Xung quanh những đề thi đổi mới
Là những đề thi, đề kiểm tra yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức thực tiễn cuộc sống, kiến thức của nhiều môn học vào bài làm.
Tuy nhiên, không phải tất cả đề thi kiểu này đều được xã hội nồng nhiệt đón nhận.
Dè dặt với đề thi “tích hợp liên môn”
Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố do Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức ngày 22/3/2016 đã khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện một môn thi mới: môn kiến thức tổng hợp thực tiễn.
Nhận xét về đề thi này, phó hiệu trưởng một trường THCS nổi tiếng ở TP HCM nói: “Thật ra đề thi không khó. Nội dung đề thi được trình bày theo kiến thức của nhiều môn học: văn, sinh, địa, toán… Điểm đáng ghi nhận là nội dung đề thi rất gần gũi với cuộc sống của học sinh và mang tính giáo dục cao. Ví dụ phần nói về một học sinh bị thừa cân nên nhiều lúc em ấy uể oải, mệt mỏi, hồi hộp, mau quên…, về thói quen uống nước ngọt của nhiều bạn trẻ hiện nay. Qua đó, học sinh đã biết tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), biết cách sinh hoạt, ăn uống để giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, đề thi quá dài dòng nên có học sinh làm lạc đề”.
Kết quả cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi với một số giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh thì có người khen, kẻ chê đề thi môn kiến thức tổng hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, nói như một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM: “Có thể năm đầu tiên đề thi chưa đáp ứng được mong mỏi của số đông, nhưng điều này hoàn toàn có thể khắc phục được trong những năm sau. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận: đây là điểm mới tích cực về công tác đánh giá học sinh”.
Học sinh các trường THCS trên địa bàn TP HCM làm thủ tục tham dự kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp TP năm 2016, tại hội đồng thi Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1. Đây là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP HCM đưa vào kỳ thi này môn thi kiến thức tổng hợp thực tiễn. Ảnh: Như Hùng .
Trong khi việc dạy học theo hướng tích hợp liên môn đang được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi thì việc kiểm tra, đánh giá những đề thi theo hướng này vẫn còn dè dặt, theo kiểu vừa làm vừa nghe ngóng. Đó là do học sinh, giáo viên vẫn chưa quen với cách dạy và học theo kiểu mới: học – hiểu – vận dụng chứ không phải học thuộc lòng.
Trước đây, một đề kiểm tra môn hóa học của thầy giáo Nguyễn Xuân Trung – giáo viên Trường THPT Hồng Bàng, Hải Phòng – từng dậy sóng dư luận giới teen khi đề cập đến ca sĩ Sơn Tùng: “Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng đã bị sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng”.
Đề kiểm tra này đã khiến học sinh rất hào hứng và cũng đạt được yêu cầu là kiểm tra kiến thức môn học. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường cho biết đề kiểm tra theo cách mới mẻ này chỉ được thầy Trung ra cho học sinh ở lớp ôn luyện buổi tối mà thôi.
“Nếu là đề kiểm tra chính thức của trường, chúng tôi sẽ phải cân nhắc. Chúng tôi ủng hộ cái mới, nhưng cũng phải thận trọng” – lãnh đạo trường này chia sẻ.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng từng có năm ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 với câu hỏi mở mang tính tích hợp liên môn: kiến thức văn học, giáo dục công dân, lịch sử, giáo dục an ninh quốc phòng, khi yêu cầu thí sinh từ tác phẩm văn học đã được học, “trình bày suy nghĩ về người chiến sĩ canh giữ biển đảo”.
Đề thi này gây nên tranh cãi, với nhiều ý kiến trái chiều. Kết quả thi năm đó, phổ điểm môn văn tụt xuống đáng kể, điểm chuẩn vào các trường top đầu hạ 3-4 điểm. Chính vì điều này mà ngay năm sau, cũng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội đã chọn giải pháp an toàn khi ra đề văn hoàn toàn truyền thống.
Và… bị phản ứng
Năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT TP HCM đẩy mạnh công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, bằng cách yêu cầu tất cả các phòng GD-ĐT quận huyện phải ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho các khối 6, 7, 8, 9. Và những đề thi đổi mới lại vấp phải sự phản ứng không ít của dư luận.
Trong đó có trường hợp của Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận khi ra đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn văn cho học sinh lớp 6: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên, Con cò). Từ ý thơ trên, em hãy kể một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử”.
Và đề thi này đã gây bão trên mạng vì một số giáo viên cho rằng học sinh lớp 6 không thể hiểu tình mẫu tử là gì thì sao làm bài được? Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: nếu học sinh không hiểu thì khi đọc hai câu thơ trên sẽ hiểu ngay nội dung đề.
Tương tự, Phòng GD-ĐT quận 9 ra đề kiểm tra môn sinh cuối học kỳ 1 cho học sinh lớp 7 khá mới mẻ.
Sau khi cung cấp những thông tin về đặc điểm, cách phát hiện bệnh sốt xuất huyết thì đề kiểm tra yêu cầu: “Từ thông tin trên, em hãy đưa ra một khẩu hiệu nhằm tuyên truyền cho việc phòng chống sốt xuất huyết”.
Đề kiểm tra này làm nức lòng nhiều người quan tâm đến giáo dục nước nhà, nhưng nhiều phụ huynh đã phản ứng dữ dội: đề kiểm tra môn sinh mà ra như môn văn, làm sao học sinh viết được khẩu hiệu tuyên truyền như người lớn chứ! Theo một số chuyên viên bộ môn Phòng GD-ĐT quận 9: “Sự phản ứng của dư luận khiến chúng tôi rất nản. Nếu không được cấp trên ủng hộ thì lại quay về kiểu cũ cho an toàn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định: “Phản ứng là điều đương nhiên trong quá trình đổi mới. Nếu bình tĩnh xem lại thì những người phản ứng là giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa quen với việc đổi mới cách dạy và học. Lâu nay học sinh quen với cách học thuộc lòng, giáo viên cũng quen soạn đề cương sẵn cho học sinh học thuộc để đi thi. Khi gặp đề thi đổi mới yêu cầu các em phải tư duy, phải vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì các em không làm được. Thế là phản ứng thôi. Công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh được xem là khâu đột phá trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, nên TP HCM đang quyết liệt thực hiện”.
Đề thi đổi mới xuất hiện ngày càng nhiều
Cô giáo Nguyễn Kim Anh – Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – cho biết: “Việc ra đề thi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức liên môn, chúng tôi đã làm từ nhiều năm trước. Tuy nhiên khi đó vẫn dè dặt vì chưa phải việc được “bật đèn xanh” từ trên, và học sinh cũng còn nhiều bỡ ngỡ, cần có thời gian làm quen. Nhưng khoảng hai năm học gần đây, những đề thi dạng đổi mới xuất hiện nhiều hơn. Tại trường chúng tôi, việc dạy học bằng cách cho học sinh tự quan sát, cảm nhận qua các sự kiện, các hoạt động hoặc chuyến đi thực tế do trường hoặc tổ bộ môn tổ chức rất nhiều, nên đề kiểm tra cũng sinh động và dễ tích hợp hơn”.
Theo Vinh Ha – Hoang Hương / Tuôi Tre
Nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai thế nào?
Năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn xong chương trình, từ đó hoàn tất sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, lớp 10; đảm bảo để đến năm 2018 bắt đầu thay sách cuốn chiếu ở ba cấp.
Trao đổi với Zing.vn sáng 15/2, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực hiện theo chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ sách. Bộ GD&ĐT đưa ra các tiêu chí cụ thể về sách giáo khoa và chịu trách nhiệm thẩm định, trước khi cho phép bộ sách hoặc cuốn sách đó được lưu hành trên thị trường.
Năm 2018 sẽ bắt đầu đổi mới chương trình sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Giáo Dục TP HCM.
Thực hiện theo hình thức cuốn chiếu
Năm 2016, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn xong chương trình, từ đó hoàn tất sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, lớp 10; đảm bảo để đến năm 2018, bắt đầu thay sách cuốn chiếu ở 3 cấp. Đến năm 2023, việc thay sách sẽ hoàn tất từ lớp 1 đến lớp 12.
Trước đó, ngày 28/11/2015, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Với việc thông qua Nghị quyết này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình tổng thể trước, sau đó đến chương trình môn học; Tiếp đó mới xây dựng đến bộ đề cương sách giáo khoa và sách giáo khoa của từng môn. Lần này sẽ có một tổng chủ biên toàn bộ chương trình và chủ biên từng môn học. Quy trình phải khoa học và bài bản hơn lần làm chương trình, sách giáo khoa trước.
Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình mới sẽ bao gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 gồm bậc tiểu học và THCS, là giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp hình thành năng lực tự học và trang bị những kiến thức cần thiết để sau khi hoàn thành lớp 9, người học đủ khả năng học nghề hay làm việc kiếm sống. Các môn sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp và bậc tiểu học sẽ học 2 buổi một ngày.
Giai đoạn thứ hai định hướng nghề nghiệp, gồm 3 năm THPT. Học sinh sẽ học một số môn bắt buộc, còn lại là môn tự chọn, để chuẩn bị cho việc thi vào đại học, cao đẳng. Vấn đề đặt ra với đề án lớn như vậy, những điều kiện cần thiết để thực hiện như đội ngũ giáo viên có khả năng dạy tích hợp, cơ sở vật chất của các trường có đáp ứng được hay không?
Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án với mức kinh phí 778 tỷ đồng, không bao gồm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo mới đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ Tài chính xây dựng thông tư quy định từng khoản chi cụ thể.
Nên thay thế chứ không xóa toàn bộ sách giáo khoa cũ
Trước đó, ngày 14/2 có thông tin năm 2016, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam đều bác bỏ thông tin năm 2016 sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam.
Bàn luận về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng cho rằng, với chương trình đã được phê duyệt, hãy đổi mới theo cách tiết kiệm.
Cụ thể, nội dung nào của sách giáo khoa không phù hợp yêu cầu mới thì thay thế. Nội dung nào còn sử dụng được (với phương pháp dạy học mới) thay thế dần và tham khảo dịch nguồn các nước tiên tiến.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề xuất: Bộ GD&ĐT có thể cho dịch một số bộ sách giáo khoa các môn Khoa học Tự nhiên, Ngoại ngữ và Khoa học Xã hội. Cách làm này Hàn Quốc đã thực hiện. Các tổ chức, cá nhân khác có thể biên soạn những bộ sách khác trên cơ sở tham khảo bộ sách nước ngoài này.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Trong đổi mới căn bản toàn diện này, nếu chỉ đổi mới chương trình sách giáo khoa là chưa được, vai trò, chất lượng giáo viên rất quan trọng. Một chương trình hay luôn cần những người thầy giỏi.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, các bộ sách giáo khoa phải đảm bảo tiêu chí: Viết đúng chương trình, dễ đọc, dễ hiểu, theo hướng tiếp cận năng lực, không mang tính chất học thuộc, nhiều ứng dụng bởi hình ảnh, bài tập.
Theo một chuyên gia giáo dục, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm được nhiều nước tại Châu Mỹ, Châu Âu áp dụng. Bộ Giáo dục hoặc cơ quan được Chính phủ ủy nhiệm phê duyệt một chương trình khung cho từng lớp, bậc học. Các nhà xuất bản căn cứ chương trình trên xây dựng bộ sách giáo khoa của riêng mình và trình Bộ Giáo dục (hoặc cơ quan tương đương) xem xét và phê duyệt.
Đến lượt các trường, căn cứ các bộ sách giáo khoa sẵn có trên thị trường lại thành lập hội đồng đánh giá của mình để lựa chọn bộ sách phù hợp mục tiêu đào tạo. Sách giáo khoa được hội đồng lựa chọn sẽ được chỉ định áp dụng cho toàn trường.
Tuy vậy, giáo viên của từng môn cũng lại được quyền tự chủ nhất định trong việc điều chỉnh, bổ sung bài giảng từ bộ sách giáo khoa khác trong quá trình giảng dạy.
Theo Zing
Sơn nữ và những câu chuyện về đổi mới giáo dục Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) được biết đến không chỉ bởi là người đầu tiên thực hiện thí điểm VNEN mà còn nhận giải thưởng dành cho giáo giới Đông Nam Á. Gặp cô Dung ngay tại ngôi trường mà cô đang công tác - trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai), tôi khá ấn tượng...