Xử lý những sai phạm tại Trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột
Ngày 26-6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định về quy chế chuyên môn; công tác tổ chức quản lý, dạy thêm, học thêm trong nhà trường tại Trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột.
Trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột, nơi xảy ra nhiều sai phạm.
Theo kết luận thanh tra, trong học kỳ I năm học 2019-2020, Trường THPT Chu Văn An đã hoàn thành khung kế hoạch thời gian năm học theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường thực hiện việc dạy học qua mạng Internet bảo đảm nội dung chương trình, kiến thức cho học sinh theo các văn bản hướng dẫn của các cấp, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và sai phạm.
Cụ thể, Kết luận thanh tra đã chỉ rõ: về việc thực hiện quy chế chuyên môn, các tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch dạy học học kỳ II theo Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), nhưng chủ yếu chép lại kế hoạch tinh giản của Bộ, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với điều kiện thực tế của nhà trường và chưa được Hiệu trưởng phê duyệt để thực hiện.
Trong Kế hoạch số 09/KH-CVA, ngày 11-5-2020 của nhà trường chưa thể hiện rõ thời lượng, nội dung, cách thức tổ chức ôn tập; chưa phân định rõ dạy học chính khóa để hoàn thành chương trình và ôn tập thêm cho học sinh. Việc sắp xếp, bố trí các lớp học của khối 12 học theo khối Tổ hợp tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học và khối Tổ hợp xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân vào buổi học chính khóa không đúng quy định. Khối học Tổ hợp tự nhiên không bố trí học các môn xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân trong thời khóa biểu và tăng tiết các môn Toán, Văn, tiếng Anh và Tổ hợp tự nhiên. Khối học Tổ hợp xã hội không bố trí các môn tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tổ hợp xã hội trong thời khóa biểu và tăng tiết các môn Toán, Văn, tiếng Anh và Tổ hợp xã hội.
Cả hai khối tự nhiên và xã hội không bố trí dạy môn Tin học và Công nghệ trong thời khóa biểu, nhà trường báo cáo dạy học trực tuyến nhưng không có minh chứng cụ thể.
Thời khóa biểu chính khóa tuần từ 6-5-2020 đến 2-6-2020, khối lớp 10, 11, 12 không bố trí thời khóa biểu môn Tin học, Công nghệ; tuần từ ngày 4-6-2020 đến thời điểm thanh tra, khối 10 bố trí hai tiết, khối 11 bố trí hai tiết, khối 12 bố trí một tiết đối với môn Tin học.
Môn Vật lý 12, tại các lớp 12A2, 12A4, 12A8, 12A11 đã kiểm tra một tiết vào ngày 10-5-2020 và thi học kỳ vào ngày 17-5-2020 theo hình thức online, thực hiện không đúng theo tinh thần Công văn số 406/SGDĐT-TrH ngày 3-4-2020 của Sở GD và ĐT hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học và thực hiện kế hoạch giáo dục học kỳ II, năm học 2019-2020.
Video đang HOT
Nhà trường đã tổ chức ôn tập học sinh lớp 12 trong thời khóa biểu chính khóa không đúng quy định về dạy thêm, học thêm theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND; tổ chức dạy tăng tiết một số môn và chưa tổ chức dạy một số mon trong thời khóa biểu là không đúng với chuyên môn theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT và Công văn số 406/SGDĐT-GDTrH của Sở GD&ĐT.
Về việc quản lý kinh phí dạy thêm, học thêm, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu tiền dạy thêm, học thêm từ học sinh là sai quy định tại Công văn số 1318/SGDĐT-KHTC ngày 23-8-2019 của Sở GD và ĐT về hướng dẫn thu các khoản và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2019-2020. Tại Công văn số 1318/SGDĐT-KHTC ghi rõ: “Các khoản thu được học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp trực tiếp tại bộ phận Kế toán nhà trường, tuyệt đối không giao cho giáo viên thu tiền”.
Việc nhà trường tiến hành thu tiền các tiết tăng cường trong thời khóa biểu chính khóa theo mức thu tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường khi chưa có sự đồng ý của cấp trên, chưa có sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và giao cho nhân viên thư viện (kiêm thủ quỹ tạm thời) thực hiện các quy trình thu tiền là sai quy định.
Nhà trường thực hiện chi tiền dạy thêm với các tỷ lệ và trích lập quỹ phúc lợi tập thể không đúng với các quy định của Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk và hướng dẫn tại Công văn số 1318/SGDĐT-KHTC.
Cụ thể: Chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy thiếu 32.037.714 đồng, tương ứng với tỷ lệ 8,83%; chi Ban quản lý dạy thêm học, học thêm trong trường vượt 17.669.723 đồng, tương ứng với tỷ lệ 4,87%; chi tăng cường cơ sở vật chất thiếu 1.850.423 đồng, tương ứng với tỷ lệ 0,51%; chi phúc lợi tập thể số tiền 16.235.600 đồng.
Trên cơ sở những sai phạm đó, Sở GD và ĐT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An dừng ngay việc tổ chức dạy học tăng tiết, cắt tiết không đúng quy định; xây dựng kế hoạch dạy học nhà trường theo đúng các văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ĐT và Sở GD và ĐT; dừng việc thu tiền các tiết dạy tăng cường trong thời khóa biểu chính khóa của học sinh. Đồng thời chi tiền dạy thêm, học thêm học kỳ I năm học 2019-2020 theo đúng các tỷ lệ đã quy định; những nội dung chi sai, chi vượt yêu cầu đơn vị thu hồi và chi đủ cho các nội dung đã chi thiếu.
