Xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường thì lạm thu mới chấm dứt được
Để thực hiện việc thu các khoản tiền xã hội hóa hiệu quả, một số trường học vẫn thực hiện nhưng chiêu trò rất cũ nhưng lại rất thành công.
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào đầu năm học mới là Bộ và các Sở Giáo dục lại phải ra công văn nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong các nhà trường. Công văn được triển khai, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, được chuyển email về các nhà trường.
Đương nhiên, hiệu trưởng các trường học đều đọc, đều thẩm thấu được nội dung và họ luôn biết mình cần phải làm gì để không xảy ra lạm thu. Vậy nhưng, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở một số trường học như chúng ta đang thấy.
Tình trạng lạm thu vẫn xảy ra hàng năm ở một số nhà trường (Ảnh minh họa Giadinh.net)
Thực tế, kinh phí nhà nước cấp cho các trường công lập thường có hạn, chỉ đủ chi tiêu những khoản cơ bản, cần thiết nhất. Việc xã hội hóa giáo dục cũng rất cần và đây cũng là chủ trương chung của nhà nước trong việc phát triển giáo dục.
Song, xã hội hóa như thế nào là phù hợp với bối cảnh chung của nhà trường và hoàn cảnh chung của các phụ huynh học sinh trong nhà trường là điều mà Ban giám hiệu cần phải tính đến.
Việc vận động phải phù hợp và không đánh đồng tất cả các khoản thu xã hội hóa giáo dục với tất cả các học sinh, phụ huynh trong nhà trường bởi hoàn cảnh mỗi phụ huynh có sự khác nhau. Trong khi, nhà trường kêu gọi trên tinh thần đóng góp tự nguyện.
Hàng loạt trường học bị tố lạm thu
Những ngày qua, chúng ta thấy phụ huynh ở một số địa phương đã lên tiếng về chuyện lạm thu của nhà trường- nơi mà con em họ đang theo học. Trong các khoản thu có nhiều khoản thu qúa cao, chẳng hạn như:
Phụ huynh lớp 1 tại trường Tiểu học Hùng Vương (Hải Phòng) bức xúc, kiến nghị về nhiều khoản đóng góp như: tiền đồ dùng bán trú là 1.180.000 đồng/học sinh; tiền đồng phục 385.000 đồng (gồm 2 bộ);
Quỹ cha mẹ học sinh thu 500.000 đồng/cháu; sách giáo khoa, bảng, phấn 380.000 đồng; bảo hiểm y tế 700.000 đồng; nước uống 50.000 đồng…tổng cộng số tiền mà phụ huynh phải đóng lên khoảng 6 triệu đồng.
Tiền học phí: 540.000 đồng/ năm/ 9 tháng; Tiền bảo vệ, vệ sinh: 200.000 đồng/ năm; Nước uống: 80.000 đồng/ năm; Bảo hiểm y tế: 564.000 đồng/ năm; Học thêm: 10.000 đồng/ buổi/ 9 tháng; Xây dựng: 250.000 đồng/ năm;Phụ huynh trường Trung học cơ sở Giao Hà (xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) liệt kê các khoản thu như sau:
Tu bổ trường: 600.000 đồng/ năm; Phụ huynh học sinh: 60.000 đồng/ năm; Bảo trì phòng tin học: 50.000 đồng/ năm; Duy trì trường chuẩn: 150.000 đồng/ năm; Khuyến học: 50.000 đồng/ năm; Sổ liên lạc: 50.000 đồng/ năm; Giấy kiểm tra: 100.000 đồng/ năm…
Video đang HOT
Nhìn những khoản tiền mà phụ huynh phải đóng, chúng ta dễ dàng nhận ra một số khoản thu vô lý hoặc thu quá cao. Chẳng hạn như tiền tu bổ nhà trường, tiền duy trì trường chuẩn, tiền xây dựng. Những khoản này thuộc vào danh mục đầu tư của nhà nước, sao lại vận động phụ huynh đóng tiền?
Hay tiền giấy kiểm tra hàng năm mà thu đến 100.000/năm/ học sinh thì quá khủng khiếp.
Giá photo ngoài thị trường hiện nay chỉ có 200-250 đồng/ tờ. Chẳng lẽ mỗi năm học thì học sinh làm đến 400-500 tờ giấy kiểm tra hay sao?
Thầy cô làm đề kiểm tra là trách nhiệm, việc nhà trường photo cũng là nhiệm vụ chứ đâu phải là kinh doanh mà thu học sinh với giá cắt cổ như vậy?
Nếu siêng đọc báo, gần như ngày nào chúng ta cũng thấy báo chí phản ánh một vài trường để xảy ra lạm thu- đây thực sự là một điều nhức nhối đã xảy ra nhiều năm, nó cứ như những bóng ma lởn vởn hết năm này sang năm khác.
Nhà trường áp dụng những chiêu trò rất cũ nhưng vẫn hiệu quả
Để thực hiện việc thu các khoản tiền xã hội hóa hiệu quả, một số trường học vẫn thực hiện nhưng chiêu trò rất cũ nhưng lại rất thành công.
Thông thường thì các khoản xã hội hóa giáo dục phải tiến hành đại hội Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải có sự thống nhất của phụ huynh rồi mới thu. Nhưng, thực tế thì chúng ta thấy là nhiều trường học khi bắt đầu nhập học là phụ huynh đã phải đóng tiền trường. Tất nhiên, nhà trường nói bao nhiêu thì phụ huynh bắt buộc phải đóng, phải mua những sản phẩm của nhà trường đã liệt kê ra sẵn.Đó là khi họp phụ huynh thì thường có những người “tâm phúc” của hiệu trưởng đã được cơ cấu và những người này hay làm nhiệm vụ “mớm” ý tưởng để việc vận động xã hội hóa giáo dục của nhà trường đạt được mục tiêu đã đề ra.
Đừng để tiền trường trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh
Cho con đi học, tất nhiên phụ huynh phải tuân thủ theo những quy định của nhà trường về các khoản phải đóng góp. Nhiều ý kiến của phụ huynh phản ánh đôi lúc lại trở nên lạc lõng trong các cuộc họp phụ huynh và thậm chí còn chịu nhiều điều tiếng không đáng có.
Nhiều lúc đóng tiền cho con mà một số phụ huynh bực dọc vì những khoản tiền vô lý. Nhiều khi mua những sản phẩm của nhà trường mà phụ huynh cảm thấy không hài lòng vì giá thành cao hơn ở bên ngoài rất nhiều.
Tuy nhiên, dù khó khăn thì các phụ huynh có con học ở những ngôi trường để xảy ra lạm thu đó vẫn phải nộp trên tinh thần tự nguyện. Ấm ức, bực dọc cũng phải miễn cưỡng đóng cho con để con em mình không phải phiền phức trong những giờ học trên lớp.
Trước tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở một số trường học hiện nay, tất nhiên phụ huynh không thể làm được gì bởi mỗi khi vận động một khoản tiền nào đó thì hiệu trưởng nhà trường đã tính rất kỹ các phương án có lợi và không gây hậu quả cho họ.
Vì vậy, có thể họ mượn tay Hội cha mẹ học sinh, cũng có thể làm kế hoạch và đã được cấp trên của họ đồng ý, phê duyệt nên phụ huynh có phản đối thì đa phần họ…vẫn đúng.
Chính vì vậy, để tránh lạm thu trong nhà trường, không có giải pháp nào tốt hơn là mỗi khi phê duyệt một kế hoạch vận động tiền phụ huynh từ Ban giám hiệu các nhà trường thì lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Đồng thời, cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các khoản thu đầu năm ở các nhà trường để tránh tình trạng lạm thu, tránh được những thị phi, những ấm ức từ phía phụ huynh.
Tài liệu tham khảo:
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-lop-1-buc-xuc-vi-truong-hung-vuong-thu-nhieu-khoan-post203195.gd
//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-phan-anh-nhung-khoan-thu-la-cua-truong-giao-ha-post203047.gd
THANH AN
Theo giaoduc.net
Lạm thu đầu năm học mới: Những nhà tài trợ bất đắc dĩ
Nhiều trường học tại Nghệ An ra sức "tận thu" theo hình thức "tự nguyện", khoản thu tiền "xã hội hóa" đã bị cấm thu nay biến tướng thành "tiền tài trợ" đang khiến dư luận bức xúc.
