Xóa điểm trường lẻ, nâng chất lượng dạy và học
Giao thông ở các huyện miền núi, vùng cao ngày càng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngành Giáo dục Bắc Giang tập trung xóa điểm trường lẻ, đưa học sinh về trung tâm học tập.
Môi trường học tập tốt hơn
So với 3 năm học trước, năm học này toàn tỉnh giảm 226 điểm trường. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Nhờ sắp xếp lại, nhiều cơ sở giáo dục khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên để tổ chức dạy và học hiệu quả hơn. Đây cũng là điều kiện để các địa phương dồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp khang trang”.
Cô và trò tại điểm lẻ của Trường Tiểu học An Bá (Sơn Động).
Trước đây, Trường Tiểu học Trường Sơn (Lục Nam) có 3 điểm trường, nay chỉ còn 2 điểm. Điểm lẻ duy nhất còn lại ở bản Vua Bà cách trung tâm xã 14 km với 45 học sinh ở tất cả các khối lớp. Tại điểm trường chính hiện có 16 lớp với 585 học sinh, bảo đảm học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường mới xóa điểm lẻ ở thôn Chẽ. Chuyển về khu trung tâm, các em được tiếp cận đầy đủ hơn với bộ môn Tin học, Tiếng Anh, đồng thời giúp nhà trường quản lý tốt việc dạy và học. Học sinh từ điểm lẻ về trường chính vẫn đi học chuyên cần, đúng độ tuổi, không bỏ học”.
UBND xã đã có chủ trương sắp tới mở con đường mới từ bản Vua Bà về xã gần hơn đường cũ khoảng 7 km. Trong thời gian tới, các em ở những vùng khó khăn nhất có thể về trung tâm học thuận tiện.
Trong lộ trình gom điểm trường, nhiều cơ sở giáo dục ở các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam có hơn chục điểm lẻ nay giảm còn một vài điểm. Như Trường Tiểu học Hộ Đáp (Lục Ngạn) từng có đến 11 điểm hiện thu gọn còn 5 điểm ở các thôn: Đồng Phai, Đồng Chùa, Na Hem, Hợp Thành, Cái Kặn.
Ở những nơi này thường chỉ có từ 30-60 học sinh nhưng nhà trường vẫn phải duy trì đầy đủ các hoạt động. Như điểm lẻ ở thôn Na Hem có 3 lớp (lớp 1, 2, 3) với 45 học sinh, trong đó lớp 1 chỉ có 10 em. Không như giáo viên môn chính, các thầy, cô giáo dạy Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc phải đôn đáo đi lại giữa các điểm trường trong khi mỗi điểm cách nhau cả chục km xuyên rừng, vượt suối, thậm chí phải chèo thuyền qua hồ Cấm Sơn.
Gần đây, nhờ giảm nhiều điểm lẻ, nhà trường sắp xếp lại đội ngũ, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Thầy, cô giáo các bộ môn này cũng bớt nhọc nhằn xuôi ngược giữa các điểm trường. Chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện.
So với các huyện, TP trên địa bàn tỉnh, các huyện Sơn Động và Yên Thế được đánh giá là địa bàn nỗ lực dồn điểm lẻ nhanh, hiệu quả. Những con đường bê tông nối dài, ngầm qua suối được cứng hóa, các em ở xa đến trường thuận tiện hơn. Nhiều trường học làm tốt công tác vận động, tuyên truyền tạo đồng thuận cao trong phụ huynh khi đưa con em về điểm chính học tập.
Anh Đặng Văn Hiền, xã Tam Tiến (Yên Thế) cho biết: “Đưa con về điểm chính dù xa hơn nhưng đường dễ đi, cơ sở vật chất sạch đẹp, các cháu được tiếp cận với môi trường học tập đầy đủ hệ thống thư viện, y tế học đường, giao lưu với nhiều bạn bè”.
Video đang HOT
Đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp
Mặc dù đã xóa được nhiều điểm lẻ, chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn cải thiện rõ rệt song toàn tỉnh hiện vẫn còn 603 điểm lẻ ở bậc tiểu học (241 điểm) và mầm non (362 điểm). Do địa bàn rộng, Lục Ngạn là huyện còn nhiều điểm lẻ nhất tỉnh với 176 điểm nên việc đầu tư cơ sở vật chất dàn trải, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học thấp nhất tỉnh (86,3%).
Học sinh Trường Tiểu học Hộ Đáp (Lục Ngạn) đi thuyền đến trường.
