Xót xa những bé gái mặc đồng phục học sinh đã phải đến bệnh viện vì ung thư phụ khoa
Theo BS Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, tuần vừa qua khoa Ngoại 1 đã tiếp nhận 5 bệnh nhân dưới 16 tuổi, trong đó có 2 bệnh nhân mới chỉ 11 – 12 tuổi đã bị ung thư phụ khoa. Đặc biệt, có những bệnh nhi nhập khoa ngoại 1 mà còn nguyên bộ đồ đi học của trường.
BS Tiến thăm hỏi một bệnh nhi bị ung thư tại khoa.
Ví dụ, trường hợp bệnh nhi V., 12 tuổi học lớp 6 đã mắc ung thư phụ khoa cho thấy, bệnh nhi này có kinh nguyệt từ năm 10 tuổi. Bệnh nhi cho biết, trong thời gian vài tháng nay tự nhiên thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon, đi tiểu nhiều, mất kinh, đặc biệt bụng to dần. Cô bé và gia đình tưởng cháu béo ra nên không để ý.
Tuy nhiên, vài tuần nay bụng cháu to nhanh nên gia đình nghi ngờ đã đem cháu đi bệnh viện kiểm tra. Cả gia đình tá hỏa khi biết con gái mình bị ung thư buồng trứng với khối bướu gần bằng 30cm ở vị trí tử cung lên tới rốn.
Trường hợp thứ 2, một cô bé đau bụng âm ỉ 2 tháng nay. Cháu ra máu âm đạo rỉ rả, nhưng giấu gia đình, đến khi không chịu nổi mới báo cho mẹ. Người mẹ vội vàng đưa con đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khám, siêu âm với kết quả nghi ung thư buồng trứng, sau đó đã chuyển qua Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì phát hiện cháu có khối bướu kích thước lên tới 20cm.
BS sĩ Tiến cho biết, còn 3 ca còn lại cũng đều dưới 15 tuổi, trong đó có 2 ca bướu quái lành tính. Nhưng ca còn lại thì bác sĩ nghi ngờ ung thư buồng trứng loại bướu xoang nội bì (AFB trên 2000) – loại ung thư buồng trứng “cực ác”. Trong chuyên môn nghe nói tới bệnh lý này là kinh hồn bạt vía, vì tính hung ác của bệnh dù điều trị cỡ nào vẫn không khống chế được tế bào ung thư.
Bác sĩ Tiến cho biết, riêng trường hợp này bác sĩ khám khối bướu rất to trên 20cm, trên hình ảnh CT SCANT và Xét nghiệm máu chẩn đoán Bướu xoang nội bì cho thấy, với tình trạng trên của cháu, dù có phẫu thuật triệt để hay hóa trị tận lực thì tuổi thọ của bệnh nhân cũng không thể kéo dài.
“Nhìn 5 đứa trẻ lần lượt lên bàn khám bệnh mà biết chắc tương lai của các cháu sẽ rất ngắn ngủi khiến chúng tôi nước mắt lưng tròng” bác sĩ Tiến chia sẻ. Được biết, sau khi có kết quả chẩn đoán từ các xét nghiệm cận lâm sàng và lâm sàng, các bệnh nhân nhi nói trên đều được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Cảnh báo về căn bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ Tiến khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy quan tâm chăm sóc con cái mình, lưu tâm những dấu hiệu nhỏ nhất trong quá trình phát triển của con gái.
Video đang HOT
Ví dụ, những dấu hiệu kinh nguyệt bất thường, những triệu chứng than phiền về vùng bụng chậu, những phát triển bất thường vòng bụng… nên đưa các cháu đi tới các chuyên khoa sản – nhi để tìm ra nguyên nhân, phát hiện sớm bệnh. Nếu không may bị ung thư thì bệnh cũng ở giai đoạn sớm, có thể điều trị được phần nào.
Bướu xoang nội bì phôi ( Yolk sac) chiếm 14 – 20% các trường hợp bướu tế bào mầm của buồng trứng.
Bướu được gọi như vậy vì cấu trúc của bướu tương tự với xoang nội bì phôi trong yolk sac của chuột và xuất phát từ yolk sac nguyên thủy. Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi với độ tuổi mắc bệnh trung bình là 23 tuổi và 1/3 bệnh nhân chưa có kinh nguyệt.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp là đau bụng và bướu vùng chậu. Triệu chứng đau thường xuất hiện cấp tính và thường chẩn đoán lầm với viêm ruột thừa.
Bướu thường phát triển rất nhanh và lan tràn trong ổ bụng. Nồng độ men AFP trong máu thường tăng cao và được sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị và theo dõi sau điều trị. Nồng độ LDH cũng có thể tăng.
Điều trị bướu xoang nội bì phôi tương tự với các loại ung thư tế bào mầm khác của buồng trứng. Điều trị bao gồm: phẫu thuật xếp giai đoạn, giảm tổng khối bướu nếu bệnh lan tràn và hóa trị bổ túc sau mổ. Phẫu thuật tiêu chuẩn bao gồm: cắt tử cung type A, 2 phần phụ và mạc nối lớn.
Tuy nhiên, do bệnh thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi nên nếu bệnh ở giai đoạn sớm có thể xem xét điều trị bảo tồn cho bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân đều cần được hóa trị hỗ trợ sau mổ với phác đồ BEP (bleomycin, etoposide và cisplatin).
Theo infonet
Xu hướng gia tăng ung thư phụ khoa ở phụ nữ trẻ
Nhiều bệnh nhân nữ còn quá trẻ đã bị ung thư phụ khoa. Đặc biệt, có bệnh nhân chưa lập gia đình, chưa có con và chưa có quan hệ tình dục vẫn bị ung thư thân tử cung, cổ tử cung.
Nữ giới trong độ tuổi 9 - 26 nên chích ngừa HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung - Ảnh: shutterstock
Ung thư tử cung dưới tuổi 30
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết vừa phẫu thuật cắt cổ tử cung bảo tồn sinh sản cho 2 bệnh nhân 29 và 30 tuổi. Một bệnh nhân phát hiện u tế bào gai xâm lấn khi đi tầm soát ở bệnh viện phụ sản. Một bệnh nhân cũng đi tầm soát sang thương 0,5 cm và sinh thiết ra kết quả ung thư tế bào gai. Cả hai trường hợp này đều mới lập gia đình và chưa có con. Vì vậy, bác sĩ phải vô cùng cẩn trọng, chọn phương pháp tối ưu, tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân và gia đình để điều trị bảo tồn sinh sản.
"Căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa, không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ"
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trưởng khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)
Đó vẫn chưa phải là trường hợp trẻ nhất bị ung thư phụ khoa mà các bác sĩ gặp phải. Bác sĩ Tiến cho biết gần đây Khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị ung thư phụ khoa còn rất trẻ, chưa lập gia đình, chưa có con, đặc biệt là ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung. Có trường hợp ung thư thân tử cung mới 25 tuổi và ung thư cổ tử cung mới 19 tuổi (chưa quan hệ tình dục). Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân mới 14 tuổi vừa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên đã phát hiện có khối u cổ tử cung rất to, xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, bàng quang và xuống gần hết âm đạo trên 10 cm.
"Mặc dù chưa có số liệu báo cáo cụ thể nhưng ghi nhận thực tế qua khám chữa bệnh cho thấy có nhiều bệnh nhân nữ còn quá trẻ đã bị ung thư phụ khoa. Điều này làm ngạc nhiên cho các y bác sĩ làm công tác điều trị bệnh lý này", bác sĩ Tiến nhận định.
Theo bác sĩ Tiến, phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư phụ khoa, bao gồm ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng, âm hộ và âm đạo. Những năm gần đây, tỷ lệ mắc những căn bệnh này đang tăng lên ở phụ nữ dưới 30 tuổi. "Đây là tình trạng rất đáng lo ngại. Trước đây, bệnh ung thư phụ khoa thường xuất hiện ở tuổi trên 50 - 60", bác sĩ Tiến đánh giá.
Tiến triển nhanh, ác tính cao
"Ung thư phụ khoa (ung thư cổ tử cung, buồng trứng, nội mạc tử cung) ở phụ nữ trẻ tuổi có khuynh hướng tiến triển nhanh và ác tính cao hơn so với bệnh nhân lớn tuổi", bác sĩ Tiến cho biết.
Ở người trẻ, những áp lực tâm lý thường nặng nề hơn vì họ là trụ cột gia đình và có một tương lai còn rất dài phía trước. Việc suy sụp tâm lý cũng làm cho căn bệnh tiến triển nhanh hơn và giảm đi hiệu quả điều trị.
Vì vậy, theo bác sĩ Tiến, điều cực kỳ quan trọng là cần được chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Đồng thời, một thách thức đặt ra cho các bác sĩ là cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị ưu việt nhất để có thể bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân trẻ.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể được cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn thân tử cung, tạo hình tử cung, giúp vẫn có thể duy trì khả năng sinh sản. Đối với các trường hợp bệnh nhân trẻ, đặc biệt là người chưa lập gia đình, nếu bị ung thư buồng trứng, phát hiện sớm, các bác sĩ có thể cố gắng phẫu thuật lấy được khối u nhưng vẫn bảo tồn tử cung và buồng trứng để có thể sinh con sau này.
"Căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa, không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ. Bên cạnh đó, phụ nữ cần trang bị kiến thức về việc phòng ngừa, đi khám tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh, chích ngừa HPV, đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động... Trong đó, ung thư cổ tử cung có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm thông qua tầm soát và có tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao nếu được phát hiện sớm", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Các nguy cơ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, hiện nay nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm thấy nguyên nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC) là từ vi rút HPV, nhưng khi nhiễm HPV thì chỉ dưới 10% bệnh nhân tiến triển thành ung thư sau 10 - 15 năm.
Ở bệnh nhân ung thư trẻ tuổi, y học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác nhưng một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan về di truyền.
Một lý do được cho là liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ UTCTC ở phụ nữ trẻ là việc thay đổi thói quen tình dục của người trẻ. Cụ thể, hiện tại, phụ nữ có khuynh hướng quan hệ tình dục lần đầu trẻ hơn, tỷ lệ có nhiều bạn tình cũng cao hơn. Do đó, tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ trẻ là khá cao.
Các ước tính hiện tại cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ từ 20 - 24 tuổi và từ 25 - 29 tuổi lần lượt là 59% và 50%. Nguy cơ UTCTC, buồng trứng cũng thường xảy ra ở phụ nữ có quan hệ tình dục trước tuổi 18 hoặc những người quan hệ với nhiều bạn tình, sẩy thai, nạo hút nhiều lần.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy yếu tố nguy cơ cho ung thư nội mạc tử cung (thân tử cung) và buồng trứng ở phụ nữ trẻ là do tăng tiết estrogen quá mức liên quan đến tình trạng béo phì và dậy thì sớm; bên cạnh các bệnh lý di truyền khác như hội chứng Lynch.
Mặt khác, nếu cơ thể sớm tiếp xúc với các tác nhân tiêu cực như môi trường ô nhiễm, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích thì càng sớm thúc đẩy quá trình phát triển ung thư.
Theo Thanh niên
Những cách nghĩ sai lầm về ung thư Những quan niệm sai lầm về ung thư có thể gây ra những lo lắng không cần thiết cho sức khỏe của bạn. Thông tin sai có thể làm bệnh nhân phản ứng sai lệch, hoặc phản ứng thái quá ảnh hưởng đến việc chấp nhận điều trị bệnh. Qua nghiên cứu nhiều tài liệu và kinh nghiệm điều trị ung thư hơn...