Xây ngôi nhà thứ hai
Năm học 2019 – 2020, với chủ đề “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện – Học sinh thi đua rèn đức, luyện tài”, ngành GD-ĐT Thanh Xuân (Hà Nội) chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Ngày khai giảng tại Trường THCS Việt Nam – Algeria
Biến lớp học thành ngôi nhà thứ hai
Nhận định trường học hạnh phúc đơn giản chỉ là nơi “có cô giáo hiền như mẹ, có nhiều bạn bè thân thiết như anh em”, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Giót chia sẻ: Môi trường giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Môi trường giáo dục tốt sẽ là nơi ươm mầm cho sự phát triển nhân cách tốt.
Không gian lớp học là ngôi nhà chung, ở đó, học sinh không chỉ được tiếp thu những tri thức bổ ích, mà còn được giáo dục, rèn luyện để trưởng thành. Môi trường học tập càng thân thiện, gần gũi, hấp dẫn, sự hứng thú, say mê học tập càng tăng và hiệu quả giờ học sẽ càng cao.
Vì vậy, việc trang trí không gian lớp học cũng là một sự sáng tạo của mỗi cô giáo và học sinh. Điều đó góp phần tạo cho HS nhận thức về cái đẹp và có ý thức giữ gìn trường lớp của mình xanh – sạch – đẹp, giúp các con học tốt và thêm yêu trường – yêu lớp của mình hơn, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bằng hoạt động trang trí lớp học, mỗi lớp học đều có một cách làm riêng, tạo không gian trường thêm đẹp. Thú vị nhất là HS cảm thấy không gian lớp học trở nên sinh động, hấp dẫn, đáng yêu và vui vẻ… làm cho các con gắn bó hơn với trường lớp và có ý thức giữ gìn ngôi nhà thứ hai của mình.
Dưới góc độ của một nhà quản lý, cô Trần Minh Thủy – Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam – Algeria cho biết: Xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn bắt nguồn từ sự quan tâm, tin tưởng, hỗ trợ, chia sẻ giữa các mối quan hệ trong nhà trường. Các học sinh cảm thấy vui, muốn đến trường, và ở đó các con được thể hiện những điều mình mong muốn, như tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao, nghệ thuật.
Video đang HOT
Trong giờ học, thầy cô gây hứng thú để các học sinh yêu môn học, yêu tiết học đó – một tiết học hạnh phúc. Nhà trường dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh, học sinh cùng thầy cô tương tác để xây dựng kiến thức. Các học sinh đến trường cảm thấy như ở nhà, có thể chia sẻ, tâm sự với thầy cô.
“Tại Trường THCS Việt Nam – Algeria, ngoài các môn học chính khóa, học sinh được học võ cổ truyền, tham gia các câu lạc bộ yêu thích. Các con đến trường được vui chơi, không bị gò bó, áp lực” – cô Trần Minh Thủy chia sẻ.
Học sinh Trường THCS Việt Nam – Algeria
Nhiều mô hình mới hiệu quả, chất lượng
Ông Phạm Gia Hữu – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân nhấn mạnh: Bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, với mục tiêu hướng đến chất lượng giáo dục thực chất, xây dựng trường học hạnh phúc, an toàn, thân thiện, quận Thanh Xuân đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình mới hiệu quả, chất lượng.
Cụ thể, ngành GD-ĐT quận Thanh Xuân đã triển khai mô hình quản trị trường học chuyên nghiệp, gồm: Bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sinh công nghiệp. Cùng đó, với mục tiêu xây dựng mô hình trường học hấp dẫn, các trường tiểu học, THCS đã lắp đặt hệ thống giàn hoa, cây cảnh, triển khai thành công phong trào “Một vạn giỏ hoa, nhiều vạn niềm tin” – góp phần thay đổi cảnh quan sư phạm các trường học đẹp hơn, hấp dẫn, thân thiện hơn, giúp học sinh thêm yêu trường, yêu lớp.
Trong những năm qua, các trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân đã tổ chức dạy bơi cho học sinh bằng bể bơi thông minh, hỗ trợ 30% kinh phí học bơi cho mỗi học sinh, miễn 100% học phí cho học sinh thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn.