Các điểm lẻ không có phòng chức năng, trang thiết bị thiếu thốn, chưa đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để giảng bài, giáo viên phải mang đồ dùng từ điểm chính vào dạy xong lại mang về trả rất vất vả. Trong giờ Tin học, các em chủ yếu học lý thuyết, khi thực hành phải về điểm chính. Học 2 buổi/ngày, đến trưa, học sinh tiểu học vẫn phải về nhà do hầu hết các điểm lẻ không tổ chức ăn bán trú.
Riêng điểm lẻ bậc mầm non, ngoài giảng dạy, nhà trường bố trí cô nuôi, bếp ăn đi kèm. Như Trường Mầm non Lệ Viễn (Sơn Động) có 4 điểm lẻ. Mỗi điểm trường chỉ có vài chục cháu nhưng nhà trường phải bố trí từ 5-8 giáo viên, người lao động để duy trì hoạt động dạy và chăm sóc trẻ, trong khi bậc mầm non đang thiếu giáo viên.
Toàn tỉnh hiện có 603 điểm lẻ ở bậc tiểu học (241 điểm) và mầm non (362 điểm), so với 3 năm học trước, giảm 226 điểm trường. Lục Ngạn là huyện còn nhiều điểm lẻ nhất tỉnh với 176 điểm, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học thấp nhất tỉnh (86,3%).
Ở một số huyện miền xuôi dù điều kiện giao thông tốt hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm trường. Như huyện Hiệp Hòa còn 106 điểm lẻ rải rác ở hầu khắp các trường tiểu học, mầm non do cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa bảo đảm, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học nằm trong nhóm thấp của tỉnh. Một bộ phận người dân mong muốn cho con học gần nhà để tiện đưa đón.
Nhiều thôn, bản cách xa nhau, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn nên việc xóa điểm lẻ cần từng bước theo lộ trình phát triển KT-XH của từng nơi để thuận tiện cho việc học tập của con em. Thậm chí, có những vùng quá khó khăn, UBND huyện còn đầu tư xây dựng trường mới phục vụ riêng khu vực biệt lập. Như Trường Tiểu học và THCS Bình Sơn được xây mới dành cho học sinh thôn Nghè Mản, trong khi trên địa bàn xã đã có hai trường tiểu học và THCS nằm ở trung tâm.
Thực hiện chủ trương thu gọn các điểm trường, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch số 26/KH-SGDĐT về thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung sắp xếp mạng lưới trường, lớp học cho phù hợp thực tiễn giảng dạy ở các xã, phường, thị trấn. Ngành Giáo dục đặt mục tiêu dồn, xóa điểm lẻ, nâng chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.
Đối với những cơ sở giáo dục đã được phê duyệt kế hoạch đầu tư, Sở cũng đề nghị UBND các huyện, TP quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để nâng cấp, mở rộng trường, lớp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền, tạo đồng thuận trong nhân dân khi đưa con em về điểm trường chính học tập để nâng cao chất lượng giáo dục.
Mong ước lớn nhất của giáo viên hợp đồng: Được là viên chức để an tâm gắn bó
Điều mong ước lớn nhất của nhiều giáo viên hợp đồng là được tạo điều kiện để được ký hợp đồng dài hạn và an tâm gắn bó với nghề.
Năm học mới đã đến, thế nhưng nhiều địa phương vẫn không thể tuyển đủ giáo viên đứng lớp.
Có những sinh viên giỏi không chọn nghề giáo, những giáo sinh mới ra trường lại không ứng tuyển, những giáo viên đang giảng dạy thì bỏ việc, những giáo viên có thâm niên xin được về hưu trước tuổi.
Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra ở nhiều cấp học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Trong rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, việc giáo viên hợp đồng khó thi đỗ viên chức được xem là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều giáo sinh, dù đã có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ vẫn không nằm trong biên chế ngành giáo dục và phải tìm đến những công việc khác. Nhiều giáo viên trẻ đành ngậm ngùi bỏ nghề.
