Xử lý sai sót trong SGK lớp 1 cần khách quan, công bằng
Đó là nhận định của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.
Việc áp dụng xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) năm học 2020-2021 là một bước tiến mới, quan trọng để các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK cho phù hợp.
Lớp 1 năm nay có 5 bộ SGK được phê duyệt sử dụng trong nhà trường. Bốn bộ do Nhà xuất bản giáo dục tổ chức biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn.
Có rất nhiều ý kiến tranh cãi, phản biện về chương trình và SGK Tiếng Việt lớp 1 ở cả 5 bộ sách, đặc biệt là bộ sách Cánh Diều sau khi đưa vào thực hiện trong các trường học. Bộ GD&ĐT đã có báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này nhưng nhiều ĐBQH vẫn trăn trở, lo lắng về tương lai của chủ trương xã hội hóa SGK.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã gửi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ quan điểm về việc bên cạnh yêu cầu SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều chỉnh sửa, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu rà soát 4 bộ SGK của Nhà xuất bản giáo dục VN, nhưng việc Bộ GD&ĐT có điều chỉnh, sửa chữa những nội dung chưa phù hợp trong 4 Bộ SGK lớp 1 còn lại hay không, cũng cần phải đưa lên công luận.
Vì cả 4 bộ SGK này đều được dư luận, báo chí chỉ ra nhiều lỗi, trong đó có lỗi rất nghiêm trọng về Luật Sở hữu trí tuệ. Để làm rõ hơn, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về vấn đề này.
* Thưa bà, cụm từ “xã hội hoá biên soạn SGK” cần được hiểu như thế nào cho đơn giản nhất?
- Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm thực hiện chủ trương thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về đổi mới chương trình, SGK. Mục tiêu là phát huy các nguồn lực xã hội, xoá bỏ độc quyền trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản, phát hành SGK; tạo cạnh tranh về chất lượng SGK để học sinh có thể được học những bộ SGK tốt nhất.
Theo quy định này, các tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông. Việc xuất bản thì tuân theo Luật Xuất bản. Các tổ chức, cá nhân có thể làm một bộ SGK đầy đủ hoặc một quyển SGK cho một môn học ở cấp học nhất định.
Với chủ trương này, vai trò của SGK đã thay đổi. SGK không còn mang tính “pháp lệnh”, buộc giáo viên phải bám sát từng chữ như trước đây. Giáo viên có thể tham khảo, lựa chọn bài học từ nhiều SGK khác nhau. Đây là việc giáo viên ở miền Nam trước đây vẫn làm.
* Trên thực tế, chủ trương này được thực hiện ra sao và bộ sách nào là bộ sách xã hội hoá, thưa bà?
Video đang HOT
- Thực hiện Nghị quyết 88, đã có 3 nhà xuất bản là Nhà xuất bản giáo dục VN, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP.HCM và một số Công ty tư nhân như Đại Trường Phát, Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC)… tham gia làm SGK.
Ảnh minh họa.
Với sự tham gia của các đơn vị này, ngay năm đầu tiên đã có 5 bộ SGK cho lớp 1 với 46 đầu sách. Mỗi môn học bắt buộc và lựa chọn đã có một số SGK để cơ sở giáo dục lựa chọn. Trong số các đơn vị tham gia làm SGK, có VEPIC – đơn vị phối hợp với 2 Nhà xuất bản sư phạm làm bộ SGK Cánh Diều, và một số công ty phối hợp với 2 nhà xuất bản này làm SGK Tiếng Anh (môn tự chọn) là những doanh nghiệp sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước làm sách.
Các Nhà xuất bản ĐHSP chủ yếu thực hiện khâu biên tập nội dung. Như vậy những bộ SGK này là SGK xã hội hóa đầu tiên.
* Nếu bộ SGK xã hội hóa không được đầu tư tốt và bị “vùi dập” ngay từ khi mới ra đời thì có phải là điều kiện thuận lợi để quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK không, thưa bà?
- Dư luận vừa qua không thuận lợi cho bộ SGK Cánh Diều. Bộ GD&ĐT cũng chỉ tập trung xử lý các ý kiến về bộ SGK xã hội hoá này, không xử lý 4 bộ sách của Nhà xuất bản giáo dục VN, mặc dù báo chí cũng nêu nhiều ý kiến về 4 bộ SGK của nhà xuất bản này – là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ. Thậm chí, báo chí còn nói rõ là cả 4 bộ SGK này xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, tức là có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Nếu Bộ GD-ĐT chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với các học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại. Tôi chưa rõ vì sao có cách xử lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy. Tôi không tin là có ai đó đang muốn quay lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK, trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân về việc xoá bỏ độc quyền.
* Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, theo đại biểu, sắp tới việc thẩm định SGK, thực nghiệm SGK lớp 2, lớp 6 cần chú ý vấn đề gì?
- Các tác giả, đơn vị làm sách và Hội đồng Thẩm định SGK đương nhiên phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Cẩn trọng bao nhiêu cũng không thừa. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp phát huy lợi thế của xã hội hóa là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng SGK.
Khi có dư luận ồn ào về SGK, cần tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp giải quyết thể hiện sự cầu thị trên cơ sở khoa học. Ví dụ, thành lập Hội đồng khoa học độc lập, gồm những người am hiểu chuyên môn để xem xét vấn đề, tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền.
* Xin cảm ơn bà!
'Không chỉ Cánh Diều, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rà soát 4 bộ sách Tiếng Việt còn lại'
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), trước những bất cập được phản ánh vừa qua, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rà soát cả 5 bộ sách Tiếng Việt lớp 1 mới.
Từ năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa (SGK) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) phê duyệt sử dụng trong nhà trường. Bốn bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn.
Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và SGK mới, Tiếng Việt lớp 1 đang là chủ đề nhận được nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, môn Tiếng Việt nặng và khó hiểu so với sách cũ, nhiều bài học thiếu tính giáo dục, thậm chí phản cảm.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn với VTC News.
- Trước dư luận về một số nội dung không phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Quốc hội. Đại biểu đánh giá báo cáo đó thế nào?
Bộ GD&ĐT đã có báo cáo số 1104 ngày 22/10/2020 gửi đến Quốc hội liên quan đến vấn đề SGK mới, trong đó có nói đến những điểm chưa phù hợp trong bộ Cánh Diều. Theo tôi, cần có những chia sẻ với Bộ GD&ĐT. Trong bối cảnh diễn ra dịch COVID-19, yêu cầu giãn cách xã hội chắc chắn ảnh hưởng nhất định đến việc bồi dưỡng, tập huấn đối với bộ sách mới cho các giáo viên đứng lớp.
Về vấn đề này, Bộ cũng có tinh thần cầu thị thông qua việc ra văn bản rà soát, điều chỉnh những chi tiết cụ thể chưa phù hợp trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều.
Bộ cũng đã nhận định những thành công bước đầu đối với chủ trương việc xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Bộ sách Cánh Diều chiếm 32% trong tổng số SGK lớp 1 được các trường trên cả nước lựa chọn.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy.
Theo báo cáo Bộ GD&ĐT gửi đại biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 3/11, Bộ đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ SGK lớp 1 mới hiện nay.
Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những sai sót của bộ sách Cánh Diều thì Bộ cũng cần tổ chức rà soát 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để chỉ ra các biện pháp khắc phục lỗi cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy
Tuy nhiên, nếu chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với các học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại.
Chúng ta đang thực hiện chủ trương mới, đó là một chương trình thống nhất, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Lần này, có 5 bộ SGK, đang được lưu hành, mà theo báo chí phản ánh thì tất cả các bộ SGK Tiếng Việt 1 đều có những điểm chưa phù hợp. Nếu chỉ đạo chung chung thì mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, không có gì thay đổi.
Chiếu theo báo cáo của Bộ hiện nay, đại biểu hiểu rằng chỉ rà soát đối với bộ Cánh Diều mà thôi, vậy những bộ còn lại thì sao, trong khi dư luận cũng đã chỉ ra những sai sót ở những bộ sách khác.
- 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam không ghi tên tác giả các câu chuyện kể, khiến người đọc lầm tưởng đó là sáng tác của người viết SGK. Như vậy có được gọi là đạo văn không?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm phải thông tin về tác giả và xuất xứ của tác phẩm. Nếu không làm như vậy sẽ vi phạm luật, cụ thể là xâm phạm quyền nhân thân, là một trong hai quyền cơ bản của quyền tác giả. Trong quyền tác giả có quyền nhân thân và quyền tài sản, ở đây chúng ta thấy rõ nét nhất là việc vi phạm quyền nhân thân.
Thông tin từ báo chí cho biết, sách Tiếng Việt lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam đã quên thực hiện việc ghi tên tác giả. Thông tin báo chí dẫn chứng nhiều bài tập đọc, bài kể chuyện được sử dụng nguyên văn, chuyển thể, phóng tác từ tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước nhưng lại không ghi tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.
Điều đó khiến người đọc hiểu lầm đó là tác phẩm của chính những người biên soạn SGK. Tôi thực sự không hiểu vì sao cuốn sách qua nhiều khâu từ biên tập đến thẩm định vẫn để lọt những lỗi như thế.
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam có nội dung gây tranh cãi.
- Có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT làm ngơ trước những sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật nói trên, vì đó là sách của NXB Giáo dục Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Đại biểu nghĩ sao về ý kiến này?
Có thể Bộ GD&ĐT chưa cập nhật được thông tin từ báo chí. Theo tôi được biết, từ sai sót của bộ sách Cánh Diều, các chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh bắt đầu "soi" đến 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Và họ đã phát hiện nhiều sai sót, thậm chí vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như tôi đã nói trên.
Có lẽ trong báo cáo ngày 22/10 Bộ gửi các đại biểu, Bộ chưa kịp cập nhật kịp thời, chưa rà soát cụ thể các nội dung mà báo chí đã nêu về 4 bộ sách còn lại. Vì vậy, nhân đây, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cập nhật thêm những thông tin này để có các đánh giá rà soát kỹ càng hơn đối với tất cả các bộ SGK lớp 1 mới.
- Bộ GD&ĐT cần làm gì để xử lý những sai sót, vi phạm nói trên?
Trước hết, Bộ cần nhìn thẳng vào các hạn chế, tồn tại, nhanh chóng rà soát, chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Trong báo cáo gửi đến Quốc hội và cả trao đổi trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 3/11, Bộ đã chỉ ra những sai sót của bộ sách Cánh Diều thì Bộ cũng cần tổ chức rà soát 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để chỉ ra các biện pháp khắc phục lỗi cụ thể.
Nếu các bộ SGK này không có lỗi thì cũng cần kết luận để mọi người được biết. Điều này nhằm đảm bảo việc đánh giá, rà soát được diễn ra bình đẳng, công bằng, bảo đảm lợi ích của chính giáo viên, học sinh và những đơn vị đang lựa chọn sử dụng 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đây là vì sự việc trăm năm trồng người cũng là năm đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đổi mới chương trình, SGK phổ thông cần có những bước đi thận trọng và để có thêm kinh nghiệm cho kế hoạch biên soạn các bộ sách từ lớp 2 cho đến lớp 12 trong các năm sau.
Bản hiệu đính Tiếng Việt 1 Cánh diều chưa đến tay, thầy trò đã học hết một nửa Một cuốn sách giáo khoa bị chỉnh sửa nhiều không thể cho lưu truyền qua lứa học trò kế tiếp, chỉ nên sử dụng hết năm học này là hủy bỏ để tái bản lại bộ khác. Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh vừa công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo...