Xây dựng và phát triển khu dân cư khuyến học
Nhận thức sâu sắc giá trị tư tưởng, lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) ở TP. Châu Đốc phát triển mạnh mẽ.
Các cấp, ngành cùng nhân dân hưởng ứng tích cực, đóng góp nhiều của cải vật chất, tinh thần phục vụ cho sự nghiệp KHKT. Qua đó còn thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái tốt đẹp trong nhân dân, góp phần thúc đẩy, phát triển sự nghiệp giáo dục tại địa phương.
Phong trào khuyến học, khuyến tài ở TP. Châu Đốc ngày càng phát triển rộng khắp
TP. Châu Đốc có 7/7 Hội KH phường, xã đi vào hoạt động khá tốt, phát triển 52/52 chi hội khóm, ấp, 36 chi hội trường học, đạt 100%; 9 Chi hội KH tôn giáo, 9 Ban KH cơ quan, doanh nghiệp. Để nắm thực trạng tình hình tổ chức hoạt động KH cấp cơ sở (phường, xã, khóm, ấp) và đánh giá nghiêm túc phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập ở địa bàn dân cư, thường trực Hội KH thành phố đã khảo sát tại 52 chi hội KH cấp cơ sở. Qua khảo sát và đánh giá, nhận thấy Chi hội KH khóm 3 (phường Châu Phú A) đạt các tiêu chí khu dân cư KH nên Hội KH TP. Châu Đốc tiến hành kiểm tra, đánh giá xét công nhận “Khu dân cư KH”.
Video đang HOT
Trước đây, trên địa bàn khóm 3, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng xảy ra khá nhiều, việc huy động học sinh đến trường gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động của chi hội KH chưa được quan tâm, công tác phát triển hội viên, xây dựng gia đình hiếu học, vận động quỹ KH còn nhiều hạn chế… Trước tình hình đó, Ban Nhân dân khóm cùng các đoàn thể, lực lượng trên địa bàn phối hợp nhà trường làm tốt công tác vận động những học sinh trong độ tuổi đi học phải đến trường, gia đình tạo điều kiện tốt nhất cho con em được đi học. Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quỹ KH tiếp bước đến trường cho các em có hoàn cảnh nghèo, cận nghèo, khó khăn được tiếp tục đi học, ngăn dòng bỏ học.
Chi hội KH khóm còn tổ chức, triển khai, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập trong các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân, đặc biệt gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” trong việc bình xét “Gia đình văn hóa”, phát triển hội viên… Dần dần, khóm đã khắc phục cơ bản tình trạng học sinh bỏ học, chi hội KH khóm kết hợp nhà trường trong công tác huy động học sinh đến trường đạt chỉ tiêu kế hoạch. Vận động quỹ KH ngày một lớn, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, vươn lên thành đạt.
Cùng với đó, Chi hội KH đã có biện pháp quản lý học sinh ngoài giờ học ở trường, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục- thể thao cho học sinh trong dịp hè tham gia vui chơi. Liên kết hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên có nhiều hình thức giáo dục cho trẻ em về đạo đức lối sống, tránh xa tệ nạn xã hội. Nhiều hộ gia đình trong khóm được bình chọn gia đình hiếu học, nhiều gương vượt khó nuôi con ăn học thành đạt, mỗi “Gia đình văn hóa” đều có hội viên hội KH. Hiện nay, khóm 3 có 385 hội viên/3.025 nhâu khẩu (đạt tỷ lệ 12,72% dân số), 385 gia đình hiếu học/808 hộ (tỷ lệ 47,65%), tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 1%; mỗi năm vận động quỹ KH trên 10 triệu để giúp cho học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn, tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh vui chơi… Khóm 3 (phường Châu Phú A) đã được công nhận “Khu dân cư KH” năm 2013.
Các khóm còn lại trên địa bàn TP. Châu Đốc cũng đã tổ chức thực hiện, tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng, đề xuất công nhận. Năm 2014, khóm Châu Long 7 (phường Châu Phú B) có 269 hội viên/2.232 nhân khẩu, đạt tỷ lệ 12,05% dân số, 262 gia đình hiếu học/ 499 hộ (tỷ lệ 52,50%). Khóm Vĩnh Đông (phường Núi Sam) có 177 hội viên/480 nhân khẩu (tỷ lệ 36,87% dân số), 120 gia đình hiếu học/205 hộ (tỷ lệ 58,53%). Khóm Vĩnh Tân (phường Vĩnh Nguơn) có 185 hội viên/1.543 nhân khẩu (tỷ lệ 11,98% dân số), 153 GĐHH/ 375 hộ (tỷ lệ 40,80%)… lần lượt được công nhận “Khu dân cư KH” và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Hoạt động KHKT trên địa bàn dân cư mang lại kết quả thiết thực, đã thu hút đông đảo người dân trong khóm, ấp tích cực tham gia. Nhiều mô hình hoạt động sáng tạo đem lại kết quả thiết thực, cán bộ hội tâm huyết, gắn bó với hoạt động ở khóm, ấp, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo. Đồng thời, phối hợp các lực lượng xã hội để triển khai, thực hiện phong trào KHKT như: phát triển hội viên, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, quỹ học bổng KH, chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất KH”… mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều học sinh đến trường và ngăn dòng bỏ học.
HỮU HUYNH
Theo baoangiang
Gương sáng của một dòng họ học tập
Là 1 trong 2 dòng họ học tập vừa được công nhận vào năm 2019 của xã Định Mỹ (Thoại Sơn), dòng họ Võ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào khuyến học, góp phần vào sự nghiệp "trồng người" nhằm hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ.