Thi đỗ viên chức ngành giáo dục không hề dễ
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ thi tuyển viên chức giáo dục có tổng số giáo viên dự thi lên đến 3.895 người trong khi chỉ tiêu tuyển dụng là 1.193 giáo viên bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Thế nhưng chỉ có 304 thí sinh trúng tuyển, so với chỉ tiêu tuyển dụng chỉ đạt 25%. Sau kết quả thi tuyển viên chức giáo dục thì cả tỉnh vẫn còn thiếu gần 900 chỉ tiêu. [1]
Năm 2018, một số người thân của giáo viên hợp đồng tại Đắk Lắk đã tố cáo hiệu trưởng nhận tiền chạy việc, lo biên chế nhưng cuối cùng con họ vẫn bị đẩy ra đường. Bỏ số tiền 120 triệu đồng chạy đi dạy nhưng nhận lương 1 triệu đồng. [2]
Năm 2019, Hà Nội tổ chức thi viên chức ngành giáo dục. Hàng nghìn giáo viên hợp đồng cho biết chưa thi đã biết mình sẽ trượt. Lý do được đưa ra, các cô sợ phải thi vì biết rằng rất khó cạnh tranh được với các bạn trẻ về ngoại ngữ, tin học.
Ngay sau khi có thông tin về kỳ thi, cô A. nhận được lời chào mời "chạy" điểm từ môi giới với giá 400 triệu đồng. Vì thế, nhiều thầy cô giáo khẳng định không sợ thi mà chỉ sợ thi không nghiêm túc, không công bằng.[3]
Từ thực tế trên thấy rằng thi vào biên chế ngành giáo dục hiện nay rất khó và còn nhiều bất cập. Không ít người phân vân bỏ một lúc vài trăm triệu đồng chỉ đổi lấy một tháng vài triệu thì liệu có nên không?
Bởi thế, đã có không ít giáo sinh không đăng ký thi tuyển mà chọn cách chuyển nghề, thậm chí đi làm công nhân.
Có không ít giáo viên đang dạy hợp đồng cũng bỏ ngang vì không đủ điều kiện vào biên chế. Họ cũng sợ rằng, một lúc nào đó khi giáo viên đã đủ rồi, sẽ bị chấm dứt hợp đồng như một số địa phương đã làm trước đây.
Mong ước thiết tha của nhiều giáo viên hợp đồng
Chính phủ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề giáo viên hợp đồng. Vì thế, năm 2018, tin vui đã đến với nhiều thầy cô giáo dạy hợp đồng khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP [4] ra đời.
Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định: giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách vào viên chức ngành giáo dục (không qua thi tuyển) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
- Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn);
- Ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật giảng dạy trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Tuy nhiên, có nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng với số lượng giáo viên được xét tuyển rất hạn chế.
Nhiều thầy cô giáo hợp đồng đã lo sợ sự thiếu minh bạch sẽ xảy đến với họ như những ví dụ từng diễn ra ở nhiều nơi khác (đã dẫn chứng ở trên) nên sinh ra tư tưởng chán nản, bất mãn dẫn đến việc không còn thiết tha gì với nghề giáo.
Điều mong ước lớn nhất của nhiều giáo sinh, giáo viên hợp đồng đang giảng dạy là các cơ quan chức năng cần rà soát việc áp dụng việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP các địa phương để kiểm tra, nhắc nhở.
Cùng với đó là mong muốn Bộ Nội vụ nên miễn thi viên chức cho ngành giáo dục mà chuyển qua xét tuyển như những năm trước đây.
Họ cũng mong rằng, với những giáo viên đã có hợp đồng giảng dạy sẽ được cộng điểm ưu tiên khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi đạt các danh hiệu thi đua như giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua các cấp.
Người viết tin rằng chỉ cần có quy định giáo sinh sau 2 năm thực tập tại cơ sở giáo dục sẽ được xét tuyển thành giáo viên hợp đồng dài hạn thì có thể thu hút được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm hơn nghề giáo, rồi giáo sinh trẻ ra trường sẽ hăng hái xin đi dạy và những thầy cô giáo trẻ sẽ gắn bó hơn với nghề.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baoquangnam.vn/xa-hoi/giao-duc/201707/thi-vien-chuc-giao-duc-nam-2017-thi-nhieu-trung-tuyen-it-745805/
[2] https://vietnamnet.vn/giao-vien-to-hieu-truong-nhan-tien-chay-viec-bang-vay-muon-435692.html
[3] https://giaoduc.net.vn/co-giao-vien-hop-dong-duoc-chao-moi-chay-vien-chuc-voi-gia-vai-tram-trieu-dong-post197301.gd
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-161-2018-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-cong-vien-chuc-thuc-hien-che-do-hop-dong-336803.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về giáo dục và đào tạo trong quân đội Hiện nay, các học viện, nhà trường quân đội đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng cho năm học mới. Để làm rõ kết quả nổi bật trong năm vừa qua cũng như những vấn đề mới về công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong thời gian tới, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao...