu con trai Dương Văn Sơn cũng trong tình cảnh đó đến trường.
Cô Phan Hương, chủ nhiệm lớp 11A9 (lớp của Yến và Xuân) cho biết, từ đầu năm lớp 10, khi nhận chủ nhiệm lớp có 2 HS khiếm thị cô cũng rất lo lắng vì không biết sẽ dạy như thế nào. “Tôi đã hỏi các em học ở trường cũ như thế nào thì các em bảo cô cứ dạy. Từ đó, đã 3 học kỳ trôi qua, tôi lên lớp bình thường, chỉ cảm thấy mình phải nói nhiều hơn và để ý hơn để các em có thể hình dung được”.
Em Xuân còn nhìn thấy lờ mờ nên không đang lo, chỉ mắc Yến là hoàn toàn không nhìn thấy gì. Khi kiểm tra, Yến sẽ làm bài bằng chữ brain sau đó nhờ bạn đọc lại kết quả cho cô nghe hoặc cô ngồi trực tiếp nghe cách trình bày và cho điểm, mất khoảng 20 phút/bài.
Cô Hương cũng cho biết, giáo viên không giúp được gì nhiều mà chủ yếu tự thân các em phải vận động, chỉ thỉnh thoảng hỏi xem các em có khó khăn gì hay cần cô giúp đỡ gì. Đối với HS khiếm thị, nhà trường miễn hoàn toàn các khoản thu. Ngay cả học thêm, cô Hương (dạy Toán) cũng nói rõ, các em thích và thấy cần thiết thì đi học mà không phải đóng góp.
Phạm Quỳnh Nga, lớp trưởng lớp 11A9 kể, thành tích HS giỏi của các chị khiến cả lớp phải nể phục. Thỉnh thoảng các bạn trong lớp cũng đến nhà 2 chị để giúp chép bài hoặc dắt đến trường. Thậm chí, các chị phải chép hẳn SGK bằng chữ brain.
Cô Trần Thu Hiền, giáo viên Vật lý, chủ nhiệm lớp 11A5 của Nguyễn Thanh An thì rất tự hào khi nhắc đến cậu HS khiếm thị của lớp rằng, đến cả mạch điện, An cũng tưởng tượng được và làm bài khá nhanh.
“5 cháu thì 3 cháu HS giỏi, 2 tiên tiến, lúc đầu tôi lo thầy cô sẽ kêu vất vả vì không có chế độ chính sách nào cả, nhưng thật may mắn, không có ai phàn nàn gì”, ông Sơn cho biết.
Trong tất cả các đợt thi đua tôi đều thưởng riêng và dùng hình ảnh các em đứng nhận phần thưởng để làm một quả thuốc nổ kích vào HS bên dưới. Không phải đi đâu xa, lành lặn khỏe mạnh không có lý do gì lại kém các bạn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Điều ước nhỏ của cô nữ sinh "làm mẹ" từ tuổi 15
Kiều Anh cúi đầu khi nói với tôi mong ước của mình: "Giờ đây em không dám ước mẹ có thể sống lại, em chỉ mong mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau" - cô nữ sinh Trường THPT Gio Linh, Quảng Trị tâm sự.
5 tuổi, vừa làm cha vừa làm mẹ
Bố Kiều Anh là thầy giáo Nguyễn Đức Em, mất do tai nạn giao thông trong một lần đi dạy học. Bố mất khi các em của Kiều Anh còn rất nhỏ (bé Ánh chỉ hơn 1 tuổi, còn em Nhật mới lên 5 tuổi). "Lúc ấy em cũng chỉ có 8 tuổi. Mấy em còn nhỏ nên không biết gì. Nhà em vẫn còn một tấm ảnh chụp mấy anh em đưa tang cho bố, có đứa còn cười", cô bé Nguyễn Thị Kiều Anh kể về ngày đưa tang bố.
Kiều Anh luôn phải dậy từ rất sớm phụ giúp bà ngoại và thay thế vị trí một người mẹ chăm lo cho hai người em và một người chị tật nguyền.
Bố mất, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên hằng ngày cô bé phải đi làm cùng mẹ kiếm tiền nuôi người chị tật nguyền và các em ăn học. "Em nhớ ngày đó mẹ có một chiếc xe giàng (xe đạp chuyên dùng để thồ và có một chiếc ghế nhỏ đằng trước để trẻ con ngồi), mẹ vẫn thường đèo em đi mót mủ cao su trên đường 9, nhiều lần chạy trốn bảo vệ vì họ đuổi", cô bé nhớ lại.
Vất vả nhọc nhằn như bám lấy cuộc sống của mấy mẹ con nhưng số phận vẫn không buông tha cho gia đình cô bé. Khi Kiều Anh 15 tuổi, mẹ em lâm bệnh nặng. Tất cả công việc nhà đổ lên vai cô bé khi bà đưa mẹ vào Nam chữa bệnh. Hai em Quang Nhật (13 tuổi), Quang Ánh (8 tuổi) thì đi học, còn Kiều Anh, trong khi kỳ thi chuyển cấp đang đến gần, cô bé đã quyết định nghỉ học ở nhà. Ban ngày em chăm mấy sào mía và đàn lợn để có tiền gửi vào chữa bệnh cho mẹ. Đêm đến em mới có thời gian mượn vở của bạn bè về để chép lại.
Khi còn chưa đầy một tháng nữa là đến kỳ thi chuyển cấp, mẹ cô bé từ Sài Gòn trở về. Nghe người ta bảo mẹ bị ung thư dạ dày, cô bé kể: "Lúc đó em khóc òa lên, ai dỗ cũng không nín. Em không nghĩ mẹ bị ung thư, cứ nghĩ mẹ hết bệnh rồi sẽ trở về thôi".
