Xã hội hóa biên soạn SGK – Đưa Nghị quyết của Quốc hội vào thực tiễn giáo dục
Hiện Bộ GD&ĐT đã phê duyệt và cho phép sử dụng 5 bộ SGK lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đã có 3 NXB tham gia biên soạn SGK cho thấy Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hoá biên soạn SGK đã đi vào thực tiễn giáo dục.
Hiện có 3 NXB tham gia biên soạn SGK cho thấy Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hoá biên soạn SGK đã đi vào thực tiễn giáo dục. Ảnh: Bá Hải
Biên soạn sách mới kịp tiến độ năm học mới
Đến thời điểm này, các địa phương trong cả nước đang tích cực công tác lựa chọn SGK dùng trong các trường phổ thông để năm học 2020- 2021 sẽ bắt đầu thực hiện giảng dạy SGK lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.
Các đơn vị có SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt và cho phép sử dụng đã cung ứng hàng vạn bộ SGK mẫu (mỗi bộ từ 8-10 đầu sách) và SGK cũng đã được số hóa để giáo viên cả nước nghiên cứu, lựa chọn, đáp ứng kịp thời tiến độ thời gian năm học.
Thực hiện “XHH biên soạn SGK… Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở CTGDPT” theo tinh thần Nghị quyết 88 đã đề ra, ngoài NXB Giáo dục Việt Nam, năm nay đã có nhiều đơn vị, NXB tổ chức biên soạn và có SGK được phê duyệt, sử dụng trong năm học mới.
Được biết, ngay sau khi CTGDPT tổng thể được thông qua (năm 2017) các đơn vị này đã bắt tay nghiên cứu, xây dựng bản thảo SGK mẫu. Khi Bộ GD&ĐT công bố chính thức CTGDPT) 2018 (gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong CTGDPT mới – tháng 12/2018, các đơn vị này đã tập trung hoàn thiện sách mẫu để trình các Hội đồng quốc gia thẩm định, phê duyệt.
Giáo viên nghiên cứu SGK lớp 1 mới. Ảnh: Bá Hải
Đến nay, qua hai lần thẩm định, chính thức có đã có 39 đầu SGK các môn học, hoạt động trải nghiệm đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và cho phép sử dụng trong năm học tới.
Mặc dù hiện đang có nhiều ý kiến xung quanh các bộ SGK mới này về công tác xã hội hóa (XHH) biên soạn SGK, về giá và quy cách SGK mới. Nhưng phải khẳng định rằng Bộ GD&ĐT đã nỗ lực thực hiện các hoạt động triển khai CTGDPT 2018;
Các NXB, đơn vị biên soạn SGK đã phải chạy đua thời gian với cường độ làm việc rất lớn, biên soạn, chỉnh sửa nhiều lần để có được những bộ SGK mới, có chất lượng đưa ra thị trường cho các nhà trường và phụ huynh có được nhiều lựa chọn. Đây là điều mà từ trước đến nay giáo dục Việt Nam chưa từng có.
Hiện thực chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK của Quốc hội
XHH trong giáo dục nói chung và XHH công tác biên soạn SGK nói riêng là xu thế toàn cầu; Tại Việt Nam, bằng việc có sự tham gia của nhiều NXB cùng biên soạn SGK theo CTGDPT 2018, là một số ít trong số các nước hiện mới bắt đầu thực hiện XHH công tác này.
Video đang HOT
Cụ thể, tham gia biên soạn SGK lớp 1 mới theo CTGDPT 2018 có NXB Giáo dục Việt Nam (với 4 bộ sách); NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, phối hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản- Thiết bị giáo dục Việt Nam (với 1 bộ sách) và có SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sử dụng.
Bằng việc các đầu SGK lớp 1 mới được phê duyệt và cung ứng đến tay giáo viên đang lựa chọn, các đơn vị này đã hiện thực hóa chủ trương XHH công tác biên soạn SGK của Quốc hội, đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới GD&ĐT.
NXB Giáo dục Việt Nam giới thiệu bộ SGK Toán lớp 1 mới. Ảnh: Bá Hải
Theo giới chuyên môn lĩnh vực xuất bản, từ cơ chế một chương trình một bộ SGK sang cơ chế một chương trình nhiều bộ SGK và có sự tham gia của các thành phần khác trong việc biên soạn SGK cần có một lộ trình.
Thứ Nhất là cần có thời gian, lộ trình để tạo thói quen, nhận thức trong xã hội. Thứ hai là các NXB, đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực nhưng cũng cần cân nhắc, xem xét đến các yếu tố đầu tư ban đầu, hành lang pháp lý, tâm lý người dùng (phụ huynh học sinh)… vốn hàm chứa nhiều rủi ro để đi đến quyết định đầu tư vào công tác biên soạn SGK; Nói cách khác là tham gia vào quá trình XHH.