Hoa mắt với các khoản thu của một số trường học tại Nghệ An
Phụ huynh bức xúc
Vào dịp đầu năm học mới, dư luận Nghệ An lại bức xúc tình trạng lạm thu ở các trường học, từ cấp mẫu giáo đến THPT. Theo thống kê, mỗi học sinh trên địa bàn tỉnh này phải nộp khoảng chục khoản tiền, ngoài những khoản theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế học sinh, các trường còn đưa ra rất nhiều khoản thu khác với số tiền 3 - 5 triệu đồng/học sinh, chưa kể sách vở và đồ dùng học tập phải tự mua.
Anh Nguyễn Như Dũng - phụ huynh có con học ở trường THCS Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) cho hay: "Năm nào cũng vậy, nhà trường đưa ra rất nhiều khoản thu sai quy định của Bộ GD&ĐT, nhất là hai khoản tiền học thêm và tiền "tài trợ giáo dục" (khoản này những năm trước gọi là tiền xã hội hóa).
Chúng tôi là nông dân ở xã miền núi mà bỗng dưng nhà trường ép phụ huynh trở thành "nhà tài trợ giáo dục" với mức cao, tối thiểu với mỗi học sinh lớp 5 là 230.000 đồng và học sinh lớp 1 là 300.000 đồng (chỉ trừ những gia đình có giấy chứng nhận hộ nghèo là không phải nộp)".
Chị N.T.V, phụ huynh học sinh trường THPT Đặng Thúc Hứa (huyện Thanh Chương) cho biết, mỗi học sinh phải nộp các khoản như: tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền gửi xe, tiền học thêm, tiền khuyến học, tiền hội phí phụ huynh,... Đặc biệt là khoản tiền tài trợ giáo dục mỗi học sinh lớp 10 phải nộp 600.000 đồng, lớp 11 phải nộp 550.000 đồng và lớp 12 phải nộp 500.000 đồng. Ngoài ra, khoản tiền học thêm mỗi tuần 5 buổi, mỗi buổi 20.000 đồng, tính ra mỗi tháng riêng tiền học thêm khoảng 400.000 đồng và tính cả năm lên đến hơn 3.000.000 đồng. "Tôi không hiểu nổi vì sao mỗi tuần chỉ có 7 ngày mà có đến 5 buổi học thêm, cộng với các buổi học chính nữa thì học sinh làm sao có thời gian nghỉ ngơi nữa?", vị phụ huynh này nói.
Một phụ huynh chia sẻ bức ảnh thể hiện 10 khoản tiền phải nộp, gồm 3 khoản bắt buộc là tiền học phí, tiền gửi xe, tiền bảo hiểm y tế và 7 khoản thu tự nguyện: tiền nước uống, tiền hội phí phụ huynh, tiền quần áo đồng phục, tiền mua sổ liên lạc, tiền mạng internet, quỹ lớp. Đặc biệt có hai khoản nặng nhất là tiền học thêm 15.000 đồng/buổi (số buổi dự kiến học thêm lên đến 100 buổi) và khoản thứ 2 là tiền tài trợ giáo dục tối thiểu 600.000 đồng/học sinh.
Áp đặt hay tự nguyện?
Rất nhiều phụ huynh ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng phản ánh tình trạng bị "ép" buộc phải nộp tiền "tài trợ giáo dục" với mức cao từ 300.000 đồng - 600.000 đồng/học sinh/năm và nhiều khoản thu mỗi trường một kiểu. Thống kê các khoản phải nộp của chị M.T - phụ huynh học sinh trường Mầm non Thạch Thị (huyện Anh Sơn) cho thấy, ngôi trường ở huyện miền núi này cũng có đến 10 khoản thu với tổng số tiền phải nộp lên đến 5.159.000 đồng.
Trong đó, có khoản tiền tài trợ để nhà trường làm mái tôn với mức tối thiểu 600.000 đồng/học sinh. Các phụ huynh trường này thắc mắc, năm học trước trường cũng đã huy động mỗi phụ huynh tài trợ 500.000 đồng/học sinh để làm mái tôn, vậy tại sao năm học này còn thu? Không những thế, một số trường học trên địa bàn huyện Yên Thành còn "mặc định" mức tự nguyện cho phụ huynh.
Riêng ở thành phố Vinh, mức thu và số các khoản thu của trường còn cao hơn. Một phụ huynh trường THCS Hưng Bình (TP Vinh) phản ánh: "Tôi thấy việc thu tiền tài trợ này sai trái. Cứ ghi là tài trợ tự nguyện nhưng nhà trường lại đưa ra mức tối thiểu 700.000 đồng/học sinh. Nhà trường lập sẵn danh sách, cô giáo chủ nhiệm đưa cho mỗi phụ huynh 1 tờ giấy đánh máy theo mẫu in sẵn ghi là "tự nguyện" rồi bảo phụ huynh nộp tiền và ký vào.
Hầu hết phụ huynh không đồng tình với khoản thu này nhưng không ai dám lên tiếng phản đối vì sợ con em đi học bị trù dập nên cứ nhắm mắt nộp tiền cho xong chuyện. Đến lúc ra khỏi cổng trường phụ huynh mới tụ tập bàn tán hoặc lên mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc".
Liên quan đến vấn đề trên, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết: "Nhà trường gây sức ép buộc phụ huynh phải nộp khoản tài trợ giáo dục như vậy là vi phạm, không được phép. Phòng giáo dục thành phố sẽ xử lý nghiêm minh những trường hợp giáo viên hay nhà trường trù dập học sinh có phụ huynh không nộp tiền tài trợ".
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký công văn gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các trường THPT trên địa bàn hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các khoản thu, chi năm học 2019 - 2020. Nếu trường nào thực hiện trái với nội dung công văn là sai và phải chịu trách nhiệm.
Tại trường Mầm non Quang Trung (TP Vinh), các phụ huynh phản ánh, nhà trường gây sức ép bằng cách in danh sách những học sinh chưa nộp tiền tài trợ dán ngay ở cửa lớp học. Dường như có sự "huấn luyện" trước của giáo viên nên cứ mỗi khi bố mẹ đến đón thì trẻ lại nắm tay dẫn đến chỗ tờ giấy thông báo rồi nói "bố mẹ nộp tiền tài trợ cho con".
Thu tiền không ghi biên lai, hóa đơn!?
Tại Hà Tĩnh, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Ân Phú, (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) phải đóng các khoản: Xây dựng cơ cở vật chất 900 ngàn đồng, 700 ngàn đồng tiền học buổi 2, hoạt động trải nghiệm và sáng tạo 300 ngàn đồng, quỹ đội 50 ngàn đồng, hội chữ thập đỏ 30 ngàn đồng, tiền quỹ lớp 100 ngàn đồng... Chị N.T.H, một phụ huynh cho biết, sau cuộc họp chị H đã lên trường đóng hơn 3 triệu tiền học cho con, và vẫn thiếu một số khoản. Việc đóng nộp này không có biên lai hay phiếu thu mà phụ huynh chỉ ký sổ. Đối với một vùng quê nghèo mà học sinh nhỏ tuổi phải đóng trên 3 triệu đồng là quá cao. Chị H cho biết thêm, trường chưa nêu cụ thể từng khoản thu và mục đích làm gì, còn khoản xây dựng thì năm nào cũng thu.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ân Phú thông tin, những khoản thu này là vận động theo hình thức tự nguyện và được phụ huynh đồng tình trong cuộc họp mới triển khai thu. Việc không có biên lai là do các phụ huynh đến đóng không đúng thời gian, địa điểm cụ thể nên không làm được.
Theo Tiền phong
Thanh Hóa: Nhiều trường lạm thu đầu năm học mới Bước vào năm học mới chưa đầy 1 tháng, một số trường ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã bị phụ huynh tố giác có dấu hiệu lạm thu và đưa ra nhiều khoản đóng góp núp bóng "tự nguyện". Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu,...