Xây dựng mô hình “công dân học tập” trong trường đại học
Những công việc truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi sự ra đời của máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, hoặc đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng phát triển và vận hành các công nghệ mới trên.
Mô hình giáo dục ĐH theo hướng truyền thống, nặng về trang bị kiến thức sẽ phải thay thế bằng chương trình mới giúp thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và tư duy tự học – Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Trường ĐH với việc xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Rõ ràng, cách mạng 4.0 đã đặt các trường vào yêu cầu đổi mới đào tạo. Theo đó, công dân học tập, xã hội học tập không phải là vấn đề riêng của giáo dục thường xuyên (GDTX) nữa.
Chương trình đào tạo ĐH phải thích ứng với thay đổi
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các kỹ năng cần thiết cho công việc cũng như cách thức làm việc. Những công việc truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi sự ra đời của máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại, hoặc đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng phát triển và vận hành các công nghệ mới trên.
“Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo. Mô hình giáo dục ĐH theo hướng truyền thống, nặng về trang bị kiến thức sẽ phải thay thế bằng chương trình mới giúp thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và tư duy tự học”, TS Bùi Tín Nghị – GĐ Học viện Ngân hàng nhận xét.
GS.TS Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu thực trạng lao động nước ta hiện nay đang bị đánh giá yếu về chất lượng, thiếu năng lực làm việc và tác phong lao động công nghiệp.
“Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao thì 1/4 không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp”, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhắc lại đánh giá trong báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2018, đồng thời cho rằng, cơ cấu đào tạo của Việt Nam còn bất hợp lý khi những ngành cơ bản tạo năng lực sản xuất dài hạn, đưa năng suất lao động nhanh, bền vững, như khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Toán (STEM), có tỷ lệ sinh viên theo học còn “khiêm tốn”.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, nếu không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chí cụ thể của “Công dân học tập”, tức những con người với năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số, thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về mọi mặt.
GS.TS Rohit Verma – Hiệu trưởng trường ĐH VinUni cũng chia sẻ về sự tác động của cách mạng 4.0 đối với giáo dục và cuộc sống. Đồng thời, cho rằng, “trường ĐH phải là nơi thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, nuôi dạy những người có tư duy học tập suốt đời”.
Bộ GD&ĐT sẽ chọn một số trường ĐH kết hợp với địa phương để xây dựng mô hình thí điểm công dân học tập, gắn kết trường ĐH với hệ thống GDTX. Ảnh: P.T
Gắn kết giáo dục ĐH với GDTX
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thống yêu nước, hiếu học của người dân Việt Nam tài sản vô cùng quý giá. Muốn thích ứng được với cuộc cách mạng này, Việt Nam cần có đội ngũ tri thức, các nhà khoa học, chuyên gia và quan trọng hơn là cần có những người dân nắm bắt tri thức công nghệ.
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua Việt Nam đã có bước đi bài bản, rất nỗ lực để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Năm 2020, đánh dấu bước đầu tiên là chúng ta áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Một trong những điều rất quan trọng của sự thay đổi này là tạo được bước đổi mới trong cách dạy và học những năm qua, chuyển từ giáo dục một chiều sang tương tác nhiều hơn, phát huy được năng lực, sáng tạo của người học.
Bên cạnh bước tiến của giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH những năm qua, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mảng GDTX chưa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để có sự đổi mới mạnh mẽ. Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ thí điểm mô hình gắn kết trường ĐH chất lượng với hệ thống GDTX để cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng cao.
Đối với xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không chỉ là việc của giáo dục ĐH mà của toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, từ nền tảng giáo dục phổ thông, học sinh phải được trang bị phương pháp tự học, tạo động lực để biến việc học tập thành nhu cầu suốt đời. Người giáo viên cũng tương tự, cần đổi mới để trở thành những công dân học tập.
“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo, cùng với địa phương, hội khuyến học các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tăng cường chỉ đạo và thực hiện đẩy mạnh GDTX”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ chọn một số trường ĐH kết hợp với địa phương để xây dựng mô hình thí điểm công dân học tập, gắn kết trường ĐH với hệ thống GDTX. Theo đó, trường ĐH sẽ tiên phong trong việc tạo ra các công dân học tập từ chính đội ngũ giảng viên, sinh viên của trường.
Trường ĐH gắn kết với hệ thống GDTX để các trung tâm GDTX trở thành vệ tinh, mô hình nối dài của trường ĐH nhưng phải đảm các tiêu chí kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn đầu ra. Sau quá trình thí điểm, Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm để từ đó xin ý kiến nhân rộng mô hình công dân học tập, gắn kết trường ĐH với hệ thống GDTX.
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo
Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.
Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới và thực hiện tốt chủ trương giáo dục - đào tạo là "quốc sách hàng đầu" của Đảng.
Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước khi trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đổi mới giáo dục, đổi mới công tác của Hội Khuyến học góp phần chấn hưng giáo dục Việt Nam hiện nay, về thực hiện giáo dục cho người lớn...
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo
Mỗi đảng viên phải gương mẫu trở thành công dân học tập
Phóng viên: Thưa giáo sư, kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã có kế hoạch triển khai như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Kết luận số 49-KL/TW nêu nhiều vấn đề, đặc biệt có điểm mới là: Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu các tổ chức và quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 11, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm.
Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân. Đây là điểm nhấn mạnh của Kết luận số 49.
Trong các trường chính trị phải lồng ghép một số chuyên đề về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập vào chương trình giảng dạy.
Đây là chỉ đạo hết sức sâu sắc của Đảng và trực tiếp là Bộ Chính trị đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong giai đoạn từ năm 2020 trở đi.
Bộ Chính trị cũng giao cho Hội khuyến học tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, xây dựng mô hình "Đơn vị học tập" trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... và trong lực lượng vũ trang.
Theo đó, đặc biệt chú trọng tới việc học tập của người lớn, trước hết là các đảng viên. Phải nói đây là bước đổi mới tư duy về xây dựng xã hội học tập vô cùng quan trọng của Đảng ta. Từ đổi mới này, tôi tin tưởng sẽ có sự chuyển biến về tư tưởng, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.
Hiện nay vấn đề này hình như chưa phải là cấp bách đối với không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí cả tổ chức Đảng. Do đó, trong suốt hơn chục năm qua, việc xây dựng cả nước trở thành XHHT chưa có bước tiến như mong muốn.
Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai Kết luận số 49-KL/TW. Theo đó, giao nhiệm vụ cho tất cả các bộ, ban, ngành, UBND các cấp về việc thực hiện kết luận số 49 của Ban Bí thư. Xuyên suốt quyết định này là tư tưởng đổi mới của Chính phủ về xây dựng XHHT.
Đặc biệt, Chính phủ giao thêm nhiệm vụ cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí công dân học tập tiếp cận với mô hình công dân toàn cầu giai đoạn 2021 - 2030. Sau khi được Chính phủ đồng ý bộ tiêu chí này, Hội sẽ triển khai mô hình "Công dân học tập" theo bộ tiêu chí trên.
Sau khi kết luận 489 KL/TW ra đời, Hội Khuyến học Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai toàn hệ thống Hội. Trong kế hoạch này, vẫn tiếp tục triển khai các mô hình học tập và công việc hiện nay, tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí "Công dân học tập".
Hội đã quán triệt kết luận 49, thông qua hội nghị Ban Thường vụ, Ban chấp hành tổ chức viết các chuyên đề về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT... tổ chức một số hội thảo phục vụ cho nhiệm vụ được giao. Tổ chức Hội sẽ được phát triển thêm sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang...
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Hội sẽ tổng kết các mô hình học tập hiện nay theo chiều sâu, ví dụ: đánh giá sự hài lòng của nhân dân về việc lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, chính quyền địa phương đối với công tác khuyến học; sự hài lòng của nhân dân đối với việc thực hiện các tiêu chí mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập...lấy sự hài lòng của nhân dân, phát triển kinh tế ổn định xã hội của địa phương để đánh giá tác động việc học tập của nhân dân, tham gia vào xây dựng nông thôn mới như thế nào. Đây là nét mới của Hội. Văn bản của Đảng, Chính phủ đã tiếp sức cho Hội Khuyến học để tiếp tục đổi mới công tác của mình.
Trong tháng 7 tới, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo về xây dựng và triển khai các tiêu chí công dân học tập trong các trường đại học trước tiên, vì các đại học giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo ra các "Công dân học tập" theo bộ tiêu chí này.
Phóng viên: Giáo sư có nói đại học giữ vai trò quan trọng trong giáo dục đào tạo, vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với các trường đại học triển khai công tác khuyến học, khuyến tài như thế nào?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Vui mừng mà nói, lần đầu tiên Hội Khuyến học phối hợp với Bộ GD&ĐT đã thu hút được các trường đại học vào thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập (XHHT) để trước tiên triển khai chính Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Một định hướng cơ bản trong Nghị quyết số 29 là chuyển giáo dục đào tạo theo hướng mở. Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức các cuộc hội thảo để làm rõ giáo dục theo hướng mở là thế nào, trường đại học đóng vai trò gì trong đào tạo theo hướng mở. Bởi vì muốn mở được thì phải mở cho người học về không gian học tập, về thời gian học tập, chương trình học tập, đối tượng học tập... mà muốn đào tạo theo hướng mở thì các trường đại học bắt buộc phải xây dựng tài nguyên giáo dục mở với nội dung học tập phong phú.
