Xử phạt giáo viên dạy thêm với học sinh tiểu học: Sẽ xem xét lại!
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục quy định sẽ xử phạt nếu dạy thêm với học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm trên. Nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi!
Dạy thêm ở bậc tiểu học sẽ bị phạt từ 5 – 6 triệu đồng
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có quy định sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày, nhiều ý kiến cho rằng, với cấp tiểu học, học sinh đi học thêm rất nhiều, không chỉ học với giáo viên trong lớp mà rất nhiều giáo viên khác bên ngoài nhà trường.
Ở cấp học này, bố mẹ phải làm đơn xin cô giáo dạy kèm cho con để tiến bộ. Thậm chí, nhiều gia đình không có người trông con cũng phải cho đi học để đỡ chơi điện tử và lại có chỗ gửi con; Đối với học sinh cuối cấp tiểu học phải đi học thêm để ôn tập vào lớp 6…
Bên cạnh đó, người dạy thêm không có trong biên chế, người đã về hưu tham gia dạy thêm. Do đó, cần phải khoanh vùng đối tượng dạy thêm học thêm trong trường hay ngoài trường; giáo viên dạy là học sinh của mình hay học sinh trường khác. Nếu quy định giáo viên cứ dạy thêm cho học sinh tiểu học bị phạ t sẽ khó khả thi và rất nhiều người vi phạm.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, dạy thêm rất phức tạp, ranh giới rất mong manh, bác sĩ cũng làm thêm, luật sư cũng làm thêm. Do đó, khi đưa ra quy định dạy thêm, Ban soạn thảo đã bàn nhiều và đặt ra nhiều vấn đề, giáo viên bị áp lực tâm lý không hay, phải giải thích để giáo viên hiểu bản chất. Bởi hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn.
Ông Bằng cho hay, với vấn đề dạy thêm, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh, cụ thể hóa cho rõ hơn trong Dự thảo về đối tượng xử phạt đối với giáo viên dạy học sinh tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường.
Ông Bằng cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định 138 chỉ quy định về hành vi tổ chức dạy thêm học thêm thì Nghị định mới này bổ sung cả hành vi về dạy thêm. Theo quy định luật hành chính, cán bộ công chức, viên chức đang thi hành công vụ của mình mà có hành vi làm trái thì cũng không xử phạt hành chính mà xử theo luật cán bộ công chức, viên chức.
“Khi làm quản lý nhà nước, đây chỉ là một công cụ để quản lý, không phải công cụ vạn năng. Còn nhiều công cụ khác. Có những điều chắc chắn là sai nhưng không đưa vào quy định xử phạt vì không khả thi. Khi làm phải có tính khả thi, chứ không phải đưa ra quy định để chơi” – ông Bằng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục:
Ngoài lực lượng thanh tra giáo dục thì Chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt; bên cạnh đó, một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể được xử phạt bởi các lực lượng khác như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, chuyên ngành tài chính…
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Xử phạt bằng tiền vi phạm trong giáo dục: Lo ngại tính khả thi
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục chạm tới nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nghi ngại về tính khả thi của những quy định này.
Quá tải sĩ số là vấn đề nan giải của giáo dục. Ai sẽ bị phạt trong trường hợp này? - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
So với Nghị định 138/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục ban hành năm 2013, đại diện ban soạn thảo dự thảo nghị định mới lý giải cần bổ sung nhiều hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt để răn đe và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thiếu giáo viên, quá tải sĩ số: phạt ai?
Dự thảo quy định vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên (GV), giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục. Trong đó phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về tỷ lệ GV trên lớp, mức phạt từ 2 - 5 triệu đồng ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học; ngoài ra, còn có quy định xử phạt tiền với việc tuyển quá chỉ tiêu, hợp đồng không đúng đối tượng GV...
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT ở miền Bắc đặt vấn đề: Hiện nay hầu hết các tỉnh đều thiếu GV, tỷ lệ GV/lớp không đảm bảo quy định, ngành GD-ĐT muốn tuyển mà không được tuyển; nhiều trường thiếu GV buộc phải ký hợp đồng sai quy định. Vậy nếu xử phạt thì xử phạt ai? Mức phạt vài triệu đồng có nói lên điều gì hay chỉ khiến người bị phạt bức xúc thêm trong những trường hợp như vậy?
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý, giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng việc sĩ số học sinh (HS) tiểu học có nơi lên tới gần 70 HS/lớp do thiếu trường lớp thì phạt ai? Phạt hiệu trưởng vì buộc phải tuyển quá chỉ tiêu so với cơ sở vật chất hiện có hay phạt chính quyền địa phương không chịu xây trường? "Trong cả hai trường hợp này thì phạt ai cũng không đủ thuyết phục", ông Tùng Lâm nói.
