Xây dựng thói quen giải trí lành mạnh trước “màn hình”
Học viện Nhi khoa Mỹ (APP) khuyến cáo rằng trẻ dưới 2 tuổi không nên xem truyền hình và trẻ trên 2 tuổi có thể dành từ 1- 2 giờ/ngày để xem các chương trình thiếu nhi.
Bạn hãy tạo cơ hội cho trẻ có khoảng thời gian thoải mái tham gia nhiều hoạt động giải trí khác như đọc sách, vui chơi với bạn bè, chơi thể thao nhằm hỗ trợ trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là một số cách hữu ích giúp thời gian ngồi trước màn hình của trẻ hiệu quả hơn.
Giới hạn thời lượng xem tivi
Hãy để trong phòng bạn nhiều thứ đồ giải trí khác bên cạnh chiếc tivi như sách, truyện thiếu nhi, đồ chơi, câu đố, trò chơi tập thể…vv để thu hút sự chú ý của trẻ thay vì ngồi xem tivi.
Không để tivi trong phòng trẻ.
Tắt tivi trong khi dùng bữa.
Không để trẻ xem tivi khi đang làm việc nhà.
Xem tivi sẽ trở thành một phần thưởng khiến trẻ phải cố gắng hơn thay vì suy nghĩ đó là quyền của chúng. Hãy giải thích với trẻ rằng chúng sẽ được xem tivi sau khi hoàn thành công việc nhà và bài tập ở trường.
Video đang HOT
Làm gương cho trẻ: Hãy tự giới hạn thời gian xem tivi của bạn
Kiểm tra kênh truyền hình và xem xét các chương trình. Hãy tìm kiếm những chương trình gia đình bạn thường xem cùng nhau (ví dụ: các chương trình mang tính giáo dục và không bạo lực). Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên bạn nên lựa chọn các chương trình thu hút sự say mê, học hỏi thông qua sở thích của trẻ và mang tính giáo dục (đọc sách, khoa học…vv).
Kiểm duyệt chương trình. Giành thời gian kiểm duyệt các chương trình giúp bạn yên tâm trước khi bọn trẻ xem.
Sử dụng tính năng sàng lọc. Nhiều tivi thế hệ mới được gắn chip V (V viết tắt của từ bạo lực) giúp bạn khóa các chương trình truyền hình và các bộ phim không phù hợp với trẻ.
Thiết kế lịch xem truyền hình cho gia đình. Hãy liệt kê các chương trình truyền hình gia đình bạn yêu thích, rồi dán ở vị trí dễ quan sát trong nhà (ví dụ: trên tủ lạnh) để mọi thành viên có thể biết được tên chương trình truyền hình và khung giờ phát sóng. Hãy khuyến khích mọi thành viên tự giác tắt tivi khi chương trình kết thúc thay vì chuyển kênh khác để dò tìm chương trình xem thêm.
Xem tivi cùng trẻ. Nếu bạn không thể ngồi xem toàn bộ chương trình, hãy ngồi xem tối thiểu vài phút đầu cùng trẻ để đánh giá âm thanh và sự phù hợp. Sau đó bạn hãy kiểm tra toàn bộ chương trình nếu có thể.
Nói chuyện với trẻ về chương trình truyền hình và chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận của riêng bạn. Nếu trên tivi trình chiếu những tình huống không phù hợp với trẻ, bạn hãy tắt tivi và tận dụng cơ hội đặt câu hỏi kích thích tư duy của trẻ như “Con có cho rằng mọi thứ sẽ ổn khi những người đó đánh lộn? Những người đó có thể làm gì khác? Con sẽ làm gì?” Hoặc “Con nghĩ thế nào khi những thanh niên cư xử như vậy tại bữa tiệc? Con có cho rằng những gì họ làm là sai không?”. Bạn hãy đề cập việc đối xử công bằng với mọi người bất chấp sự khác biệt của họ nếu một ai đó hoặc một nhân vật bị ngược đãi hoặc phân biệt đối xử. Bạn có thể giải thích các tình huống hóc búa và chia sẻ cảm xúc về những chủ đề phức tạp như tình dục, tình yêu, ma túy, rược, hút thuốc lá, công việc, cách giao tiếp và cuộc sống gia đình thông qua chương trình truyền hình. Hãy hướng dẫn trẻ cách đặt câu hỏi và tìm hiểu những thông tin chúng xem trên truyền hình.
Học hỏi kinh nghiệm. Hãy nói chuyện với các phụ huynh khác, bác sĩ của bạn, giáo viên của trẻ về quy định xem truyền hình và lắng nghe họ giới thiệu các chương trình truyền hình thân thiện với trẻ.
Tăng cường các trò chơi vận động. Hãy gợi ý trẻ các trò chơi thú vị khác như trò chơi tập thể, chơi trốn tìm, trò chơi ngoài trời, đọc sách…vv nếu bạn không muốn cho trẻ xem tivi điều này giúp trẻ vui đùa thoải mái và quên đi các chương trình truyền hình. Hãy tắt tivi và tận hưởng thời gian thư giãn cùng trẻ.
Anh Khôi
Theo Dân trí
Bảo vệ mắt trẻ trước màn hình
Cận thị phổ biến ở trẻ thiếu điều kiện nhìn xa, nhất là trẻ em đô thị, nhìn trong điều kiện ánh sáng không phù hợp (quá sáng hoặc quá tối), thiếu dinh dưỡng cho mắt. Tuy nhiên, còn có thể do xem tivi và sử dụng máy vi tính sai cách.
Sự hấp dẫn của các chương trình truyền hình thường kéo các em vô tình ngồi gần màn hình hơn. Ảnh: Lê Kiên
Vì sao trẻ dễ cận thị?
Cận thị là một dạng tật khúc xạ của mắt khiến hình ảnh của vật bị mờ vì hội tụ ở trước võng mạc. Người cận thị muốn nhìn rõ vật ở xa phải đeo kính điều chỉnh sao cho hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc, khi đó mọi vật mới trở nên sắc nét và rõ ràng. Cho tới nay, chưa tìm được nguyên nhân gây cận thị. Tất cả những yếu tố (ánh sáng, môi trường, di truyền, dinh dưỡng...) chỉ là những yếu tố nguy cơ cao. Do vậy, chưa có phương pháp nào phòng ngừa thực sự hiệu quả.
Cận thị phổ biến ở trẻ thiếu điều kiện nhìn xa, nhất là trẻ em đô thị, mọi sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí đều ở trong cự ly gần, nhìn trong điều kiện ánh sáng không phù hợp (quá sáng hoặc quá tối), thiếu dinh dưỡng cho mắt. Tuy nhiên, còn có thể do xem tivi và sử dụng máy vi tính sai cách.
Thông thường, ánh sáng nền của tivi luôn sáng ở một cường độ nhất định, theo sự điều chỉnh ban đầu của người xem hoặc theo mặc định của nhà sản xuất, có thể gây ra hiện tượng nhoè sáng trong những cảnh nền tối. Ký tự và hình ảnh trên màn hình tivi không có sự tương phản rõ rệt và sắc sảo như trên giấy in. Những ký tự này (điểm ảnh) sáng nhất ở trung tâm và giảm bớt cường độ về phía rìa của chúng. Mắt chúng ta bị cuốn vào một điểm gọi là "điểm nghỉ của quá trình điều tiết" (RPA - Resting Point of Accomodation). Đặc tính này làm cho việc duy trì sự tập trung cố định lên hình ảnh trở nên khó khăn hơn.
Để giữ tập trung vào màn hình, các cơ điều tiết phải gắng sức, tạo ra cảm giác nóng, mỏi mắt sau nhiều giờ xem tivi. Nếu tình trạng này xảy ra lâu và lặp lại thường xuyên, sẽ dẫn đến hiện tượng co quắp điều tiết, là tiền đề cho tật cận thị. Các chuyên gia về mắt đều khuyến cáo không nên xem tivi liên tục quá hai giờ đồng hồ mà không có khoảng nghỉ để mắt thư giãn.
Trước những hình ảnh, âm thanh hấp dẫn của các bộ phim hoạt hình, các chương trình dành cho thiếu nhi, trẻ em sẽ bị cuốn hút và tự giảm khoảng cách với tivi trong lúc xem mà không chú ý. Khoảng cách gần làm tăng tác động của các tia bức xạ phát ra từ màn hình lên mắt trẻ, đồng thời buộc mắt phải điều tiết với mức độ cao hơn. Hiện nay, các sản phẩm tivi LCD sử dụng đèn nền huỳnh quang cathode lạnh đã hạn chế tối đa các bức xạ điện tử. Tuy vậy, khoảng cách an toàn khi xem tivi vẫn là cách màn hình ít nhất 4 - 6 đường chéo màn hình.
Để giữ đôi mắt khoẻ mạnh cho trẻ
Các chuyên gia về mắt khuyến cáo không nên xem tivi liên tục quá hai giờ đồng hồ mà không có khoảng nghỉ để mắt thư giãn. Khoảng cách an toàn khi xem tivi là cách màn hình ít nhất 4 - 6 đường chéo màn hình.
Để bảo vệ mắt cho con em mình, phụ huynh cần áp dụng những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, có lợi cho sự phát triển thị giác. Ít người biết rằng tật cận thị có liên quan đến dinh dưỡng. Ngoài các loại khoáng chất, vitamin A có trong trái cây, củ có màu đỏ, màu cam, rau lá màu xanh thẫm... chính là những chất bổ cho đôi mắt. Vitamin A giúp mắt nhìn rõ trong bóng tối. Thiếu vitamin A, mắt sẽ bị quáng gà, giảm thị lực, nhất là đối với người đọc sách, làm việc nhiều với máy vi tính. Vitamin A tham gia vào sự trao đổi sắc tố ở võng mạc, giúp mắt thích nghi với các điều kiện ánh sáng.
Thứ hai, đảm bảo trẻ học tập và giải trí trong điều kiện ánh sáng phù hợp. Ở trường, nên tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nếu sử dụng đèn chiếu sáng thì không được rọi trực tiếp vào bảng đen gây loá, không phủ sơn bóng lên bảng. Độ cao của bàn ghế phải phù hợp với chiều cao của trẻ ở từng độ tuổi khác nhau. Ở nhà, không để trẻ nằm, quỳ khi học bài. Giữ khoảng cách 45 - 60cm đối với màn hình vi tính và từ 3m trở lên đối với tivi gia đình.
Thứ ba, thư giãn cho mắt sau mỗi 30 - 40 phút học tập trên máy tính. Không xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử quá 3 giờ/ngày và cần đảm bảo ngủ đủ 8 - 10 giờ/ngày.
Ngoài ra, để đảm bảo cho đôi mắt khoẻ, chúng ta cũng có thể chú ý lựa chọn những sản phẩm tivi LCD chất lượng cao, có khả năng hạn chế bức xạ điện tử cũng như có chức năng ánh sáng nền tuỳ chỉnh theo môi trường để tránh các tác hại cho mắt. Đó cũng là một cách hữu hiệu giúp bảo vệ mắt mà vẫn đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin và khám phá thế giới của trẻ.
Theo TS.BS Trần Hải Yến
Sài Gòn tiếp thị
Trẻ suy giảm thị lực vì xem tivi quá nhiều Hiện nay, tivi là phương tiện nghe nhìn phổ biến tại nhiều gia đình. Với sự phong phú của các chương trình cũng như sự đa dạng của các loại kênh. Nhiều bậc phụ huynh thường tỏ ra thích thú hoặc chủ quan khi thấy con mình chăm chú theo dõi các chương trình tivi mà chúng yêu thích, thậm chí nhiều người...