Xếp hạng đại học mang lại nhiều lợi ích
Trong 3 năm liền, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam liên tục tăng hạng trên bảng xếp hạng của châu lục và thế giới. Điều này cho thấy giáo dục đại học của Việt Nam đã tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế, trong đó có 3 nội dung quan trọng: đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là xu thế tất yếu để các cơ sở giáo dục đại học liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng.
Thăng hạng liên tục
Sau gần 7 năm tham gia (tính mốc từ năm 2013), ngoài 2 đại học quốc gia, Việt Nam có thêm 6 trường đại học được có tên trong bảng xếp hạng của châu lục và thế giới. Thứ hạng của các trường được cải thiện liên tục.
Năm 2017-2018, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS; Vương quốc Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS Asia năm 2018 cho 400 trường đại học hàng đầu châu Á. Việt Nam có 5 đơn vị lọt vào tốp 400 này, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội hạng 139, Đại học Quốc gia TPHCM hạng 142, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 291 – 300, Trường Đại học Cần Thơ trong nhóm 301 – 350, Đại học Huế trong nhóm 351 – 400.
Bảng xếp hạng QS Asia năm 2019, Việt Nam góp mặt 7 cơ sở đại học trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á là: Đại học Quốc gia Hà Nội là số 1 tại Việt Nam và ở vị trí 124, Đại học Quốc gia TPHCM vị trí 144, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 261 – 270, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 291 – 300, Trường Đại học Cần Thơ trong nhóm 351 – 400, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trong nhóm 451 – 500.
Ngày 27-11-2019, QS công bố kết quả bảng xếp hạng QS Asia năm 2020 thì Việt Nam có đến 8 đại học và trường đại học được xếp tốp 500 đại học tốt nhất trong tổng số 13.578 đại học và học viện toàn châu Á. Trong đó, Đại học Quốc gia TPHCM lên số 1 trong nước và được xếp hạng 143 (tăng 1 hạng so với năm 2019), Đại học Quốc gia Hà Nội xếp hạng 147 (tụt 23 hạng so với năm 2019), Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp ở vị trí 207 (tăng 84 hạng so với năm 2019)…
Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong giờ thực hành
Đặc biệt, theo kết quả xếp hạng các trường đại học toàn cầu năm 2020 của Tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh), Đại học Quốc gia TPHCM đứng trong tốp 1.001 . Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện đứng trong bảng xếp hạng này.
Đại học Quốc gia TPHCM hiện đứng số 1 tại Việt Nam ở 2 tiêu chí quan trọng là danh tiếng học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng. Với 2 tiêu chí này, Đại Quốc gia TPHCM được xếp tốp 100 đại học hàng đầu châu Á. Trong khi đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng lại vượt 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM về các chỉ số quan trọng trong nghiên cứu như: số bài báo/giảng viên, chỉ số trích dẫn/bài báo, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, giảng viên người nước ngoài, sinh viên trao đổi trong nước, sinh viên trao đổi nước ngoài. Ngược lại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn thua các đại học đàn anh 4 tiêu chí đầu, chủ yếu về tên tuổi và sự bình chọn tên tuổi trong cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài.
Có thể nói, việc Việt Nam có đến 8 đại học và trường đại học được xếp tốp 500 đại học tốt nhất châu Á là một tín hiệu vui, cho thấy các đại học của Việt Nam đã có sự nỗ lực rất lớn.
Video đang HOT
Quan tâm đến những hệ thống xếp hạng uy tín
Trích từ Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS; được xem là cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới về thông tin khoa học), trong giai đoạn 2014-2018, công bố khoa học quốc tế của Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Năm 2014 có 3.482 bài, đến năm 2018 cả nước có 6.187 bài thuộc danh mục ISI. Công bố khoa học từ Việt Nam tăng nhanh trong thời gian 5 năm qua (tăng 18%/năm) nhưng số lượng vẫn thấp nhất (chỉ cao hơn Philippines).
Dù vậy, sự tăng trưởng về bài báo quốc tế cũng đồng hành với sự tăng trưởng vị trí trên các bảng xếp hạng châu lục và thế giới; các đại học Việt Nam liên tục tạo nhiều bất ngờ và lần đầu tiên chúng ta có đại học lọt vào tốp 1.000 đại học hàng đầu của thế giới.
Theo TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng đại học là tất yếu và rất được quan tâm trên thế giới, vì phản ánh đẳng cấp và chất lượng của các đại học, là thông tin quan trọng để các nhà quản trị, phụ huynh và sinh viên chọn lựa trường phù hợp theo nhu cầu. Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta chỉ nên quan tâm đến những hệ thống xếp hạng đại học có uy tín, để tránh việc làm sai lệch giá trị học thuật của các đại học. Theo thông lệ quốc tế, việc đánh giá một đại học có những tiêu chuẩn nhất định và những tiêu chuẩn này được các đại học thừa nhận một cách rộng rãi.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: “Trên thế giới, việc xếp hạng, xếp loại các cơ sở giáo dục đại học đã được thực hiện và phổ biến ở nhiều quốc gia. Hoạt động này mang đến nhiều lợi ích thiết thực khi cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích để đánh giá chất lượng cũng như làm cơ sở cho việc cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Động lực chủ yếu của xu thế này là yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, trong bối cảnh một thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng.
Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia TPHCM làm việc tại phòng thí nghiệm
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, để đại học Việt Nam đứng vào tốp 100 các trường đại học châu Á hoặc tốp 500 các trường đại học hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới, cần thực hiện 3 giải pháp. Thứ nhất, Nhà nước cần có chiến lược ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học đã có tên trong bảng xếp hạng thông qua chính sách đặt hàng đào tạo và nghiên cứu.
Cụ thể như chính sách đặt hàng đào tạo các ngành khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn để các trường đại học xây dựng lực lượng khoa học trẻ, thực hiện các nghiên cứu đột phá. Thứ hai, cam kết về tự chủ cho các trường đại học, trong đó quan trọng nhất là tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức và tự chủ tài chính. Thứ ba, các trường đại học tái cấu trúc để tăng hiệu quả quản trị, có chính sách thu hút, tuyển dụng giảng viên giỏi, nhất là giảng viên nước ngoài; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu.
Trên thế giới hiện có hơn 60 hệ thống xếp hạng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Do đó, việc xếp loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học đang trở thành xu thế mang tính toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục, giới học thuật và các bên liên quan khác trong xã hội. Dưới đây là những tiêu chí của các tổ chức xếp hạng uy tín châu Á và thế giới:
- QS Asia xếp hạng các đại học dựa trên 10 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: danh tiếng về học thuật (30%); khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (15%); tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên (10%); trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); trao đổi sinh viên trong nước (2,5%), trao đổi sinh viên quốc tế (2,5%).
- QS World xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm); danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%); tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%); sinh viên quốc tế (5%).
- THE xếp hạng các trường đại học theo 5 nhóm tiêu chí, gồm: giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm); nghiên cứu (30%); trích dẫn khoa học (30%); triển vọng quốc tế (7,5%); thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).
THANH HÙNG
Theo SGGP
Đâu là bí quyết lọt top trong các bảng xếp hạng Đại học uy tín?
ĐHQG Hà Nội hiện có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á với vị trí đứng thứ 124 châu Á, nằm trong top 24,7% những trường ĐH hàng đầu khu vực.
Mới đây, ĐHQG Hà Nội tiếp tục là 1 trong 2 ĐH Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng thường niên nổi tiếng QS World University Rankings. Câu hỏi nhiều trường ĐH Việt Nam đang đặt ra: Bí quyết để lọt vào top trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín là gì?
Sinh viên nước ngoài học tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh:Hữu Cường
Hiểu rõ về bảng xếp hạng ĐH
TS Nghiêm Xuân Huy - Giám đốc Viện Đảm bảo chất lượng GD (ĐHQG Hà Nội) phân tích: Bảng xếp hạng là một tập hợp các tiêu chí khác nhau. Như vậy, tham gia mỗi bảng xếp hạng giống như trường ĐH tham gia vào một cuộc thi với những chỉ tiêu, chỉ số riêng. Tham gia một bảng xếp hạng là một góc nhìn về chất lượng, không phải là một bức tranh toàn cảnh về chất lượng của trường ĐH.
Nếu một trường ĐH chỉ lấy xếp hạng làm mục tiêu thì việc phát triển sẽ không bền vững. "Quan điểm của ĐHQG Hà Nội trước hết phải phát triển theo chất lượng. Chúng tôi cho rằng, việc thực hành tốt, làm tốt từng việc, từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với những chỉ số có liên quan đến xếp hạng, vừa lồng ghép những chỉ số phát triển có tính chất bền vững nhưng cũng đặt vào trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí trong bảng xếp hạng" - TS Nghiêm Xuân Huy cho biết.
ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu rất sâu về các bảng xếp hạng, tìm điểm tương đồng giữa các chỉ số phát triển bền vững của trường ĐH với chỉ số đánh giá trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó, chú trọng chỉ số nào để vừa đảm bảo chất lượng của trường ĐH, vừa phát triển một cách hài hòa, nhưng vừa có những ưu thế trong xếp hạng. Điều rút ra là một trường ĐH đẳng cấp thế giới liên quan đến tài năng, con người, liên quan tới việc quản trị và nguồn lực để thực hiện nó.
