Xem xét việc tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020
Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học kéo dài, nhiều ý kiến cho là nên tạm dừng thi THPT quốc gia, có thể xét tốt nghiệp để phù hợp với tình hình.
Sau hai lần thay đổi thời gian kết thúc năm học do dịch bệnh, trước yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã lên nhiều phương án, tuy nhiên vẫn cân đối làm sao để học sinh có đủ kiến thức, thời gian ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia.
Thế nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, với chất lượng của việc học trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng có nên tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia không.
Không nhất thiết tổ chức thi THPT quốc gia
Giám đốc Sở GD&ĐT một tỉnh Nam Trung bộ chia sẻ, phương pháp học trực tuyến như hiện nay chỉ là một giải pháp tình thế, không hiệu quả bằng việc học trực tiếp.
“Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh nội dung chương trình, tinh giản một số kiến thức nên kỳ thi này nếu tổ chức chắc chắn chất lượng sẽ không bằng các năm trước. Với tình hình hiện nay nên dừng kỳ thi và tổ chức xét tốt nghiệp” – vị này cho biết.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, Luật Giáo dục do Quốc hội ban hành ngày 14-6-2019 (khoản 3 Điều 34) quy định rất rõ: Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.
“Như vậy, học sinh THPT hoàn thành chương trình, đủ điều kiện thì được dự thi nhưng không bắt buộc phải là kỳ thi do ai tổ chức. Luật không quy định phải là “kỳ thi THPT quốc gia”. Các địa phương sẽ phân công cơ quan chuyên môn cấp bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc tính đến chuyện bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 là hợp lý” – TS Lý nói.
Học sinh Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, TP.HCM đang học bài tại nhà. Ảnh: NTCC
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia chắc hẳn sẽ được đồng tình. Tuy nhiên, quan trọng là bức tranh sau khi bỏ kỳ thi này sẽ như thế nào.
Bởi theo TS Nghĩa, nếu điều này xảy ra, tuyển sinh của các trường đại học có vẻ dễ dàng hơn. Thế nhưng trong bối cảnh sẽ có rất nhiều học sinh được xét tốt nghiệp loại giỏi, dần dần các trường tốp trên sẽ bối rối không biết tuyển như thế nào. Bức tranh tuyển sinh có thể khác đi một chút so với trước khi thi ba chung (năm 2002) là có thể một số kỳ thi riêng quy mô lớn như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng cho nhiều trường đại học khác, đỡ bớt cảnh nháo nhào trong thi tuyển đại học như trước năm 2002…
Tuy nhiên, TS Nghĩa cũng lo ngại Quyết định 522 của Thủ tướng về phân luồng sau THCS và sau THPT sẽ bế tắc như bao quyết định tương tự trước đó. Ngoài ra, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục coi như chấm dứt, không thể đánh giá được chương trình giáo dục phổ thông mới có đạt mục tiêu, hiệu quả ở cấp quốc gia hay không.
Video đang HOT
Tại buổi giao ban báo chí trực tuyến chiều 10-4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết hiện học sinh không đến trường nhưng không nghỉ học, 63/63 tỉnh, thành đều đã tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình.
“Nếu học sinh có thể đến trường sau ngày 30-5 và chậm nhất là trước ngày 15-6 thì biên chế năm học vẫn theo lịch, học sinh vẫn còn thời gian ôn tập 1-2 tuần sau khi kết thúc năm học, kỳ thi THPT vẫn được tổ chức. nhưng nếu muộn hơn ngày 15-6, chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án” – ông Độ cho biết.
Xây dựng một số kịch bản khác nhau về kỳ thi
“Về thi THPT quốc gia, bộ cần xây dựng nhiều kịch bản khác nhau phù hợp với tình hình hiện tại” – ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức (tp. hcm), nhấn mạnh.
Theo ông Bình, nếu đến giữa tháng 4 học sinh có thể đi học lại thì kỳ thi THPT quốc gia diễn ra như dự kiến. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục nghỉ học đến tháng 5 thì cần điều chỉnh bằng cách giảm môn thi hoặc xét tốt nghiệp. Khi đó, tuyển sinh đại học sẽ có kịch bản riêng như xét học bạ, thi đánh giá năng lực hoặc bài thi chỉ gồm các môn theo khối xét tuyển.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường dân lập nổi tiếng tại Hà Nội cũng cho rằng Bộ GD&ĐT nên xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với dịch COVID-19.
Nếu học sinh nghỉ học hết tháng 4 thì các kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào lớp 10 không được quá ba môn và phải công bố trong tháng 4. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 5 thì không nên tổ chức thi THPT quốc gia mà xét tốt nghiệp. Trong bối cảnh một kỳ thi vừa đảm bảo đánh giá tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học sẽ quá khiên cưỡng với tình hình năm nay.
Không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch
Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động của bộ, Cục Quản lý chất lượng đã xây dựng một số kịch bản khác nhau về kỳ thi THPT để phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.
Bộ có thể khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Còn hiện nay, trong khi bộ chưa công bố phương án nào khác, các nhà trường và học sinh căn cứ vào đề tham khảo mà bộ vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT
N.QUYÊN – H.PHƯỢNG – P.ANH
Giáo viên, học sinh 'thở phào' khi thời gian thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7
Hầu hết giáo viên, học sinh đều vui mừng, yên tâm ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi khi Bộ GD&ĐT quyết định lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia 2020.
Yên tâm lên kế hoạch ôn thi
Bộ GD&ĐT mới đây điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Cụ thể: Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020; thi THPT quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.
Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.
Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước.
Lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020, giáo viên, học sinh yên tâm chuẩn bị kế hoạch ôn tập.
Vui mừng trước thông tin này, em Nguyễn Huyền, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, khi kỳ thi THPT quốc gia năm nay được điều chỉnh lùi 1 tháng so với năm trước, đồng nghĩa học sinh cuối cấp có thêm thời gian ôn thi 1 tháng, kiến thức ôn tập sẽ nhuần nhuyễn hơn.
Trước đây khi chưa có thông báo lùi thời gian kỳ thi, hầu hết học sinh lớp 12 đều chung tâm trạng phấp phỏng, lo âu vì nghỉ ở nhà chỉ có thể tự ôn tập bài một phần, khó bám sát với đề thi. Các em còn lo ngại, nếu không lùi lịch thi, sẽ phải tập trung ôn tập gấp 4, 5 lần trước đây mới kịp tiến độ chương trình học.
Em Lê Hoàn Trí, học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, không riêng bản thân, khi cả nhà biết được thông tin lùi thời gian thi THPT quốc gia đều thở phào. Học sinh chúng em cũng bắt đầu yên tâm để xây dựng kế hoạch ôn tập và luyện đề thi dần.
Tập trung bồi dưỡng, chuẩn bị công tác kỳ thi
Không chỉ phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng cảm thấy bớt lo lắng hơn khi Bộ GD&ĐT chốt thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Cô giáo Nguyễn Lan Thư (Hà Nội) chia sẻ, ngay khi Bộ đưa ra quyết định thời gian kỳ thi, điều đầu tiên giáo viên nghĩ đến là xây dựng hệ thống các bài học, lộ trình ôn tập cho học sinh, vừa không áp lực, vừa đảm bảo kết quả cao cho các em.
Lùi thời gian 1 tháng để bù vào 1 tháng tạm nghỉ vừa qua là hoàn toàn hợp lý, giáo viên và học sinh đủ thời gian để dạy học hết chương trình lớp 12 cũng như ôn tập kỹ lưỡng hơn và không bị áp lực tâm lý.
Thậm chí, quyết định về thời gian trên có lợi cho học sinh thêm thời gian ôn tập, vì trong quá trình tạm nghỉ giáo viên vẫn giao bài tập, củng cố kiến thức đều đặn. Do đó, phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm về tiến trình ôn tập kỳ thi và hy vọng kết quả thi năm nay sẽ cao hơn năm học trước.
Thầy giáo Vương Đình Toản (Tuyên Quang) cho rằng, khi Bộ GD&ĐT chốt thời gian diễn ra kỳ thi cũng chính là xác lập tư tưởng cho học sinh cuối cấp gấp rút, nghiêm túc hơn trong chuẩn bị ôn tập bài.
Nhiều học sinh và phụ huynh bắt đầu lo lắng về tiến trình học tập, mong mỏi được đến trường để học tập, ôn luyện. Động thái xử lý từng bước này của Bộ GD&ĐT được phụ huynh và dư luận đón nhận.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết, kế hoạch ban đầu tỉnh dự kiến cho học sinh quay trở lại trường từ 2/3 tới đây; cụ thể tuần này địa phương sẽ họp bàn và chốt phương án chính thức.
Tuy nhiên, từ trước đó, Sở GD&ĐT cũng quyết liệt chỉ đạo các trường đặc biệt củng cố kiến thức cho học sinh, đặc biệt ưu tiên với việc ôn tập, hệ thống kiến thức và theo sát tình hình của các em lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển cấp.
Bộ GD&ĐT lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia cũng giúp các trường, giáo viên và học sinh sẵn sàng về tâm lý, lên kế hoạch ôn tập tốt hơn. Chắc chắn trong thời gian nghỉ học sinh vẫn tích cực tham gia tự ôn tập theo hướng dẫn của các thầy cô, đảm bảo được tiến độ cho kỳ thi tới đây, Sở GD&ĐT Yên Bái cho hay.
Các địa phương ưu tiên điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn thi cuối cấp.
Trả lời Tienphong, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: "Việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, các trường không bị động".
Theo bà Phụng, sắp tới, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.
Do đó lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển... và các mốc thời gian khác quy định cho trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, tịnh tiến tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia là 1 tháng.
Lịch thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9, các trường đại học sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT Quốc gia.
Bà Phụng cho biết thêm, theo dõi qua các năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 nên năm nay, kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường.
Theo VTC
Bộ GD&ĐT xác định điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia Tối 14/2, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&T) cho biết, trước tình hình học sinh nghỉ học như hiện nay, Bộ sẽ lùi thời gian kết thúc năm học và điều chỉnh thời gian thi THPT Quốc gia 2020 phù hợp. Ông Nguyễn Xuân Thành Thưa ông, Bộ GD&ĐT công bố sẽ lùi thời gian...