Xây dựng thương hiệu đại học: Chất lượng dịch vụ giáo dục là yếu tố cốt lõi
Muốn nâng cao vị thế, nâng tầm hệ thống GDĐH hướng đến hội nhập, ngoài việc khẳng định hướng đi, các trường buộc phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. Chỉ khi có thương hiệu, định hình được thương hiệu nhà trường thì mong mỏi hội nhập quốc tế, vươn tầm của một trường đại học mới có tính thực tế.
Thư viện hiện đại của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Xây dựng thương hiệu nhà trường – điều tất yếu
Theo TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, một trong những thiệt thòi của các trường ĐH Việt Nam trong quá trình hội nhập là vấn đề thương hiệu. Mặc dù, thương hiệu trường học là khái niệm không xa lạ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, vấn đề xây dựng thương hiệu trường học vẫn còn trong giai đoạn phát triển sơ khai.
Nhìn ra thế giới, các trường ĐH lớn và đa ngành hiện nay như Havard (Mỹ), Tokyo (Nhật), Cambridge (Anh), Leiden (Hà Lan)…, tên tuổi và uy tín của họ là niềm tự hào của sinh viên và các bậc phụ huynh có con em được theo học. Các trường này có thương hiệu vì họ biết cách xây dựng và giữ gìn thương hiệu. Do đó, việc xây dựng thương hiệu để thu hút người học theo TS Trần Đình Lý là một trong những vấn đề cần được quan tâm.
Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/7/2019 và Luật Giáo dục (mới) có hiệu lực từ 1/7/2020 mở ra nhiều cơ hội, không gian tự chủ, nhưng đồng thời cũng là thách thức cho các trường, đặc biệt là các ĐH địa phương.
“Bối cảnh hội nhập và không gian pháp lý nói trên đòi hỏi các trường phải có sự thay đổi và xác định cho mình lối đi riêng nhằm thích nghi, phù hợp với yêu cầu mới và tạo dựng được một thương hiệu mạnh. Chỉ khi có thương hiệu, định hình được thương hiệu nhà trường thì mong mỏi hội nhập quốc tế, vươn tầm của một trường đại học mới có tính thực tế.”
TS Trần Đình Lý
Vậy làm cách nào để xây dựng thương hiệu nhà trường một cách hiệu quả? Theo TS Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, muốn xây dựng thương hiệu nhà trường, điều quan trọng nhất là phải xác định được đâu là vấn đề cốt lõi. Bởi thương hiệu là kết quả được tạo nên bởi nhiều yếu tố, bao gồm dịch vụ giáo dục đào tạo, chất lượng giáo dục đào tạo, văn hóa học thuật, giá trị lợi ích mà cơ sở giáo dục cung cấp phải tương xứng với chi phí mà các bên liên quan phải bỏ ra để thụ hưởng từ trường.
“Nó có thể là sự đổi mới và cải tiến không ngừng về chất lượng các dịch vụ, hình ảnh và hiệu quả của công tác truyền thông, chất lượng đào tạo, môi trường học thuật… Khi nhà trường không thể cùng lúc đảm bảo các tiêu chí cơ bản này thì xác định được vấn đề nào cần được ưu tiên để có hướng đi phù hợp” – TS Lê Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm với TS Lê Lâm, TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: Tùy vào mục tiêu, chiến lược phát triển của mỗi trường mà lựa chọn đâu là yếu tố cốt lõi trong xây dựng thương hiệu.
“Ở Trường ĐH Lạc Hồng, chúng tôi đề cao tinh thần sáng tạo, sự khai phóng. Hạnh phúc của sinh viên là hạnh phúc của trường. Đó là nguồn cội tạo nên chất lượng và các giá trị của trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường luôn đảm bảo và tạo dựng không gian để thực thi các cam kết của chúng tôi đối với các bên liên quan, trước hết là với chính các em sinh viên, giảng viên, với các doanh nghiệp và xã hội” – TS Quỳnh chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều trường học tạo dựng thương hiệu cho mình từ những giá trị tích lũy được trong suốt quá trình dài, nghĩa là kết quả của một quá trình phát triển với bề dày những thành tích. Nhưng cũng có những thương hiệu được tạo nên bởi sự bứt phá ngoạn mục, đồng bộ, và cũng có những thương hiệu được biết đến bởi những sản phẩm nổi bật, độc đáo.
Chẳng hạn, nói đến Trường ĐH Lạc Hồng – người ta nghĩ ngay đến Robocon, đến xe tiết kiệm nhiên liệu… và ngược lại, khi nói đến Robocon, xe tiết kiệm nhiên liệu… người ta nghĩ ngay đến Trường ĐH Lạc Hồng. Tất nhiên, đây chỉ là một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu của Trường ĐH Lạc Hồng, là cầu nối để người học đến với những giá trị khác mà nhà trường đang song hành dựng xây.
Video đang HOT
Việc xây dựng thương hiệu trường học nhằm thu hút người học vốn được nhận thức và bàn luận nhiều. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà vấn đề này chưa được chú trọng, thậm chí nhiều trường vấp phải khó khăn.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, một trong những hạn chế có thể kể ra, đó là không ít quan điểm xem giáo dục là hoạt động phúc lợi xã hội, chứ không phải là hoạt động thương mại, nên các trường đại học ngại tiếp thị và quảng bá tên tuổi. Ngoài ra, chất lượng giải trình kém, hoặc chưa coi trọng công tác truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều trường không thể định hình được thương hiệu trong lòng người học, phụ huynh và xã hội. Nếu các trường dỡ bỏ được rào cản tâm lý này, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tạo dựng thương hiệu mạnh cho các trường đại học.
Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng trong giờ thực hành
Chất lượng đào tạo -hướng đi chung của các trường
Thực tế, khi phương thức quản lý mở hơn, cơ chế tự chủ cho các trường khoáng đạt hơn, việc hướng đến mục tiêu khẳng định thương hiệu bằng hướng đi chất lượng đào tạo là điều gần như trường nào cũng hướng đến. Bởi thực tế, trong bối cảnh các phương thức học tập ngày càng đa dạng và linh hoạt, cơ hội chuyển tiếp và du học ngày càng dễ dàng hơn, việc khẳng định thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo là “chìa khóa” để các trường cạnh tranh, thu hút người học.
Có nhiều cách và phương thức để các trường tiếp cận, định hình thương hiệu cho mình. Đó có thể là chất lượng đào tạo, môi trường và thế mạnh trong nghiên cứu chuyển giao thành tựu KHCN, đó có thể là dịch vụ phục vụ sinh viên hoặc cam kết đầu ra việc làm, thậm chí là so kè, tham gia vào các bảng xếp hạng đại học danh tiếng trên thế giới bởi các chỉ số NCKH, các bài báo quốc tế….
Dù bằng cách nào thì rõ ràng, trong bối cảnh mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ giữa nhóm trường công với trường tư, giữa các trường đại học trong nước và quốc tế, việc xây dựng thương hiệu nhà trường không chỉ xem như yếu tố sống còn, mà nó còn gián tiếp thúc đẩy cho tiến trình hội nhập, vươn mình ra khỏi biên giới quốc gia của trường đó.
Đơn cử có thể thấy bài toán xây dựng thương hiệu nhà trường bằng “chìa khóa” nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học, môi trường học thuật, chất lượng đào tạo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hay Trường ĐH FPT trong thời gian qua là một minh chứng rõ nét.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong vòng 5 năm, bằng chính sách xây dựng môi trường học thuật nghiêm túc, thúc đẩy GV trẻ gia tăng nghiên cứu khoa học, gia tăng các công trình nghiên cứu tầm quốc tế…thương hiệu nhà trường không chỉ thăng hạng nhanh chóng trên bản đồ hệ thống GDĐH Việt Nam mà đã lọt vào top các trường đại học tốt trên thế giới.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng vậy, bằng chính sách cam kết chất lượng đào tạo, tham gia mạnh mẽ vào các chương trình kiểm định quốc tế (đạt chuẩn 4 sao của Tổ chức QS – Stars, Anh Quốc), thương hiệu của nhà trường đã không chỉ định hình rõ ràng trong sự lựa chọn là môi trường học tập của học sinh, phụ huynh mà còn tạo ra tiền đề và niềm tin cho nhà trường mạnh dạn “bước chân” ra khỏi sân nhà so kè với các trường trong khu vực.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhìn nhận: Việc định hình và chọn hướng đi trong quá trình xây dựng thương hiệu mỗi trường sẽ khác nhau. Và tất nhiên, việc xây dựng thương hiệu của một trường đại học không thể đến một sớm, một chiều nhưng đó là việc các trường buộc phải làm trong bối cảnh hội nhập.
