Xây dựng tài liệu giáo dục địa phương: Đáp ứng đúng yêu cầu Chương trình GDPT mới
Cùng với việc phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn các mẫu sách lớp 1 vừa được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt sử dụng trong năm học tới, Sở GD&ĐT TPHCM đã sớm bắt tay vào việc xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương.
Các giáo viên tham khảo các bộ sách mẫu tại một hội thảo giới thiệu SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Việt Hà
Bộ tài liệu đang được kỳ vọng trở thành công cụ để chuyển tải tri thức, giúp học sinh hoàn thiện nhân cách mang đậm phong vị của người dân Nam Bộ: Hào sảng, cởi mở, gần gũi, chân tình và hiện đại.
Bộ tài liệu song ngữ đậm phong vị Nam Bộ
Về tiến độ xây dựng bộ tài liệu này, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Sở đang tích cực, chủ động tham mưu cho thành phố chọn lọc thành viên các tổ trong hội đồng biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới.
Đến nay, khung, sườn nội dung xây dựng bộ tài liệu đã được hình thành để xin ý kiến của các chuyên gia, tổ chức có chuyên môn, nhất là Ban Tuyên giáo, Hội Văn học – Nghệ thuật, Hội Lịch sử của thành phố; nhằm bảo đảm nội dung tài liệu giáo dục địa phương sát với thực tiễn địa phương và đáp ứng được yêu cầu của CTGDPT mới.
Cụ thể hơn, ông Hiếu phân tích: Nội dung tài liệu giáo dục địa phương phải sát, đúng với yêu cầu của CTGDPT mới. Học theo tài liệu này, học sinh phải có kiến thức, hiểu được lịch sử phát triển của địa phương mình. Tài liệu phải được xây dựng dựa trên sườn chung, đó là có nội dung dạy chung cho học sinh toàn thành phố và có các chủ đề dạy học tự chọn.
Ảnh minh họa/ INT
Các chủ đề, chủ điểm của bộ tài liệu phải bảo đảm tính bao quát rộng nhưng các chuyên đề sẽ đi sâu, đi sát về các giai đoạn lịch sử, địa lý, dần đi sâu về các ngành nghề truyền thống là thế mạnh của địa phương gắn với định hướng xây dựng thành phố hiện đại, văn minh để tiến tới hướng nghiệp cho học sinh ở bậc THCS, THPT.
Đặc biệt, tài liệu giáo dục địa phương của TPHCM sẽ được biên soạn với hình thức song ngữ; nhằm giúp cho học sinh các cấp học có thể dùng tài liệu, kiến thức và vốn ngoại ngữ như là một bài thuyết minh về văn hóa, con người của thành phố với du khách quốc tế. Tiếp đó là tài liệu giáo dục địa phương phải mang tính tích cực, tư duy mở, thân thiện, nghĩa tình, hội nhập, phù hợp với con người, với môi trường đa văn hóa, năng động mang đậm bản sắc của Thành phố mang tên Bác.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Hà
Nhiều thuận lợi khi biên soạn tài liệu giáo dục địa phương
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, TP đặt ra lộ trình đến tháng 3/2020 sẽ hoàn thành khung tài liệu giáo dục địa phương; đồng thời phân kỳ biên soạn bảo đảm đồng tốc với lộ trình đưa SGK mới vào giảng dạy của Bộ GD&ĐT ở các năm học tiếp theo, theo phương thức cuốn chiếu bắt đầu thực hiện ở lớp 1 từ năm học 2020 – 2021. Bảo đảm tài liệu giáo dục địa phương sẽ được Sở GD&ĐT Thành phố trình Bộ GD&ĐT phê duyệt theo tiến độ đưa bộ tài liệu vào giảng dạy từ năm 2020 – 2021 và các năm học tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết: Ngành Giáo dục TPHCM đã chủ động xây dựng bộ tài liệu. Thành phố đã xây dựng được nhiều tài liệu giáo dục pháp luật, kỹ năng sống bổ trợ cho các hoạt động giáo dục trong các nhà trường những năm học gần đây. Đây là thuận lợi nhất định trong xây dựng tài liệu giáo dục địa phương.
