Xoay xở ‘bài toán’ học sinh ngồi giãn cách 1,5 m
Tách mỗi lớp ra làm hai, cho học sinh học theo ca, luân phiên giữa học trực tiếp trên trường và trực tuyến… là những dự định của các trường để đáp ứng được yêu cầu học sinh ngồi giãn cách 1,5 m.
Các trường đang cố tìm cách xoay xở để thực hiện quy định giãn cách học sinh (ảnh minh họa) – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tuy nhiên đây chỉ là mặt lý thuyết, còn thực tế thực hiện đến đâu mới là vấn đề trước hướng dẫn của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh (HS), sinh viên tối thiểu 1,5 m để phòng dịch Covid-19 trong thời gian HS trở lại trường.
Phải tách lớp, chia ca
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết trước đây khi có ý định đón HS trở lại sau tết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, trường đã có kế hoạch tách một lớp ra hai phòng, rồi tăng cường thêm giáo viên đứng lớp.
Cụ thể, theo bà Dung, trường đã họp tổ trưởng các khối, các bộ môn để đưa ra phương án đảm bảo an toàn cho HS và giáo viên, trong đó việc nới lỏng chỗ ngồi trong lớp đều được mọi người tán thành. Do vậy, hiện tại, khi có thông báo HS quay trở lại sau ngày 3.5, trường đã sẵn sàng.
“Khi HS quay trở lại, chúng tôi đã có sẵn phương án kế hoạch trước đó, giờ chỉ việc thực hiện. Từ thời khóa biểu, phân lịch giám thị, giao tiết cho giáo viên…, trường đều đã làm xong”, bà Dung chia sẻ.
Cụ thể, một lớp sẽ tách thành 2 phòng. Giáo viên chính của bộ môn sẽ chạy qua chạy lại dạy hai bên, ngoài ra còn có thêm một giáo viên phụ để quản lý, hỗ trợ các em trong quá trình học. Việc tách lớp, chia ca sẽ khiến giáo viên vất vả hơn, phải tăng số tiết, số giờ dạy. Tuy nhiên, theo bà Dung, giáo viên trong trường vẫn sẵn sàng hỗ trợ theo phương án này để đảm bảo các em theo kịp được lịch học.
Bà Dung nêu ý kiến: “Nhưng kế hoạch này được xây dựng trên tinh thần là chỉ có HS lớp 12 đi học. Do vậy, tôi cũng hy vọng trong 1 – 2 tuần đầu thành phố sẽ cho HS cuối cấp đến trường để chúng tôi vừa áp dụng phương pháp giãn cách vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, sau đó mới triển khai đồng loạt”.
Mong Bộ GD-ĐT có hướng dẫn phù hợp
Sở GD-ĐT Thái Bình bắt đầu cho HS từ lớp 9 đến lớp 12 trở lại trường và chia thành 2 ca. Tuy nhiên, khoảng cách HS cũng chỉ tương đối chứ không thể đảm bảo 1,5 m như khuyến cáo.
Một số trường THCS hiện nay mới cho HS khối 9 đi học nên phòng học cũng như giáo viên trống tiết dạy rất nhiều, do đó đang áp dụng chia 1 lớp trước đây ra thành 2 – 3 lớp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, HS tất cả các khối lớp đi học lại thì điều này không thể thực hiện được nữa.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết định cho HS từ tiểu học trở lên đi học trở lại từ ngày 4.5. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, chia sẻ việc thực hiện giãn cách HS 1,5 m là rất khó.
Phương án mà Sở GD-ĐT đang tính đến là giãn thời khóa biểu, dừng toàn bộ học 2 buổi/ngày để chia 2 ca học, 1 – 2 khối/buổi học. Bàn ghế trong lớp học sẽ được sắp xếp lại để giãn cách tối đa HS… “Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT có hướng dẫn phù hợp, vẫn đảm bảo an toàn nhưng phải khả thi”, ông Nam nói.
Video đang HOT
Tuệ Nguyễn
2 buổi/ngày sẽ còn 1 buổi
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cho hay để đảm bảo yêu cầu về giãn cách, về mật độ tập trung thì trường dạy 2 buổi/ ngày sẽ hoạt động còn 1 buổi. Còn với những trường gặp áp lực về sĩ số, đang thực hiện một buổi thì giảm số buổi học trong tuần, ví dụ như một tuần học 3 buổi thay cho 6 buổi/tuần để có thêm phòng học… Thầy cô có thể ôn tập bổ sung trên lớp để thời gian ở nhà HS có định hướng, tự học.
Tương tự, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 (TP.HCM), cũng nói yêu cầu này gây áp lực đối với những quận, huyện, những trường gặp áp lực về sĩ số, cơ sở vật chất. Nhưng để đảm bảo an toàn cho HS, các trường phải cố gắng thực hiện. Như để đảm bảo khoảng cách giãn cách từ 1,5 m một lớp học có 45 HS phải cần thêm phòng học. Do vậy tại Q.6, phòng giáo dục đã tính đến phương án trường sẽ dạy một buổi, không tổ chức bán trú…
Kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến
Cũng theo bà Dung, khi cả khối 10 và 11 đều quay trở lại trường, trong thời gian đầu trường sẽ triển khai dạy song song giữa trực tuyến và trực tiếp để vừa đảm bảo điều động đủ giáo viên, vừa đảm bảo giữ khoảng cách an toàn cho cả giáo viên và HS.
Nếu tách đôi lớp ở tất cả các khối thì sẽ không đủ phòng học, nên buộc trường phải điều chỉnh theo phương án mỗi buổi chỉ cho một khối vào trường. Trong đó, sẽ ưu tiên HS lớp 12, có thể cho các em học tất cả các buổi sáng trong tuần, còn buổi chiều hai khối còn lại sẽ thay nhau.
“Thực ra thời gian đầu giáo viên, HS còn khá loay hoay với việc học trực tuyến, nhưng bây giờ đã quen hơn, thầy cô cũng có nhiều cách dạy sáng tạo, nên việc dạy xen kẽ giữa trực tuyến và trực tiếp vào các buổi trong những tuần đầu là phù hợp trong thời gian này, bớt được giờ lên lớp cho giáo viên, vừa kiểm soát được việc học của HS”, bà Dung chia sẻ thêm.
Nhiều trường ĐH y dược muốn có kỳ thi tuyển sinh chung
Chiều 24.4, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược đã tổ chức họp trực tuyến bàn về phương án tuyển sinh cho các trường đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe. Cuộc họp do GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chủ trì với mục đích đại diện các trường hiến kế phương án tuyển sinh trong bối cảnh không có kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Theo thông tin Thanh Niên có được, tại cuộc họp trực tuyến, nhiều trường bày tỏ mong muốn có một kỳ thi đánh giá năng lực chung để xét tuyển thí sinh vào các trường y dược. Tuy nhiên, nếu tổ chức kỳ thi chung, chỉ còn 2 tháng nữa để chuẩn bị, liệu các trường y dược có xoay xở kịp, trong khi các trường đang phải đảm nhận một nhiệm vụ rất quan trọng là cùng ngành y tế chống dịch Covid-19. Các trường chỉ có thể cùng nhau tổ chức một kỳ thi chung trong điều kiện được hỗ trợ từ các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là từ Bộ GD-ĐT.
Vì thế, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược đã ủy quyền cho GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, tổng hợp ý kiến, báo cáo với các bộ, ngành liên quan và với Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó, hội đồng này mới thảo luận tiếp để ra quyết định cuối cùng.
Quý Hiên
Mỗi lớp không quá 20 học sinh, chỉ học 1 buổi
Tương tự, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cũng cho biết đã chuẩn bị rất kỹ các phương án để đón HS quay trở lại.