Đại dịch Covid-19 vừa qua nhiều trường đã dạy trực tuyến cho học sinh, đây là minh chứng cho việc học mọi lúc, mọi nơi. Covid - 19 cũng là một phép thử đối với ngành giáo dục trong dạy trực tuyến và trong đào tạo từ xa. Vấn đề này đã được Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường ĐH Mở TP.HCM và một số tổ chức thực hiện từ rất sớm nhưng chưa được quan tâm, phát triển.
Sau các cuộc hội thảo, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các trường đại học, đề nghị tập trung xây dựng tài nguyên giáo dục mở. Trong dịch Covid-19 vừa qua, tài nguyên giáo dục mở của các trường đại học đã phát huy được tác dụng, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên trong điều kiện các trường đóng cửa.
Qua đó, chúng ta thấy sức mạnh của phương pháp học trực tuyến và không phải cứ đến lớp mới là đi học.
Tuy nhiên, tôi e rằng, dịch Covid -19 qua đi thì mô hình giáo dục trực tuyến này cũng sẽ bị chìm, nhiều trường vì phương tiện dạy học còn quá hạn chế toàn diện.
GS.TS Nguyễn Thị Doan: "Học phải theo tư tưởng của Bác "Học không bao giờ cùng" thì mới phát triển bền vững bản thân, gia đình và xã hội".
Phóng viên: Thưa giáo sư, giáo dục Việt Nam hiện nay đã có bước đổi mới phát triển,vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò của mình như thế nào để góp phần chấn hưng nền giáo dục hiện nay?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Giáo dục luôn chứa đựng các vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng rất lớn đến từng gia đình, thậm chí từng con người. Vấn đề là làm thế nào để những ảnh hưởng đó luôn mang tính tích cực, động viên, khuyến khích mọi người ham học, say mê học tập và luôn muốn cống hiến.
Với Hội Khuyến học thì đầu tiên là vấn đề trẻ em bỏ học và xóa mù chữ. Hội khuyến học các địa phương đã cùng với các nhà trường vận động trẻ em đi học đúng độ tuổi, với các em không có điều kiện đi học, bỏ học Hội đã hỗ trợ cho các cháu vì tất cả sự nghiệp bắt đầu từ đây.
Thứ hai, việc học của người lớn, việc xóa mù cho người lớn: Ở các Trung tâm học tập cộng đồng, Hội Khuyến học đóng vai trò quan trọng trong vận động người đề xuất, các chương trình học tập của người lớn để đưa vào giảng dạy, giúp họ có kiến thức cần thiết để tránh mù nghề.
Về học tập người lớn: Thời gian vừa qua, chúng ta mất thời gian khá dài về việc sính bằng cấp. Cán bộ công chức nhiều người lo đi học để bồi đắp cho mình đủ bằng cấp chứ ít nghĩ đến bồi đắp tri thức nên cả việc dạy và việc học một số nơi không coi trọng chất lượng.
Trước đây, ít ai hiểu nhiều về giáo dục người lớn vì nghĩ rằng người lớn cần gì phải giáo dục, cần gì phải học, đó là một suy nghĩ rất sai lầm. Học phải theo tư tưởng của Bác "Học không bao giờ cùng" thì mới phát triển bền vững bản thân, gia đình và xã hội.
Bác đã dạy: "Ai không học thì lùi, công việc sẽ gạt mình ra". Sự tụt hậu của đất nước có một lý do là sự học của người lớn chưa được triển khai theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Quyết định 89 của Chính phủ.
Thứ ba, Hội Khuyến học các cấp đã tích cực triển khai mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" và thu được nhiều kết quả tốt. Sự học trong nhân dân, đặc biệt ở nhiều tỉnh nghèo được quan tâm và phát triển. Vì vậy kinh tế gia đình, địa phương phát triển, ổn định xã hội được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được duy trì.
Thứ tư, Tổ chức Hội Khuyến học đã phát triển đều khắp ở 63 tỉnh, thành, ở 100% các trường phổ thông, ở các tổ chức chính trị xã hội và nhiều trường đại học. Hội đã ký kết các văn bản hợp tác với nhiều cơ quan để thúc đẩy sự học của người lớn tại cơ quan đó, vì họ là người tham mưu đề ra chủ trương chính sách và triển khai thực hiện chủ trương chính sách đó.
Một đất nước có phát triển hay không, trước tiên phải nhìn vào hệ thống giáo dục, đặc biệt là hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực nước nhà. Do vậy, Hội sẽ cố gắng để góp phần vào sự nghiệp trên.
GS.TS Nguyễn Thị Doan: "Đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy điều kiện học tập trực tuyến của nhiều trường quá thiếu. Nếu không quan tâm đầu tư thì giáo dục của chúng ta sẽ tụt hậu xa hơn".
Phóng viên : Làm thế nào để khuyến khích các thầy cô giáo cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người" thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Để giải quyết triệt để vấn đề này thì phải giải quyết triệt để từ cơ chế. Cơ chế đầu tư cho giáo dục đào tạo, cơ chế đầu tư cho con người, trong đó có cơ chế tuyển dụng, trọng dụng người giỏi, người tài cho ngành giáo dục. Trước tiên là thu nhập của giáo viên phải được nâng lên để thầy cô giáo không phải lo kiếm sống bằng việc khác.
Đối với cơ chế tuyển dụng giáo viên còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ thấu đáo hơn, ví dụ: giáo viên làm việc 10 năm trong ngành nhưng lại bị loại ra vì không có chỉ tiêu hoặc thi không đạt.
Đây là một tác động về tâm lý hết sức lớn lao đối với đội ngũ giáo viên. Có lẽ cần cho đội ngũ này thực hiện đào tạo lại những kiến thức họ còn thiếu vì việc đào tạo lại luôn được đặt ra trong quá trình sử dụng công chức, viên chức.
Việc loại họ ra ngay không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động đến việc làm, chưa nói đến sỹ diện của một nhà giáo. Về chỉ tiêu dành cho giáo dục phổ thông có nên hạn chế quá hay không? Một lớp mà có tới 60 học sinh (đặc biệt là lớp 1, lớp 2) thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?
Vậy cơ chế đối với ngành giáo dục như thế nào? ưu tiên tuyển chọn ai? Cô giáo đã cống hiến 10 năm rồi thiếu cái gì thì cho người ta đi học lại cái đó. Đào tạo, bồi dưỡng lại là một quá trình, không phải ai cũng giỏi ngay được.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã đầu tư nhiều cho phát triển cơ sở vật chất, vào xây dựng trường học nhưng hạ tầng cho giáo dục vẫn còn lạc hậu, thiếu thốn. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy điều kiện học tập trực tuyến của nhiều trường quá thiếu. Nếu không quan tâm đầu tư thì giáo dục của chúng ta sẽ tụt hậu xa hơn.
Bên cạnh đó, khi các nhà đầu tư xin cấp dự án xây dựng khu dân cư thì trong quy hoạch có diện tích dành cho xây trường, sân chơi cho trẻ em, nhưng có nơi không thực hiện. Có tỉnh được xây dựng trường học xong, chưa sử dụng đã xuống cấp hoặc bỏ hoang, rất lãng phí tiền của của dân.
Đây là vấn đề cơ chế, quản lý và thực hiện cơ chế. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo hết sức chính xác. Giáo dục được đưa lên là Quốc sách hàng đầu từ năm 1996 nhưng tại sao triển khai vào thực tế lại quá khó khăn. Phải chăng do tư duy, do nhận thức về sự nghiệp trồng người chưa được nhiều người quan tâm.
Làm dự án thì có ngay lợi ích còn dạy Người muốn có hiệu quả thì phải có cả một quá trình đầu tư rất kỳ công trong thời gian dài như Bác Hồ đã dạy: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người".
Nếu làm giáo dục cũng theo kiểu chạy theo số lượng để thu tiền mà không chú ý tới chất lượng thì theo tôi là có tội với đất nước. Song lại chỉ dựa vào bằng cấp để cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí mà không chú ý đến năng lực thực tế thì tội lại được nhân lên nữa.
Cho nên cần phải đổi mới về tư duy, nhận thức về giáo dục đào tạo vì đất nước phát triển là do giáo dục. Giáo dục đào tạo bồi đắp trí tuệ cho con người. Phát triển kinh tế phải bằng trí tuệ. Thời kỳ phát triển bằng lao động cơ bắp đã qua rồi.
Do đó, trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay là làm thế nào để đổi mới hơn nữa tư duy, đổi mới nhận thức về giáo dục đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam; cần phải có đột phá tư duy trong đầu tư giáo dục, đột phá trong quản lý giáo dục. Coi giáo dục đào tạo đúng với vị trí là "Quốc sách hàng đầu". Có như vậy, đất nước mới phát triển được nhờ giáo dục đào tạo, phát triển bằng trí tuệ, bằng sáng tạo.
Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!
Chuyển đổi số: Cần kiến tạo hệ sinh thái học tập suốt đời cho công dân Công dân học tập là một khái niệm chung, là cái đích hướng tới, trong từng giai đoạn sẽ thể hiện ra ở nhưng tên gọi khác nhau như công dân số, công dân toàn cầu, công dân thông minh... Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo "Những năng lực cốt lõi của công dân học tập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi...