Xi măng Công Thanh lỗ luỹ kế hơn 2.000 tỷ đồng, Vietinbank bán nợ cho VAMC
Mặc dù được biết đến với vai trò là chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn, tuy nhiên, Xi măng Công Thanh liên tiếp lâm vào cảnh làm ăn thua lỗ, nợ đầm đìa và mất cân đối tài chính. Mới đây, khoản nợ vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại Xi măng Công Thanh đã được “ông lớn” Vietinbank chuyển sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC).
CTCP Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với việc tiếp tục thua lỗ và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Giảm lỗ so với cùng kỳ nhưng vẫn bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Theo báo cáo tài chính của Xi măng Công Thanh, năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt 3.672 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán 3.092 tỷ đồng, giảm 3%.
Tuy nhiên do chi phí tài chính vẫn ở mức cao 842 tỷ đồng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay (788 tỷ đồng) đã khiến Xi măng Công Thanh ghi nhận khoản lỗ 615 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ 1.038 tỷ đồng của năm 2017.
Với mức lỗ 615 tỷ năm 2018, lỗ lũy kế của Xi măng Công Thanh đã lên đến 2.287 tỷ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu (vốn điều lệ 900 tỷ). Cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu ghi nhận giá trị âm 1.387 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 772 tỷ đồng do khoản lỗ lũy kế kể trên.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Xi măng Công Thanh cho thấy, lưu chuyển tiền thuần trong năm 2018 của doanh nghiệp chỉ còn âm gần 27 triệu đồng, trong khi năm 2017 là âm 12 tỷ. Trong đó, lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính âm 363 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước dương 113 tỷ. Ngược lại, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh dương 416 tỷ so với con số âm 78 tỷ của năm 2017.
Tại thời điểm 31.12.2018, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh đạt 13.525 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn giảm 7% xuống 421 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng giảm từ 303 tỷ đồng xuống 204 tỷ đồng.
Vay ngắn hạn 1.401 tỷ đồng, tăng 3% và chiếm 53% nợ ngắn hạn trong khi đó vay dài hạn ở mức 6.839 tỷ đồng, giảm 6% và chiếm 55% nợ dài hạn.
Video đang HOT
Tại báo cáo tài chính này, đơn vị kiểm toán Công ty TNHH PwC Việt Nam lưu ý, Xi măng Công Thanh phát sinh khoản lỗ sau thuế 615,4 tỷ đồng cho năm tài chính kết thúc 31.12.2018 và cũng tại ngày này khoản lỗ lũy kế của công ty vượt quá vốn góp chủ sở hữu một khoản là 1.386,9 tỷ đồng. Điều này, cùng với với đề khác liên quan đến khoản nợ của Xi măng Công Thanh tại Vietinbank cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
VietinBank chuyển nợ sang VAMC
Thể hiện trong báo cáo tài chính kiểm toán của Xi măng Công Thanh, PwC Việt Nam cho biết, các khoản nợ của công ty tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã bán lại cho Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) theo thông báo tại công văn số 5266 ngày 26.12.2018 của VietinBank và lịch trả nợ của công ty đã được cơ cấu lại.
Theo kế hoạch trả nợ mới, Xi măng Công Thanh cho biết có thể đáp ứng khả năng thanh toán các khoản thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm sau.
Tại báo cáo thuyết minh, trong 1.401 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn thì có 951 tỷ đồng nợ tại VietinBank được chuyển sang VAMC. Ngoài ra, Xi măng Công Thanh còn khoản nợ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) là 450 tỷ đồng.
Về nguồn vay dài hạn, tính đến cuối năm 2018, vay dài hạn của doanh nghiệp này tổng cộng là 6.839 tỷ đồng đã được VietinBank bán toàn bộ sang VAMC. Trong đó vay dài hạn đến hạn trả là 4.559 tỷ và trái phiếu thường đến hạn trả là 2.280 tỷ đồng.
Khoản vay dài hạn 4.559 tỷ được VietinBank bán lại cho VAMC và được VAMC ủy quyền thực hiện việc đòi nợ, thu hồi nợ gốc và lãi, quản lý tất cả các khoản nợ mà VietinBank đã bán lại cho VAMC, xử lý tài sản đảm bảo.
Trong phần chú thích báo cáo tài chính ghi rõ, theo biên bản làm việc giữa Xi măng Công Thanh và VAMC ngày 28.3.2019, VAMC yêu cầu công ty thực hiện thanh toán nợ theo kế hoạch đã đề xuất tại Văn bản số 110/2019/CCT ngày 14.2.2019. Lịch trả nợ có thể được điều chỉnh nếu tình hình hoạt động có thay đổi tốt hơn.