Với sĩ số mỗi lớp 35 em, ông Khoa cho biết sẽ tách lớp, mỗi lớp sẽ không quá 20 em hoặc tách đôi ra. Ví dụ, lớp 6.1 thì sẽ được chia thành hai lớp gồm 6.1A và 6.1B.
Theo ông Khoa, thời gian đầu, trường chỉ cho HS học một buổi, không bán trú, các khối sẽ thay phiên nhau. Trong lớp, HS sẽ ngồi cách xa nhau từ 1,5 m. Trường cũng quán triệt HS về tinh thần chống dịch, để giờ ra chơi đảm bảo các em vẫn giữ khoảng cách tối thiểu, không tụ tập.
“Hiện chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo từ Sở GD-ĐT, nhưng trên tinh thần là nếu HS lớp 9 đi học trước thì chúng tôi sẽ thực hiện giãn cách cho khối này trước. Trong quá trình triển khai thực tế, nếu có gì khó khăn hoặc chưa phù hợp thì sẽ tiếp tục điều chỉnh sau. Việc dạy học như thế này thì giáo viên chắc chắn sẽ vất vả hơn, số tiết phải dạy nhiều hơn. Nhưng thầy cô cũng mong muốn HS quay trở lại trường vì các em đã nghỉ học hơn 3 tháng rồi”, ông Khoa nói.
Nguyễn Loan
Nam sinh người Mông dựng lán giữa núi bắt internet học online: Bị ép lấy vợ nhưng quyết vào đại học vì không có tiền thì lấy gì nuôi vợ con
Địa hình hiểm trở, mạng internet chập chờn khiến Lầu Mí Xá phải dựng một chiếc lán xa nhà để tiện cho việc học online ở trường.
Những ngày này, cả nước đang đồng lòng ra sức đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp khác nhau. Những hoạt động kinh tế, xã hội tạm dừng lại nhường chỗ cho các công tác chống dịch diễn ra được hiệu quả. Đối với hoạt động tại giáo dục, với chủ trương nghỉ học nhưng không dừng việc học, ngay từ sớm nhiều phương án học từ xa đã được triển khai nhằm giúp học sinh, sinh viên không quên kiến thức trong thời gian nghỉ kéo dài.
Nhưng với những học trò miền cao, học trực tuyến lại khó khăn hơn bất cứ đâu, vì những điều kiện cơ sở vật chất vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ để các bạn chuyên tâm cho việc học hành. Đường sá, internet, điện nước là một vài thứ cơ bản trong vô số những thiếu thốn của những người dân vùng cao. Thế nên để tìm đến con chữ, học sinh nơi đây cũng phải trải qua nhiều gian nan, thử thách. Nhưng không vì thế mà cản trở được bước đường tìm đến tri thức của nhiều học trò. Lầu Mí Xá, chàng sinh viên năm 3, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam là một trường hợp như thế.
Dựng lán học online mà dân bản hỏi: "Làm lán để bán hàng hay nuôi gà?"
Sinh ra ở vùng đất gần như là địa đầu tổ quốc Sủng Trái - Đồng văn - Hà Giang, sống ở một vùng cao xa xôi, hiểm trở nên Xá và các bạn cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với học sinh miền xuôi. Trải qua nhiều cố gắng, em đã đỗ vào trường đại học công lập đúng như mong ước. Và mùa dịch này, chàng trai người Mông cũng như bao sinh viên khác được nghỉ học dài hạn và phải tham gia vào các lớp học online. Nhưng do địa hình hiểm trở, sóng Wifi/4G không tới được nơi cậu ở nên Xá đã nghĩ ra một cách hết sức thú vị.
Xá đã có ý tưởng, lập nên một cái lán ở cách nhà 200m, nơi mà em có thể bắt được 4G. Em cùng bạn của mình dùng những mái tôn, tấm bạt cũ để giăng lên tạo thành một cái chòi nhỏ, tránh mưa tránh gió, và xem như một nơi để có thể duy trì việc học tập. Em chia sẻ về "lớp học dã chiến" của mình: "Khu vực em không có sóng điện thoại, không có Internet. Tình cờ phát hiện một góc nằm chênh vênh giữa núi nên em dựng lán làm chỗ học."
Mới ngày đầu, sau khi dựng lán, em cùng bạn đã gặp phải sự cố khiến cả hai đều ướt. Mưa lớn xối xả khiến Xá không kịp trở tay, và nước chảy vào ngay chỗ em nằm. Đêm đó, Xá cùng bạn lại phải dựng thêm bạt trong đêm để phòng mưa ướt, và cứ thế đến nay cái lán nhỏ này đã như trở thành một nơi quen thuộc của Xá. Em hồn nhiên kể: "Đêm đầu tiên dựng lán mưa như trút nước khiến người em ướt hết. Bây giờ lán kiên cố rồi, bố mẹ mới yên tâm cho ở lại học."
Hằng ngày, Xá sẽ ngủ tại lán để kịp dậy lúc 6 giờ và chuẩn bị vào tiết học online đến gần trưa. Sau đó, em về nhà ăn cơm, rồi tối lại ra lán học bài,... Thế là không phải sợ mất tiết học, cũng chẳng ngại thời tiết khắc nghiệt, câu bé bản Mông vẫn duy trì việc học đều đặn như khi ở dưới thành phố.
Khi Mí Xá đóng cọc, dựng lán, bà con hỏi: "Mày làm gì đấy Xá, làm lán để chơi à, hay bán hàng, nuôi gà?". Xá bảo để học online hay chả ai tin, điều mà trước đây dân bản chưa bao giờ thấy. Vì dựng lán để làm những công việc trên là bình thường ở nơi đây, còn với chuyện học qua mạng lại trở nên xa lạ. Cậu sinh viên năm 3 như trở thành điều "bất thường" giữa cuộc sống vốn rời xa công nghệ. Em cho biết mọi thứ đều bình thường, không khổ chút nào mà lại thấy có không gian yên tĩnh hơn để học tập.
Cuộc sống ở bản không có thịt gà, thịt lợn như ở thành phố, chỉ có mèn mén và rau cải, xót lắm!
Xá kể về cuộc sống của bà con nơi quê hương mình với những trăn trở cho tương lai của vùng đất xa xôi này. Em kể, hằng ngày người dân chỉ quanh đi quẩn lại ăn những món ăn là mèn mén (ngô xay nhỏ, gói lại như xôi) và rau cải, thậm chí nhiều nhà còn không có mèn mén để ăn. Xá nói: "Bữa cơm ở đây không có thịt gà, thịt bò, thịt lợn như ở thành phố. Thấy bà con như vậy, em xót lắm nhưng ai cũng ăn được cả!"
Xá cũng chia sẻ về những cơ cực mà trẻ em nơi Xá sinh sống phải chịu. Giữa những mùa giá rét, trẻ con có đứa không có cái áo để mặc, nhiều em nhỏ còn vô tư chạy tung tăng ngoài đường mà chẳng khoác gì lên người cả. Em nói: "Nhiều lúc bà con trêu đùa nhau. tiền mua muối với mì chính còn không có. Tuy đó chỉ là lời nói đùa nhưng họ khổ thật đấy ạ!"
Bà con suốt ngày quanh quẩn với chuyện ruộng nương lợn bò, canh cánh nỗi lo mai ăn gì uống gì mà bỏ qua những điều lớn lao hơn như việc cho con đi học để lấy cái chữ. Cuộc sống của mọi người cũng diễn ra theo một trật tự được thiết lập sẵn: lớn lên, lấy vợ gả chồng, sinh con đẻ cái,... Điều này làm một chàng trai được tiếp xúc với thành phố cảm thấy xót xa và muốn làm điều gì đó cho quê hương.
Không nghe bố mẹ ở nhà lấy vợ, quyết học đại học để giúp đỡ bà con quê hương
Cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên từ vùng đất cao nguyên Đồng văn nghèo khó, Lầu Mí Xá đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn nhưng điều đặc biệt là em rất ham học chữ. Ngay từ lớp 7, Xá đã bắt đầu cuộc sống học xa nhà tại trường dân tộc nội trú huyện Đồng Văn. Đến khi lên cấp 3, em đã cố gắng để đỗ vào trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang.
Ôm trong mình những giấc mơ dành cho quê hương, Lầu Mí Xá hiểu rõ chỉ có con đường cố gắng học tập thật tốt mới có thể giúp cậu. Trải qua 12 năm đèn sách, trong đó có nhiều năm xa nhà, em ao ước được đặt chân vào cánh cửa đại học. Nhưng điều cản trở em đó là suy nghĩ, tư tưởng của gia đình. Bố mẹ muốn Xá chỉ học hết phổ thông rồi lấy vợ, sinh con như bao trai làng khác. Nhưng chàng trai sinh năm 1999 nhất quyết không chịu sống cuộc sống như mọi người, thế nên em đã đăng ký thi đại học. Điều này làm bố mẹ Xá khá buồn, nhưng trên hết em vẫn tin lựa chọn của em là đúng đắn. Em tâm sự: "Em không muốn khổ như các bạn khác, không công ăn việc làm thì cũng không có tiền để nuôi vợ cũng như trang trải cuộc sống!"
Thế là chàng trai trẻ đã quyết định thi vào ngành Quản lý công, thuộc học viện Hành chính Quốc gia để bắt đầu thực hiện mong ước đó. Em kể về công việc mơ ước của mình: "Em muốn trở thành cán bộ xã, huyện ở quê trong tương lai, được mọi người yêu mến.Và em không muốn mình và bà con tiếp tục có một cuộc sống khó khăn như vậy nữa." Cuối cùng, giờ đây Xá đã sắp hoàn thành 3 năm đại học và chỉ còn 1 năm nữa để ra trường, em đang rất gần để hoàn thành những dự định của bản thân trong tương lai.
Chứng kiến cuộc sống của Hà Nội tấp nập người xe, khác hẳn với hình ảnh bình dị của quê mình, những ngày đầu xuống thành phố, Xá bị choáng ngợp với khung cảnh nơi đây. Nhưng vì sự vội vã và nhịp sống nhanh ấy mà Xá bảo: " em không thích thành phố cho lắm!".
Em chỉ thấy ấn tượng với những công trình cao tầng nghìn tỷ, những đại lộ rộng lớn, nhưng đẹp nhất là quê hương Đồng Văn. Do đó, em chỉ muốn mau chóng hoàn thành chương trình đại học, ra trường và trở về nơi em được sinh ra. Mọi thứ diễn ra thật yên bình, luôn đầy ắp tiếng cười của dân bản dù cuộc sống có chật vật, gian khổ đến mấy.
Những ngày học xa nhà, ngoài việc chăm chỉ đến trường, Xá cũng dành thời gian để làm xe ôm công nghệ, trang trải thêm chi phí cho cuộc sống. Em vẫn thấy mình may mắn hơn những đứa bạn cùng trang lứa, vì em được đi học, được đến trường, nên tuyệt nhiên, em không bao giờ nhắc đến những khó khăn mà mình gặp phải.
Mọi điều kiện sống chỉ là thử thách bản lĩnh con người có dám bước qua những giới hạn hay không, và Xá đang khẳng định được mình là chàng trai có ý chí. Từ bản làng xuống thành phố để tìm lấy tri thức, từ nơi internet chập chờn để quyết tham gia học online, Lầu Mí Xá là đại diện cho những tấm gương hiếu học và không ngại thay đổi để vươn đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Vũ Trịnh - Design: Đức Minh
Bộ trưởng GD&ĐT khen sinh viên dựng lán học giữa rừng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khen ngợi tấm gương của sinh viên Lầu Mí Xá đã quyết tâm tìm cách khắc phục khó khăn, đảm bảo hoạt động học tập trực tuyến. Trong cuộc họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT sáng 7/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã biểu dương những tấm gương tiêu...