Xúc động hình ảnh học sinh ngồi bệt đón khai giảng tại bản nghèo nhất Đắk Nông
Đọc xong bức thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước trong ngày khai giảng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính nghẹn ngào hỏi học sinh: “Từ trước tới nay các em chưa từng nghe thấy tiếng trống, nhưng bắt đầu từ năm nay các em đã có trường đẹp, có trống mới để gọi học sinh vào lớp, các em có vui không?”…
Khai giảng ở nơi thiếu ánh nắng mặt trời
Trước giờ khai giảng, học sinh của hai bản Đoàn Kết, Tân Lập đã tập trung đông đủ dưới sân Trường Tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Hôm nay trời tạnh ráo sau chuỗi ngày mưa dầm khiến tất thảy giáo viên, phụ huynh và học sinh đều rạng rỡ, vui vẻ.
Thầy Hoàng Văn Quyết, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính cho biết: “Trường được thành lập từ năm ngoái nhưng đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức lễ khai giảng trang trọng và ý nghĩa như thế này.
Nếu như những năm trước, học sinh phải đi cả 30km mới đến được điểm chính thì bây giờ đoạn đường rút ngắn chỉ còn một nửa, thầy trò chúng tôi hạnh phúc lắm!”.
Hình ảnh các em học sinh ngồi bệt háo hức trong lễ khai giảng lần đầu trong đời đối với phần lớn các em.
Nói rồi, thầy Quyết phân trần, Tân Lập và Đoàn Kết có thể coi là hai bản nghèo nhất tỉnh Đắk Nông với hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là hộ nghèo.
Ba tháng vừa qua, không ngày nào ở đây không mưa, mưa từ sáng đến tối, mưa từ ngày này qua ngày khác. Mưa nhiều, khiến con đường độc đạo nối liền hai bản không còn là đường nữa vì đất nhão nhoẹt và đầy sình lầy.
Chính vì vậy, càng gần đến ngày khai giảng, thầy cô giáo của Trường Tiểu học Vừ A Dính lại càng thấp thỏm khi cơn mưa vẫn chưa chịu dứt.
“Những tháng hè, thầy cô giáo vẫn phải đi lại giữa hai bản này, một là để trông coi, cải tạo lại trường; hai là vận động học sinh để các em đi học đầy đủ khi vào đầu năm học mới.
Có thời gian, không một chiếc xe máy nào đi được trên con đường nối liền hai bản, giáo viên đã vào là không còn đường ra, phải “chôn chân” ở đó hai ba tuần liền, chờ ngày tạnh ráo thì đi ủng, lội bộ ra ngoài xã”, thầy Quyết kể.
Lần đầu tiên, học sinh hai bản nghèo nhất Đắk nông được tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa
Ánh mắt của thầy Quyết bỗng rạng rỡ hơn khi chỉ tay về vạt nắng hắt vào căn phòng làm việc của mình. Thầy hồ hởi: “Đấy, thế mà ba hôm nay lại có nắng. Nắng chỉ ít thôi nhưng cũng đủ để con đường khô lại một chút, đủ để tâm trạng mọi người phấn chấn lên …và đặc biệt đủ để cho học sinh của hai bản tề tựu lại đây đông đủ ngày khai giảng”.
Giáo viên gọi học sinh đến trường
Đối với cả thầy và trò của trường Tiểu học Vừ A Dính, lễ khai giảng đầu tiên tại ngôi trường mới thành lập rất ấm cúng và vui vẻ. Tuy nhiên, để học sinh đến dự ngày hội khai trường này, nhiều giáo viên phải dậy từ sớm, đến từng nhà học sinh để gọi các em.
Hơn 5 giờ sáng, sương mờ vẫn giăng kín khắp bản, thi thoảng mới có một số căn nhà sáng đèn. Thế vậy mà, ở ngoài đường đã nghe râm ran cuộc nói chuyện giữa mấy thầy cô điểm trường Đoàn Kết với trưởng bản Tráng A Dơ và bí thư chi bộ Lê Văn Cần. Đó là các thầy cô giáo đang phân công nhau đến nhà một số học sinh để gọi các em đi khai giảng.
Học sinh đến trường ngày khai giảng
“Mưa nhiều quá, thành thử ra học sinh “ngại” đến trường, chúng em thống nhất với cán bộ thôn là sẽ đến từng nhà vận động các em đi khai giảng. Cũng nản lắm chứ, đáng lẽ giáo viên chúng em phải tập trung ở điểm trường chính để chuẩn bị khai giảng, nhưng chúng em xin nhà trường ở lại bản để sáng cùng đi với học sinh.
Video đang HOT
Cứ nghĩ đến cảnh toàn trường tập trung đông đủ, học sinh háo hức vui tươi, giáo viên chúng em lại có động lực đến từng nhà để gọi học sinh”, nữ giáo viên 24 tuổi, Tạ Thị Thúy lành tâm sự.
Đúng 6 giờ sáng, thầy trò điểm trưởng Đoàn Kết bắt đầu đi bộ ra điểm trường chính tại bản Tân Lập. “Mọi hôm đi mệt lắm anh ạ, đi một lúc là phải nghỉ tạm bên vệ đường. Thế mà hôm nay khỏe thật, chắc sáng nay ăn chắc dạ nên cứ băng băng lội bùn đất mà đi”, cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên tại điểm trường bản Đoàn Kết nói đùa với chúng tôi trên con đường dài gần 10km đến điểm trường chính.
Nhiều thầy cô bám bản đến tận sáng 5/9 để vận động học sinh đi khai giảng
Cô Hà cùng 4 thầy cô khác phải lội bộ từ bản Đoàn Kết ra đến đầu bản Tân Lập rồi mới có người khác đón. Hôm nay, hành trình đến trường không chỉ có các thầy cô mà còn có rất nhiều em học sinh khác, nên đoạn đường heo hút hàng ngày nay bỗng rộn rã tiếng cười nói.
Nữ giáo viên gạt vội mấy giọt mồ hôi trên trán rồi hóm hỉnh giới thiệu cho chúng tôi nhóm 5 đứa trẻ đang đi đầu tiên: “Dẫn đầu đoàn là anh em nhà Vàng Seo Sủng, chúng nó học khá lắm, lại khỏe nên háo hức chạy trước.
Tối qua trời có mưa nhỏ, mấy đứa trẻ sợ đi đường lầy, quần áo đẹp sẽ bị bẩn nên bỏ vào một cái bọc mang theo trên người, đến trường mới lấy ra mặc”.
Phút nghỉ ngơi của cô trò trên đường đến trường khai giảng
Vượt qua đoạn đường gần 10km gồ ghề, lầy lội thầy trò của bản Đoàn kết mới điểm trường chính khi đồng hồ đã báo hơn 7h. Năm học này, Trường tiểu học Vừ A Dính có gần 500 học sinh các cấp, việc trường lần đầu tiên được tổ chức khai giảng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho cả giáo viên lẫn phụ huynh.
Ban giám hiệu nhà trường hy vọng, năm học mới, toàn thể thầy cô giáo và học sinh sẽ vượt qua những khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất để có một năm thành công.
Dương Phong
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Nhiều trường nơi vùng lũ phải lùi ngày khai giảng do vẫn đang bị chia cắt
Đã hơn một tuần trôi qua, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang bị cô lập do mưa lũ gây ra nên việc tiếp cận với địa phương này vô cùng khó khăn. Vượt qua những gian khó do thiên tai gây ra, các thầy cô giáo và học sinh nơi vùng biên Mường Lát nô nức đến trường trong ngày khai giảng năm học mới. Hiện vẫn còn một số trường phải lùi lại thời gian khai giảng năm học mới do ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Nhiều điểm trường bị sạt lở, vùi lấp trước thềm năm học mới
Ngày khai giảng năm học mới đã đến, nhưng tại huyện vùng biên Mường Lát vẫn còn đó bao bộn bề gian khó. Mưa lũ đi qua, nhiều trường học bị nước lũ cuốn trôi, sạt lở đất vùi lấp. Đây đó là những cảnh tượng hoang tàn, với những thiệt hại nặng nề về trường lớp, trang thiết bị dạy học.
Nhiều điểm trường tại huyện Mường Lát bị sạt lở vùi lấp
Những ngày qua, để kịp đến trường khai giảng năm học mới, biết bao thầy cô giáo phải đi bộ vượt quãng đường hàng chục km bị chia cắt nghiêm trọng do sạt lở đất gây ra.
Vượt lên những hậu quả do thiên tai, gác lại bao nhọc nhằn, gian khó, các thầy cô giáo và học sinh nơi vùng biên Mường Lát đã nỗ lực hết mình, khắc phục những hậu quả do mưa lũ để lại, chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhất cho ngày khai giảng năm học mới.
Dù vẫn còn bao gian nan đón đợi phía trước, nhưng hòa chung trong niềm không khí hân hoan của ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, hơn 11 nghìn học sinh và các thầy cô giáo Mường Lát đã bước vào năm học mới.
Dù vừa trải qua cơn lũ kinh hoàng, nhưng ngành giáo dục huyện Mường Lát đã tổ chức khai giảng năm học mới đúng kế hoạch
Người dân cũng như các thầy cô giáo và học sinh chưa thể quên đi trận mưa lũ kinh hoàng diễn ra từ ngày 28 - 31/8 vừa qua khiến huyện Mường Lát trở nên tan hoang, cả huyện đang bị cô lập, nhiều bản làng bị vùi lấp.
Riêng ngành giáo dục cũng chịu thiệt hại nặng nề khi có 9 điểm trường bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở của học sinh bị đất đá vùi lấp.
Mưa lũ gây sạt lở đất, chia cắt về giao thông nên hầu hết các tuyến đường còn ngổn ngang bùn đất, sạt lở nghiêm trọng. Con đường dẫn vào trường tiểu học Tam Chung, xã Tam Chung còn ngổn ngang bùn đất nhưng từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã đưa con em vượt suối, băng rừng đến trường để dự ngày khai giảng năm học mới.
Từ sáng sớm, phụ huynh đã đưa con em đến trường khai giảng năm học mới
Những điểm trường còn ngập bùn đất
Nhìn không khí sân trường với cờ hoa rực rỡ, mọi người như tạm quên đi trận lũ lụt kinh hoàng vừa xảy ra. Những lời ca, tiếng hát "cây nhà lá vườn" vẫn ngân vang giữa núi rừng vùng biên.
Tuy nhiên, hậu sạt lở đất đã khiến nhiều phòng học, nhà bán trú, nhà công vụ giáo viên bị vùi lấp; nhiều lớp học chưa thể bắt đầu cho năm học mới.
Dù các trường đã nỗ lực chuẩn bị cho ngày khai giảng, tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn bùn đất tràn vào các phòng học và sân trường nên việc khắc phục vẫn cần phải mất một thời gian nữa.
Sau buổi lễ khai giảng, các thầy cô giáo cũng như các em học sinh lại tiếp tục công việc dọn dẹp, vệ sinh lại trường lớp học để sớm ổn định việc dạy và học.
Học sinh vượt khó khăn đến trường khai giảng
Ngoài ra, theo Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, địa phương này hiện có 112 điểm trường lẻ, trong đó có gần 30 khu lẻ, học sinh phải học ở lớp tạm và lớp tranh tre nứa lá xuống cấp, ẩm ướt, dột nát, thiếu sân chơi cho học sinh...
Trong khi đó, sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhiều trang thiết bị dạy học bị vùi lấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bán trú tại nhiều trường bị ngập trong bùn đất, hư hỏng không đủ điều kiện cho việc học tập và ăn ở của học sinh.
Không những thế, nguồn lương thực tại chỗ cho các bếp ăn bán trú bị thiếu hụt do hiện nay huyện Mường Lát vẫn bị cô lập.
Học sinh Mường Lát đến trường khai giảng năm học mới
Mặc dù còn đối diện với bao khó khăn, nhưng công tác khai giảng năm học mới của các nhà trường trên địa bàn huyện Mường Lát vẫn được tổ chức theo kế hoạch tại các trường học ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Còn nhiều trường học phải lùi ngày khai giảng
Cùng với việc triển khai theo đúng kế hoạch khai giảng năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát đã chỉ đạo các nhà trường khẩn trương dọn dẹp vệ sinh trường lớp học để đảm bảo việc dạy và học.
Hiện có 3 trường học tại xã Mường Chanh không kịp tổ chức khai giảng năm học mới do địa bàn xã này còn bị chia cắt, cô lập, học sinh chưa thể tập trung đến trường dự khai giảng.
Theo ông Mai Xuân Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát: Do địa bàn xã còn bị chia cắt, nhiều nơi bùn đất lầy lội, hơn nữa việc thông tin liên lạc còn nhiều khó khăn nên chưa thể huy động được hết học sinh đến trường dự khai giảng. Các trường học trên địa bàn xã Mường Chanh sẽ lùi thời gian khai giảng năm học mới dự kiến vào ngày 7 hoặc 8/9.
Phần lớn các trường đã khai giảng năm học mới theo đúng kế hoạch, vẫn còn 3 trường chưa thể tổ chức khai giảng do đang bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ
Ông Giang cho biết thêm: Phòng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương, phụ huynh học sinh khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, phân công giáo viên chủ nhiệm đến nhà vận động các em học sinh vượt qua khó khăn bước vào năm học mới.
Cũng theo ông Giang, với các điểm trường đang bị cô lập và sạt lở nặng, Phòng giáo dục chỉ đạo các nhà trường có phương án bố trí dồn học sinh về các điểm trường, mượn nhà văn hóa thôn, bản hoặc nhà dân để làm lớp học tạm thời nhằm đảm bảo công tác dạy học trong năm học mới.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ sau khi cơn lũ quét qua, nhưng tiếng trống khai giảng năm học mới đã vang lên rộn ràng khắp các điểm trường, báo hiệu một năm học mới bắt đầu.
Trong không khí đó, các thầy cô giáo và học sinh nơi vùng biên Mường Lát quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt để đưa con chữ đến với các em học sinh nơi vùng biên Mường Lát.
Các thầy cô giáo và học sinh Mường Lát dự ngày khai giảng năm học mới
Sau ngày khai giảng, thầy cô và học sinh sẽ lại phải tiếp tục công việc dọn dẹp trường lớp
Dù vừa trải qua trận lũ kinh hoàng, nhưng các thầy cô giáo và học sinh Mường Lát vẫn được hưởng niềm vui trong ngày khai trường
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát đánh trống khai giảng năm học mới tại liên trường Tam Chung
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Nóng hổi "châm ngôn" của học trò Gia Định trong lễ khai giảng "Dù bí không lui/ Dù thua không lùi", "Có thể không bằng ai nhưng có 1-0-2", "Một lý do để sống - Một lý do để ước mơ".... Ngày khai giảng, học sinh các lớp tại Trường THPT Gia Định - ngôi trường truyền thống của TPHCM - đã nâng cao những khẩu hiệu mang ý nghĩa, giá trị sống mang hơi thở...