Xe ôm ‘giang hồ’ ở Bến xe Miền Đông
Từ đơn phản ánh của bạn đọc, PV Báo Thanh Niên vào cuộc điều tra và phát hiện một băng nhóm hành nghề xe ôm hoạt động kiểu “giang hồ” ở Bến xe Miền Đông.
Nam thanh niên mặc áo Grab (trái) chỉ tay đe dọa một tài xế vì dám “xâm phạm lãnh địa” Ảnh: Trác Rin
Sau gần 1 tháng xâm nhập, chúng tôi ghi nhận băng nhóm này mặc áo Grab có, đồ thường có, chuyên “chặt chém” hành khách. Khu vực ở Bến xe Miền Đông(P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nhóm này coi là lãnh địa “bất khả xâm phạm”, tài xế nào đến đây bắt khách sẽ bị đe dọa, ăn đòn!
“Bến bãi của tụi tao, ai cho mày đậu ?”
Tụi nó là giang hồ chứ “đồng nghiệp” gì. Mình đến gần đón khách qua app thôi là tụi nó nạt nộ đuổi đi, hơn thua với tụi nó là bị đánh liền! Một bác tài xe ôm công nghệ
Dịch vụ xe ôm công nghệ tiện lợi, rẻ nên thu hút người dân sử dụng. Thế nhưng hiện nghề này bị băng nhóm xe ôm “giang hồ” ở Bến xe Miền Đông lợi dụng, biến tướng tinh vi để móc túi hành khách. Nhóm xe ôm này chiếm đóng, đe dọa, đánh đuổi các tài xế khác đến đây chở khách, khiến dư luận bức xúc.
Có nhiều kinh nghiệm trong nghề, một tài xế GrabBike đón khách gần Bến xe Miền Đông cho hay việc lừa khách để “chặt chém” giá hiện nay tại nhiều bến bãi xảy ra như cơm bữa, nhất là cánh giả xe ôm công nghệ. Người này tiết lộ: “Giờ dân tỉnh vào Sài Gòn, nghe đi Grab rẻ lắm, họ chẳng biết ai thật ai giả nên bị lừa là cái chắc, bị chặt chém với giá trên trời!”.
Người đàn ông mặc áo Grab (trái) chặn xe không cho tài xế khác đón khách Ảnh: Trần Tiến
Chiều 2.8, tại khu vực Bến xe Miền Đông, một nhóm tài xế GrabBike đang bàn tán rôm rả về thu nhập trong ngày thì 2 tài xế Grab khác trờ tới, vẻ mặt hậm hực vì bị đuổi đánh không cho đón khách trước cổng bến xe này. “Có ai đón khách của tụi nó đâu, mình đợi khách đặt trong app (ứng dụng) mà cũng hăm he đòi “lụm” (đánh – PV)”, tài xế GrabBike đi xe BS 38K2 – 45xx bức xúc. Một tài xế GrabBike khác (khoảng 25 tuổi) chia sẻ, anh không ít lần bị xe ôm công nghệ giả đuổi, thậm chí tấn công. “Tui đứng đón khách cách xa bến xe mấy trăm mét mà tụi nó còn gí chém, may mà tui chạy kịp. Bọn Grab giả mới dữ vậy chứ xe ôm bình thường đâu có vậy!”, tài xế này kể lại.
Trước đó, chiều 30.7, trong vai tài xế GrabBike, PV Thanh Niên dựng xe máy trước cây xăng gần cổng số 1 Bến xe Miền Đông. Chừng 5 phút sau, một thanh niên mặt mày bặm trợn khoác áo GrabBike đến nạt nộ, đuổi đi. Chúng tôi năn nỉ chỉ đợi khách một chút rồi rời đi ngay nhưng người này lớn tiếng chửi: “Tao nói nhỏ nhẹ thì mày lo mà đi đi. Ở đây là bến bãi của tụi tao, ai cho mày đậu. Còn đi hay không thì mày nói một tiếng để tụi tao tính sổ!”.
