Xiaomi – gã khổng lồ mất ngủ
Từng trở thành biểu tượng của tinh thần startup tại Trung Quốc, nhưng hiện tại Xiaomi đang phải vượt qua cái bóng quá lớn của chính mình.
Được mệnh danh là “Apple của Trung Quốc”, tập đoàn Xiaomi từng được định giá 45 tỷ USD, nhưng mọi thứ giờ đã chỉ còn ở quá khứ. Niềm tự hào của đất nước tỷ dân đang vấp phải nhiều vấn về trong năm tài khóa 2015.
Theo một số nhà phân tích về Xiaomi, hãng sẽ không thể cán đích 80 triệu thiết bị được bán ra trong năm nay. “Apple của Trung Quốc” cũng đã cắt giảm các đơn hàng đối với các nhà cung cấp linh kiện.
Người dùng trải nghiệm các thiết bị tại showroom của Xiaomi.
Không chỉ bị những nhà sản xuất lớn như Apple, Samsung cạnh tranh, Xiaomi còn bị Huawei hay Lenovo vượt mặt tại quê nhà. Trong báo cáo tài chính quý III/2015, Huawei đã chính thức vượt Xiaomi trở thành nhà cung cấp thiết bị di động số một tại Trung Quốc.
Nhà phân tích Alberto Moel của tập đoàn Sanford C Bernstein, Hong Kong cho biết: “Xiaomi từng được các nhà đầu tư đại lục kỳ vọng bởi tốc độ tăng trưởng thần kỳ. Nhưng hiện tại, hãng này không còn giữ được đà tăng trưởng đó nữa. 45 tỷ USD là sự định giá quá phóng đại dành cho họ”.
Sự suy giảm của thị trường
Các đơn đặt hàng của Xiaomi giảm dần theo thời gian. Theo công ty nghiên cứu IHS và Canalys, quý III/2015, hãng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Những sản phẩm chiến lược như Mi 4 hay Redmi không thể giữ được tốc độ tăng trưởng.
Mảng kinh doanh thiết bị của Xiaomi khó có thể cạnh tranh với Huawei hay Lenovo.
Đó là thay đổi lớn từ triển vọng tăng trưởng táo bạo của Xiaomi. CEO Lei Jun từng dự đoán họ sẽ bán được 80-100 triệu thiết bị trong năm nay. Nhưng báo cáo 9 tháng của năm 2015 cho thấy, hãng chỉ mới hoàn thành 50% con số đó.
Hy vọng hay thổi phồng
Peter Fuhrman, CEO của ngân hàng China First Capital nhận định: “Tăng trưởng của Xiaomi giống như bong bóng xà phòng và đến hiện tại, quả bóng đó đang chực chờ nổ. Họ được định giá quá cao mà không dựa trên bất kỳ phương pháp định giá nào ngoại trừ việc thổi phồng và kỳ vọng quá cao của các nhà đầu tư”.
Sau đợt thu hút vốn đầu tư vào tháng 3 cũng là lúc nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu đi xuống, Lei Jun đã giảm dự báo doanh số bán hàng của Xiaomi xuống còn “80 triệu máy đến 100 triệu máy”.
Video đang HOT
Thị trường sẽ vực dậy?
Ngày lễ độc thân ở Trung Quốc được dự đoán sẽ giúp Xiaomi tăng trưởng trở lại trong quý IV. Hans Tung, đối tác quản lý đầu tư tại GGV Capital cho biết: “Tôi không quan tâm đến việc định giá. Thời gian sẽ chứng minh sức mạnh của Xiaomi”.
Hugo Barra, Phó chủ tịch của Xiaomi, từ chối bình luận về doanh số bán hàng và việc định giá công ty, mà chuyển cho Giám đốc tài chính Shou Zi Chew. Tuy nhiên, hiện tại người này vẫn không trả lời những câu hỏi trên.
CEO của Xiaomi trong buổi giới thiệu sản phẩm.
Xiaomi đang dần chuyển hướng. Hãng không còn là công ty sản xuất điện thoại, mà là “công ty Internet” chuyên về các thiết bị công nghệ và dịch vụ trực tuyến. Xiaomi kinh doanh nhiều mặt hàng như TV, pin dự phòng, camera hành trình… Mảng dịch vụ trực tuyến của hãng bao gồm trò chơi online, thanh toán trên Internet, mạng di động và lưu trữ đám mây.
Mặc dù tự nhận mình là “công ty Internet”, các mảng kinh doanh khác của Xiaomi vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ doanh thu của tập đoàn.
Gậy ông đập lưng ông
Xiaomi đang vất vả đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ trong nước. Họ đều sao chép chiến lược kinh doanh của Xiaomi.
Chan Si, người đã mua chiếc Mi 3 ra mắt vào năm 2013, chia sẻ: “Xiaomi trở nên phổ biến vì họ là thương hiệu đầu tiên tại thị trường Trung Quốc tạo ra những phiên bản đặc biệt. Tôi không quan tâm chiếc smartphone của tôi đến từ đâu, cái tôi quan tâm là giá thành và dễ sử dụng”. Một năm sau đó, cô đã chuyển sang iPhone 6.
Trần Tiến
Theo Zing
Con người đang nghiện smartphone?
Trong vài năm trở lại đây, công nghệ không có những bước tiến mang tính cách mạng nhưng có một thứ đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta, đó là smartphone.
Không ít người lo lắng vì cho rằng mình đang bị phụ thuộc quá nhiều vào smartphone và tìm cách thoát khỏi nó. Nỗi sợ hãi lớn hơn khi xuất hiện khái niệm nghiện Internet trong một bộ phận giới trẻ. Vậy, đâu là câu trả lời cho vấn đề này? Liệu có tồn tại khái niệm nghiện smartphone?
Phụ thuộc smartphone không giống như nghiện.
Ngày nay, điện thoại thông minh len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Nó trở thành phương thức liên lạc giữa mọi người, là công cụ ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa.
Hơn bao giờ hết, smartphone mang tới kho tàng tri thức vô tận và khơi nguồn sáng tạo nơi mỗi người. Chúng còn trở thành trò tiêu khiển những lúc tắc đường hay buồn chán. Tất cả gói gọn trong thiết bị nằm lọt bàn tay.
Vai trò của điện thoại thông minh lớn dần từng ngày, tới mức tạo ra sức hấp dẫn đến khó cưỡng. Dù cố tình lờ đi, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn cầm máy lên để trả lời tin nhắn, nhận cuộc gọi điệnhay xem thông báo từ các mạng xã hội. Không chỉ phá bĩnh giấc ngủ, smartphone còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như các mối quan hệ trong cuộc sống.
Có phải chúng ta đang bị ám ảnh về một thiết bị thần kỳ? Liệu smartphone đã chiếm hết tâm trí của con người? Và đó có phải là chứng nghiện điện thoại thông minh?
Nghiện smartphone là có thật, nhưng hiếm
"Phần lớn mọi người có thói quen sử dụng điện thoại rất nhiều, nhưng đó không hẳn là nghiện", Tiến sĩ Mark Griffiths thuộc trường đại học Nottingham Trent giải thích, ông nói thêm: "Giống như một thứ gì đó rất quan trọng trong cuộc sống mà bạn luôn mang theo bên cạnh, nhưng chỉ một hôm không xa nó, bạn sẽ cảm thấy thiếu vắng và đó không được coi là nghiện".
Có những người quá lạm dụng smartphone.
Chúng ta sử dụng điện thoại trong liên lạc với người thân, truy cập Internet hay phục vụ cho công việc và giải trí. Đó đều là những tính năng quan trọng.
Tiến sĩ Griffiths chia sẻ: "Mọi người cần dùng nhiều tới smartphone trong sinh hoạt thường ngày. Nhưng sẽ luôn có thiểu số lạm dụng quá mức gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Tin tốt là khi nói đến smartphone, tỷ lệ nghiện trên thực tế rất nhỏ".
Vị tiến sĩ cũng tách bạch những "cơn nghiện" giữa Internet và những thứ khác. Ví dụ như nghiện game, đánh bạc, mua sắm, tình dục...trên mạng thì không gọi là nghiện Internet bởi đó chỉ là "công cụ" cho những chứng nghiện khác. Điều tương tự cũng đúng đối với điện thoại di động.
Vì thế, chúng ta cần phân định rõ vấn đề ở đây là gì?
Tiến sĩ Larry Rosen, giáo sư danh dự và chủ tịch viện Tâm lý học thuộc trường Đại học bang California cho biết đó đúng ra là một nỗi ám ảnh hơn là chứng nghiện. Nhóm nghiên cứu của ông đang nỗ lực tìm ra giải pháp giảm lo âu trong trường hợp không dùng điện thoại di động.
Theo nghiên cứu, thiếu smartphone khiến nhiều người cảm thấy bồn chồn, đặc biệt không thể trả lời tin nhắn hoặc nhận cuộc gọi. Một số bắt đầu tăng nhịp tim và huyết áp, thậm chí đổ mồ hôi và giảm khả năng nhận thức.
Chúng ta cần nhận thức rõ mức độ phụ thuộc vào thiết bị di động.
Tiến sĩ Rosen cho hay, chúng ta lo lắng không phải vì bỏ lỡ một chương nào đó, đơn giản chỉ vì đó là phương thức liên lạc thường ngày. Nhiều người luôn bị ám ảnh rằng mình có tin nhắn hoặc bình luận từ mạng xã hội cần trả lời. Cảm giác rời điện thoại như thể tách biệt khỏi thế giới vì ngày càng có nhiều người xem đó là cách giao tiếp duy nhất với xã hội.
Đáng ngại nhất phải kể đến những tác động tới giấc ngủ. Trong nghiên cứu mới nhất của mình về thói quen sử dụng thiết bị di động của giới trẻ, tiến sĩ Rosen tiết lộ, ba phần tư thanh thiếu niên đặt smartphone cạnh giường mỗi tối. Điều đó khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Khoảng một nửa số người trẻ được khảo sát thú nhận thường xuyên thức dậy vào ban đêm để kiểm tra điện thoại. Đó là vấn đề nghiêm trọng vì khi không ngủ đủ giấc sẽ ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ và nhiều hệ lụy khác. Đặc biệt, não cần thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng.
Làm thế nào để sử dụng điện thoại ít hơn?
Nhận thức rõ việc phụ thuộc vào smartphone là một chuyện, thay đổi thói quen lại là chuyện khác. Quá trình giảm bớt sự phụ thuộc vào sản phẩm công nghệ cần theo một quy trình nhất định.
Trước tiên, bạn chỉ nên kiểm tra những ứng dụng mình quan tâm nhất và bỏ qua các thứ khác. Sau đó bắt đầu "rời xa" điện thoại mỗi 15 phút, lặp lại quá trình đến khi cảm thấy đầu óc thoải mái; có thể phải mất vài tuần để quen. Tiếp đến, tăng khoảng thời gian ngừng sử dụng điện thoại lên 20, 25 và cuối cùng là 30 phút.
Đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ.
Thay vì dùng smartphone báo thức, bạn nên dùng đồng hồ cơ thay thế. Một giờ trước khi ngủ, đưa điện thoại ra khỏi phòng, đặt ở nơi xa nhất có thể và tắt âm thanh. Hình thành thói quen "thay thế" việc kiểm tra smartphone mỗi tối như đọc sách hoặc vận động trước khi ngủ.
Hãy bớt phụ thuộc vào điện thoại, nhưng đừng nhầm tưởng đó là chứng nghiện để rồi bỏ lỡ những tiện ích công nghệ mang lại. Thiết bị di động đã trở thành người bạn thân thuộc của mỗi người, giúp giải quyết nhiều công việc và mang tới những phút giải trí, thư giãn giữa bao bộn bề công việc.
Chưa có đủ bằng chứng thực nghiệm để chứng minh sự tương đồng giữa nghiện smartphone với các chứng nghiện khác như heroin hay cờ bạc. Chắc chắn, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc quá mức vào loại sản phẩm này nhưng không nên bị ám ảnh đó là nghiện.
Minh Minh
Theo Zing
Hai kiểu dân công nghệ thường gặp Dù các thiết bị công nghệ giống nhau, nhưng Business Insider đã chia ra hai loại người dùng công nghệ thường gặp dựa trên thói quen sử dụng thiết bị. Nhiều người cẩn thận lưu tên từng tập tin trong khi nhiều người khác chỉ dùng tên mặc định hoặc gõ đại bàn phím Sắp xếp ứng dụng cũng có 2 trường phái:...