Xây nhiều trường mới nhưng học sinh được học bán trú vẫn giảm
Dù mỗi năm đều đưa vào sử dụng thêm trường học, phòng học mới nhưng số lượng học sinh được học bán trú tại TP Hồ Chí Minh vẫn giảm.
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết để chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (triển khai từ năm học 2020 – 2021), Sở đã có một số dự thảo, trong đó có việc ưu tiên sắp xếp phòng học cho học sinh lớp 1, đồng thời khuyến khích các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND quận, huyện và UBND Thành phố tìm cách xây dựng thêm nhiều trường mới để đáp ứng lượng học sinh tăng cơ học mỗi năm.
Trong năm học 2019 -2020, TP Hồ Chí Minh đã khánh thành 12 trường tiểu học mới nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu do số học sinh cơ học tăng.
Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, vấn đề khó khăn nhất mà ngành giáo dục thành phố đang gặp phải đó là số lượng phòng học dành cho học sinh còn khá thấp nên bắt buộc phải tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, đặc biệt là ở những quận vùng ven có số dân nhập cư đông. Áp lực sĩ số học sinh quá đông đã ảnh hưởng đến những nội dung khác, chẳng hạn một số trường phải cải tạo phòng nghệ thuật, âm nhạc, thậm chí cả hội trường giáo viên… thành phòng học.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn nhìn nhận, mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày nhằm chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, nhiều nơi phải duy trì sĩ số trên 50 học sinh/lớp gây ảnh hưởng công tác quản lý và đảm bảo chất lượng dạy học.
“Ngay từ đầu năm học 2019 – 2020, thành phố khánh thành đưa vào sử dụng 12 trường tiểu học mới nhưng chỉ có thể giải quyết được nhu cầu số học sinh tiểu học tăng trung bình 5.000 em. Nếu tính theo điều lệ trường tiểu học chuẩn quốc gia, cho phép mỗi trường tiếp nhận 900 đến 1.000 học sinh thì hàng năm thành phố phải xây dựng thêm rất nhiều trường mới đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho biết.
Để xây dựng trường học mới thì phải có nhiều quỹ đất nhưng hiện nay quỹ đất của thành phố rất hạn hẹp. Theo đó, để giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, thành phố đã kiến nghị nâng tầng trường học nhưng kiến nghị này cũng gặp phải khó khăn vì liên quan đến quy định quản lý đô thị. Bên cạnh đó, nhiều trường học được xây dựng trước đây theo tiêu chuẩn, thiết kế cũ thì đến nay không còn phù hợp và những quy định chung của quản lý đô thị, xây dựng cũng ảnh hưởng đến việc xây trường học mới tại các quận nội thành.
Video đang HOT
Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã biểu dương, đánh giá cao TP Hồ Chí Minh trong việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và cả chuyên môn, đáp ứng yêu cầu dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi). Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng văn hóa đọc, công tác đảm bảo vệ sinh trường học… cũng thực hiện rất tốt, là điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả.
Tin, ảnh: Đan Phương
Theo Báo Tin tức
Chương trình giáo dục mới: Học sinh lớp 1 sẽ làm gì cả ngày ở trường?
Nhiều nội dung tự chọn của lớp 1 năm học này sẽ trở thành bắt buộc của năm học tới, trong đó có việc dạy học 2 buổi/ngày. Học sinh sẽ có trọn vẹn cả ngày ở trường nên Bộ GD-ĐT cũng buộc phải có những hướng dẫn phù hợp với yêu cầu mới này.
Học sinh lớp 1 tại TP.HCM bước vào năm học mới 2019 - 2020 - ĐÀO NGỌC THẠCH
Học các môn tự chọn và tham gia hoạt động giáo dục
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đối với lớp 1 quy định tại chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gồm: tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm. Các môn học tự chọn bao gồm tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1.
Ngoài ra, còn có các hoạt động giáo dục khác nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh (HS); các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương...
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: "Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động cho các nhà trường, kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt. Nhà trường chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các nội dung dạy học trên cơ sở thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, phù hợp đặc điểm, đối tượng HS, điều kiện nhà trường và địa phương".
Ông Tài cũng nhấn mạnh: "Hiệu trưởng cơ sở giáo dục tiểu học chịu trách nhiệm về việc xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, quản lý nội dung chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục".
Kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho HS được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.
Tổ chức bán trú chuyên nghiệp hơn
Việc bắt buộc học 2 buổi/ngày còn kèm theo việc các trường sẽ phải tổ chức bán trú cho HS theo hướng chuyên nghiệp hơn, ông Tài cho hay dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đề cập đến việc tổ chức bán trú trong trường tiểu học.
Nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của HS, cha mẹ HS và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên. Việc tổ chức hoạt động bán trú cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động: tổ chức ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí... cho HS. Tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho HS.
Cho phép "câu lạc bộ" sau giờ học ?
Ông Tài cũng nêu thông tin đáng chú ý về việc Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ cho phép tổ chức các hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày đối với các trường tiểu học (đây vốn là hoạt động chưa được thừa nhận ở bất cứ văn bản chỉ đạo nào của ngành - PV).
Ông Tài cho rằng hoạt động sau giờ học sở dĩ được Bộ đặt ra vì thực tế cho thấy đây là nhu cầu, sở thích của HS trong khoảng thời gian từ sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ đón về nhà. Căn cứ vào tình hình thực tế, các trường tiểu học có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng...) tạo điều kiện để HS vui chơi, giải trí sau giờ học chính thức trong ngày.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ hướng dẫn việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của HS, cha mẹ HS và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tổ chức các hoạt động này phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, theo đúng mục tiêu đã đề ra. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt, thực hiện theo quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Gần 14.000 trường tiểu học trên toàn quốc
Toàn quốc hiện có 13.995 trường tiểu học (với 17.609 điểm trường), trong đó số trường tiểu học công lập là 13.735 (giảm 1.052 trường so với năm học trước) và 260 trường ngoài công lập; tỷ lệ trung bình trường tiểu học/xã là 1,25; tỷ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26; nhiều trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng miền núi).
Số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc đạt 66%, trong đó có 1.946 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 13,9%. Toàn quốc có 247.976 phòng học kiên cố, đạt 71,1%; vẫn còn trên 5% phòng học tạm và mượn.
Về đội ngũ giáo viên: cả nước có gần 400.000 giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên biên chế gần 85% nên rất yên tâm công tác và tâm huyết với nghề. Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 99,9% (ĐH và trên ĐH đạt 60%). Tỷ lệ giáo viên/lớp, bình quân cả nước đạt 1,38 giáo viên/lớp nên đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày.
Theo Thanh niên
DELTA Group bàn giao phòng học mới tặng điểm trường tiểu và trung học ở tỉnh Hòa Bình Sáng ngày 20/8, đại diện Tập đoàn DELTA, phòng Giáo dục - Đào tạo cùng các cấp chính quyền địa phương đã đi kiểm tra, bàn giao phòng học và các hạng mục công trình cho ban giám hiệu nhà trường chuẩn bị đón năm học mới 2019-2020 Được biết, trường tiểu học và trung học cơ sở xã Hợp Thành, huyện Kỳ...