Thấy tình hình căng thẳng, PV đành dắt xe ra một góc khác cách đó vài trăm mét để được yên thân. Lúc này, một “đồng nghiệp” chạy đến hỏi han, rồi khuyên: “Tụi nó đuổi thì đi sớm đi chứ nó đập thật chứ không nói miệng đâu. Chỗ ông đứng lúc trước cũng mấy người bị đánh rồi!”.
Đúng như lời cảnh báo của “đồng nghiệp” trên, chiều 3.8, tại cổng 1 Bến xe Miền Đông, chúng tôi tận mắt chứng kiến một tài xế GrabBike vừa trả khách tại đây thì gặp một khách nam khác nói chở đi Q.Gò Vấp và được tài xế này đồng ý. Khách vừa leo lên xe thì 1 người mặc áo GrabBike trong băng nhóm ở bến xe này lao đến rút chìa khóa của tài xế này rồi quát: “Mày chưa biết ở đây là đâu hay sao mà dám bắt khách ngoài. Mày tưởng khu này thích bắt khách là bắt hay sao. Mày không đi là tụi tao đập mày chèm bẹp luôn chứ ở đó mà đón khách”. Hoảng sợ, tài xế GrabBike bỏ khách lại, vội vàng rời đi.
Video đang HOT
Cuốc xe đi Bến xe Miền Tây đặt qua ứng dụng giá 72.000 đồng nhưng bị hét 180.000 đồng Ảnh: Trần Tiến
Chiêu trò nâng giá lên nhiều lần
Tại khu vực cổng số 1, 2 và 3 của Bến xe Miền Đông, đoạn dọc đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), hằng ngày từ sáng sớm đến tận đêm đều có đội ngũ tài xế mặc áo GrabBike túc trực đón khách mà không cần khách đặt qua ứng dụng. Điều đáng nói là các cuốc xe bị đội giá lên gấp nhiều lần. Trong vai tài xế GrabBike sau những ngày xâm nhập, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều chiêu trò “chặt chém” giá cước, việc phân chia địa bàn… tại Bến xe Miền Đông của băng nhóm xe ôm “giang hồ” này.
Chúng tôi chạy xe máy đến trước cây xăng gần cổng số 1 Bến xe Miền Đông, nơi có 2 – 3 tài xế GrabBike đứng chờ khách, nghe PV giới thiệu là tài xế mới, một “đồng nghiệp” nói giọng miền Trung liền nhắc nhở những “quy tắc” cần biết khi dừng, đón trả khách tại bến xe này. “Bến bãi tụi nó thì đừng có dại mà đón khách linh tinh. Tụi nó đập thật đấy, ở đây bị nhiều lắm rồi. Mà không phải mấy ông xe ôm đâu, bọn mặc áo Grab trước cổng bến xe mới đáng sợ!”, người này lưu ý chúng tôi.
Theo tìm hiểu của PV, băng nhóm này móc túi hành khách bằng cách đặt điểm đón xa hơn hoặc đi xe máy nhưng bấm theo giá đặt ô tô. Xe ôm công nghệ giả này không đón khách bằng ứng dụng mà thường sử dụng nhiều chiêu trò để câu khách rồi “chặt chém” với giá gấp 2 – 3 lần bình thường. Một bác tài xe ôm công nghệ bức xúc khi thấy nhiều khách bị cánh GrabBike giả “chặt chém”: “Tụi nó là giang hồ chứ “đồng nghiệp” gì. Mình đến gần đón khách qua app thôi là tụi nó nạt nộ đuổi đi, hơn thua với tụi nó là bị đánh liền!”.