Khen thưởng con cháu có thành tích học tập giỏi trong dòng họ Võ
Dòng họ học tập của thầy Võ Ngọc Vệ (ngụ ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ) có 15 gia đình. Vai trò của dòng họ học tập là vận động các gia đình, thân nhân con cháu trong dòng họ có tinh thần hiếu học, khuyến khích, hỗ trợ con em trong họ tộc nỗ lực vượt khó học tốt, rèn luyện giữ gìn nhân cách để thành người hữu ích cho đất nước mai sau. Từng công tác trong ngành giáo dục 36 năm, đến khi về hưu, thầy Võ Ngọc Vệ còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Định Mỹ nên thầy hiểu rất rõ vai trò, ý nghĩa của dòng học học tập.
"Trước khi có quyết định công nhận dòng họ học tập, tôi đã trao đổi với an em trong dòng họ và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của mọi người. Các gia đình trong dòng họ học tập của chúng tôi có mặt ở các tỉnh Bình Dương, Cà Mau, TP. Long Xuyên và các xã lân cận trên địa bàn huyện Thoại Sơn, với khoảng 40 con em trong độ tuổi đến trường. Ngay trong ngày nhận quyết định, dòng họ đã tiến hành gây quỹ và trao thưởng cho 21 cháu có thành tích học tập tốt (theo từng cấp học) trong năm học 2018-2019 với số tiền hơn 5 triệu đồng. Dòng họ đã thống nhất, các năm học sau sẽ tiếp tục duy trì việc khen thưởng này, đồng thời cấp phát học bổng cho các cháu vượt khó học giỏi. Nếu gia đình trong dòng họ có con học đến đại học mà gia cảnh nghèo khó, chúng tôi cũng sẽ trợ cấp để không ảnh hưởng đến việc học của cháu. Ngoài ra, chúng tôi còn thống nhất sẽ hỗ trợ vốn cho gia đình nào nghèo trong dòng họ để vươn lên thoát nghèo" - thầy Vệ cho hay.
Dòng họ học tập của thầy Võ Ngọc Vệ có số lượng con cháu tốt nghiệp đại học khá đông, hiện 2 người là thạc sĩ. Họ đều đang giữ vai trò quan trọng và có địa vị trong xã hội. Trong đó có con trai thầy, đang là Giám đốc, Hiệu trưởng Trung tâm Anh ngữ quốc tế Tây Anh Mỹ (TP. Hồ Chí Minh). 7 năm qua, mỗi dịp hè con trai thầy Vệ lại về quê hương, hỗ trợ khoảng 200 phần quà cho học sinh nghèo, cựu giáo chức và một số hộ gia đình khó khăn với số tiền 40 triệu đồng. "Đó là số tiền con tôi đứng ra vận động bạn bè, nhà hảo tâm ở TP. Hồ Chí Minh nhằm "tiếp sức" học sinh đến trường. Tôi rất vui vì con mình biết nghĩ đến quê hương sau bao năm sinh sống và làm việc ở xứ người. Dù phần quà chẳng là bao nhưng cũng hỗ trợ phần nào khó khăn cho học sinh nghèo khó có thêm động lực vui học" - thầy Vệ chia sẻ.
Trong không khí ấm áp khi niềm vui khi được công nhận là dòng họ học tập của xã, gia đình thầy Võ Ngọc Vệ không giấu được niềm vui và sự hãnh diện. Vừa nói đến thành tích học tập từng con cháu trong dòng họ, thầy vệ nói rằng bản thân mình và dòng họ luôn quan tâm và nắm bắt kịp thời những thông tin trên báo, đài về mục đích, ý nghĩa của gia đình học tập, dòng họ học tập. Theo đó, quỹ Khuyến học của dòng họ hình thành chính là điểm tựa cho con, cháu vượt khó, cố gắng chăm ngoan học giỏi. Đáng mừng là cho đến thời điểm này, con cháu trong dòng họ chưa có trường hợp bỏ học giữa chừng. Đó là nhờ truyền thống hiếu học của gia đình và sự mẫu mực, noi gương của ông bà, cha mẹ. "Tôi dự định sẽ bàn với các gia đình trong dòng họ về việc "nuôi heo đất" khuyến học. Tùy vào khả năng của từng gia đình có thể tiết kiệm heo đất phù hợp nhất. Đến cuối năm học, dòng họ sẽ tổ chức họp mặt, đồng thời "đập heo" tổng kết số tiền trong 1 năm dành dụm để trao thưởng và cấp phát học bổng cho con cháu" - Chi hội trưởng Dòng họ học tập Võ Ngọc Vệ bộc bạch.
"Em rất vui khi nhận được khen thưởng của dòng họ vì có thành tích học tập tốt cuối năm học. Đây là động lực để em ra sức học tập nhiều hơn nữa, không phụ lòng gia đình, dòng họ. Dịp này, em cũng được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm học tập của các anh, chị trong dòng họ để bản thân ngày càng tiến bộ hơn" - Nguyễn Thanh Ngọc (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Cà Mau) cho biết. Để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm cũng như tình hình học tập của con cháu trong dòng họ, thầy Vệ bày tỏ cha mẹ cần chủ động phối hợp nhà trường, thầy cô, trao đổi thông tin về con em mình, không nên phó mặc chuyện học của con cái hết cho nhà trường.
PHƯƠNG LAN
Theo baoangiang
Trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho 67 cá nhân, tập thể xuất sắc Sáng 31/8, tại khu Di tích Văn thánh Khổng Miếu, Hội khuyến học và UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ XVIII năm 2019 cho 67 cá nhân và tập thể xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học. Cá nhân, tập thể nhận giải Phan Châu Trinh 2019....