“Cùng với thành công bước đầu trong việc phối hợp biên soạn bộ SGK lớp 1, hy vọng rằng, bộ tài liệu giáo dục địa phương của TPHCM khi hoàn thành biên soạn sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn, tiêu chí của CTGDPT mới và kỳ vọng của giáo viên, học sinh toàn thành phố” – ông Hiếu khẳng định.
Bá Hải
Theo giaoducthoidai
Minh bạch trong việc phát hành, tiêu thụ sách giáo khoa là điều rất khó!
Tại sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại chi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo?
Chuyện một số lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận tiền thù lao nhiều năm nay của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến cho dư luận dậy sóng nhiều ngày qua.
Bởi, những năm tới đây thì ngành Giáo dục sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia thị trường sách giáo khoa phổ thông.
Việc "bắt tay" này sẽ mở ra một tương lai cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để họ chiếm nhiều lợi thế trong việc phát hành sách giáo khoa vào thị trường lớn nhất nước và sẽ làm bàn đạp để chiếm lĩnh các thị trường lân cận.
Đây thực sự là một tính toán "đường xa" sẽ đem lại hiệu quả lớn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sách giáo khoa vẫn ẩn chứa nhiều góc khuất (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm qua, chúng ta thấy đơn vị này đã làm khá tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Song, thực tế thì những năm gần đây Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã để lại quá nhiều những điều thị phi cho xã hội khi "một mình một chợ" cùng những sản phẩm "độc quyền" liên tục xuất hiện trong nhiều nhà trường theo nhiều dự án của ngành Giáo dục.
Sách giáo khoa dùng một lần
Những năm qua, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về chuyện độc quyền sách giáo khoa, vấn đề này không chỉ ở trên các diễn đàn báo chí mà còn được tranh luận khá gay gắt trong các phiên họp của Quốc hội.
Nhiều loại sách bài tập, sách giáo khoa được dùng một lần rồi bỏ đi, gây ra lãng phí lớn cho toàn xã hội. Mỗi năm, người dân bỏ ra cả ngàn tỉ đồng mua sách giáo khoa cho con em mình học tập rồi cuối năm phải bỏ vì nhiều cuốn sách được thiết kế điền từ, làm bài trực tiếp trên sách.
Nhiều tác giả sách giáo khoa tham gia viết sách bài tập, sách giải bài tập và đương nhiên phần lớn những sản phẩm này cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.
Khi bước vào đầu năm học, một số nhà trường định hướng cho phụ huynh mua cả sách giáo khoa, sách bài tập, thậm chí một số nhà trường còn kiêm luôn cả việc bán sách cho học sinh ở những năm trước đây.
Mỗi cuốn sách giáo khoa, đi kèm sách bài tập, sách nâng cao, sách giải...thành ra sách giáo khoa không đáng bao nhiêu tiền mà sự định hướng của nhà trường khiến cho phụ huynh phải mua thêm nhiều loại sách khác nhau nên gánh nặng ngày càng lớn cho phụ huynh.
Tất nhiên, điều mà chúng ta đều biết là một khi mà Ban giám hiệu nhà trường đứng ra bán sách cho học sinh thì không ai đi làm không công cho các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách bao giờ.
Sách VNEN, sách tiếng Anh, Mĩ thuật...có giá rất cao
Khác với sách giáo khoa truyền thống (năm 2002) thì những năm qua, ngành Giáo dục đưa vào một số sách giáo khoa, tài liệu mới để giảng dạy ở một số địa phương. Trong đó, nổi bật hơn cả là sách VNEN được dạy thí điểm rồi mở rộng rầm rộ sang nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước.
Cái khác của sách VNEN là từ nội dung của sách giáo khoa truyền thống, dự án VNEN đã biên soạn lại, bố cục lại nhưng giá thành thì đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa truyền thống.
Điều oái oăm nhất là sách VNEN không được bán ở các nhà sách mà đều bán qua đường nội bộ. Cuối năm học, nhà xuất bản và các công ty thiết bị trường học gửi email cho các địa phương, các trường yêu cầu đăng ký, tổng hợp số lượng để họ in ấn. Đầu năm học là chuyển về các trường theo đơn đã đặt hàng.
Trước những bất bình của nhiều phụ huynh và một số lãnh đạo tỉnh nên giờ đây chương trình VNEN không còn được mở rộng mà đã thu hẹp lại. Một số trường học bỏ chương trình VNEN quay lại sách giáo khoa và phương pháp truyền thống.
Bộ cũng chỉ đạo "không bắt buộc" và tùy vào tình hình của các nhà trường. Tuy nhiên, phía sau dự án tốn kém hàng chục triệu USD còn là sự lãng phí của phụ huynh, của các nhà trường đã theo, đã đầu tư cho chương trình VNEN....
Không chỉ sách VNEN mà sách tiếng Anh, sách Mĩ thuật...mới cũng được bán riêng với giá rất cao. Chỉ riêng bộ sách tiếng Anh cũng có giá thành bằng cả bộ sách giáo khoa truyền thống. Sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực đang thực hiện mấy năm nay cũng đắt hơn nhiều lần so với sách Mĩ thuật năm 2002.
Điều đáng nói nhất là tất cả các loại sách này đều là sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhưng có nhiều năm khi kêu lỗ thì các lãnh đạo của đơn vị này đều lấy sách giáo khoa truyền thống để minh họa cho giá thành mà không bao giờ lấy sách VNEN, sách tiếng Anh, Mĩ thuật ra so sánh...
Và, bây giờ là sách giáo khoa của chương trình mới
Theo lộ trình, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng ở lớp 1 vào năm học 2020-2021 tới đây. Thế nhưng, ngay từ khi manh nha bộ sách giáo khoa mới thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi tiền cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến nay.
Dù lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên tiếng về khoản tiền này, dù biện minh như thế nào đi chăng nữa thì đây cũng là điều không phù hợp chút nào.
Tại sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại chi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua?
Câu trả lời rất dễ bởi ai cũng có thể trả lời được. Bởi, cho dù năm học 2020-2021 các trường tự chọn sách giáo khoa lớp 1 thì đến năm học 2021-2022 quyền lựa chọn sách sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố.
Lúc ấy, ai có quyền lựa chọn sách giáo khoa, ai tham mưu và tiếng nói của ai có trọng lượng nhất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nếu không phải là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo?
Những nhà kinh doanh không bao giờ họ bỏ tiền đầu tư mà không tính toán đến lợi nhuận nên việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi nhiều tỉ tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tất nhiên là họ đã có mục đích cụ thể.
Phương châm: "Thả con săn sắt, bắt con cá rô" trong việc chi tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng nằm trong kế hoạch dài hạn để chiếm lĩnh thị trường sách giáo khoa phía Nam là điều mà những người kinh doanh đã hạch toán rất kĩ.
Chính vì thế, đi tìm sự minh bạch trong việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa ở ngành Giáo dục trong những năm qua và có lẽ cả trong những năm tới là điều vô cùng khó khăn bởi những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến đã phản ánh khá đầy đủ bản chất của sự việc này.
Theo giaoduc.net.vn
Mỗi trường một bộ sách, thật tuyệt vời! Theo ý kiến người viết, mỗi trường một bộ sách giáo khoa khác nhau trong cùng một huyện, đó là một điều tuyệt vời nhất cho giáo dục nước nhà. Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Trong đó, Luật có quy định giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng...