Xứng danh vùng đất học Hà Tĩnh
Trong tiến trình phát triển, Hà Tĩnh đã hình thành nên những truyền thống văn hóa độc đáo, trong đó, truyền thống hiếu học như một mạch nguồn bền sâu, nuôi dưỡng bao thế hệ hiền tài cho quê hương, đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho em Võ Thị Kim Anh (lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc – thủ khoa khối B duy nhất cả nước đạt 3 điểm 10 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Truyền thống hiếu học – nền tảng vững chắc cho những quyết sách đổi mới
Hà Tĩnh được mệnh danh là “vùng đất chảo lửa túi mưa”, nhưng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên lại là phép thử, là động lực hình thành nên nên bản sắc người Hà Tĩnh kiên cường và cầu tiến.
Trải bao biến động của lịch sử, người Hà Tĩnh vẫn nuôi dưỡng, duy trì truyền thống hiếu học, khoa cử, không thời kỳ nào, tỉnh không có những cá nhân kiệt xuất ghi danh trong trong bảng vàng đất nước.
Làng Tiên Điền ( Nghi Xuân) nổi danh với dòng họ Nguyễn ( Ảnh: Nguyễn Thanh Hải )
Đúng như câu thơ của Bùi Dương Lịch: “Gẫm ra trời đất sắp bày/ Lần ra phong thổ xưa nay khác thường”, dẫu ở những miền đồng bằng hay trung du, núi đồi, ở đâu cũng có những làng khoa bảng nổi danh.
Dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân) với các tên tuổi: Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Khản; dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Can Lộc (thế kỷ XVIII) được sử sách lưu danh bởi ba cha con ông cháu: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ; dòng họ Nguyễn Khắc, Đinh Nho (Hương Sơn) với những tên tuổi như: Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, Viện sỹ Nguyễn Khắc Viện, Tiến sỹ Đinh Nho Công, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn….
Nhiều dòng họ khác trên các vùng quê Hà Tĩnh cũng đã đóng góp cho dân tộc những bậc tuấn kiệt như: Nguyễn Công Trứ đa tài, khí phách hiên ngang như bóng tùng trên 99 ngọn núi Hồng; Nguyễn Thiếp giỏi lý học; Sử Hy Nhan, Phan Huy Ích tinh thông sử học, Bùi Cầm Hổ có tài kinh bang tế thế; Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng với khí tiết xả thân vì dân tộc; Bùi Dương Lịch, Phan Nhật Tĩnh – những nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa xuất sắc.
Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có những tên tuổi lớn rạng danh như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh… cùng nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ.
Video đang HOT
Trong các triều đại phong kiến, làng Đông Thái có 24 người đỗ đại khoa tiến sỹ, trong đó có nhiều danh nhân nổi tiếng.
Ngọn lửa tinh thần hiếu học tự ngàn xưa vẫn luôn được cháu con giữ gìn và tiếp nối. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Tĩnh vẫn thực hiện tốt đường lối giáo dục của Đảng. Hà Tĩnh tự hào trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước xóa mù chữ vào năm 1949.
Sau khi tái lập tỉnh, ngành giáo dục đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giáo viên, học sinh, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đạt những kết quả quan trọng.
Vững bước trên chặng đường mới
Không lâu sau ngày tái lập tỉnh, Trường Năng khiếu Hà Tĩnh (nay là Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) được thành lập để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh là nơi bồi dưỡng nhân tài.
Nhiều nghị quyết quan trọng về giáo dục được ban hành đã giúp Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, từng bước đổi mới, tiến lên trên những chặng đường mới. Năm 1992, Hà Tĩnh nằm trong tốp đầu cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ; năm 2002, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; năm 2013, đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Trở thành điểm sáng toàn quốc trong việc triển khai chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia vào năm 1997, đến nay, toàn tỉnh có 534/667 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 80,05%.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Luồng gió mới từ tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã về khắp các trường học từ miền ngược đến miền xuôi trên địa bàn tỉnh. Phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành đã được các giáo viên tích cực tham gia. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giảng dạy, thực hiện những mô hình: trường học thông minh, trường học kết nối cùng những sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học đã tạo nên sự phát triển toàn diện cho giáo dục Hà Tĩnh”.
Ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy đã giúp học sinh phát huy năng lực. (Ảnh tư liệu: Giờ học ở Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà).
Từ sự quan tâm của các thầy cô giáo trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng và khát vọng chinh phục kiến thức, mở rộng cánh cửa tương lai, học sinh Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn tới, tự tin khẳng định mình trên đấu trường quốc tế.
Những gương mặt tiêu biểu như: Võ Anh Đức (HCV Olympic Toán quốc tế 2013); Nguyễn Thị Việt Hà (HCĐ Olympic Toán quốc tế 2015); Phan Nhật Duy (HCV Olympic Toán quốc tế 2017); Nguyễn Đình Đại (HCB Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương 2017)… đã ghi danh trên bảng vàng truyền thống, góp phần khẳng định vị trí của giáo dục Hà Tĩnh trên bản đồ thành tích cả nước.
10 học sinh xuất sắc của Hà Tĩnh được Bộ GD&ĐT quyết định tuyển thẳng vào các trường đại học tốp đầu cả nước năm 2021.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 – 2021, Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về chất lượng với 89/100 em tham gia dự thi đạt giải (chiếm tỷ lệ 89%).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khẳng định bước tiến mới về chất lượng đại trà khi toàn tỉnh có 578 điểm 10, có 613 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên; điểm bình quân xếp thứ 18 cả nước, tăng 7 bậc so với năm trước.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, GD&ĐT Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục có những bước đi vững chắc trong hành trình đổi mới, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Nam sinh đạt điểm cao nhất khối A1 ở Hà Tĩnh
Học sinh có điểm cao nhất khối A1 ở Hà Tĩnh là Trương Quang Đạt, lớp 12 Toán 2, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với tổng điểm 29,3 (Toán 10, Vật Lý 9,5 và Anh 9,8).
Em cũng là thí sinh có điểm số xếp thứ 3 toàn quốc khối A1.
Trương Quang Đạt
"Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, cháu đã dự đoán được kết quả bằng cách so sánh bài làm với đáp án, nhưng tôi vẫn thấp thỏm lo âu. Từ hôm công bố kết quả đến nay, tôi mới tin đó là sự thật, vui đến trào nước mắt", chị Dương Thị Nga - mẹ Đạt (làm nghề giáo viên) chia sẻ niềm vui.
Thành công của Đạt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình tích lũy kiến thức, quyết tâm vươn lên.
Đạt cho biết: "Từ thời tiểu học, em đã được mẹ rèn luyện, dạy dỗ một cách nghiêm khắc, từ đó hình thành trong em tính tự giác cao trong học tập. Theo bước của anh trai - cựu học sinh lớp Toán 1 Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, em cũng đã phấn đấu hết mình để được học tập trong môi trường chất lượng hàng đầu của tỉnh. Năm đầu tiên trở thành học sinh trường chuyên, em đã có một kỷ niệm khó quên, đó là sự thất bại trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán. Đi qua nỗi buồn, với sự động viên của những người thân trong gia đình, bạn bè và thầy chủ nhiệm, em đã từng bước vượt lên để bắt đầu một hành trình mới".
Đạt giành nhiều thời gian tìm kiếm các dạng đề trên mạng để tự luyện.
Ước mơ trở thành sinh viên ngành Khoa học máy tính - một trong những chuyên ngành hàng đầu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đạt đã xác định sớm để đầu tư cho các môn khối A1 gồm Toán, Lý, Anh.
Mỗi môn, em có cách học riêng và phân chia thời gian hợp lý. Ở môn tiếng Anh, ngoài việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, làm đề, mỗi ngày Đạt tự đặt cho mình mục tiêu phải thuộc 20 từ mới. Môn Vật lý em chú trọng việc học thuộc phần lý thuyết trong sách giáo khoa và bám sát tất cả các dạng đề thi. Môn Toán là môn em tự tin nhất vì đã có nền tảng vững vàng, nhưng không vì thế mà chủ quan. Em thường cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản, học hỏi thêm những phần nâng cao từ thầy, từ bạn và từ anh trai.
Đặt mục tiêu cao, nhưng Đạt chưa bao giờ tạo áp lực cho mình. Thời gian học của em không nhiều, giai đoạn tập trung cao độ nhất là cách ngày thi 1 tháng, nhưng em cũng chỉ học đến khoảng 12 giờ đêm. Bởi, em nghĩ rằng, khi tập trung cao độ sẽ hiệu quả hơn so với kéo dài thời gian học. Dù bận đến đâu, mỗi ngày, Đạt đều dành thời gian cho bóng đá - môn thể thao em yêu thích.
Em Nguyễn Trường An, bạn thân của Đạt cho biết: "Chúng em thường học chung, chia sẻ cho nhau những tài liệu hay, cách giải bài tập khó. Đạt là người ít nói nhưng sống nhiệt tình, tham gia tích cực các phong trào hoạt động của lớp, bạn còn là cầu thủ chủ lực trong đội bóng của lớp em. Em ngưỡng mộ và quý mến Đạt bởi sự nghiêm túc trong học tập. Trong mọi việc, bạn luôn đề ra kế hoạch cho mình và quyết tâm bằng mọi cách để thực hiện hiệu quả kế hoạch ấy".
Thầy giáo chủ nhiệm Trần Thế Hùng (ngoài cùng bên trái) chúc mừng kết quả đáng tự hào của cậu học trò cưng
Những ngày này, ngôi nhà của gia đình Đạt ở phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) luôn ngập tràn niềm vui. Thầy Trần Thế Hùng - giáo chủ nhiệm cũng đã đến chúc mừng thành tích đáng tự hào của học trò cưng.
Thầy cho biết: "Mặc dù có chút hụt hẫng ở lớp 10, nhưng em đã nhanh chóng khắc phục, lấy lại phong độ, để càng về chặng cuối em lại càng phát huy tốt. Giải nhì cấp tỉnh môn Toán lớp 12 và đặc biệt là kết quả xuất sắc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là phần thưởng xứng đáng, em đã không phụ sự kỳ vọng của chúng tôi".
Trương Quang Đạt đã khép lại tuổi học trò bằng kỷ niệm đẹp, bằng bài học quý giá về những nỗ lực để đi đến thành công. Điểm số 29,3 đã giúp em chạm vào giấc mơ trở thành sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hà Tĩnh: Tặng bằng khen cho nữ sinh giành 3 điểm 10 khối B Ngày 28-7, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông đã đến tặng hoa chúc mừng và trao bằng khen biểu dương em Võ Thị Kim Anh (lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh Lê Thành Đông...