Xu hướng ngành nghề: Ngành “khát” nhân lực vẫn khó tuyển sinh
Nhiều ngành có nhu cầu về nhân lực, thậm chí là cao nhưng vẫn rất khó khăn trong thu hút người học; trong đó đáng chú ý là tuyển sinh cao đẳng sư phạm (CĐSP) giáo dục mầm non.
Tư vấn ngành nghề cho thí sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2021. Ảnh: Nguyễn Nhung
Chật vật tuyển sinh
Dù trên cả nước còn thiếu nhiều giáo viên mầm non, nhưng những năm gần đây, tuyển sinh CĐSP giáo dục mầm non vô cùng khó khăn. Thực tế này thể hiện rõ trong đề án tuyển sinh của các trường CĐSP. Đơn cử, Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2019 tuyển được 115 thí sinh/205 chỉ tiêu; năm 2020 tuyển được 164/500 chỉ tiêu. Trường CĐSP Thái Nguyên năm 2019 tuyển được 66/150 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non; năm 2020 tỷ lệ này là 102/133. Trường CĐSP Thừa Thiên – Huế năm 2020 có 61 thí sinh nhập học trên tổng 139 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non. Trường CĐSP Kiên Giang năm 2020 tuyển được 141/200 chỉ tiêu giáo dục mầm non…
Là một trong những cơ sở đào tạo CĐSP mầm non uy tín trong cả nước, nhưng trong vài năm trở lại đây, Trường CĐSP Trung ương đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Thông tin từ Phó Hiệu trưởng Trịnh Thị Xim, năm nay sẽ tiếp tục một mùa tuyển sinh vất vả, bởi đến thời điểm này số học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường còn thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh. Chưa kể, không phải thí sinh nào đăng ký nguyện vọng vào trường cũng nhập học.
Chia sẻ về nguyên nhân, bà Trịnh Thị Xim cho rằng: Công việc của giáo viên mầm non hiện nay quá áp lực, vất vả, trong điều kiện dịch bệnh lại nhiều rủi ro. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề còn thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, các trường ĐHSP đều có tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non, do đó học sinh sẽ ưu tiên đăng ký nguyện vọng ĐH.
Video đang HOT
Tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh cho biết: Năm 2021, nguyện vọng đăng ký vào ngành Giáo dục mầm non của trường cao hơn chỉ tiêu 3 lần, nhưng so với các ngành khác, số lượng đăng ký vẫn thấp.
Theo ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa – Vũng Tàu: Sinh viên ngành CĐSP hiện nay không phải đóng học phí cho đến khi tốt nghiệp, được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 – 2022. Đây là chính sách ưu tiên lớn nhất từ trước đến nay với sinh viên sư phạm, tạo thuận lợi cho người học, nhất là đối tượng khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, việc tuyển sinh vẫn khó khăn, nhiều trường không đủ chỉ tiêu.
Ngoài nguyên nhân áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, theo ông Hồ Cảnh Hạnh, sinh viên ở một số nơi gặp khó khăn trong tìm việc làm do cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên. Việc phải tuân thủ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trong khi các ngành khác (trừ khối ngành đào tạo sức khỏe) cũng là yếu tố khiến các ngành sư phạm bị thu hẹp nguồn tuyển.
Thí sinh thi năng khiếu vào Trường CĐSP Trung ương. Ảnh trường cung cấp
Ngành Khoa học tự nhiên khó hút thí sinh
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 5 nhóm ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất năm 2020 là: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Theo đó, đứng đầu về khó tuyển là ngành Khoa học tự nhiên với 1.867 thí sinh nhập học trên 4.506 chỉ tiêu (41,43%). Tỷ lệ này còn thấp hơn nữa trong năm 2019 với 34,58%. Đứng thứ 2 là ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản với 4.135 thí sinh nhập học trên tổng chỉ tiêu là 9.416 (43,91%); năm 2019 là 32,6%. Tỷ lệ này trong mùa tuyển sinh năm 2020 với ngành Dịch vụ xã hội là 49,98%, ngành Khoa học sự sống: 54,43%; ngành Môi trường và bảo vệ môi trường: 65,28%.
Năm nay, theo số liệu Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) công bố về chỉ tiêu và số lượng nguyện vọng đăng ký theo lĩnh vực, nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng 1/chỉ tiêu thấp nhất là Khoa học sự sống và Khoa học tự nhiên với tỷ lệ tương ứng là 26,14% và 20,15%. Ngược lại, nhóm ngành Khoa học xã hội và hành vi, tỷ lệ này là gần 200%.
Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng: Điều này phản ánh xu hướng nghề nghiệp trong những năm vừa qua, khi mà lĩnh vực dịch vụ đang thu hút lực lượng lao động lớn, cơ hội việc làm cao. Khoa học sự sống và khoa học tự nhiên là những ngành khoa học cơ bản, yêu cầu trình độ cao và nhu cầu nhân lực hạn chế, chính vì vậy khó thu hút thí sinh lựa chọn hơn.
“Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đào tạo cả nhóm ngành Khoa học tự nhiên, khoa học sự sống và khoa học xã hội. Chúng tôi cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Các ngành xã hội luôn có tỷ lệ thí sinh đăng ký cao như nhóm ngành báo chí, Việt Nam học, Địa lý du lịch hay Tâm lý học. Các ngành khoa học tự nhiên như Hóa học (chuyên ngành Hóa dược), Công nghệ sinh học, Quản lý Tài nguyên môi trường có tỷ lệ đăng ký thấp mặc dù cơ hội nghề nghiệp, khả năng trúng tuyển cao”, ông Nguyễn Vinh San thông tin và cho biết:
Nhằm thu hút thí sinh vào các ngành khoa học tự nhiên, nhà trường chủ động điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo giúp sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được phổ công việc rộng hơn. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo. Nói về giải pháp chung, theo ông Nguyễn Vinh San, các trường cần hợp tác, kết hợp với doanh nghiệp trong mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo, thực tập và tiếp nhận sau khi tốt nghiệp. Nếu làm được như vậy, thí sinh mới yên tâm lựa chọn.
Để khắc phục điều này, cần có phân khúc rõ ràng trong đào tạo CĐ và ĐH ngành Sư phạm mầm non. Quan trọng nhất là giải pháp về cơ chế, chính sách. GV mầm non là công việc đặc thù, cần được quan tâm để có thu nhập xứng đáng để GV bảo đảm cuộc sống. Môi trường làm việc, được sự ghi nhận động viên kịp thời, tạo điều kiện trong công việc… cũng vô cùng quan trọng để GV mầm non gắn bó với nghề. - Bà Trịnh Thị Xim
Ngành học thiết yếu lại thiếu học viên
Covid-19 càng cho thấy rõ vai trò của lực lượng y tế công cộng trong phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, năm 2020, có bốn trường không tham gia tuyển sinh ngành này nữa vì những năm trước... không tuyển sinh được.
Tình trạng các ngành học thiết yếu nhưng lại thiếu học viên đang xảy ra tại nhiều trường đại học.
Cần có các phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút sinh viên nhằm tăng hiệu quả đào tạo.
1/Thí sinh cả nước vừa hoàn thành thủ tục đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2021. Số liệu về đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn. Trong tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm nay, năm nhóm ngành có tỷ lệ lựa chọn ít là: Khoa học tự nhiên; Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây lại là những ngành truyền thống trong kinh tế của Việt Nam và đang cần một đội ngũ nhân lực chất lượng.
PGS, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng cho biết: "Tại trường, tỷ lệ sinh viên (SV) nhập học trên chỉ tiêu tuyển sinh chỉ chiếm khoảng 40 - 60%. Trong năm 2020, đã có bốn trường ĐH không tham gia tuyển sinh Ngành Y tế công cộng nữa vì những năm học trước, họ không tuyển sinh được". Thực tế, cơ hội việc làm rất rộng mở đối với SV khi học ngành này. Bởi lẽ, cả nước có tới 63 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở các tỉnh thành, hơn 500 huyện đều có trung tâm y tế, hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng và rất cần những nhân lực được đầu tư bài bản.
Nhìn đợt bão lũ năm 2020 tại miền trung, theo các chuyên gia, nếu có dự báo trước của các nhà khoa học địa chất về vấn đề sạt lở thì sẽ có thể giảm rất nhiều những thiệt hại về người và tài sản. Trong khi hiện nay đang rất thiếu người theo học các nhóm ngành như Địa chất, Hải dương, Môi trường - những ngành liên quan tới biến đổi khí hậu ở Việt Nam hoặc trên thế giới. Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi năm có khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và 250 chỉ tiêu cho ngành Quản lý tài nguyên, nhưng hiện mỗi ngành đã phải giảm đi 100 chỉ tiêu vì không tuyển đủ.
Nhóm ngành Công tác xã hội (Công tác xã hội, Giới và Phát triển, chuyên ngành Tham vấn - Trị liệu) cũng đang rất thiếu nhân lực. SV học xong sẽ dễ dàng có việc làm trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; có thể là chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, hoặc cán bộ hoạch định chính sách xã hội; chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành lao động - thương binh và xã hội... Tuy nhiên, ngành học vẫn không thu hút thí sinh.
2/TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục ĐH nhận xét: Ngành khoa học cơ bản của nước ta hiện nay đang bị sao nhãng, từ người học đến các nhà quản lý và thiếu đầu tư phù hợp. Bởi các em vào học nhưng tương lai chưa rõ ràng. Mặt khác, còn do việc đào tạo chưa phù hợp yêu cầu thực tế. Chẳng hạn, các trường không cập nhật kịp thời về máy móc thiết bị, kỹ năng sử dụng thiết bị... nên SV ra trường chưa thể hội nhập được ngay. Bản thân các ngành học này cũng hơi khô khan, bó hẹp, chủ yếu đi vào chuyên môn, nên cần phải có những phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút SV.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các em học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp lại chỉ quan tâm đến: "Nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không... Ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng, sở trường của bản thân", TS Phương phân tích. Chính vì thế, nhiều học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác để dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn, công việc nhàn hơn.
Theo GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội, các trường bắt buộc phải thay đổi, nhất là đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để thu hút người học. Các trường ĐH không chỉ cung cấp kiến thức khoa học cơ bản mà một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo ĐH chính là mang đến cơ hội việc làm cho SV. Còn PGS, TS Lê Thị Trinh, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội góp ý: Phải thay đổi triệt để chương trình đào tạo, theo hướng liên ngành, tích hợp những môn học ở các lĩnh vực khác nhau để các em khi ra trường không chỉ làm được đúng mỗi một ngành như tên được đào tạo". Để tạo sức hút cho thí sinh, PGS, TS Lê Thị Trinh cho rằng, cần một chiến lược nhân lực tầm quốc gia, nêu rõ nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của từng nhóm ngành cũng như công tác tuyên truyền hướng nghiệp để giảm bớt độ vênh về ngành nghề đào tạo trong tuyển sinh như hiện nay.
Khai báo dữ liệu đề án tuyển sinh đại học, cao đẳng trước ngày 31-3 Để tạo điều kiện cho thí sinh tìm hiểu, nghiên cứu, từ đó đưa ra quyết định về việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Với quan điểm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất...