Xót thương cảnh nghèo của ba đứa trẻ không cha, nhọc nhằn đi tìm con chữ
Giữa tiết trời oi nóng, trong căn nhà tạm: Không cửa, không bàn, không sóng wifi, ba em nhỏ từ 8 đến 11 tuổi của gia đình chị Phùng Thị Tươi (thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) say xưa học online trên một chiếc điện thoại.
Những giờ lên lớp trùng nhau, các em sắp xếp mỗi người học 30 phút để nghe cô giảng bài, rồi bổ sung kiến thức bị thiếu bằng cách làm bài tập hoặc nhờ cô giáo hướng dẫn thêm sau giờ học trực tuyến.
Nhọc nhằn đi tìm con chữ
Men theo con đường đất lầy lội dài gần 2km từ trung tâm huyện Ba Vì, phóng viên KT&ĐT cùng Ban Giám hiệu trường Tiểu học Phú Sơn tìm được về thôn Đông Hữu (xã Phú Sơn) để đến nhà chị Phùng Thị Tươi. Gọi là nhà nhưng thực tế nơi ở của chị Tươi cùng 3 con nhỏ là một chuồng trại bị bỏ trống đặt giữa cánh đồng lúa, mượn tạm của người dân trong thôn. Ấn tượng của chúng tôi khi gặp chị Tươi là chiếc nón lá đã bạc đội trên đầu, chiếc áo lao động mặc trên người bám đầy bùn đất vẫn tất tả tưới nước cho những luống rau mới trồng.
Nơi ở của gia đình chị Phùng Thị Tươi (thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn, Ba Vì) cùng 3 con nằm ở giữa cánh đồng. Ảnh: Ngọc Tú.
Thấy có khách, chị Tươi nghỉ tay, mời mọi người vào nhà. Từ bên ngoài, chúng tôi đã nghe thấy tiếng trẻ con đang phát biểu, đọc bài trong giờ học online. Mở chiếc cửa, che tạm bằng tấm bạt xanh, chị Tươi giới thiệu ba con: Phùng Thị Thu Huyền (8 tuổi), Phùng Xuân Huy (9 tuổi) và Phùng Thị Lan Phương (11 tuổi) đang ngồi học. Em nhỏ nhất 8 tuổi ngồi học online được chị 11 tuổi ngồi bên cạnh kèm cặp. Bé 9 tuổi, Phùng Xuân Huy đặt sách dưới đất, khom lưng ngồi học. Từ nhỏ các em đều không biết mặt cha.
Trong ngôi nhà (vốn là chuồng trại) mới dựng xong phần thô, mái làm bằng prô xi măng còn hở lỗ chỗ, trơ gạch vữa, ngoài chiếc giường ngủ và 1 cái quạt cây, chiếc điện thoại thông minh – thiết bị học online là tài sản duy nhất có giá trị tiền triệu. Trong hoàn cảnh gian khó đó ba chị em vẫn tràn đầy nghị lực, biết “đẩy” về phía sau những nhọc nhằn để vươn lên.
Bên trong căn nhà của chị Phùng Thị Tươi và 3 con nhỏ. Ảnh: Ngọc Tú.
Góc học tập của các em được sắp xếp tạm trong một góc nhà. Ghế là những chiếc ván gỗ ghép vào nhau, kê cao hơn so với nền đất ruộng. Bàn học chia làm hai phần, một phần là nơi để chiếc điện thoại phục vụ cho việc học trực tuyến, đặt trên một tấm ván gỗ dài khoảng 50cm, xếp trên chồng sách vở của ba chị em cho cao hơn, thuận tầm mắt; phần thứ 2 – nơi đặt sách vở là hộp mì tôm rỗng. Để cứng cáp hơn, thuận tiện khi viết, ba chị em xếp vào trong thùng mì những cuốn sách vở chưa dùng đến trong tiết học. Theo lịch được ba chị em tự sắp xếp, ai đến giờ học thì được ngồi vào góc học tập và sử dụng máy điện thoại. Chiếc quạt cây duy nhất trong nhà cũng được ưu tiên dùng để phục vụ cho người đang học trực tuyến. Trong lúc đó, hai chị em khác sẽ lấy chiếc ghế nhựa làm bàn, nền đất làm ghế để học.