Hiệu trường nhà trường chỉ đạo các bộ phận thực hiện đúng việc thu, tổng hợp số tiền đã thu cho giai đoạn từ 6-1-2020 đến 20-3-2020, quản lý, sử dụng theo đúng quy định. Đối với số tiền các giáo viên chủ nhiệm đã thu từ học sinh từ ngày 11-5 đến ngày 6-6-2020, yêu cầu nhà trường trả lại tiền cho học sinh, có hình thức giải thích cho giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ việc đã tiến hành thu tiền sai và trả lại.
Lãnh đạo nhà trường có biện pháp khẩn trương khắc phục những sai sót trên; làm rõ trách nhiệm và xử lý theo mức độ sai phạm đối với cá nhân, tập thể trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện quy chế chuyên môn, công tác tài chính. Hiệu trưởng nhà trường báo cáo giải trình về những sai sót xảy ra tại đơn vị, xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng về những sai phạm trên, nêu rõ hướng khắc phục và tự đề xuất hình thức kỷ luật.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận thanh tra, đề nghị Trường THPT Chu Văn An thực hiện niêm yết Kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của đơn vị ít nhất 15 ngày liên tục theo quy định.
Sở GD và ĐT tỉnh Đắk Lắk giao Phòng Tổ chức cán bộ tham mưu cho Giám đốc sở xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định về quy chế chuyên môn và công tác quản lý tài chính tại Trường THPT Chu Văn An.
Phụ huynh tố trường cắt môn học chính khóa, dạy tăng tiết để thu tiền
Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã nhận được phản ánh của phụ huynh trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột về việc tự ý cắt các môn học chính khóa, tăng tiết để thu tiền.
Nhiều phụ huynh, học sinh trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phản ánh sau thời gian nghỉ dịch Covid-19, nhà trường cắt bỏ nhiều môn học chính khóa, tự ý tăng tiết môn Toán, Văn, Anh. Nhà trường yêu cầu 100% học sinh phải đóng tiền.
Tăng tiết, bắt học sinh đóng tiền
Theo phản ánh, khối lớp 10 và 11, nhà trường tăng tiết môn Toán, Văn, Anh (2 tiết/tuần), đồng thời cắt bỏ nhiều tiết như Tin học, Công nghệ. Học sinh đóng 140.000 đồng/người cho việc học tăng tiết.
Lớp khoa học Tự nhiên của khối 12 bị cắt các môn học Sử, Địa, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ để tăng tiết Toán, Hóa, Sinh, Văn, Anh.
Lớp Khoa học Xã hội bị cắt môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ để tăng tiết Toán, Văn, Sử, Địa, Anh.
Thời gian tăng tiết nhà trường đều thu tiền.
Một nữ sinh lớp 12 của trường cho biết do em học lớp xã hội nên trường đã cắt hoàn toàn không còn được học môn Hóa, Lý, Sinh, Tin học, Công nghệ. Thay vào đó, trường tăng tiết các môn còn lại.
Trường THPT Chu Văn An, nơi phụ huynh và học sinh phản ánh việc trường tự cắt tiết môn chính khóa. Ảnh: T.N.
"Hiện tại lớp em thông báo đóng tiền tăng tiết là 710.000 đồng/học sinh. Em không có nhu cầu học tăng tiết nhưng số tiền này bắt buộc phải đóng. Trong khi đó các môn học chính khóa trên lớp bị bỏ, điều này rất bất cập" - nữ sinh này cho biết.
Nhà trường không cắt xén môn học
Ông Đặng Minh Tâm, Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An cho biết nhà trường đã thực hiện tốt việc học qua Internet trong thời gian nghỉ dịch.
Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường đã họp các tổ chuyên môn để nắm tiến độ để điều chỉnh giảm và tăng số tiết. Khi giảm số tiết trên lớp, giáo viên vẫn tiếp tục duy trì dạy qua Internet bắt buộc, dạy song song để đảm bảo chương trình.
Trường tăng tiết ba môn trọng tâm Toán, Văn Anh đồng loạt 3 khối để đảm bảo nâng cao chất lượng, tránh hổng kiến thức với mỗi môn 2 tiết/tuần. Riêng khối 12 sẽ tăng tiết theo tổ hợp các em đã đăng ký xét tốt nghiệp và đại học để đạt được kết quả tốt.
Nhà trường chỉ thu mỗi em 6.000 đồng/tiết, việc học theo đăng ký, không bắt buộc.
Tuy nhiên, học sinh của trường THPT Chu Văn An cho biết các tiết học chính khóa bị cắt trường không hề tổ chức dạy trên Internet. Nhà trường chỉ giao bài tập trên ứng dụng nhưng thực hiện ngắt quãng, các em không tiếp thu được bài học.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã nhận được phản ánh của phụ huynh về các vấn đề xảy ra tại trường THPT Chu Văn An. Sở đã chỉ đạo phòng giáo dục trung học xác minh thông tin.
"Nhà trường không được tự ý cắt các môn học chính khóa. Vừa qua Bộ GD&ĐT đã tinh giản nội dung cho phù hợp với tình hình nghỉ dịch Covid -19. Các trường phải dạy đầy đủ môn học, không được cắt xén", ông Khoa nói.
Tuyển sinh lớp 10 chuyên tại Hà Nội: Tỷ lệ "chọi cao", cạnh tranh gắt gao giữa những học sinh giỏi Kỳ thi vào lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội sắp tới được dự báo là căng thẳng bởi ngoài tỷ lệ "chọi" cao, thí sinh cũng phải cạnh tranh gắt gao giữa những học sinh giỏi. Tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội luôn căng thẳng trong những năm qua. Ảnh minh họa: Q.Anh Trường chuyên có tỷ lệ "chọi"...