Trong năm học 2018 – 2019, các trường đã dạy bơi cho gần 3.000 học sinh, trên 90% học sinh lớp 3, 4, 5 đủ sức khỏe biết bơi. Thành công của 4 năm thực hiện đề án dạy bơi cho học sinh các trường tiểu học đã khẳng định, phổ cập bơi cho học sinh là chủ trương đúng đắn, phụ huynh học sinh đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh đó, 100% các trường tiểu học, THCS tiếp tục triển khai mô hình nữ giáo viên mặc áo dài lên lớp, nữ sinh lớp 9 ở các trường THCS mặc áo dài đến trường tạo được nét đẹp thanh lịch, văn minh của cô và trò.
Lan Anh
Theo giaoducthoidai
Xây dựng trường học hạnh phúc: Hiệu trưởng phải là người đi đầu
"Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội"
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với hơn 400 hiệu trưởng đến từ các trường học trong cả nước trong chương trình tọa đàm "Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, giáo viên có những cảm xúc tích cực, ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau. Với mỗi cá nhân, hạnh phúc là làm việc mình thích và thích việc mình đang làm, từ đó mới có nhiệt huyết để giảm áp lực. Tuy nhiên, hạnh phúc là khái niệm rộng lớn, khó hình dung, vì vậy, để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Bộ trưởng đề cập tới 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.
Tiêu chí thứ nhất là xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Ở đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi. Trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp. Ở những vùng khó khăn, nếu hiệu trưởng biết sắp xếp thì vẫn có thể xây dựng được một ngôi trường tuy không khang trang, hiện đại nhưng sạch đẹp. Trường học còn phải là môi trường dân chủ, ở đó mọi người được thể hiện ý kiến của mình.
Xây dựng một trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ sự thay đổi của Hiệu trưởng. Ảnh: T.F
Nhóm tiêu chí thứ hai là trong nhà trường, giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Phải khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo. "Hiện nay có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích" - Bộ trưởng nói.
Học sinh đến trường bên cạnh việc học tập phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo. Khi không phải chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử các em sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời giáo viên sẽ phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời học sinh. Cần khen chê đúng và loại bỏ những hình phạt, thay vào đó là kỉ luật tích cực.
Nhóm tiêu chí thứ ba là quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường. Hiệu trưởng trên cương vị của mình cần tạo dựng được mối quan hệ này để làm cho giáo viên, học sinh tự hào về môi trường đã ươm tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng, là ngôi trường được cộng đồng xã hội tôn trọng.
Khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường, sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc chứ không phải chạy theo trí tuệ nhân tạo, chạy theo công nghệ. Công nghệ là rất cần trong thời đại hiện nay, nhưng nếu chúng ta quá coi trọng sẽ không đảm bảo mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tọa đàm "Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc" là nơi gặp gỡ của các hiệu trưởng, những người làm trong ngành giáo dục để cùng tìm kiếm những phương pháp để tạo dựng trường học hạnh phúc. Đồng thời, truyền cảm hứng cho các hiệu trưởng về mục tiêu trong giáo dục là tạo dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cho chính mình, cho giáo viên và học sinh.
Cũng tại tọa đoàm, GS Peck Cho, đến từ trường ĐH Hàn Quốc, ông là chuyên gia đào tạo hơn 11.000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc đã trình bày tại tọa đàm về vai trò của người hiệu trưởng trong nền giáo dục của tương lai, những đổi mới trong quản trị trường học dành cho hiệu trưởng và kinh nghiệm thay đổi hiệu trưởng tại Hàn Quốc - những gì có thể áp dụng tại Việt Nam.
"Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc" là dự án tiếp nối dự án "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" nhằm đào tạo, huấn luyện dành cho hiệu trưởng các trường với mục đích giúp các hiệu trưởng trên toàn quốc vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong hệ thống giáo dục. Từ đó trở thành những nhà giáo dục tài năng, những người có tầm ảnh hưởng tích cực tới các giáo viên, các học sinh, cán bộ nhân viên trong trường.
Phan Thủy
Theo PLXH
Thừa Thiên - Huế: Xây dựng trường học hạnh phúc Trong dịp kỷ niệm 37 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, trao đổi với PV Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế thể hiện sự quyết tâm trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng ông...