Video đang HOT
Em Phùng Thu Huyền (lớp 3 – Trường Tiểu học Phú Sơn) trong giờ học online. Ảnh: Ngọc Tú.
Chứng kiến giờ học của các em, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, tinh thần học tập của các em vẫn hăng say. Phùng Thu Huyền (8 tuổi) trong giờ học liên tục giơ tay phát biểu bài. Em đọc lưu loát những dòng chữ trong sách, trả lời những câu hỏi của cô trôi chảy. Cô chị ngồi đằng sau ôn bài nhưng luôn để ý những lời phát biểu và nét chữ của em.
Cái nghèo đeo bám
Để tránh ảnh hưởng đến giờ học của các em, chị Tươi dẫn chúng tôi sang gian bếp mời nước. Gian bếp là một mảnh vườn, không có mái, được quây xung quanh bởi một hàng gạch. Bếp là ba viên gạch xếp thành kiềng ba chân, dùng củi đốt. Chỉ về phía những thanh gỗ dài để ở góc vườn, chị Tươi kể: “Trước đây, bốn mẹ con phải ở tạm trong túp lều dựng tạm bằng cột gỗ. Nhà hiện nay tôi cùng ba con đang ở là nơi chăn nuôi của một người trong thôn. Trước khi có dịch Covid-19, tôi đi làm may ở một nhà máy nhưng nay đã phải nghỉ”.
Chị Phùng Thị Tươi tăng gia sản xuất trong những ngày mất việc do dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú.
Trong thời điểm nghị việc, chị Tươi nghĩ đủ mọi cách kiếm tiền để lo cho bữa cơm hàng ngày và trang trải tiền học cho các con. “Năm ngoái, tôi vay mấy triệu đồng để lo tiền học cho các cháu, nay vẫn chưa trả được. Năm nay, tôi vẫn chưa lo được tiền học cho cả ba cháu” – chị Tươi cho hay.
Nói đến việc lo cho con học, người phụ nữ thân hình gầy gộc lau vội giọt nước mắt, tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi cố gắng chăn nuôi, trồng trọt để có tiền cho các cháu ăn học. Trước đây, tôi có vay tiền để nuôi ba con lợn. Nhưng sau Tết, dịch bệnh nên lợn cũng chết hết, tiền vay chưa trả được”.
Trong số ba chị em, chị cả Phùng Thị Lan Phương hiểu được những khó khăn trong gia đình và thường xuyên đỡ đần mẹ lo cho hai em. Em Phương kể: “Những ngày không dịch, mỗi khi mẹ đi làm, em đều đưa hai em đi học. Nhưng cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp, chở các em đi trên đường đất, nhiều lúc bị ngã bẩn hết quần áo. Chúng em cũng tự sắp xếp việc học online. Nếu trùng giờ học, chúng em chia nhau mỗi người học 30 phút, rồi làm bài tập thêm để nắm được kiến thức”.
Việc học online của chị em còn nhiều khó khăn do thiếu thiết bị. “Trước đây, ba chị em chỉ có 1 chiếc điện thoại mượn của ông để học. Nhưng buổi chiều, ông đi đâu là lại đòi lại máy. Năm nay, thầy cô ở trường có tặng cho em một chiếc mới. Chúng em rất vui. Việc học đôi khi bị gián đoạn do nhà không có wifi mà dùng sóng 3G. Vào những hôm trời mưa, đường truyền kém, chúng em không nhìn thấy những hình ảnh cô giáo chiếu bài. Nên sau giờ học, em nhờ cô và các bạn, hay anh chị hàng xóm giúp thêm” – Em Phương chia sẻ.
Sẻ chia khó khăn
Biết được khó khăn của phụ huynh, học sinh nghèo, Ban Giám hiệu trường tiểu học Phú Sơn đã thường xuyên động viên, thăm hỏi, tặng quà. Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Sơn – Huỳnh Thị Thanh Bình cho biết: “Thầy cô thường xuyên động viên, quan tâm đến học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học mới, chúng tôi đã quyên góp, vận động các mạnh thường quân ủng hộ được 7 chiếc điện thoại để tặng cho học sinh. Cùng với đó, nhà trường tặng các em sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập để đảm bảo việc học tập của các em không bị ảnh hưởng. Trường hợp của gia đình chị Phùng Thị Tươi được nhà trường luôn quan tâm ủng hộ hỗ trợ thiết bị và sách vở học tập”.
Cùng chúng tôi vào thăm gia đình các em học sinh của gia đình chị Phùng Thị Tươi, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Phú Sơn ngoài việc hỏi thăm, tặng thêm sách vở, cho học sinh cũng mang theo những xuất quà như lương thực, thực phẩm và khẩu trang. Phùng Xuân Huy (9 tuổi) là học trò hiếu động nhưng rất tình cảm. Biết giáo viên đến nhà, Huy luôn đến gần cầm tay, níu áo cô để hỏi, khoe kết quả học tập. Có thể thấy, chính từ cuộc sống còn khó khăn, sợi dây tình cảm của cô trò ngày càng bền chặt, trân quý hơn.
Cô Huỳnh Thị Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn kèm cặp học sinh trong giờ học online. Ảnh: Ngọc Tú.
Được biết đến nay, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã triển khai ra soát thiết bị học tập từng học sinh, nắm được địa chỉ (thôn, xóm) và hoàn cảnh gia đình để có giải pháp thỗ trợ. Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Nguyễn Danh Cường chia sẻ: “Từ danh sách của học sinh khó khăn, chúng tôi đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội vận động, trao tặng thiết bị theo chương trình “Máy tính cho em”. Qua đó, Sở GD&ĐT đã tặng cho huyện Ba Vì 5 máy tính mới. Phòng Giáo dục quận Ba Đình đã trao tặng chúng tôi 10 máy tính”.
Đối với cấp nhà trường, Ban Giám hiệu các trường đã phối hợp với các đoàn thể, vận động nhà hảo tâm tặng học sinh 135 điện thoại thông minh cho 2 cấp học tiểu học, THCS; hơn 70 laptop và số tiền hỗ trợ quần áo, thiết bị học tập tổng trị giá 153 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã vận động, tiếp tục tham mưu với UBND huyện Ba Vì, dự kiến sẽ tặng 40 em học sinh nghèo thiết bị học tập. Phấn đấu 100% học sinh có phương tiện học tập tối thiểu.
Có thể thấy, ngành giáo dục, các thầy cô huyện Ba Vì cùng sự quan tâm, nỗ lực của phụ huynh và ý thức tự giác của học sinh, những khó khăn trong việc học online đã và đang được khắc phục. Từ đó, học sinh được tiếp cận kiến thức kịp thời, góp phần nuôi dưỡng ý chí vượt qua rào cản của dịch bệnh, vun đắp cho tương lai tươi sáng.
Hỗ trợ nền tảng internet tốc độ cao cho học trực tuyến
Ngày 7/9, trong ngày học thứ 2 của năm học 2021 - 2022, tình hình nghẽn mạng, rớt mạng khi thầy trò dạy và học trực tuyến chưa có nhiều cải thiện.
Tuy nhiên, nhiều nhà trường đã chuẩn bị phương án, kế hoạch để chủ động trong các hoạt động dạy và học.
Học sinh trường THCS Ngô Quyền học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thanh Hải
Vướng đâu, gỡ đó
Chị Ngô Mỹ Hạnh, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội bộc bạch: "Ngày thứ hai vào năm học mới, mạng vẫn phập phù trong giờ học trực tuyến của con. Khi con trai tôi đang học Toán, cô dạy rất hay và sôi nổi làm cả lớp vui vẻ, hào hứng phát biểu. Giơ tay đến lần thứ 5, con mới được gọi trả lời nhưng đang nói thì tài khoản bị out làm cậu bé tụt hứng, mặt ỉu xìu. Đã thế, con cố gắng đăng nhập lại để trả lời tiếp thì không thực hiện được ngay. Điều này khiến con buồn cả buổi sáng. Không hiểu tình trạng mạng chậm, mạng rớt kéo đến bao giờ!".
Theo lời kể của nhiều học sinh (HS), phụ huynh và giáo viên thì với phần mềm Zoom, sự cố nghẽn mạng vẫn xảy ra với cả cô và trò trong sáng 7/9. Nếu mạng lỗi, chậm với một HS, các bạn khác vẫn học được nhưng mạng lỗi ở phía cô giáo thì ảnh hưởng đến cả lớp, bài học không hoàn thành trong khung giờ quy định. Để ứng phó, nhiều thầy cô đã đăng ký với Ban giám hiệu sẽ thống nhất với lớp để dạy bù vào thời điểm thích hợp. "Việc dạy bù là việc cả giáo viên và HS đều không muốn nhưng khi tình trạng rớt mạng thường xuyên xảy ra như hiện tại, dạy bù là tình huống bất đắc dĩ phải thực hiện"- một cô giáo nói.
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường Tiểu học Trường Yên, huyện Chương Mỹ cho biết: "Sáng 7/9, các giáo viên trong trường đã chuyển hết từ dạy qua Zoom sang dạy bằng phần mềm Google Meet. Quả nhiên khác bên Zoom, phần mềm này chạy ổn định hơn nhiều; hầu như cô không phải dừng lại để khắc phục sự cố về đường truyền nữa".
Trong năm học 2021 - 2022, xác định học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế mà sẽ lâu dài, ổn định trong dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã xem xét, nhìn nhận thấu đáo, đưa ra nhiều quyết sách để ứng phó và tháo gỡ. Dù vậy, hệ thống mạng gặp trục trặc khi học trực tuyến là tình trạng phổ biến ở Hà Nội trong hai ngày qua khiến giáo viên cũng như phụ huynh, HS tâm tư, lo lắng. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết: Ngay ở giai đoạn đầu triển khai học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã trao đổi với các đơn vị viễn thông giữ ổn định đường truyền, tạo điều kiện để các em HS học tập cũng như hướng dẫn các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy - học online. Để chủ động khắc phục tình trạng nghẽn mạng, các trường nên chủ động bố trí khung thời gian hợp lý; sắp xếp thời khóa biểu từng khối lớp theo lịch học sáng - chiều khác nhau để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm.
Hỗ trợ hạ tầng số tốc độ cao cho trường học
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Nguyên tắc tinh giản là không vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục; không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu...
Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây, Bộ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho HS tự học nhiều hơn; tương tác nhiều hơn, giúp giảm căng thẳng và thời gian ngồi trước màn hình.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về xây dựng và triển khai Chương trình "sóng và máy tính cho em". Theo đó, Thủ tướng giao Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, DN viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng. Đồng thời chỉ đạo các DN viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.
Năm học mới với nhiều nỗi lo của học sinh có 8 người thân là F0 ở TP.HCM Học trò là F0, F1, phụ huynh chật vật tìm sách giáo khoa, thầy cô loay hoay chuẩn bị bài giảng trực tuyến.... là những khó khăn trước thềm năm học 2021-2022 ở TP.HCM. Nhiều gia đình F0, F1 "Xin lỗi, cho tôi hỏi có phải gia đình của ông H.D.K không? Bệnh nhân K. vừa qua đời vì Covid-19. Xin gửi lời...