“Có nhiều cách lắm! Trong ứng dụng Book GrabBike có loại xe thường và premium, giá xe thường khoảng 4.000 đồng/km, premium giá 7.000 đồng/km. Chiêu thức này chỉ dành cho các khách khó lừa vì chênh lệch chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng/chuyến”, anh T.V.T (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, hành nghề GrabBike nhiều năm) bật mí. Ngoài ra, băng nhóm này còn dùng nhiều chiêu trò “chặt chém” khác như: lợi dụng khách không chú ý rồi thay đổi điểm đón, khách thường chỉ nhìn giá tiền và điểm đến nên rất dễ bị lừa; hay đặt chuyến khứ hồi, giá cao gấp đôi, nhiều khách ở tỉnh lên không rành.
Cuốc xe 27.000 đồng “chém” 112.000 đồng
Chiều 3.8, một thanh niên mặc áo GrabBike mời chào người phụ nữ dẫn theo con nhỏ vừa bước xuống từ xe khách ở Bến xe Miền Đông. Thanh niên này mất khoảng 15 phút chở hai mẹ con từ Bến xe Miền Đông đến BV Nhi đồng 2 rồi tức tốc chạy về điểm tập kết cũ. PV Thanh Niên bám theo và biết người khách bị lừa tên Thu Trang (27 tuổi, quê Bình Phước). Tiếp xúc với chúng tôi, chị Trang bức xúc vì bị tài xế này lấy giá “cắt cổ”. Chị Trang cho biết vẫn thường xuyên lên TP.HCM chữa bệnh cho con gái nhỏ, chị thường đặt xe ôm công nghệ qua ứng dụng, nhưng hôm đó chị bị “dính bẫy”.
Chị Trang kể: “Tôi bảo đi BV Nhi đồng 2 thì tài xế này bảo lên xe ngồi trước, rồi báo giá 112.000 đồng làm tôi điếng hồn. Tôi bảo bình thường chỉ có hai mấy ngàn thôi. Anh này mới than đường xa này nọ rồi bấm điện thoại cuốc xe cho tôi xem đúng giá 112.000 đồng. Nhưng tôi bấm trên điện thoại mình chỉ có 27.000 đồng. Tôi đòi xuống xe thì tài xế bảo “đưa tạm” 50.000 đồng. Tôi không hiểu sao họ bấm giá hơn cả trăm ngàn như vậy!”.
Trước đó, chiều 30.7, PV Thanh Niên trực tiếp vào vai hành khách để đón xe ôm “giang hồ” trước cổng số 2 Bến xe Miền Đông. Vừa thấy chúng tôi mang ba lô từ BXMĐ đi ra, một thành viên trong băng nhóm lao đến chèo kéo. “Về Bến xe Miền Tây giá nhiêu vậy anh?”, PV hỏi. Người này liền thuyết phục: “Về đó xa đấy. Đi theo giá Grab từ đây qua đó anh lấy “rẻ” 180.000 đồng thôi!”. Trong khi chúng tôi bấm ứng dụng đặt xe trên điện thoại lúc đó báo giá cuốc xe chỉ 72.000 đồng.
Băng nhóm xe ôm “giang hồ” này dựa vào thế lực nào mà “tác oai tác quái” như vậy?
Theo thanhnien
Tài xế mang áo Grab 'chặt chém' khách hàng Sài Gòn sau Tết
Grab giả chỉ cần một chiếc áo đồng phục, Grab thật chỉ cần tắt ứng dụng... rồi mặc sức làm giá với người lao động, sinh viên trở lại TP.HCM sau Tết.
Không ứng dụng, không nhận khách theo đúng quy trình bắt đầu và kết thúc mỗi chuyến đi, tự ý nâng giá lên gấp 3-4 lần... là chiêu mà nhiều tài xế mang danh Grab lộng hành tại khu vực bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sau Tết.
Tự tiếp thị, hét giá gấp 3 lần
Ghi nhận của Zing.vn một tuần trở lại đây, khi người lao động và sinh viên bắt đầu trở lại làm việc, học tập tại TP.HCM sau Tết cũng là lúc hàng loạt tài xế trong bộ đồng phục màu áo xanh lá của Grab xuất hiện dày đặc xung quanh khu vực bến xe miền Đông.