Phạt dạy thêm không dễ như quy định
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), cho biết việc xử phạt nên có chế tài rõ ràng và có tính răn đe là cần thiết nhưng quan trọng là tính khả thi và cách thức thực hiện. Trên thực tế, Nghị định về xử phạt hành chính trong giáo dục đã ra đời từ năm 2013 đến nay, trong đó có quy định rất rõ những vi phạm đang là vấn đề nhức nhối của giáo dục hiện nay như dạy thêm học thêm tràn lan, tuyển sinh sai quy định... nhưng thử hỏi đã xử lý vi phạm được bao nhiêu vụ, thu được từ phạt hành chính bao nhiêu tiền?
"Tôi thấy rất hiếm. Hơn nữa có những hành vi mà phạt tiền không đủ sức răn đe, họ chấp nhận nộp phạt vì lợi nhuận mà họ thu được từ hành vi vi phạm lớn hơn nhiều mức phạt quy định", ông Vũ thẳng thắn nhận định.
Đọc dự thảo nghị định thì thấy dạy thêm trái với quy định hiện hành là xử phạt tiền, ví dụ như dạy thêm cho HS tiểu học, HS học 2 buổi ngày...
Một phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội cho biết: "Hiện nay quy định cấm dạy thêm với HS tiểu học đang được hiểu là hoạt động trong nhà trường, còn ngoài nhà trường thì cha mẹ HS vẫn có nhu cầu cho con học thêm ở trung tâm như học thêm tiếng Anh, học thêm toán, văn... theo nhu cầu dự thi đầu cấp ở một số trường đặc thù... Nếu cứ dạy thêm học thêm cho HS tiểu học và HS đã học 2 buổi/ngày như dự thảo nêu thì có lẽ người phản đối đầu tiên sẽ là... phụ huynh".
Một GV trường tiểu học tại Hà Nội băn khoăn về việc lâu nay bà vẫn đi dạy thêm cho một trung tâm có tiếng ở Hà Nội từ lớp 3 trở lên cho HS trên phạm vi toàn thành phố chứ không phải HS mà trường bà giảng dạy. Vậy quy định phạt với hành vi dạy thêm cho HS tiểu học được áp dụng thì bà hoặc trung tâm mà bà ký hợp đồng có bị phạt hành chính hay không?
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cấp học nào hay đối tượng nào thì nhu cầu học thêm là nhu cầu có thật và nhiều khi mang tính cá nhân của HS và gia đình. Do vậy, việc xử phạt nếu không khéo sẽ xâm phạm quyền cá nhân. Chỉ có điều, nên quy định rõ GV không được tự ý tổ chức lớp dạy thêm ở trong và ngoài nhà trường nhưng họ có quyền tham gia dạy thêm ở những trung tâm, tổ chức dạy thêm đã được cấp phép và đảm bảo chất lượng. Người học có nhu cầu thì đăng ký học thêm ở những trung tâm độc lập đó.
"Nếu quy định ép buộc học thêm mới bị phạt thì đây là quy định rất mơ hồ vì lớp học thêm nào hỏi ra cũng đều là do "tự nguyện" của người học cả", ông Tùng Lâm nói.
Ông Lê Hồng Vũ cho rằng việc dạy thêm học thêm hiện hành có quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu GV của mình dạy thêm trái quy định. Do vậy, xử phạt hành chính thì không chỉ phạt người trực tiếp dạy thêm mà phải phạt cả người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát...
Ý kiến:
Đã làm sai thì cần phải bị phạt
Cũng như những ngành nghề khác, khi đã làm sai thì cần có những quy định xử phạt đi kèm để hạn chế. Chẳng hạn, chỉ riêng vấn đề dạy thêm học thêm, bên cạnh là một nhu cầu tự nguyện thì có một bộ phận GV ép buộc HS học thêm bằng nhiều hình thức khác nhau. Do vậy, những biểu hiện tiêu cực cần được ngăn chặn, tuy nhiên việc xử phạt bằng tiền chỉ mới xử lý phần ngọn, về lâu dài cần sự phối hợp giữa chính sách đào tạo và chính sách đãi ngộ.
Nguyễn Văn Ngai (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Cần hình thức xử phạt mạnh tay hơn phạt tiền
Nếu đã làm sai quy định thì cần phải xử lý và cần có những điều khoản chặt chẽ để xử phạt sao cho đúng. Ngoài phạt tiền, cần hình thức mạnh tay hơn nữa như buộc thôi việc tại trường, như vậy nạn dạy thêm trái quy định sẽ bị triệt tiêu. Chứ chỉ phạt tiền như dự thảo thì vấn nạn dạy thêm sẽ vẫn chỉ như cũ mà thôi.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo thanhnien
Chuẩn mực đạo đức bị quy thành tiền: Có nên áp dụng? Trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tất cả các lỗi chửi, đánh học sinh, ép học thêm... đều bị quy thành tiền. Sự việc nữ giáo viên mầm non tại TP HCM có hành vi đánh trẻ bị xử lý tháng 4/2018. Ảnh cắt từ clip. Dự thảo Nghị định xử phạt vi...