Đến nay không nhiều đơn vị tham gia vào chủ trương này; Chính thống có 3 NXB (NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh) tham gia biên soạn SGK và có sách đang trong quá trình chuẩn bị phục vụ năm học mới 2020-2021.
Chính vì vậy, nhiều NXB, nhiều đơn vị có nhiều nguồn lực tài chính, nhiều nhà đầu tư tiềm năng nhưng họ chưa sẵn sàng hoặc chưa đầu tư ngay vào lĩnh vực biên soạn SGK. Do bước đầu thường có nhiều vấn đề rủi ro phát sinh trong bảo toàn vốn khi chưa có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề như đã nói trên đây.
Điều này lý giải vì sao chưa có đông đảo các doanh nghiệp, thành phần xã hội tham gia và lĩnh vực xuất bản SGK. Đây là một thực tế do khách quan mang lại trong công tác này mà không chỉ ở Việt Nam, nhìn ra các nước trong khu vực, thế giới cũng thấy rõ điều đó.
Trung Quốc là nước có nền giáo dục khá tương đồng với Việt Nam và cùng xuất phát từ cơ chế một chương trình một bộ SGK sang cơ chế một chương trình nhiều bộ SGK và khuyến khích XHH, có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Tuy nhiên tại quốc gia này cũng chưa nhiều tổ chức tham gia vào mặc dù chủ trương XHH biên soạn có từ hơn 10 năm nay. Cũng phải trải qua lộ trình hơn 10 năm, trên lãnh thổ rộng lớn như Trung Quốc nhưng mới có dưới 10 đơn vị biên soạn SGK.
Ngay năm đầu tiên, ở Việt Nam có đến 3 NXB tham gia ngay vào cơ chế một chương trình nhiều bộ SGK theo Nghị quyết 88 là điều đáng mừng và phấn khởi về mặt thành công ban đầu của chủ trương XHH công tác biên soạn SGK của Quốc hội và ngành Giáo dục.
Từ một bộ SGK hiện hành, trong năm học đầu tiên (2020-2021) đưa SGK lớp 1 mới theo CTGDPT 2018 vào giảng dạy đã có 5 bộ sách của 3 NXB biên soạn đã khẳng định: Việt Nam đang đi đúng hướng XHH biên soạn SGK và lộ trình đổi mới chương trình, SGK GDPT theo Nghị quyết 88 của Quốc hội sớm được cụ thể hóa vào đời sống giáo dục.
Như vậy, có thể khẳng định quan điểm chỉ đạo XHH biên soạn SGK được thống nhất từ Trung ương, được Quốc hội phê chuẩn bằng Nghị quyết và lộ trình thực hiện, được Chính phủ, Bộ GD&ĐT cụ thể hóa lộ trình theo từng năm và nay đã thành hiện thực, đi vào đời sống giáo dục.
(còn nữa)
Bài tiếp: Giải bài toán quản lý chất lượng SGK khi được xã hội hóa
Giang Đông
Lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông: những vấn đề lưu ý
Ngày 30-1-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/20202 Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT).
Theo đó, việc lựa chọn SGK sẽ do cơ sở GDPT thực hiện, với sự tham gia của lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên và đại diện ban cha mẹ học sinh; lựa chọn theo một quy trình cụ thể, khoa học, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương cũng như điều kiện tổ chức dạy và học.
(Ảnh minh họa)
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông"; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đổi mới chương trình, sách giao khoa giáo dục phổ thông", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thực hiện các bước đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo tinh thần "một chương trình chung thống nhất trong cả nước; mỗi môn học có một số SGK; thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK".
Cụ thể, Bộ đã ban hành các thông tư: 1) Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 6-6-2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình GDPT; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT. 2) Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22-7-2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. 3) Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28-12-2018 quy định về chương trình GDPT, bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình các môn học và hoạt động giáo dục.
Các thông tư trên là những khung pháp lý để tổ chức biên soạn, thẩm định SGK. Đến nay, Bộ đã tổ chức thẩm định thành công và ban hành Quyết định phê duyệt 45 đầu SGK của các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1, đảm bảo tiến độ triển khai chương trình GDPT mới trong năm học 2020-2021. Các SGK này có giá trị sử dụng như nhau, đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, nhằm tạo điều kiện cho việc lựa chọn SGK đảm bảo theo một quy trình cụ thể, khoa học, chọn được những sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT, ngày 30-1-2020, Bộ ban hành Thông tư số 01/2020 Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT, trong đó quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK; quy trình lựa chọn SGK và công bố danh mục SGK được lựa chọn; trách nhiệm của các bên liên quan, các mốc thời gian cần đảm bảo... Theo đó, việc lựa chọn SGK sẽ do cơ sở GDPT thực hiện, với sự tham mưu góp ý kiến của giáo viên nhà trường, tổ chuyên môn, đại diện ban cha mẹ học sinh.
Như vậy, việc thực hiện "một chương trình chung thống nhất trong cả nước; mỗi môn học có một số SGK" đã giúp các bên liên quan có căn cứ và thuận lợi trong thực hiện việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK, đảm bảo tiến độ triển khai chương trình GDPT mới.
Các cơ sở GDPT gồm: trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT.
Nhằm cung cấp những thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT; tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ, cần lưu ý một số vấn đề cụ thể như sau:
Một là, nguyên tắc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT
Chỉ lựa chọn trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong cơ sở GDPT (ví dụ, đối với lớp 1, chỉ được lựa chọn trong 45 đầu sách giáo khoa của các môn học và hoạt động giáo dục đã được thẩm định). Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp, các cơ sở GDPT lựa chọn 1 đầu SGK, không nhất thiết phải lựa chọn theo cùng một bộ. Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Căn cứ Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quy đinh tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với cơ sở GDPT trên đia ban.
Hai là, quy trình lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT
Việc lựa chọn SGK sẽ do cơ sở GDPT thực hiện. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng). Hội đồng bao gồm: người đứng đầu cơ sở GDPT; cấp phó của người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn; đại diện giao viên dạy các môn học và hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn; đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó it nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Tổ chuyên môn sẽ tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn 1 đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo hội đồng lựa chọn SGK danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở GDPT sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK theo các nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn. Hội đồng sau đó tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn SGK.
SGK được hội đồng lựa chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý của thành viên. Trường hợp không đạt trên 1/2 số thành viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng quyết định lựa chọn SGK co sô phiêu đông y cao nhât trong danh muc SGK do tổ chuyên môn bao cao.
Hôi đông lựa chọn SGK tiếp đó sẽ đề xuất với người đứng đầu cơ sở GDPT danh muc SGK đã đươc hội đồng lưa chon. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở GDPT quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sơ GDPT. Danh mục này sẽ được công bố công khai trong cơ sở GDPT và niêm yết tại cơ sở này trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Cơ sở GDPT chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo dục, học sinh, cha mẹ học sinh về quyết định lựa chọn SGK.
Ba là, các mốc thời gian thực hiện lựa chọn SGK
Để đảm bảo đồng bộ và kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT mới, bắt đầu áp dụng đối với lớp 1 năm học 2020-2021, thì trước ngày 1-5-2020 cơ sở GDPT phải hoàn thành việc lựa chọn SGK; báo cáo kết quả với các cơ quan cấp trên, đồng thời thông tin tới các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn.
Từ ngày 1-5-2020 đến ngày 30-6-2020, các cơ sở giáo dục và các địa phương phối hợp với nhà xuất bản có SGK được lựa chọn tiến hành tập huấn cho giáo viên sử dụng SGK lớp 1. Công tác này phải đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 được tập huấn trước khi triển khai năm học mới.
Từ ngày 1-5-2020 đến 30-8-2020, các nhà xuất bản tiếp nhận thông tin từ các địa phương về kết quả lựa chọn SGK, tiến hành lập kế hoạch xuất bản và phát hành SGK đầy đủ đến địa phương.
Từ ngày 1-7-2020 đến ngày 15-8-2020, các địa phương phối hợp với nhà xuất bản xây dựng phương án cung ứng SGK đầy đủ theo các môn học đến học sinh.
Từ ngày 5-8-2020 đến ngày 5-9-2020, các cơ sở 1-5-2020 chuẩn bị các điều kiện để khai giảng năm học 2020-2021 - năm đầu tiên triển khai chương trình SGK mới.
Bốn là, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện, nhất là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới
Tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho giáo viên nghiên cứu, khai thác tư liệu giáo dục, tìm hiểu thực tiễn vận dụng tốt vào giảng dạy; phát huy tính tích cực, chủ động tương tác giữa giáo viên và học sinh kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới chương trình, SGK
Qua đó tạo đồng thuận, thống nhất trong hành động; phát huy hiệu quả sự tham gia đóng góp của xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của UBND câp tỉnh và cấp huyện, của sở giáo dục và đào tạo địa phương đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ./.
TS. Thái Văn Tài - Bộ Giáo dục và Đào tạo
TS. Lê Thị Mai Hoa - Ban Tuyên giáo Trung ương
Theo tuyengiao.vn
Mỗi trường một bộ sách, thật tuyệt vời! Theo ý kiến người viết, mỗi trường một bộ sách giáo khoa khác nhau trong cùng một huyện, đó là một điều tuyệt vời nhất cho giáo dục nước nhà. Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Trong đó, Luật có quy định giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng...