WHO: Khoảng 160 nhân viên y tế đã tử vong khi làm nhiệm vụ tại Dải Gaza
Ngày 7/11, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier cho biết khoảng 160 nhân viên y tế đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tại Dải Gaza và kêu gọi loại bỏ những hạn chế đối với hoạt động viện trợ y tế tại vùng lãnh thổ này.
Hoạt động cứu hộ được triển khai sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 6/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nguồn tin trên, một số bác sĩ đang thực hiện các ca phẫu thuật tại Dải Gaza mà không có thuốc gây mê.
Trong khi đó, cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ thành lập một bệnh viện dã chiến gồm 150 giường bệnh tại vùng lãnh thổ này để giúp điều trị những người bị thương. Trước đó, hãng tin WAM ngày 6/11 đưa tin 5 máy bay chở thiết bị và vật tư cho bệnh viện dã chiến này đã bay từ Abu Dhabi đến thành phố Arish của Ai Cập. Theo hãng tin này, bệnh viện dã chiến gồm phòng gây mê, phòng phẫu thuật, phụ khoa và phòng chăm sóc đặc biệt phục vụ cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, một quan chức cho biết hiện chưa có thông tin về cách thức vận chuyển những thiết bị này đến Dải Gaza, nơi chỉ có một cửa khẩu duy nhất còn hoạt động là cửa khẩu Rafah gần thành phố Arish.
Video đang HOT
Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, trong số 10.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột Hamas – Israel bùng phát cách đây một tháng có khoảng 4.000 trẻ em.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết các cơ sở y tế tại Dải Gaza đã bị quá tải trong khi nguồn cung y tế bị thiếu hụt do xung đột. Theo OCHA, hiện 14 trong số 35 bệnh viện có khả năng điều trị bệnh nhân nội trú đã ngừng hoạt động và 71% cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Gaza đã phải đóng cửa vì hư hỏng hoặc thiếu nhiên liệu.
Người phát ngôn OCHA Jens Laerke ngày 7/11 cho biết các dịch vụ tại Gaza sắp đạt đến “điểm giới hạn” do thiếu nguồn cung nhiên liệu. Ông Laerke đồng thời cho hay không có xe chở nhiên liệu nào trong số 569 xe chở hàng viện trợ nhân đạo đã đến được Dải Gaza cho đến nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Trk ngày 7/11 đã bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Trung Đông, với trọng tâm là Israel cũng như khu vực Bờ Tây và Dải Gaza. Dự kiến, trong ngày 8/11, ông Trk sẽ tới thăm cửa khẩu Rafah ở khu vực biên giới giữa Ai Cập với Dải Gaza, và sẽ kết thúc chuyến thăm bằng hoạt động ở thủ đô Amman của Jordan. Tại thủ đô Cairo, ông Trk sẽ gặp Ngoại trưởng Ai Cập và Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL). Ông cũng sẽ tổ chức họp báo tại cửa khẩu Rafah vào ngày 8/11 và cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm tại Jordan vào ngày 11/11. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột đã khiến tình hình nhân đạo ở Dải Gaza trở nên vô cùng cấp bách.
Cùng ngày 7/11, Điện Kremlin cho rằng tình hình nhân đạo tại Dải Gaza là “thảm khốc” và kêu gọi thiết lập “khoảng dừng nhân đạo”. Phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ tiếp tục liên lạc với Israel, Ai Cập và Palestine để giúp đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo có thể được vận chuyển đến Gaza.
Liên hợp quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng của nhân loại tại Dải Gaza
Ngày 6/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc các bên trong cuộc xung đột Hamas-Israel ngừng bắn ngay lập tức khi cảnh báo Dải Gaza đang trở thành mồ chôn trẻ em sau các trận không kích.
Hoạt động cứu hộ được triển khai sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 6/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại trụ sở LHQ, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh mỗi giờ trôi qua, yêu cầu có một lệnh ngừng bắn càng cấp thiết hơn khi thảm kịch ngày càng tồi tệ. Không chỉ các bên tham gia xung đột mà cả cộng đồng quốc tế đều đang đứng trước một trách nhiệm khẩn cấp và cơ bản là dừng ngay các hành động gieo rắc nỗi đau khổ và tăng cường đáng kể hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Ông cho rằng "cơn ác mộng" ở Dải Gaza không còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà đã trở thành cuộc khủng hoảng của nhân loại.
Sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10, quân đội Israel đã tấn công đáp trả nhằm vào Dải Gaza đồng thời phong tỏa toàn bộ dải đất có khoảng 2,4 triệu dân này. Phía Israel thông báo có hơn 1.400 người thiệt mạng và hơn 240 người bị bắt làm con tin trong cuộc tấn công của Hamas. Trong khi đó, cơ quan y tế Dải Gaza cho biết kể từ ngày 7/10, hơn 10.222 người ở vùng lãnh thổ này đã thiệt mạng, trong đó có tới hơn 4.000 trẻ em. Bên cạnh đó, theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, có trụ sở tại New York (Mỹ), ít nhất 36 phóng viên và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh số phóng viên chết trong cuộc xung đột 4 tuần qua cao hơn bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong ít nhất 3 thập kỷ.
Các xe cứu trợ vẫn được phép vào Dải Gaza từ cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập nhưng số lượng vẫn ít hơn nhiều so với thời điểm trước ngày 7/10 trong bối cảnh Israel tiến hành kiểm soát an ninh và không cho phép xe chở nhiên liệu vào dải đất này. Ông Guterres nêu rõ không có nhiên liệu, trẻ sơ sinh và bệnh nhân cần các thiết bị hỗ trợ sự sống sẽ không thể qua khỏi. Do đó, cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo. Ông cũng lên án các cuộc tấn công của lực lượng Hamas đồng thời kêu gọi lực lượng này trả tự do cho các con tin bắt cóc ở Israel ngày 7/10.
Cùng ngày 6/11, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi quốc tế thể hiện lập trường "thẳng thắn và rõ ràng" để ngăn chặn các hành động gây tổn hại cho người Palestine và phản đối các chính sách trừng phạt tập thể bao gồm ném bom, bao vây và ép buộc di dời người dân ở Gaza.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu trong cuộc trực tuyến cùng ngày với Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell, Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh các bên nên đóng góp trách nhiệm pháp lý, nhân đạo và chính trị để chấm dứt thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza. Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, tại cuộc họp, các quan chức ngoại giao Ai Cập và EU đã trao đổi "thẳng thắn và chi tiết" về các khía cạnh nhân đạo, an ninh và chính trị liên quan cuộc khủng hoảng Gaza. Ngoại trưởng Shoukry kêu gọi cộng đồng quốc tế kêu gọi Israel ngừng bắn ngay lập tức cũng như đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo đầy đủ và bền vững cho người dân Palestine ở dải đất ven Địa Trung Hải này. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ cuộc khủng hoảng ở Gaza là một "cú sốc nhân đạo".
Đề cập đến hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza, ông kêu gọi loại bỏ tất cả những cản trở từ phía Israel.
Về phần mình, ông Borrell cam kết sẽ truyền tải thông điệp của ông Shoukry tới các nước tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng của Nhóm Các nước Công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra tại Nhật Bản trong tuần này. Ông Borrell nói thêm rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Gaza là chưa từng có theo mọi tiêu chuẩn và đòi hỏi những nỗ lực phối hợp nhiều hơn để hạn chế hậu quả của nó đối với dân thường Palestine. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 5/11, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cũng đã thảo luận về tình hình bạo lực ở Gaza. Ông nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải thể hiện trách nhiệm chính trị và đạo đức trong việc hành động nghiêm túc và hiệu quả để bảo vệ dân thường Palestine và ngăn chặn chính sách trừng phạt tập thể của Israel.
Gaza mất mạng và sóng di động, người Palestine không biết cầu cứu ai Sóng viễn thông và mạng internet ngừng hoạt động trên khắp Dải Gaza, đẩy người dân vào cảnh không biết cầu cứu ai khi gặp nạn trong các cuộc không kích của Israel. AP hôm nay (1/11) dẫn thông báo của nhà cung cấp viễn thông Paltel ở Dải Gaza cho biết mạng viễn thông và dịch vụ Internet một lần nữa bị...