Xếp loại hạnh kiểm học sinh khiến giáo viên chủ nhiệm “đau đầu”
Giáo viên chúng tôi thường đùa nhau, xếp loại hạnh kiểm cho HS là việc làm khiến giáo viên chủ nhiệm “hại não” nhất. Mỗi mùa thi về, không ít thầy cô bị stress rồi mất ăn, mất ngủ cũng vì chuyện này…
Ảnh minh họa
Những ngày này, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 9 chúng tôi đang tất bật để hoàn thành xếp loại hai mặt giáo dục cho học sinh (HS). Một trong những điều đắn đo, khó khăn nhất với GV chúng tôi có lẽ chính là việc xếp loại hạnh kiểm hay còn gọi là hành vi đạo đức cho các em.
Bây giờ chúng tôi thường đùa nhau, xếp loại hạnh kiểm cho HS là việc làm khiến GVCN “hại não” nhất. Mỗi mùa thi về, không ít thầy cô bị stress rồi mất ăn, mất ngủ cũng vì chuyện này.
Thực tế, việc xếp loại hạnh kiểm cho các em chẳng khó khăn gì cả. GVCN đã xếp loại hàng tuần, hàng tháng cả rồi. Cuối mỗi học kì thì GV chỉ cần tổng hợp lại là xong thôi.
Vậy nhưng trên thực tế hiện nay, GV xếp loại hạnh kiểm cho các em là rất khó, nhất là vào cuối năm học. Đối với những em chăm ngoan thì chẳng nói làm gì. Riêng những HS thường xuyên vi phạm nội quy lớp, trường mới khó xếp loại. Nếu theo đúng quy định Thông tư 58/2011/TT- BGDĐT quy định thì nhiều em chỉ xếp ở mức Khá hoặc Trung bình thôi.
Cuối năm học, nhiều GVCN thường xin ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu về việc xếp loại hạnh kiểm của HS lớp mình, nhất là những lớp có nhiều HS cá biệt.
Một số thầy cô mong muốn được đánh giá đúng về hạnh kiểm của các em. Ai chăm ngoan thì xứng đáng đạt loại Tốt. Riêng những em còn thiếu sót sẽ biết sai mà cố gắng, phấn đấu sửa chữa nữa. Chứ đánh đồng chung đều tốt thì chẳng ổn chút nào.
Vậy nhưng ban giám hiệu nhà trường thì có bao giờ đồng ý như vậy đâu. Lí do ban giám hiệu đưa ra là do chỉ tiêu đưa xuống trường thường rất cao. Hạnh kiểm thường phải đạt 98-99% loại Tốt. Trên đã giao xuống rồi, GV cứ thế mà thực hiện. Ai không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị trừ điểm thi đua.
Ngoài ra, một lí do nữa mà chúng tôi biết là ban giám hiệu trường thường ngại việc phụ huynh thưa gửi. Bây giờ, nhiều phụ huynh chỉ thấy con xếp loại Khá hoặc Trung bình là vào trường làm ầm ĩ hết cả lên.
Video đang HOT
Họ cho rằng thầy cô giáo chủ nhiệm đang trù úm con mình. Rồi hạnh kiểm vầy thì sau này các con sẽ thiệt thòi khi thi tuyển 10… Cuối cùng để đỡ rắc rối, ban giám hiệu thường nhắc GVCN du di cho những em từng vi phạm. Cả lớp đều hạnh kiểm Tốt, chỉ vài trường hợp cá biệt là Khá thôi.
Cách xếp loại dễ dãi kiểu này nên trò mới ngày càng lờn mặt thầy cô. Bây giờ các em chẳng còn biết sợ thầy cô chủ nhiệm là gì nữa. Các em cứ tự do vi phạm nội quy vì các em luôn nghĩ thầy cô chẳng dám làm gì mình đâu. Cuối năm hạnh kiểm vẫn Tốt hết cả mà.
Một cô bạn gái của tôi dạy cấp 2 ở một trường điểm của thành phố từng tâm sự thế này: “HS bây giờ coi trời bằng vung cũng do GV mình xếp loại hạnh kiểm quá dễ. Chúng cứ truyền tai nhau rằng cô giáo chẳng dám hạ hạnh kiểm mình đâu”.
Nhiều lần bạn từng đề xuất chuyện này cùng ban giám hiệu trường nhưng rồi hiệu trưởng chỉ nhẹ nhàng bảo bạn rằng: “Mình là nhà giáo nên bao dung cho các em đi. Chúng chỉ là HS thôi mà. HS thì thời nào chẳng thế. Giờ mà hạ hạnh kiểm thì tội nghiệp các em lắm”. Cuối cùng bạn chỉ còn biết thở dài trong ngao ngán mà thôi.
Là một GV, tôi rất đồng ý với việc không xếp loại hạnh kiểm Yếu cho các em. Thế nhưng những em thường xuyên vi phạm nội quy của lớp, của trường nhưng có sửa chữa thì hạnh kiểm Khá. Riêng những em vi phạm nội quy nghiêm trọng như đánh nhau thì phải chịu mức hạnh kiểm Trung bình. Thầy cô có nghiêm khắc như vậy thì các em mới tiến bộ được.
Xếp loại hạnh kiểm cần cả yếu tố công bằng và khách quan nữa. Chúng ta thương các em nhưng vẫn phải thực hiện thật nghiêm khắc. Nếu chúng ta quá dễ dãi trong chuyện này, các em sẽ còn vi phạm và sẽ không bao giờ biết nhận ra cái sai của mình đâu.
Câu chuyện xếp loại hạnh kiểm của HS trong trường học tưởng đơn giản mà chẳng còn đơn giản chút nào cả.
Phụ huynh xin điểm dễ từ chối, đồng nghiệp xin biết làm sao đây?
Cho điểm thì áy náy lương tâm khi không công bằng với nhiều học sinh khác. Không cho thì khó nhìn mặt đồng nghiệp khi "vào đụng, ra chạm" hằng ngày.
Gần kết thúc học kỳ 1, giáo viên thường nói vui: "Lại đến mùa xin điểm". Nhiều thầy cô cho biết, đôi khi lâm vào tình trạng khó xử bởi người xin điểm lại chính là đồng nghiệp của mình.
Mùa thi cũng là mùa nhiều người xin điểm (Ảnh minh họa VTV)
Cho điểm thì áy náy lương tâm khi không công bằng với nhiều học sinh khác. Không cho thì khó nhìn mặt đồng nghiệp khi "vào đụng, ra chạm" hằng ngày.
Có muôn vàn lý do để xin điểm, xin hạnh kiểm. Người nói rằng cần học bạ "sạch" để con có cơ hội xét tuyển đại học.
Người lại chỉ cần con đỗ tốt nghiệp để cho con đi du học. Có người lại cần con được khen thưởng cho bằng chị bằng em với một lý do vô cùng thực dụng là công ty của chồng, cơ quan của mẹ trao giải cho mỗi giấy khen là 1 triệu đồng...
Thầy H. giáo viên toán một trường phổ thông trung học cho biết: "Phụ huynh xin điểm thầy rất dễ dàng từ chối. Nhưng chính đồng nghiệp mở lời xin "chiếu cô em A. em C. dùm mình với" thì vô cùng khó xử.
Người nói đó là chỗ bà con thân thiết, có em lại là cháu trong nhà...dù khó chịu nhưng bản tính cả nể, thầy H. nói mình cũng đành làm công việc bất đắc dĩ khi mình không muốn.
Nếu phụ huynh đứng ra xin điểm, giáo viên có thể lấy lý do nhà trường quản lý điểm chặt nên khó thực hiện.
Nhưng với giáo viên trong nghề thì chuyện cho khống vài con điểm miệng, sửa vài con điểm kiểm tra 15 phút cứ dễ như trở bàn tay.
Ở bậc tiểu học thường là giáo viên chủ nhiệm đi xin giáo viên bộ môn, không phải điểm mà là nhận xét. Ví như học sinh A. (lớp 2), kiểm tra hai môn Toán, tiếng Việt được 9 và 10 điểm.
Các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét Hoàn thành Tốt sẽ đạt học sinh xuất sắc.
Thế nhưng có em môn Thể dục chỉ được giáo viên ghi Hoàn thành là xem như mất ngay danh hiệu xuất sắc.
Nhiều khi phụ huynh chẳng biết để xin nhưng chính thầy, cô chủ nhiệm làm điều này vì muốn lớp mình có nhiều học sinh xuất sắc.
Phần nữa nhiều giáo viên thấy thương trò vì môn nào học cũng tốt nhưng môn Âm nhạc lại bị khống chế và vuột mất cơ hội.
Nhiều giáo viên thường chọn giải pháp "cả nhà cùng vui"
Để tránh rắc rối, để đỡ trông thấy mặt nặng mày nhẹ với nhau nên một số giáo viên dạy môn chuyên thường chủ động hỏi giáo viên chủ nhiệm: "Có lưu ý em nào không?".
Hoặc thầy cô chủ nhiệm chủ động tìm để đưa danh sách những ứng viên sẽ có cơ hội dành danh hiệu xuất sắc.
Thầy cô giáo môn chuyên cũng căn cứ vào danh sách này lưu ý khi đánh giá xếp loại học sinh.
Thế là không bị mất lòng đồng nghiệp, học sinh vui vì được khen, giáo viên chủ nhiệm vui vì lớp có thêm học sinh nổi trội, phụ huynh vui vì thành tích của con và sự dạy dỗ tiến bộ nhiệt tình của thầy cô.
Giải pháp này nhiều thầy cô gọi là "cả nhà cùng vui".
Khâu đánh giá học sinh luôn được xem là khâu quan trọng nhất, đây chính là thước đo về chương trình, về sự dạy dỗ của giáo viên, sự tiến bộ của học sinh.
Dù chương trình có đổi mới thế nào nhưng chính mỗi thầy cô không chịu đổi mới cách nghĩ, cách làm thì việc đánh giá học sinh vẫn thường theo lối mòn cũ.
Trúc Mai
Theo giaoduc.net
Xếp loại hạnh kiểm học sinh, cần sự sâu sát của giáo viên chủ nhiệm Về các thầy cô giáo chủ nhiệm, cách đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học trò cũng muôn hình vạn trạng, mỗi người một vẻ. Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang là căn cứ chính để...