Một hành khách nhưng có đến 3 tài xế Grab cùng "tiếp thị" đi ngay, không cần đặt qua ứng dụng tại bến xe miền Đông. Ảnh: P.M.
Đây là điều lạ bởi theo tiết lộ trước đó của các tài xế Grab, khu vực bến xe, nhà ga, bệnh viện là nơi đối tác của các hãng xe ôm công nghệ... ngại lui tới. Nguyên nhân bởi các địa điểm này là nơi hoạt động từ trước đến nay của xe ôm truyền thống, chỉ khi có khách đặt xe thì tài xế mới nhận cuốc hoặc trả khách.
9h sáng 14/2, sau khi hai xe khách từ Phú Yên, Bình Định lần lượt vào bến xe miền Đông, có khoảng 30-40 hành khách có nhu cầu đặt xe công nghệ nhưng chỉ vài người đặt thành công, số đông còn lại đều thất bại khi ứng dụng thông báo không tìm thấy tài xế.
Chị Nguyễn Thùy Hương (ngụ quận Thủ Đức) cho biết chờ khoảng 15 phút nhưng vẫn chưa đặt được xe. Không đủ kiên nhẫn, chị đã ra cổng số 2 để tự tìm phương tiện về nhà thì thấy bên ngoài có hơn chục tài xế mặc đồng phục GrabBike, đứng rải rác và cụm thành từng nhóm hai bên đường Đinh Bộ Lĩnh.
Ngay sau đó, một người đàn ông khoảng 40 tuổi mặc áo Grab đã tiếp cận chị. Sau khi kiểm tra ứng dụng trên điện thoại, đối tượng này báo giá đoạn đường về khu vực ngã tư Thủ Đức là 210.000 đồng.
"Mức giá này cao gấp 2 lần ứng dụng của tôi báo, khi yêu cầu đặt xe qua ứng dụng rồi mới đi, gã này bỏ đi và còn dọa không đi thì chỉ có nước đi bộ về nhà", chị Hương nói.
Ngay sau đó, chị Hương tìm được một xe ôm truyền thống ngay tại bến xe miền Đông với số tiền 100.000 đồng cùng cự ly mà đối tượng mang danh Grab hét hơn gấp 2 lần.
Mặc áo Grab nhưng không biết dùng ứng dụng
Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Linh (ngụ quận 2) vừa vác túi xách ra khỏi cổng số 1 của bến xe miền Đông thì được một tài xế Grab chủ động tiếp thị giá đoạn đường về nhà là 120.000 đồng. Bình thường, chị đi quãng đường này là 40.000 đồng.
"Thấy tình hình không thể đặt xe được bằng ứng dụng, tôi phải đi ra bên ngoài xem thế nào. Khu vực cây xăng có đến 5-6 tài xế ngồi thành nhóm chờ khách, nhưng ai cũng đưa ra giá hơn 100.000 đồng", chị Linh nói.
Dù thắc mắc về việc rước khách không thông qua ứng dụng, khách hàng này vẫn chấp nhận đi, sau gần 15 phút không đặt được xe. Ảnh: P.M.
Ghi nhận của Zing.vn tại đây, thậm chí một số tài xế trong đồng phục Grab còn không thành thạo sử dụng ứng dụng của hãng. Khi được yêu cầu chở về chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một đối tượng mất gần 10 phút để nhập điểm đến, thậm chí, có người phải để tài xế khác đến hướng dẫn.
Chia sẻ với phóng viên, một tài xế xe ôm truyền thống có kinh nghiệm hoạt động tại bến xe miền Đông hơn chục năm cho biết sau Tết, hầu hết tài xế mặc áo Grab bao vây khu vực này đều là Grab giả nhằm "chặt chém" người dân.
"Một số người thấy dễ ăn khi tiền khách trả gấp 2-3 lần nên mới mạo danh nhảy vào chạy xe ôm. Ngoài ra, nhiều xe ôm truyền thống cũng lợi dụng việc này, họ chỉ cần khoác chiếc áo màu xanh vào là bắt khách. Nhiều người lao động không thường đi xe công nghệ, nghe quảng cáo Grab tưởng giá rẻ đồng ý đi là vào bẫy", ông nói.
Tài xế Grab thật cũng lách luật, tránh chiết khấu
Thực tế, không chỉ có đối tượng giả tài xế xe ôm công nghệ mà các đối tác của Grab cũng lợi dụng tình trạng lượng người vào TP.HCM sau Tết tăng cao tại các bến xe, nhà ga để chơi "chiêu".
Anh Hoàng Nhân - một tài xế GrabBike, cho biết những ngày gần đây, một số đồng nghiệp của anh bày cách tăng thu nhập bằng việc không nên rước khách qua ứng dụng tại bến xe miền Đông, miền Tây, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất.
"Nếu rước khách không thông qua ứng dụng, tài xế sẽ không phải trả chiết khấu cho hãng. Trong một số trường hợp, nếu rước khách vào giờ cao điểm, hành lý nhiều, tài xế có thể yêu cầu nhiều tiền hơn. Thậm chí, có người còn nâng giá để thu nhập cao hơn sau khi hãng ngừng các chương trình hỗ trợ sau Tết", anh Nhân nói.
Tuy nhiên, anh nói bản thân không áp dụng những chiêu này để kiếm tiền bởi nhiều người từ quê vào thành phố sau Tết vốn cũng khó khăn. Tết này, anh Nhân quyết định không về Quảng Ngãi mà ở lại thành phố kiếm thêm nên hiểu được nỗi khổ của người lao động.
Theo tìm hiểu, ban đêm mới là thời gian làm ăn của các nhóm đối tượng giả danh Grab và tài xế Grab bắt khách ngoài ứng dụng.
Càng khuya, mật độ tài xế xe công nghệ mỏng hơn trong khi số chuyến xe từ các tỉnh miền Trung đổ về là lúc các tay Grab này "chặt chém" khách. Do không còn sự lựa chọn, nhiều người phải bấm bụng chấp nhận đi.
Trong khi tuần trước, "con mồi" của các nhóm này là người lao động trở lại thành phố làm việc sau Tết thì 1-2 ngày trở lại đây, sinh viên các trường đại học là đối tượng mới của các nhóm này. Nguyên nhân là kỳ nghỉ Tết của sinh viên dài hơn người lao động khoảng một tuần sau Tết.
Zing.vn đã đặt vấn đề trên với Grab, đại diện ứng dụng gọi xe công nghệ này cho biết thời gian qua đã nắm được tình hình và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike đến Phòng an ninh kinh tế (Công an TP.HCM).
Riêng trường hợp đối tác của hãng vi phạm quy tắc ứng xử đã cam kết, tức cố tình bắt khách ngoài ứng dụng, phía Grab cho biết hãng có đội ngũ nhân viên thường xuyên theo dõi, ghi nhận và xử lý các trường hợp này.
Đồng thời, Grab cũng khuyến cáo khách nên đặt xe thông qua ứng dụng. Những chuyến đi không thông qua ứng dụng nếu có sự cố, hãng sẽ không xử lý bởi những cuốc xe này không được xem là đang sử dụng dịch vụ của hãng.
Theo Zing
Tài xế GrabBike giằng co, quật ngã tên cướp có dao ở Sài Gòn Bị kẻ cướp kề dao vào cổ nhưng tài xế GrabBike chống trả, quật ngã rồi truy hô, cùng người dân bắt giữ đối tượng này. Công an Q.Thủ Đức, TP.HCM hiện đang tạm giữ hình sự nghi can Trần Anh Hoàng (23 tuổi, quê Hà Nội, hiện sống lang thang) để xử lý về hành vi "cướp tài sản". Nghi can Trần...