WHO đặt tên mới cho các biến thể nCoV
WHO thông báo gọi tên các biến thể nCoV theo bảng chữ cái Hy Lạp, thay vì gọi theo nơi mà chúng lần đầu xuất hiện.
Thế giới đã ghi nhận 171.373.050 ca nhiễm nCoV và 3.564.185 ca tử vong, tăng lần lượt 344.987 và 7.441, trong khi 153.889.056 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 31/5 thông báo cách gọi tên mới của các biến thể nCoV bằng cách sử dụng các chữ cái Hy Lạp, thay vì gọi theo nơi mà chúng lần đầu xuất hiện. “Không quốc gia nào đáng bị kỳ thị vì phát hiện và báo cáo biến thể”, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, đăng Twitter.
Theo đó, biến thể Anh (B.1.1.7) gọi là “Alpha”, biến thể Nam Phi (B.1.351) là “Beta”, biến thể Brazil P1 là “Gamma”, biến thể Ấn Độ B.1.617.2 là “Delta”. Các biến thể đáng quan tâm khác sẽ được dán nhãn từ “Epsilon” tới “Kappa”.
Hội đồng chuyên gia WHO cho hay cách gọi tên mới sẽ “dễ dàng và thực tế hơn đối với những người không làm trong lĩnh vực khoa học”. WHO lưu ý cách gọi mới không thay thế tên khoa học của các biến thể, đồng thời cho biết tên khoa học “sẽ tiếp tục sử dụng trong nghiên cứu”.
Phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 74 ngày 31/5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có rất nhiều việc cần phải làm để chấm dứt đại dịch Covid-19 và cảnh báo không nên lơ là cảnh giác với đại dịch.
“Chúng tôi cảm thấy được khích lệ khi số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm, nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu bất kỳ quốc gia nào nghĩ mối nguy hiểm đã qua”, ông Tedros nói.
Ông cho rằng con đường thoát đại dịch là sử dụng phù hợp và nhất quán các biện pháp y tế cộng đồng, kết hợp với thúc đẩy tiêm chủng công bằng. Ông kêu gọi các nước thành viên cam kết hỗ trợ để đạt các mục tiêu như ít nhất 10% dân số toàn cầu được tiêm chủng tính đến cuối tháng 9 và ít nhất 30% trước cuối năm nay.
“Một ngày, hy vọng không còn xa nữa, đại dịch sẽ lùi xa, nhưng vết sẹo tâm lý vẫn sẽ còn đối với những người đã mất người thân, nhân viên y tế đã đối mặt với quá nhiều căng thẳng, cũng như hàng triệu người ở mọi lứa tuổi phải trải qua những ngày tháng cô đơn và biệt lập”, ông nói.
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 74 ngày 31/5. Ảnh: CNN.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.048.268 ca nhiễm và 609.767 ca tử vong do nCoV, tăng 4.609 ca nhiễm và 141 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cảnh báo còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng Covid-19 dù số ca nhiễm và tử vong đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
“Chúng tôi không muốn tuyên bố chiến thắng quá sớm vì chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Nhưng ngày càng nhiều người có thể tiêm chủng, cộng đồng sẽ ngày càng an toàn hơn”, ông Fauci nói.
Video đang HOT
Số ca nhiễm hàng ngày ở Mỹ đã giảm 53% kể từ ngày 1/5, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, nhưng tỷ lệ nhiễm vẫn cao trong nhóm chưa được tiêm chủng và số ca nhiễm trên toàn cầu vẫn gia tăng.
“Miễn là đại dịch còn hoành hành trên thế giới, nguy cơ xuất hiện biến thể luôn hiện hữu và có thể làm giảm phần nào hiệu quả vaccine của chúng tôi”, ông cho hay.
50% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 40% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Nếu xét riêng dân số trưởng thành, 62% đã tiêm một liều vaccine và 51% đã tiêm đủ mũi.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 28.173.655 ca nhiễm và 331.909 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 126.698 và 2.782 ca.
Thủ đô New Delhi ngày 31/5 báo cáo 648 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ ngày 18/3, và 86 ca tử vong vì Covid-19. Giới chức y tế địa phương cho biết tỷ lệ dương tính ở thủ đô cũng giảm xuống dưới 1%.
Chính quyền bang Bihar vừa thông báo gia hạn lệnh phong tỏa Covid-19 ở bang thêm một tuần đến ngày 8/6, nhằm hạn chế virus lây lan. Trong khi đó, bang Madhya Pradesh kéo dài thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm tới ngày 15/6. Ngoài lệnh giới nghiêm hàng ngày có hiệu lực từ 22h tới 6h sáng hôm sau, Madhya Pradesh sẽ có thêm “lệnh giới nghiêm Janta”, từ 22h thứ 7 tới 6h sáng thứ 2.
Phát ngôn viên Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cho biết công ty này dự kiến xuất xưởng 90 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tháng 6, tăng tới 40% so với mức 65 triệu liều/tháng hiện nay. Công ty Bharat Biotech cũng tăng gần 2,5 lần sản lượng vaccine nội địa Covaxin, từ 10 triệu liều trong tháng 4 lên khoảng 23 triệu liều vào tháng 6.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn chật vật đối phó đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, khiến hàng chục nghìn người chết chỉ trong một tháng. Giới chức chính phủ và chuyên gia y tế cho rằng cách duy nhất để ngăn làn sóng dịch bệnh thứ ba là tiêm chủng cho phần lớn dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ.
Pháp , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.667.324 ca nhiễm và 109.528 ca tử vong.
Giới chức Pháp cho biết sẽ siết chặt các quy định nhập cảnh để ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể Ấn Độ. Từ ngày 31/5, du khách đến từ Anh sẽ phải đưa ra “lý do thuyết phục” để được phép vào Pháp. Tuy nhiên, việc nhập cảnh chỉ áp dụng với công dân Liên minh châu Âu (EU), cư dân Pháp hoặc người có lý do bất khả kháng.
Những người được phép tới Pháp sẽ phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành và phải cách ly 7 ngày tại nơi đến.
Pháp cũng thông báo mở rộng phạm vi tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành của nước này. Hiện tại, 25,4 triệu người đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, chiếm khoảng 38% dân số cả nước và gần 50% số người trưởng thành.
Anh , vùng dịch thứ bảy thế giới, báo cáo 3.383 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong trogn 24 giờ qua, nâng tổng số ca Covid-19 ở nước này lên lần lượt 4.487.339 và 127.782.
Ravi Gupta, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Cambridge, ngày 31/5 nói với BBC Radio 4 rằng “số ca nhiễm mới sẽ tăng theo cấp số nhân và 3/4 trong số đó là biến thể mới”.
Ông thêm rằng những dấu hiệu về làn sóng Covid-19 có thể được cảm nhận lâu hơn các đợt bùng phát trước do tỷ lệ tiêm chủng trong dân số cao.
Theo đó, ông kêu gọi chính phủ xem xét lại bước cuối cùng trong lộ trình nới phong tỏa của Anh, dự kiến dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 vào ngày 21/6. Nhiều người cũng thúc giục chính phủ tăng tốc tiêm mũi vaccine thứ hai cho mọi người, để ngăn nguy cơ bùng phát mới
Bất chấp tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng, ca nhiễm mới hàng ngày ở Anh gần đây vẫn tăng cao, trung bình khoảng 3.000 trường hợp mỗi ngày. Theo thống kê của giới chức Anh, nước này đã tiêm 64,6 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó khoảng 25,3 triệu người đã được tiêm hai liều, chiếm 38% dân số.
Tại Đông Nam Á, Philippines , vùng dịch lớn thứ hai,ghi nhận 1.230.301 ca nhiễm và 20.966 ca tử vong, tăng lần lượt 6.684 và 107 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 31/5 thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô và các tỉnh lân cận tới giữa tháng 6.
Theo quy định của chính phủ, các địa điểm tổ chức sự kiện tôn giáo chỉ được hoạt động ở mức 30%, các nhà hàng ở mức 20%, trong khi việc đi lại không thiết yếu tiếp tục bị cấm.
Ông Duterte cũng gia hạn lệnh cấm nhập cảnh từ các nước Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đến ngày 15/6, để ngăn nguy cơ lây lan biến thể B.1.617.2 lần đầu phát hiện ở Ấn Độ.
Thái Lan báo cáo 5.485 ca nhiễm mới và 9 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca Covid-19 lên lần lượt 159.792 và 1.031.
Giới chức Bangkok cuối ngày 31/5 cho biết đội ứng phó Covid-19 của chính phủ đã bác bỏ quyết định của thành phố, trong đó cho phép các cửa hàng massage, phòng khám và công viên mở cửa trở lại từ ngày 1/6, nhưng không nêu lý do. Bangkok và các tỉnh lân cận đã trở thành tâm dịch của đợt bùng phát mới nhất.
Với quyết định mới, các cơ sở massage, phòng khám, công viên cùng với trường học, rạp chiếu phim, phòng gym và sở thú sẽ phải đóng cửa ít nhất 14 ngày nữa.
Quyết định được đưa ra giữa lúc chính phủ đối mặt với chỉ trích ngày càng tăng của công chúng về việc triển khai vaccine chậm chập, hỗn loạn, dự kiến bắt đầu từ ngày 7/6.
WHO: Chính trị 'đầu độc' điều tra nguồn gốc Covid-19
Quan chức WHO cảnh báo nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 đang bị cản trở bởi chính trị, đồng thời khẳng định các nhà khoa học cần không gian để giải quyết bí ẩn.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu tách biệt khoa học với chính trị và để tiếp tục tìm kiếm câu trả lời mà chúng ta cần trong một bầu không khí tích cực, thích hợp", giám đốc mảng phản ứng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói với các phóng viên tại Thụy Sĩ ngày 28/5.
"Toàn bộ quá trình này đang bị chính trị đầu độc", ông nói thêm.
Giám đốc mảng phản ứng khẩn cấp của WHO Michael Ryan tại Thụy Sĩ tháng 5/2019. Ảnh: Reuters .
Một nhóm nghiên cứu do WHO dẫn đầu đã dành 4 tuần ở Trung Quốc, làm việc với các nhà nghiên cứu nước này. Họ cho biết trong một báo cáo vào tháng ba rằng virus có thể đã truyền từ dơi sang người thông qua một loài động vật khác. Họ nói rằng "giả thiết nCoV bị rò rỉ do sự cố trong phòng thí nghiệm rất khó xảy ra".
Nhưng nhiều chính trị gia và một số nhà khoa học không hài lòng. Hôm 26/5 Biden ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ báo cáo trong vòng 90 ngày liệu nCoV xuất phát từ động vật hay sự cố phòng thí nghiệm. Mỹ hôm 27/5 kêu gọi WHO thực hiện cuộc điều tra thứ hai. Tuy nhiên, WHO nói hôm 28/5 rằng họ chưa có kế hoạch.
Malaysia sẽ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên trong hơn một năm khi nước này đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 đang lây lan nhanh chóng, đè nặng lên hệ thống y tế.
Sau khi ghi nhận ca mới trong một ngày cao kỷ lục 8.290 trường hợp vào 28/5, văn phòng Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo toàn bộ đất nước sẽ "phong tỏa" kể từ 1/6 đến 14/6, "đóng cửa hoàn toàn tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội", chỉ những cơ sở kinh doanh được coi là thiết yếu mới được phép hoạt động.
Malaysia đã tránh được đợt bùng phát nghiêm trọng vào năm ngoái bằng cách thực hiện các biện pháp hạn chế cứng rắn, bao gồm phong tỏa. Nhưng ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh vào đầu năm nay, khiến chính phủ dần thắt chặt các hạn chế và áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Giới chức cam kết đẩy mạnh triển khai tiêm chủng, chương trình vốn bị chỉ trích là chậm chạp và hỗn loạn, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Malaysia, đất nước 32 triệu người, ghi nhận tổng cộng 549.514 trường hợp và 2.552 ca tử vong.
Thế giới đã ghi nhận 159.221.296 ca nhiễm nCoV và 3.380.076 ca tử vong, tăng lần lượt 460.503 và 11.044, trong khi 141.693.939 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers .
Theo AFP , số ca Covid-19 mới trên toàn thế giới đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp, nhờ tình trạng cải thiện ở châu Âu. Cụ thể, số ca mới trong một ngày tuần qua giảm 13% xuống còn 554.200.
Ca nhiễm ở châu Âu tuần qua giảm 24%. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở Thụy Điển, giảm 51% xuống còn 1.900 ca mới mỗi ngày, tiếp theo là Ba Lan (giảm 47%), Đức (41%), Ukraine (33%) và Thụy Sĩ (33%).
Đại dịch cũng chậm lại ở châu Á khi ca mới tuần qua giảm 19%, Mỹ và Canada cũng giảm 15%. Nhưng châu Phi đi ngược với xu hướng này khi ca nhiễm tăng 10%, trong khi Trung Đông tăng 5% còn Mỹ Latinh và Caribe tăng 4%.
Mặc dù tình hình dịch ở châu Âu nói chung cải thiện, Anh là quốc gia chứng kiến đại dịch tăng tốc nhanh nhất, với số ca mới tăng 74% lên mức 2.600 ca mỗi ngày. Tiếp theo là Bahrein (55%), Bangladesh (50%), Kuwait (46%) và Malaysia (43%).
Theo số liệu chính thức, Ấn Độ, nơi số ca mắc mới giảm 23% trong tuần này, vẫn là quốc gia ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm nhất, với trung bình 228.100 ca mỗi ngày. Tiếp theo là Brazil với 64.000 ca, giảm 3%, Argentina (30.900, tăng 5%), Mỹ (22.500, giảm 23%) và Colombia (20.300, tăng 30%).
Tính theo bình quân đầu người, các quốc gia ghi nhận nhiều ca nhất trong tuần này là Maldives với 2.042 trên 100.000 dân, Seychelles (1.404 ca) và Bahrain (1.148 ca). Điều đáng lo ngại là cả ba đều là những nước đang dẫn đầu về chiến dịch tiêm chủng, đã tiêm cho hơn một nửa dân số.
Ấn Độ cũng tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 4.016 người mỗi ngày, tiếp theo là Brazil (1.797), Mỹ (661), Colombia (494) và Argentina (491).
Trung Quốc bác tin chuyên gia viện virus Vũ Hán nhập viện Trung Quốc nói báo cáo về việc ba nhà nghiên cứu ở Vũ Hán phải nhập viện ngay trước khi Covid-19 bùng phát là "hoàn toàn không đúng sự thật". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 24/5 bác báo cáo tình báo Mỹ rằng ba chuyên gia Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện sau khi...