Theo đó, khoản vay dài hạn được cơ cấu đến năm 2035 và công ty phải thanh toán nợ gốc từ 2017 đến 2035 dựa trên lịch trả nợ đã thỏa thuận. Phần thanh toán lãi vay lũy kế đến 2018 sẽ được phân bổ trả từ 2022 đến 2027. Phần lãi vay phát sinh sau đó sẽ phân bổ để trả theo kế hoạch dòng tiền 2022-2035. Phần lãi phát sinh còn lại chưa trả sẽ được thanh toán hết đến 2035.
Với khoản trái phiếu thường 2.280 tỷ, lịch trả nợ được điều chỉnh như sau: năm 2018 trả 50 tỷ, năm 2019 là 150 tỷ, năm 2020 là 200 tỷ và giai đoạn 2021-2035 thanh toán tiền nợ gốc còn lại. Với phần lãi trái phiếu lũy kế đến 2018 sẽ thanh toán từ 2022 đến 2027, phần lãi phát sinh giai đoạn sau sẽ thanh toán từ 2022 đến 2035.
Theo danviet.vn
VietinBank hợp tác toàn diện với VAMC
Ngày 25/10/2018 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2018 - 2022.
Đại diện VietinBank và VAMC ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện
Dự Lễ ký kết về phía VAMC có ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV); ông Đoàn Văn Thắng - Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc; cùng các thành viên trong HĐTV, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, Lãnh đạo các ban của VAMC.
Về phía VietinBank có ông Cát Quang Dương - Thành viên phụ trách HĐQT; ông Lê Đức Thọ - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc; cùng các đồng chí trong HĐQT, Ban Lãnh đạo, đại diện các phòng/ban Trụ sở chính, Giám đốc VietinBank TP. Hà Nội, Giám đốc VietinBank Đống Đa tham dự.
Sự ra đời và đi vào hoạt động của VAMC đã nhanh chóng trở thành một kênh, một công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, VietinBank và VAMC đã có sự phối hợp chặt trong công tác xử lý thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, việc hợp tác đó chưa khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh vốn có của mỗi bên, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 cho phép VAMC được quyền mua nợ xấu (trong và ngoài bảng cân đối kế toán) của các tổ chức tín dụng theo giá thị trường.
Do đó, để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác xử lý thu hồi nợ xấu cũng như phát huy, khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi bên trên các lĩnh vực hoạt động, VietinBank và VAMC ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của nhau trong quá trình hoạt động và phát triển.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Cát Quang Dương cho biết: Thông qua hoạt động hợp tác, VietinBank và VAMC cùng xúc tiến các hoạt động hỗ trợ nhau quảng bá hình ảnh, mở rộng và phát triển hoạt động để khai thác tốt nhất các sản phẩm, dịch vụ là thế mạnh của mỗi bên và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, VietinBank và VAMC sẽ hợp tác triển khai toàn diện các biện pháp xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề ra, bao gồm không giới hạn các hoạt động như: Rà soát, đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu; xây dựng lộ trình xử lý nợ cho từng năm, giai đoạn từ 2018 - 2022; đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; xem xét mua bán nợ theo giá trị thị trường đối với một số khách hàng đã được lựa chọn; tiến hành thu giữ một số tài sản bảo đảm lớn, có tính chất phức tạp để xử lý, thu hồi nợ vay; hỗ trợ giải quyết nhanh gọn các khách hàng/khoản nợ; phối hợp làm việc với cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và các văn bản quy định của pháp luật...
Việc hợp tác giữa VietinBank và VAMC được thực hiện theo quy định pháp luật trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tận dụng được lợi thế, kinh nghiệm và nguồn lực của các bên trong các lĩnh vực hoạt động. Hai bên thống nhất tạo điều kiện để tiếp cận và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu và phù hợp với nhu cầu hoạt động và phát triển của hai bên.
Cũng tại buổi Lễ, đại diện VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông chia sẻ: VAMC đánh giá rất cao sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của VietinBank trong vấn đề xử lý nợ xấu. Đặc biệt đến nay VietinBank đã xử lý xong toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó.
"Việc ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện hôm nay nhằm tạo thuận lợi trong thủ tục pháp lý cho hai bên có thể chia sẻ, hợp tác chặt sẽ hơn nữa trong vấn đề xử lý nợ xấu thời gian tới" - ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định.
Kết thúc buổi Lễ, đại diện VietinBank và VAMC đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện trước sự chứng kiến của các đại biểu tham dự.
Minh Minh
Theo petrotimes.vn
Nợ xấu không còn là điểm nóng tại Đại hội 2019 Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao, sạch nợ tại VAMC hay những kế hoạch cụ thể cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2019 được trình bày tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 khiến cổ đông của nhiều ngân hàng không còn quan tâm nhiều về nợ xấu... Nợ xấu không những "nguội" mà còn "lạnh" Trước khi...