Trong chiến lược phát triển, ĐHQG Hà Nội chú trọng 3 yếu tố: Phát triển nhân tài; Tối ưu hóa bộ máy quản trị để phát triển bền vững; Đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển, trong đó nguồn lực để hợp tác phát triển như hợp tác quốc tế là một trong những nguồn lực rất được quan tâm.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN/ Ảnh Internet
Các nhân tố quyết định chất lượng
Với một trường ĐH những yếu tố về đội ngũ giảng viên, đội ngũ học giả, quản trị, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, việc lập kế hoạch, đánh giá... quyết định về chất lượng của nhà trường. ĐHQG Hà Nội nhận thấy để đánh giá chất lượng ĐH hiện nay có rất nhiều tham số thông qua các nghiên cứu, kiểm định, phân tích đối sánh, thông qua việc tự đánh giá mình và thông qua xếp hạng. TS Nghiêm Xuân Huy chia sẻ: Chúng tôi nhìn nhận xếp hạng là một trong những chỉ số đánh giá chất lượng trường ĐH. Từ chỉ số chất lượng này, chúng tôi phân tích giảng viên, SV, SV tốt nghiệp, cựu sinh viên cần những yếu tố gì để vừa phát triển đảm bảo chất lượng, vừa giúp cho việc đẩy mạnh các chỉ số trong các bảng xếp hạng.
"Quan điểm của ĐHQG Hà Nội trước hết phải phát triển theo chất lượng. Cần thực hành tốt, làm tốt từng việc, từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với những chỉ số có liên quan đến xếp hạng, vừa lồng ghép những chỉ số phát triển có tính chất bền vững nhưng cũng đặt vào trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí trong bảng xếp hạng."
TS Nghiêm Xuân Huy
Có thể thấy các vấn đề liên quan đến đầu ra, thành tựu, uy tín, tỷ lệ giảng viên làm tiến sĩ, năng lực nghiên cứu của trường ĐH, tỷ lệ SV/giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế... là chỉ số các bảng xếp hạng rất quan tâm, đặc biệt là QS. Đây là một trọng số rất quan trọng cho thấy chất lượng của trường ĐH về góc độ trình độ và chất lượng của đội ngũ khoa học. Được biết, bảng xếp hạng QS châu Á mới nhất đã đưa vào thêm chỉ số Mạng lưới hợp tác quốc tế, trọng số này chiếm 10% chỉ số xếp hạng. Theo đó, để thúc đẩy xếp hạng phải rất quan tâm tới mạng lưới hợp tác quốc tế của trường ĐH.
Ngoài ra, uy tín của trường ĐH được thể hiện qua uy tín về học thuật, tuyển dụng cũng như những đóng góp cho cộng đồng, được thể hiện thông qua những kết quả nghiên cứu, thông qua hợp tác và các đối tác của trường ĐH, để thấy phát triển bền vững và xếp hạng có liên quan tới nhau. Nếu làm tốt hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, uy tín học thuật của trường ĐH sẽ được lan tỏa, tăng các nguồn tài trợ cho nghiên cứu, công bố quốc tế nhiều hơn. Và quan trọng, học giả sẽ đánh giá nhà trường cao hơn.
Hai văn bản quan trọng
TS Nghiêm Xuân Huy cho biết, dựa trên các yêu cầu về chỉ số xếp hạng cũng như các giải pháp đẩy mạnh cải tiến chất lượng, ĐHQG Hà Nội đã xây dựng 2 văn bản rất quan trọng. Văn bản đầu tiên là bộ chỉ số về ĐH nghiên cứu được xây dựng dựa trên các tham chiếu với nhiều trường ĐH hàng đầu khu vực châu Á cũng như các tiêu chí có trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó định hướng phát triển các trường ĐH, đồng thời đặt ra chỉ tiêu đầu tư nguồn lực để có thể đạt được, vừa đảm bảo hệ thống phát triển bền vững, vừa đảm bảo đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.
Văn bản thứ hai là chiến lược phát triển ĐHQG Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030. ĐHQG Hà Nội đưa vào văn bản các chỉ tiêu. Trong nhiều chỉ tiêu phát triển, có chỉ tiêu gắn với xếp hạng như chỉ tiêu về tỷ lệ tiến sĩ, chỉ tiêu về số bài báo công bố, chỉ tiêu về trích dẫn quốc tế, các hợp tác quốc tế... Đây là những chỉ tiêu vừa để phát triển, cũng là chỉ tiêu xếp hạng. "Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh với các trường ĐH Việt Nam, làm sao vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nhưng cũng nhanh chóng có thể tiếp cận được với các bảng xếp hạng quốc tế" - TS Nghiêm Xuân Huy bày tỏ.
Được biết, để xây dựng bảng này, ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu nhiều hệ thống xếp hạng, dựa trên bối cảnh cụ thể của các trường ĐH Việt Nam xây dựng các tiêu chí để đánh giá cũng như đặt ra mục tiêu phát triển cho các trường.
Gia Hân
Theo GDTĐ
Chuẩn đầu ra giáo dục đại học: Kỳ vọng thước đo chung Không phải đến bây giờ vấn đề chuẩn đầu ra cho sinh viên đại học (ĐH) mới được đặt ra, nhưng nói như Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, lâu nay các cơ sở giáo dục ĐH vẫn công bố chuẩn đầu ra nhưng sinh viên ra trường có đạt chuẩn hay không lại là câu hỏi lớn. Bao giờ chất lượng...