Từ hôm đó trở đi cô bé cũng không còn thời gian để khóc. Bà ngoại thì mệt do sức yếu và đi một quãng đường quá dài, cô bé 15 tuổi nghiễm nhiên trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình. Bà ngoại của Kiều Anh kể trong nước mắt: "Mẹ nó cứ 30 phút lại phải ăn một muỗng cháo, 10 phút lại phải uống ba viên tảo. 17 đêm liên tục không đêm nào là con bé thẳng giấc, hễ mẹ nó trở mình là con bé tỉnh. Hằng ngày con bé ngủ với mẹ để tiện chăm sóc, nó đã phải lập một thời khóa biểu cho công việc mỗi ngày...".
Không chỉ đóng vai trò làm cha, làm mẹ, Kiều Anh còn là cô giáo cho các em mình.
Kiều Anh cũng nhớ như in 17 đêm chăm sóc bên giường bệnh của mẹ. Cô bé nhìn xuống bàn tay vẫn đang còn những vết chai do giã gừng ngâm nước nóng rồi nói: "Giờ em nhớ lại vẫn thấy sợ. Mẹ khóc và gầy đi nhiều lắm. Mẹ cũng sợ mẹ chết đi, không có ai lo cho bọn em, đêm nào em cũng đắp gừng và rượu lên bụng cho mẹ nhưng mẹ vẫn không bớt đau".
Bác Nguyễn Thị Tưởng, 64 tuổi là hàng xóm của gia đình của Kiều Anh, cho biết: "Mấy anh em con bé đều ngoan ngoãn học giỏi, mỗi đứa đầu do bại não là không làm được gì, chứ mấy đứa em đều phụ giúp Kiều Anh và bà ngoại việc nhà, chỉ mong sao ông trời thương mấy đứa nhỏ mồ côi".
Mơ gia đình luôn được sum vầy bên nhau
Hiện mấy chị em Kiều Anh đang sống cùng bà ngoại. Bà cho biết: "Hôm đưa tang mẹ nó, cả làng ai cũng khóc mỗi mình nó (Kiều Anh) là không. Nó như dại đi từ khi nhận được tin mẹ nó bị ung thư". Cô bé không khóc vì ngây thơ tin người ta nói: "Nếu con khóc thì quỷ thần sẽ đưa mệ (bà ngoại - PV) hoặc chị đi mất...".
Gạt nước mắt bà kể tiếp: "Ai cũng bảo con bé đừng thi chuyển cấp nữa, để qua năm rồi thi, vì có học hành được gì đâu mà thi, rồi lại thi không đạt thì con bé sống chi nổi". Không có thời gian ôn thi nhưng cô bé vẫn vượt qua kỳ thi với số điểm khá cao 19,5 điểm. Vào THPT, do có thành tích cao trong cấp 2 nên cô bé đã được tuyển vào ban A lớp 10A1 - Trường THPT Gio Linh.
Mỗi tối cô bé thường ôm đứa em Quang Ánh để ngủ cùng, Kiều Anh nói: "Quang Ánh còn nhỏ nên không biết gì, Ánh chỉ thích chơi điện tử thôi, cũng may hai đứa em con cũng không bị đau ốm nhiều". Không ai ngoài bà ngoại của Kiều Anh biết rằng cô bé vẫn thường khó ngủ và hay khóc mỗi khi nhớ mẹ. "Mỗi lần thằng Ánh trở mình thì con bé cũng tỉnh giấc, nó nhớ mẹ nó...".
Cô bé chỉ có mong ước nhỏ nhoi: "Mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau".
Mặt dù gặp bao bất hạnh và công việc bận rộn trong kỳ 1 năm học lớp 10 tổng kết các môn học của Kiều Anh đều đạt thành tích cao như môn Lý: 7,2 Địa: 7,8 Văn: 7,2 Sử: 8,2 Hóa: 7,0...
Những ngày cuối năm, khi những người bạn cùng trang lứa sum vầy cùng cha mẹ, sắm sửa quần áo mới thì cô bé Kiều Anh phải lo sắm sửa đồ đạc, cùng bà ngoại chuẩn bị cái tết không có mẹ và cha. "Em chỉ chuẩn bị đồ để lo thờ mẹ, ba. Ngày tết em chỉ đi thăm các chú, các bác bên hàng xóm rồi về, vả lại nhà cũng không có ai trông, rồi còn mệ, chị và các em nữa".
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên dạy môn vật lý đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm của Kiều Anh. nói: "Ở lớp Kiều Anh luôn là một học sinh gương mẫu và chăm chỉ, học lực khá nên em vẫn thường giúp đỡ các bạn trong học tập".
Cô cũng cho biết thêm mặc dù các bạn cũng như cô giáo chủ nhiệm luôn tạo điều kiện giúp Kiều Anh nghỉ các buổi lao động tại trường nhưng không một buổi sinh hoạt tập thể hay lao động nào lại vắng mặt Kiều Anh. Tại lớp, Kiều Anh luôn hòa nhã với bạn bè nhưng em vẫn trầm tính và sống khép mình.
Kiều Anh cúi đầu khi nói với tôi mong ước của mình: "Giờ đây em không dám ước mẹ có thể sống lại, em chỉ mong mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau".
Theo VTC News
ĐH FPT trao học bổng Nguyễn Văn Đạo trị giá 3 triệu USD Sáng nay ĐH FPT công bố cấp hơn 300 suất học bổng toàn phần mang tên cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo cho học sinh xuất sắc của 100 trường THPT trên toàn quốc. Để thu hút và bồi dưỡng nhân tài cũng như tưởng nhớ công ơn của cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo - nguyên Giám đốc...