Xôn xao SGK môn thể dục: Bộ GD&ĐT nói tất cả môn học đều phải có sách
Sáng 16/10, tại hội nghị tập huấn cán bộ cấp sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Tất cả các môn học đều phải có SGK.
Theo thông tư 32, tất cả các môn học bắt buộc phải có SGK. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 9/2019, toàn quốc có 1.151.873 giáo viên mầm non, phổ thông. So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định số giáo viên này còn thiếu dù đã được giao thêm biến chế để tuyển dụng là 71.941 trường hợp.
Ở các cấp học vẫn tồn tại tình trạng thừa, thiếu cục bộ do không điều tiết được giáo viên trong cả nước cũng như giữa các môn học. Nếu mỗi trường THPT dự kiến bố trí 1 giáo viên môn âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì cần đào tạo khoảng 5.400 người. Toàn quốc cũng đang thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học và công nghệ ở tiểu học.
Với thiết bị dạy học tối thiểu, Bộ GD&ĐT cho biết, mầm non đạt 47,9% nhu cầu, tiểu học 56,1%, THCS đạt 54,3%, THPT đạt 58,9% nhu cầu.
Bộ khẳng định, các điều kiện đảm bảo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn toàn có thể chủ động và đáp ứng được. Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức nói chung nhưng có tính đến đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục cho phù hợp và hiệu quả.
Ngoài ra nghiên cứu chế độ lao động, định mức lao động kinh tế kỹ thuật của giáo viên mầm non, phổ thông và tiến hành rà soát, khảo sát về định mức giáo viên mầm non, phổ thông làm căn cứ để điều chỉnh định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tính toán định mức giáo viên để hướng tới tất cả các cấp học phổ thông thực hiện dạy 2 buổi/ngày.
Lựa chọn SGK phù hợp với địa phương
Ông Thái Văn Tài cho biết, SGK thẩm định theo 4 điều tại thông tư 33 nhưng đây chỉ là quy định khung, không phải là quy định nội dung chi tiết của SGK. Sự đa dạng nằm ở cách tiếp cận khác nhau của tác giả. Ví dụ chủ đề yêu thiên nhiên, có việc làm thiết thực với thiên nhiên, đối với âm nhạc, tiếng Việt cách tiếp cận của các tác giả có khác nhau.
Nhưng SGK thiết kế phải có từng bộ, từng bài, cấu trúc của bài học, có phần mở đầu, khởi động, lên lớp dạy và học, rèn luyện phẩm chất năng lực. Trước khi thẩm định theo thông tư 33, Hội đồng thẩm định sẽ kiểm đếm xem có thực hiện theo đúng thông tư 32 không. Ông Tài đưa ví dụ chương trình quy định 50 tiết/năm học nhưng tác giả viết tới 70 tiết thì chắc chắn không đạt.
Về SGK môn thể dục và môn hoạt động trải nghiệm đang nhận được sự phản ứng nhiều chiều của dư luận, ông Tài một lần nữa khẳng định, theo quy định của thông tư 32, các môn học bắt buộc đều phải có SGK. Chương trình mới hướng đến phát triển năng lực của học sinh nên phải có tài liệu cho các em tham khảo.
Nhưng việc lựa chọn bộ SGK nào sau khi được hội đồng thẩm định và Bộ GD&ĐT thông qua là trách nhiệm của địa phương. Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh đến tính phù hợp của bộ sách với địa phương đó. Ông lấy ví dụ dạy cảnh đẹp thiên nhiên ở các trường Yên Bái thì nên lấy những cảnh minh họa ở khu vực phía Bắc vì nó gần với học sinh hơn.
Video đang HOT
Theo Tiền phong
Thẩm định SGK lớp 1: Phải đảm bảo công bằng cho các bộ sách
Chia sẻ xung quanh quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa chương trình giáo dục phổ thông.
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản TP Huế. Ảnh: Hữu Cường
Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được Chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách.
Công bố các bộ SGK trong tháng 10
*Thưa ông, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã có những chuẩn bị như thế nào cho SGK lớp 1 để triển khai từ năm học 2020 - 2021?
- Sau khi CT GDPT 2018 được ban hành, Bộ GD&ĐT tích cực thực hiện các hoạt động triển khai CT mới. Các tác giả viết SGK cũng đã nghiên cứu CT, cùng với Thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để tham gia biên soạn sách (Thông tư 33). Điều này cho thấy, tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về xã hội hóa biên soạn SGK đã được triển khai trong thực tiễn.
Đến hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT tiếp nhận các bản mẫu SGK. Hiện nay, Bộ đang tiến hành thẩm định 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản để bảo đảm kịp thời áp dụng CT, SGK lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 - 2021. Điều đáng mừng là đã thu hút được nhiều nhà khoa học có uy tín, tham gia biên soạn SGK, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Đánh giá chung nhất đến thời điểm này, các bộ SGK được các tác giả chuẩn bị công phu, có rất nhiều SGK đã tiếp cận hướng hiện đại của quốc tế, đặc biệt như môn Tiếng Anh. Tất nhiên cũng có những bộ sách các tác giả chưa tìm hiểu thật kỹ CT và các quy định tại Thông tư 33 về cấu trúc, quy trình biên soạn SGK. Với những SGK không đạt, tác giả và nhà xuất bản có thể tiếp thu điều chỉnh theo góp ý của hội đồng hoặc biên soạn lại đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới và đề nghị thẩm định lại theo quy định.
Trong tháng 10 này, Bộ GD&ĐT sẽ công bố các bộ SGK để các địa phương và các thầy cô giáo nghiên cứu, chuẩn bị thực hiện CT GDPT mới từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1.
Ông Thái Văn Tài
Quy trình chọn SGK chặt chẽ, minh bạch
*Dư luận quan tâm về các thành viên của Hội đồng thẩm định SGK; ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?
- Việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới CT, SGK GDPT đã đưa ra, và mới đây được quy định trong Luật Giáo dục 2019 (Điều 32).
Theo đó, thành phần gồm những nhà khoa học có chuyên môn đầu ngành của môn học, các nhà sư phạm đến từ các khoa của trường sư phạm đại diện cho những nhà phương pháp, những nhà quản lý đang công tác ở các sở, các phòng GD&ĐT, đặc biệt lần này có quy định ít nhất là 1/3 giáo viên (GV) đang trực tiếp giảng dạy môn học. Những quy định về hội đồng thẩm định cho thấy sự đa dạng, đa chiều về thành phần và có sự đánh giá bao quát, toàn diện đối với một bản thảo SGK.
Riêng với lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu cần quan tâm tới yếu tố vùng miền trong lựa chọn GV tham gia thẩm định SGK. Vì vậy, khi thiết kế hội đồng, chúng tôi đã tính đến GV đại diện ở các vùng miền khác nhau, có GV đến từ khu vực trung tâm đô thị, có GV đến từ vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, có những nơi rất khó khăn để các thầy cô khi tham gia vào hội đồng có cái nhìn toàn diện nhất đối với SGK, đặc biệt là SGK lớp 1.
*Trách nhiệm là điều mà mỗi người dân mong muốn, gửi gắm vào Hội đồng thẩm định SGK. Vậy, theo ông, làm thế nào để việc thẩm định SGK đảm bảo khách quan, công bằng, chọn được những bộ sách chất lượng?
- Chúng ta cần phải hiểu được quy trình làm việc của hội đồng thẩm định. Một thành viên được dự kiến mời tham gia vào hội đồng sẽ được tập huấn để tìm hiểu về CT, việc này rất quan trọng, vì CT lần này thay đổi về mục tiêu, mục đích phát triển phẩm chất năng lực của học sinh nên chúng ta sẽ thay từ cách thiết kế mạch nội dung cho đến các phương pháp giảng dạy, từ đấy mới đạt được mục tiêu của CT.
Sau khi được tập huấn sẽ thiết kế thành phần của hội đồng như tôi đã nói ở trên là có đầy đủ các thành phần, trong đó có cả GV. Và khi có bản thảo SGK được gửi đến, thành viên hội đồng sẽ có 15 ngày để đọc độc lập bản thảo. Sau 15 ngày đó, hội đồng sẽ làm việc tập trung, tác giả sẽ được mời đến trong ngày làm việc tập trung đầu tiên để trình bày bản thảo của mình.
Sau khi nghe trao đổi ý tưởng của tác giả, hội đồng có 7 ngày làm việc tập trung để thảo luận trên tinh thần mạch kiến thức theo quy định và những cấu trúc cần đạt, minh chứng cụ thể cho SGK. Dựa trên các tiêu chí đó, hội đồng sẽ bỏ phiếu. Trước khi cống bố kết luận, hội đồng một lần nữa mời tác giả đến để nghe nhận xét, kết luận của hội đồng. Tác giả có quyền trao đổi, thảo luận lại ngay tại đây nếu cần. Trong trường hợp giữa tác giả và hội đồng không thống nhất được, sẽ mời lực lượng độc lập thứ ba.
Tất cả các bước làm việc của hội đồng đều vô cùng khách quan, minh bạch, thể hiện sự dân chủ giữa hội đồng thẩm định và tác giả. Các tác giả hết sức đồng tình với cách làm đó, nhiều tác giả bày tỏ sự cảm ơn hội đồng đã chỉ ra những chỗ cần phải chỉnh sửa trong bộ sách của mình, để khi SGK đến với học sinh sẽ là những bản thảo tốt nhất.
Ảnh minh họa/ INT
"Những bình luận trong thời gian vừa qua với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cần phải được xem xét nhiều chiều, trong đó có yếu tố lịch sử. Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa CT. Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được CT GDPT 2018, hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách" .
11 bản thảo SGK không đạt
* Hiện nay, dư luận đang quan tâm tới việc hội đồng thẩm định loại bộ SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?
- Như tôi đã chia sẻ ở trên, đến thời điểm này có 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản trình lên cho Bộ GD&ĐT thẩm định. 5 bộ sách tương ứng với 9 môn học, như vậy có đến 45 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định xem xét thẩm định lần này.
Sách được thẩm định trước hết dựa trên quy định của 2 Thông tư (32, 33). Trong 5 bộ sách với 45 bản thảo, đến thời điểm này có 11 bản thảo SGK không đạt. Đa phần xong vòng 1 các SGK đều đạt ở mức thứ 2 là "đạt nhưng cần phải sửa chữa". Có 3 mức: "Đạt"; "đạt nhưng cần phải sửa chữa" và "không đạt". Ở mức "đạt nhưng phải sửa chữa" và "không đạt", tác giả có quyền chỉnh sửa để thẩm định lại chứ không phải hết cơ hội.
Trong 9 bản thảo được đánh giá không đạt có 2 bản thảo của GS Hồ Ngọc Đại là Tiếng Việt 1 và Toán 1. Với hai bản thảo này, khi hội đồng thẩm định làm việc có nghe tác giả báo cáo và có mời tác giả đến để thông báo kết luận, nếu tác giả có ý kiến thì trao đổi chính thức với hội đồng và với Bộ GD&ĐT về kết luận của hội đồng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, chưa có tác giả nào trong 9 tác giả của các bản thảo được đánh giá không đạt có ý kiến chính thức với hội đồng và với Bộ GD&ĐT.
Những bình luận trong thời gian vừa qua với bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cần phải được xem xét nhiều chiều, trong đó có yếu tố lịch sử. Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa CT. Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được CT GDPT 2018, hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách. Và điều quan trọng ở đây là thực hiện đúng luật. Mọi công dân đều phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật.
* Chúng ta đã trải qua 2 lần đổi mới SGK, ông kỳ vọng gì vào lần đổi mới này?
- Với tư cách là một nhà giáo được trải nghiệm trong CT trước đây và CT hiện hành, tôi cho rằng, lần đổi mới này là cơ hội rất quý, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành Giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT.
Chúng ta đang hướng đến công dân toàn cầu, vì vậy cần những cách tiếp cận làm sao để thế hệ trẻ tương lai của Việt Nam hòa nhập tốt và hòa nhập sâu vào nền kinh tế của thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi trong một giai đoạn cụ thể, mỗi giai đoạn có vòng đời riêng, sinh ra, trưởng thành, rồi đến một lúc nào đó lại phải thay đổi.
Khi tiến hành triển khai cho một giai đoạn mới những bước đầu tiên luôn luôn khó khăn, chúng ta phải cố gắng vượt qua để hướng tới sự trưởng thành, hoàn thiện cho giai đoạn sau. Tôi rất mong tất cả lực lượng xã hội sẽ cùng với ngành Giáo dục để vượt qua giai đoạn đầu nhiều khó khăn này.
CT mới, mục tiêu mới nhưng đội ngũ GV chúng ta cũ, cơ sở vật chất cũng chưa được đổi mới nhiều, hơn lúc nào hết giai đoạn này chúng tôi rất mong sẽ nhận được những lời động viên, những lời chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm để chúng tôi tin hơn, nỗ lực hơn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp này.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo GDTĐ
PGS Nguyễn Kế Hào kiến nghị về SGK: GS Đào Trọng Thi lên tiếng Liên quan đến việc PGS Nguyễn Kế Hào kiên nghị lên Thủ tướng, Phó thủ tướng về Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ; Toán 1 - Công nghệ bị loại, GS Đào Trọng Thi cho rằng: "Không có ưu tiên nào cả, không có ai đứng trên pháp luật là điều chắc chắn". SGK Tiếng việt 1 - Công nghệ...