“Cái khó của các trường ngoài công lập trong việc xây dựng thương hiệu chính là làm sao xóa bỏ định kiến nơi người học, xã hội rằng chất lượng đào tạo không tốt. Để làm được việc đó không gì khác bằng việc phải chứng minh mình, chứng minh chất lượng đào tạo với xã hội, với doanh nghiệp.
Muốn xã hội thấy điều đó, mình cần phải tham gia mạnh mẽ về công tác kiểm định chất lượng đào tạo, chuẩn hóa giáo trình và đẩy mạnh hội nhập quốc tế bằng chất lượng học thuật của chính sinh viên, giảng viên của mình. Sinh viên ra trường có tỉ lệ việc làm đúng chuyên môn đạt gần 100%, doanh nghiệp đánh giá năng lực thích nghi của lao động tốt, đội ngũ sư phạm sẵn sàng cọ xát với đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên các trường quốc tế trong môi trường NCKH thì đó là mình đã và đang xây dựng được thương hiệu cho trường mình” – PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhìn nhận việc xây dựng thương hiệu nhà trường là một trong ba yếu tố tạo nên sự ổn định cho mỗi trường đại học ngoài yếu tố quản trị, chất lượng đào tạo, thạc sĩ Hồ Đức Sinh – Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp HUTECH cho rằng, chất lượng đào tạo là yếu tố gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu nhà trường tốt hơn.
“Anh có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt cho mọi nhu cầu của sinh viên trong quá trình học tập. Anh có thể xây dựng tốt môi trường học thuật, NCKH và văn hóa trong cộng đồng sinh viên, giảng viên. Nhưng chỉ cần anh thiếu sự kết nối mọi thành tố trên với nhu cầu căn bản của cuối quá trình đào tạo, đó là việc làm cho sinh viên, mọi cố gắng sẽ khó có thể tốt được.
Anh làm tốt mọi mặt, nhưng anh thiếu sự kết nối giữa đào tạo với thực tiễn, với doanh nghiệp tuyển dụng, sinh viên ra trường mà không tìm được việc làm, “vệt dầu loang” ấy sẽ là những cơn sóng lớn xô đổ mọi giá trị trong việc xây dựng thương hiệu của một ngôi trường. Vì vậy, chất lượng đào tạo tốt phải gắn với vị trí việc làm tốt cho sinh viên, song hành cùng các thành tố trên thì việc xây dựng thương hiệu của nhà trường mới hiệu quả và thành công”- Thạc sĩ Hồ Đức Sinh nói.
Anh Tú
Theo GDTĐ
Trường đại học nào sẽ phát triển thành đại học?
Cả nước hiện chỉ có 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội) và 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế).
Nhưng theo luật giáo dục ĐH mới, dự kiến sẽ có thêm các ĐH mới được phát triển từ trường ĐH như trường hợp của Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Dự kiến, khoảng 3 - 4 năm nữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ phát triển thành một ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trên cơ sở pháp lý của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), nhiều trường ĐH đã có chủ trương phát triển, nâng cấp thành mô hình ĐH trong thời gian tới.
3 - 4 năm nữa có thể Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đổi tên
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường ĐH này đã có chủ trương phát triển thành ĐH. Chủ trương này có từ trước đó, ngay thời điểm nhà nước bàn về việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH (năm 2017).
