Xiaomi ra mắt router Wi-Fi 6, 7 ăng-ten, giá 1.99 triệu đồng
Xiaomi Mi AIoT Router AX3600 có tổng cộng 7 ăng-ten, bao gồm 1 ăng-ten dành cho thiết bị IoT, 1 ăng-ten 2.4GHz và 5 ăng-ten còn lại dành cho băng tần 5GHz.
Hôm qua (13/2), Xiaomi đã giới thiệu bộ đôi flagship mới nhất của hãng là Mi 10 và Mi 10 Pro thông qua một sự kiện được tường thuật trực tiếp tại Trung Quốc. Bên cạnh smartphone, công ty cũng giới thiệu khá nhiều sản phẩm mới trong sự kiện lần này, bao gồm cả mẫu router Wi-Fi 6 đầu tiên của mình – Mi AIoT Router AX3600.
Mi AIoT Router AX3600 là bộ định tuyến (router) cao cấp được trang bị vi xử lý IPQ8071A của Qualcomm, bao gồm 4 lõi Cortex-A53 và có xung nhịp 1.0GHz. Ngoài ra, nó cũng đi kèm với 512MB RAM và 256MB bộ nhớ trong, bộ xử lý thần kinh chuyên dụng (NPU) lõi kép 1.7GHz để tối ưu hóa tốc độ mạng của người dùng.
Theo công bố của nhà sản xuất, chiếc router này có thể tải được tới 248 thiết bị được kết nối cùng một lúc lúc. Mi AIoT Router AX3600 có tổng cộng 7 ăng-ten, bao gồm 1 ăng-ten dành cho thiết bị IoT, 2 ăng-ten 2.4GHz và 5 ăng-ten còn lại dành cho băng tần 5GHz. Người dùng có thể kết nối các thiết bị khác với router thông qua cả băng tần 2.4GHz lẫn 5GHz.
Xiaomi cho biết ăng-ten AIoT cũng hỗ trợ tần số kép và có khả năng truyền tải dữ liệu với băng thông tối đa lên tới 150Mbps cho các thiết bị IoT. Nếu so sánh với Mi Router AC1200 từng được giới thiệu trước đó, mẫu router mới nhanh hơn tới 155%.
Mi AIoT Router AX3600 cũng hỗ trợ công nghệ OFDMA, cho phép router gửi dữ liệu đến nhiều thiết bị đầu cuối chỉ bằng một đường truyền. Nếu như bạn chưa biết, các router không hỗ trợ OFDMA sẽ phải gửi dữ liệu qua nhiều đường truyền và kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thiết bị nhận cũng phải hỗ trợ OFDMA.
Bộ định tuyến mới của Xiaomi có thể kết nối với ứng dụng MIJIA và việc setup cũng rất dễ dàng. Nó sẽ tự động tìm các thiết bị IoT xung quanh bạn, cho phép bạn thiết lập cấu hình kết nối chỉ với một chạm. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng WiFi App phiên bản 5.0 trở lên để nhận thông báo theo thời gian thực khi một thiết bị được kết nối hay ngắt kết nối khỏi mạng.
Mi AIoT Router AX3600 hỗ trợ giao thức bảo mật WPA3 và IPv6, được trang bị 4 cổng ethernet ở mặt sau và đi kèm adapter 12V 2A. Hiện tại, mẫu router này đang được mở đặt hàng trước trên website chính thức của Xiaomi, có giá bán lẻ 599 NDT (khoảng 1.99 triệu đồng) nhưng chưa rõ thời điểm lên kệ.
Theo GenK
Vì sao bạn nên thay ngay router Wi-Fi của nhà mạng cung cấp?
Khi đăng ký sử dụng mạng internet từ một nhà cung cấp dịch vụ như FPT, Viettel, VNPT..., thông thường chúng ta sẽ được cho mượn miễn phí một cục modem và một thiết bị phát wifi (router), hoặc có thể là một thiết bị 2-trong-1.
Video đang HOT
Hầu hết mọi khách hàng đều cảm thấy khá tiện lợi vì họ không cần phải mua thêm thiết bị. Tuy nhiên, sử dụng thiết bị của nhà mạng cũng có những hạn chế của nó. Vậy thì tại sao bạn nên tự trang bị cục phát wifi và lợi ích của nó là gì?
1. Về lâu dài, tự trang bị cục wifi sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí
Khi đăng ký thuê bao với nhà mạng, thiết bị router thường đi kèm như một dịch vụ trong hợp đồng. Với một số nhà mạng thì đây là mục bắt buộc có trong hợp đồng, trong trường hợp này thì bạn không thể thay đổi gì.
Nhưng với số khác thì bạn có thể lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng router của nhà mạng. Với lựa chọn có thì bạn phải trả thêm một khoảng chi phí nhỏ để thuê thiết bị.
Nếu bạn đã có sẵn router của riêng mình, bạn không nhất thiết phải thuê router của nhà mạng nữa. Mặt khác, chi phí ban đầu để mua router có thể khá lớn so với tiền thuê, tuy nhiên về lâu dài thì việc mua router sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều chi phí.
2. Thiết bị của nhà mạng thường có chất lượng kém hơn
Dù thiết bị wifi của nhà mạng có thể đủ mạnh để phủ sóng toàn bộ căn nhà của bạn, tuy nhiên, độ mạnh của đường truyền mà thiết bị có thể cung cấp lại là một vấn đề khác. Thiết bị phát wifi của nhà mạng có thể khiến tốc độ tải xuống chập chờn và không ổn định.
Tốt nhất là bạn nên kiểm tra thông số của thiết bị mà nhà mạng cấp cho bạn và so sánh với tốc độ đường truyền đã đăng ký. Nếu tốc độ tối đa của thiết bị phát nhỏ hơn tốc độ đường truyền bạn đã đăng ký thì bạn nên trang bị thiết bị mới phù hợp hơn.
Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ đo tốc độ đường truyền wifi để kiểm tra. Nếu tín hiệu wifi vẫn yếu dù đã di chuyển cục wifi sang vị trí khác thì bạn nên mua một thiết bị mới mạnh hơn.
Một số dòng thiết bị phát wifi được thiết kế để có thể phủ sóng đến những vị trí thuộc diện "vùng sâu vùng xa". Ví dụ như hệ thống Amplifi HD chẳng hạn, hệ thống này sử dụng một mạng lưới các điểm phát con lắp đặt trong toàn bộ ngôi nhà để loại bỏ các góc chết mà thiết bị wifi thông thường không vươn tới được.
Nếu ngôi nhà của bạn có nhiều phòng hay nhiều tường, trang bị một hệ thống Amplifi HD có thể giúp bạn cải thiện tốc độ đường truyền một cách đáng kể. Hoặc tính năng wifi đa băng tần cũng có thể giúp cải thiện tốc độ khi sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc.
3. Sử dụng thiết bị phát wifi giúp quản lý truy cập của trẻ em tốt hơn
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều hãng cung cấp thiết bị phát wifi kèm ứng dụng quản lý mạng Parental Controls. Cài đặt ứng dụng Parental Controls trên máy tính giúp bố mẹ quản lý hoạt động truy cập mạng của con cái hiệu quả hơn và khó bị crack hơn. Một số thiết bị của nhà mạng cũng hỗ trợ tính năng này, tuy nhiên nó không có nhiều cài đặt nâng cao cho bạn tùy chỉnh.
Ví dụ với router Netgear và ứng dụng miễn phí của hãng cho phép bạn có thể quản lý hoạt động truy cập mạng ngay trên điện thoại thông minh. Bạn cũng có thể đặt khóa một trang web bất kỳ trong một khoảng thời gian cụ thể.
4. Router bên thứ ba cung cấp bộ công cụ tạo mạng riêng cho khách tốt hơn
Hầu hết các thiết bị phát wifi đều có thể tạo một mạng riêng cho khách. Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn có thể cho phép khách đến nhà truy cập wifi bằng một mật khẩu riêng mà không ảnh hưởng đến mạng wifi của gia đình. Tính năng này rất hữu dụng nhờ vào việc ngăn thiết bị bên ngoài kết nối wifi và truy cập các dữ liệu cá nhân được chia sẻ giữa những thiết bị trong nhà.
Bạn cũng có thể tắt tính năng này khi không cần sử dụng đến trong trường hợp lo ngại bị tin tặc tấn công. Mạng wifi dành riêng cho khách sẽ ngăn người dùng xem các thiết bị khác đang kết nối, truy cập các thiết bị IoT trong nhà và thậm chí là ngay cả những thiết bị khách cũng không thể "thấy" nhau.
Mang riêng cho khách là một tính năng rất tiện lợi và giúp mạng wifi nhà bạn bảo mật hơn, nhưng không phải thiết bị nào cũng hỗ trợ tính năng này. Và kể cả khi có đi chăng nữa thì so về độ bảo mật với một thiết bị sử dụng công nghệ riêng của nhà sản xuất thì thiết bị của nhà mạng không thể bằng được.
5. Router của bên thứ ba có khả năng phân phối băng thông tốt hơn
Tính năng Quality of service (QoS) cho phép bạn lựa chọn ứng dụng hay thiết bị được ưu tiên sử dụng băng thông lớn hơn. Bạn có thể sử dụng tính năng này để đảm bảo ứng dụng Netflix trên TV được ưu tiên sử dụng đường truyền lớn hơn để không bị giật khi bạn đang xem phim.
Một số thiết bị router được trang bị QoS với các tính năng nâng cao hơn để người dùng có thể tùy chỉnh các hoạt động dựa trên tốc độ mạng. Nếu bạn sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị, router của bạn sẽ lựa chọn thứ tự ưu tiên một cách phù hợp để tất cả có thể hoạt động trơn tru.
Bạn sẽ cần phải nghiên cứu khá kỹ để có thể thiết lập QoS một cách phù hợp với thiết bị có trong nhà. Nhưng sau khi đã được cài đặt phù hợp, tốc độ mạng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
6. Firmware của bên thứ ba hoạt động tốt hơn
Nhiều người dùng không quá quan tâm đến firmware của router. Tuy nhiên, nếu bạn muốn router của mình luôn hoạt động trong trạng thái tốt nhất, bạn có thể cập nhật hay thậm chí là cài đặt firmware mới. Ví dụ bạn có thể cài đặt firmware bản DD-WRT để truy cập nhiều tùy chọn cài đặt hơn so với bản thông thường.
Với khả năng tùy chỉnh thoải mái cài đặt router cho phép router hoạt động hiệu quả hơn. Với nhiều cách cải thiện tốc độ wifi được chia sẻ trên mạng và cài đặt firmware phù hợp sẽ giúp bạn khai thác tối đa khả năng của thiết bị router.
Với thiết bị do nhà mạng cung cấp, bạn không thể thay đổi firmware của thiết bị. Thậm chí là bạn không thể cập nhật bản firmware mới nhất nếu nhà mạng không cập nhật trên hệ thống của họ.
7. Router của bên thứ ba có tính bảo mật cao hơn và hoạt động ổn định hơn
Khi bạn mua tự mua router chính hãng, nhà sản xuất sẽ quản lý toàn bộ việc cập nhật firmware mà không cần phải qua nhà mạng cung cấp dịch vụ internet. Điều này có nghĩa là thiết bị bạn mua về sẽ được cập nhật thường xuyên hơn và có thể hoạt động với bất cứ nhà cung cấp mạng nào.
Với thiết bị của nhà mạng thì lại khác. Thiết bị có thể không phải do chính nhà mạng sản xuất, việc sản xuất có thể được thực hiện bới bên thứ ba liên kết với nhà mạng. Nếu thiết bị phát sinh lỗi bảo mật, nhà mạng sẽ phải thông báo cho bên sản xuất để vá lỗi.
Đồng thời, router của nhà mạng cấp sẽ được tùy chỉnh để chỉ có thể hoạt động với mạng của nhà mạng đó và có thể không hoạt động nếu cài đặt mặc định trên thiết bị bị thay đổi. Nhiều trường hợp khách hàng không thể truy cập mạng sau khi cập nhật firmware do thay đổi DNS, điều này cho thấy người dùng đang bị gò ép khi sử dụng thiết bị của chính nhà mạng đó.
Tuy nhiên, nếu không sử dụng thiết bị của nhà mạng thì nên mua thiết bị mới như thế nào?
Nếu bạn muốn thay thế router của nhà mạng, có thể bạn sẽ thắc mắc liệu nhà mạng có bắt buộc người dùng sử dụng thiết bị của họ hay không. Câu trả lời là không, tuy nhiên sử dụng thiết bị của nhà mạng có thể giúp quá trình thiết đặt dễ dàng hơn nếu bạn mù công nghệ.
Ngày nay, hầu hết nhà mạng đều cung cấp thiết bị 2-trong-1 cho người dùng. Và mọi việc bạn cần làm là kết nối cục wifi bạn mới mua với thiết bị này.
Một số nhà mạng cho phép chỉnh thiêt sbij 2-trong-1 về chế độ chỉ hoạt động như thiết bị modem để người dùng có thể sử dụng thiết bị router riêng.
Bạn cũng có thể tự trang bị một thiết bị 2-trong-1 riêng cho mình. Nhưng bạn cần đảm bảo rằng thiết bị có thể hoạt động trên mạng của nhà cung cấp bạn đang sử dụng và ngược lại.
Các nhà mạng rất biết nắm bắt tâm lý người dùng khi cho phép mượn thiết bị kèm theo hợp đồng thuê bao, tuy nhiên nó không phải là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Giờ thì bạn đã biết sự khác biệt giữa một router chuyên dụng với router của nhà mạng và bạn cũng đã biết nên hay không nên tự trang bị cho mình một thiết bị phát wifi đúng không nào.
Theo VN Review
6 vật dụng quen thuộc trong nhà khiến sóng Wi-Fi chậm ì ạch Một kết nối Wi-Fi chậm chạp luôn khiến người dùng bực mình, song chỉ cần thay đôi vị trí router Wi-Fi một chút thì rất có thể vấn đề sẽ được giải quyết. Đồ dùng và bề mặt kim loại (Ảnh: BightSide) Kim loại là một chất hấp thụ điện năng và vì Wi-Fi sinh ra sóng điện từ nên bất kì một...