Xúc động buổi lễ tri ân và trưởng thành của học sinh lớp 12
Tại buổi lễ tri ân và trưởng thành, các em học trò nắm tay bố, mẹ lần lượt lên sân khấu, cúi đầu kính cẩn trước đấng sinh thành và tặng họ món quà do chính tay mình chuẩn bị. Nhiều hộp quà “bí mật” được bọc kín, có quà là tranh, hoa, hay bánh ga tô…
Đó là hình ảnh xúc động tại buổi lễ tri ân và trưởng thành do Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM tổ chức sáng 26/3 cho hơn 580 em học sinh khối 12. Những hình ảnh, lời hứa… xúc động của các em dành cho bố mẹ, thầy cô như khẳng định các con đã lớn.
Giây phút đón nhận tấm lòng của con, nhiều ông bố bà mẹ ôm chặt lấy lấy con, hôn lên tóc, lên má con không kìm được xúc động. Với không ít phụ huynh, đây lần đầu tiên trong đời họ nhận được món quà từ con.
Học sinh khối 12 tặng bố mẹ món quà tri ân.
Giây phút xúc động nhất là khi em Nguyễn Minh Ngọc, học sinh lớp 12A5 bất ngờ xung phong lên hát một ca khúc về mẹ thay cho lời cảm ơn và xin lỗi của mình đến với mẹ. Dù cô học trò tự nhận mình hát rất dở nhưng “món quà” này không chỉ mẹ em mà làm nhiều phụ huynh khác cũng rơi nước mắt.
“Đây là những khoảnh khắc ý nghĩa suốt cuộc đời của bố mẹ và con cái, giây phút này sẽ là hành tranh trên con đường trước mắt của các con”, bác phụ huynh hôm nay đã đóng tiệm ăn uống, gác hết mọi việc để đến chung vui trong lễ tri ân cùng con bày tỏ.
Một nữ sinh bật khóc khi nắm chặt tay cha.
Ngoài tri ân bố mẹ, các em học sinh cũng gửi đến tất cả thầy cô, công nhân viên trong trường lời tri ân bằng những bó hoa tươi thắm. Nhân dịp này, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng tổ chức lễ sinh nhật tuổi 12 cho các em HS lớp 12, đánh dấu các em đã trưởng thành, có đầy đủ mọi quyền lợi và trách nhiệm công dân.
Video đang HOT
Những giây phút hạnh phúc của bố mẹ và con.
Các em học trò tri ân thầy cô bằng những bó hoa tươi thắm.
Các em học sinh cũng được nhà trường tổ chức sinh nhật tuổi 18 đánh dấu sự trưởng thành.
Theo Dantri
Trẻ nông thôn có cần học chữ trước đâu?
"Chúng ta đừng cường điệu hóa quá bởi kiến thức ở chương trình lớp 1 rất đơn giản, chủ yếu là để các con làm quen với chữ cái, phép tính. Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, chúng ta thấy trẻ vẫn biết đọc, biết viết bình thường mà có cần phải đi học trước đâu?".
Đó là chia sẻ của TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) trong cuộc trao đổi chiều 25/3 của Bộ GD-ĐT với báo chí về những tác hại của trào lưu cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1. Tại cuộc trao đổi, Bộ GD-ĐT cũng tiết lộ những biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trên.
Bị "ép" học trước, trẻ dễ bị áp lực
Nhấn mạnh với báo chí, TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) phân tích:"Trước 6 tuổi, trẻ mầm non có chương trình nuôi dạy rất phù hợp với lứa tuổi. Trẻ chơi là chính và có được làm quen với các đồ vật được in chữ cái và chữ số. Cũng có một số hoạt động để cho trẻ làm quen với chữ số. Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, đối với cấp tiểu học thì đầu năm học mới, các trường thường dành ra một tuần để cho trẻ lớp 1 làm quen với nề nếp học tập, trường lớp, bạn bè. Đây là một tuần hoạt động rất quan trọng bởi nó sẽ giúp trẻ làm quen với việc chuyển từ việc đang chơi ở bậc mầm non chuyển sang trạng thái thích thú học".
Từ phân tích này, ông Định khẳng định, việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Nếu cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ làm các em mất đi sự chuẩn bị cần thiết, từ sự chuẩn bị của phụ huynh cho đến tuần hoạt động quan trọng đầu năm học mới. Sự háo hức của trẻ sẽ không còn giữ được như sự nguyên vẹn theo quy luật vốn có của nó. Các cháu được luyện chữ trước sẽ dễ bị chủ quan, ảo tưởng bởi do có tâm lý biết rồi.
"Chúng tôi cũng có khảo sát ở một số trường về hiện trạng trẻ đi học trước và trẻ không đi học trước. Qua phản ánh của các thầy cô thì ban đầu có thể trẻ đi học trước có thể hiểu được nhanh nhưng sau đó lại đuối dần. Qua đây cho thấy, trẻ có sự chủ quan và khi cô giáo giao việc thì hay lơ là" - TS Định nói.
Cũng theo ông Định, nếu người dạy không chu đáo thì việc hướng dẫn cầm bút, tư thế ngồi, cách cầm bút viết chữ sẽ không đạt được sự chuẩn mực. Khi vào lớp 1 mà giáo viên phải sửa những lỗi này thì cực kỳ khó.
Bé gái tên Vân (nhà ở Q.12, TPHCM), ngồi trước nhà làm học viết, học đọc sau khi từ lớp học chữ về. Tháng 9 tới, Vân mới vào lớp 1. (Ảnh: Hoài Nam)
"Kể cả việc có cho trẻ đi học chữ trước với cô giáo chuẩn mực thì việc đi học này được coi là "ép sớm". Chúng ta cứ tưởng tượng, một quả chưa đến độ chín mà chúng ta "ép chín" thì sẽ như thế nào? Đối với trẻ cũng vậy, một khi đã bị "ép sớm" thì tâm lý cũng như sức khỏe của các em cũng dễ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như hệ cơ, hệ thần kinh và gây ra những khuyết tật về sau. Đây là khẳng định của các nhà tâm lý học" - Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cảnh báo.
Dưới góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiếu - phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non phân tích thêm: Không phải ngẫu nhiên mà luật quy định 6 tuổi trẻ bước vào lớp 1. Để xác định độ tuổi đó các nhà nghiên cứu cũng phải đánh giá, phân tích kỹ lưỡng. Chúng ta nên nhớ, vui chơi là hoạt động chỉ đạo của trẻ trong lứa tuổi mầm non. Việc cho trẻ đi học trước chương trình, luyện chữ, làm toán... sẽ tạo cho trẻ áp lực cũng như sự căng thẳng khiến các em bị mệt mỏi.
Phụ huynh cần trang bị gì cho trẻ?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Hiếu khẳng định, nếu học trẻ học đầy đủ chương trình giáo dục mầm non mới thì hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để bước vào lớp 1. Bởi vì, ở lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi trẻ cũng được làm quen với chữ viết, làm quen với nhận biết từ số 1 đến số 10. Việc cho trẻ làm quen như vậy chính là tiền đề để các em bước vào lớp 1.
Bà Hiếu cũng cho rằng, điều phụ huynh nên làm đó là chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1 chứ không nên chạy đua theo trào lưu cho con đi học chữ trước.
"Việc cần làm của phụ huynh là trò chuyện với trẻ về môi trường sắp tới các con sẽ vào như thế nào và khuyến khích trẻ nói suy nghĩ của mình về môi trường đó. Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tập trung chú ý. Phát triển một số kỹ năng thích ứng với hoạt động học tập như biết sẵn sàng hòa nhập, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành, kĩ năng giao tiếp với bạn trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên trang bị kiến thức về tự nhiên và xã hội cho trẻ thông qua các hình thức như cho các con đi tham quan, đi chơi, dã ngoại, tham gia hoạt động kể chuyện sáng tạo... Ngoài ra để trẻ sớm thích nghi thì có thể cho trẻ đi tham quan trường tiểu học. Nếu có anh chị học tiểu học, bố mẹ có thể cho trẻ làm quen với phương pháp cũng như đồ dùng học tập để trẻ quen dần..." - phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh.
Trẻ mầm non đến tham quan và làm quen với môi trường học tập tại Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội).
Lãnh đạo Vụ giáo dục Mầm non cũng khuyến khích các bậc phụ huynh giúp trẻ sử dụng thành tạo tiếng Việt thông qua trò chuyện, đọc sách cho trẻ. Có thể hướng dẫn trẻ cách cầm sách, mở sách, ngồi đúng tư thế... Giúp trẻ các thao tác bàn tay sao việc sử dụng gọn gàng, khéo léo.
"Những kỹ năng ứng phó để sớm hòa nhập được với môi trường mới (từ việc chơi sang việc học) quan trọng hơn rất nhiều với việc phụ huynh chỉ chú trọng cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1" - bà Hiếu nhấn mạnh.
Sẽ tháo gỡ dần những bất cập
Mặc dù có những định hướng hết sức rõ ràng nhưng lãnh đạo Vụ giáo dục Tiểu học cũng thừa nhận, thực tế đã có những phát sinh nên khiến phụ huynh không yên tâm dẫn đến có tâm lý cho con đi học chữ trước. Chẳng hạn như, lớp học quá đông sợ cô giáo không bảo ban được con mình, nhiều bạn biết chữ trước con mình không đi học sẽ thiệt thòi...
Tuy nhiên, theo TS Phạm Ngọc Định, phụ huynh không nên quá lo lắng bởi sự quá tải về lớp học chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Trong khi đó ở thành phố lớn phần lớn là cho trẻ học 2 buổi/ngày nên thầy cô hoàn toàn có đủ thời gian để kèm cặp các con. Bên cạnh đó, vào trong năm học, cô giáo cùng với nhà trường phối hợp với phụ huynh để kèm cặp thêm cho các con. Nếu chúng ta cứ kiên trì thì trước sau gì cũng thu được kết quả tốt. Không nên vội vàng, nóng vội bởi mục đính cuối là các con đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng và các năng lực cần thiết theo yêu cầu của bậc tiểu học.
Hiện nay ở thành phố, do nhu cầu của phụ huynh nên ngay cả trường mầm non cũng dạy chữ trước cho trẻ thông qua các hình thức với tên gọi "Hành trang vào lớp", thậm chí có trường còn thuê giáo viên tiểu học vào dạy chữ cho trẻ... Trước vấn đề báo chí đưa ra, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: "Về mặt quản lý thì địa phương chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động này bởi Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn quy định là không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Nếu tổ chức, cá nhân nào làm sai là vi phạm quy định".
Sau khi nhận được phản ánh về việc mới vào lớp 1 đã đánh giá học sinh bằng điểm số (đối với môn Toán, Tiếng Việt) thì dễ gây tâm lý không tốt cho trẻ, phụ huynh thấy con điểm không tốt thì lại lo lắng cho đi học thêm ở ngoài..., lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ: "Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và hướng tới phương án đối với học sinh lớp 1 thì không đánh giá bằng điểm số".
Ngoài ra Bộ GD-ĐT cũng rất "tâm đắc" với ý kiến cho rằng, đối với lớp học có sĩ số đông thì cần có thêm trợ giảng. "Bộ cũng sẽ nghiên cứu phương án xuất này để định hướng cho các địa phương có sĩ số lớp học cao" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Nhìn nhận tiêu cực vì... nghe đồn Cho dù ở trường gần đây không còn tình trạng đánh nhau, cậu học trò vẫn phàn nàn về việc học sinh đi học mang theo nỗi sợ hãi về nạn bạo lực học đường, thậm chí phụ huynh cũng bất an. Lời phát biểu của một học sinh (HS) đến từ Trường THPT Nguyễn An Ninh trong chương trình đối thoại giữa...