Theo GS-TS Phong, hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐHđã có hiệu lực từ ngày 1.7 là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này. Trường vẫn đang chờ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật được ban hành mới bàn tới việc xây dựng đề án.
"Trường sẵn sàng cho việc này nhưng sẽ thực hiện các bước theo lộ trình và đúng quy định. Dự kiến, ít nhất cần từ 3 - 4 năm nữa để Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phát triển thành một ĐH", GS-TS Phong nói.
Theo GS-TS Phong, để làm được việc này thì trước hết các khoa hiện tại cần phát triển thành 3 - 4 trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nói về mô hình ĐH trong tương lai so với hiện tại, theo GS-TS Phong, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi. Thậm chí có thể phải đổi cả tên trường để không phải là ĐH về một lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Phong khẳng định: "Dù có phát triển thành mô hình ĐH thì trường này vẫn giữ ổn định quy mô đào tạo như hiện nay, với khoảng 30.000 người học. Thay vì tăng quy mô, trường sẽ tập trung vào phát triển chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế".
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ có trường thành viên ?
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển lâu dài theo các giai đoạn khác nhau. Theo đó, đến năm 2020, bộ máy tổ chức của trường dự kiến được sắp xếp theo 3 cấp: trường ĐH, college (trường) và bộ môn. Định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp (College of Agriculture), Trường Công nghệ (College of Technology), Trường Kinh tế và phát triển (College of Economics and Development), Trường Khoa học (College of Science). Ngoài ra còn có Viện Sau ĐH, Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt thay vì từng khoa riêng lẻ, trường có định hướng tích hợp các khoa cùng đào tạo một nhóm ngành thành các trường (college). Việc này nhằm mục tiêu sử dụng chung nguồn lực, tăng hiệu quả và chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo.
Lập thêm trường thuộc trường ĐH
Chưa tính tới chủ trương phát triển thành ĐH nhưng từ luật mới này, nhiều trường cho biết sẽ thành lập thêm các trường trong trường ĐH để phát triển mạnh hơn một số lĩnh vực ngành nghề trong thời gian tới.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục - Khả Hòa
Điển hình là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Việc này đã được ĐH Quốc gia TP.HCM đồng ý về mặt chủ trương. Theo đó, Trường Ngoại ngữ sẽ tập trung vào mục tiêu đào tạo các ngành liên quan đến ngoại ngữ, còn Trường Giáo dục sẽ hướng tới các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt 2 trường này sẽ thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM theo đúng tinh thần của luật. Sau này, tùy điều kiện thực tế các trường có thể được điều chỉnh hướng phát triển cho phù hợp hơn. Theo PGS-TS Phương Lan, mục tiêu của việc thành lập các trường là tăng cơ hội phát triển cho các khối ngành này và thêm cơ hội cho cả người học.
Trường ĐH tư thục cũng có thể thành ĐH
Theo luật Giáo dục ĐH (2012), cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: trường CĐ; trường ĐH, học viện; ĐH vùng, ĐH quốc gia (gọi chung là ĐH); Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. ĐH chỉ gồm ĐH vùng và ĐH quốc gia.
Còn theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân bao gồm: ĐH, trường ĐH và cơ sở giáo dục ĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ĐH quốc gia và ĐH vùng là ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Ở luật mới này, khái niệm ĐH đã được mở rộng hơn. Và kèm theo luật, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này cho phép các trường ĐH nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH.
Nhìn vào các quy định mới này, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: "Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này thì trường ĐH tư cũng có thể nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH". Nhưng theo ông Tùng, Trường ĐH FPT không có chủ trương này vì hiện nay không thấy lợi ích gì khi chuyển đổi.
Tương tự, dù cùng một hệ thống nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng chưa có chủ trương đi theo hướng này.
Theo Thanh niên
Nhiều ý kiến ủng hộ, lắm góp ý băn khoăn Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn thông tin liên quan đến xếp loại học lực, hình thức đào tạo,...