WHO cảnh báo tỷ lệ bao phủ vaccine thấp tại 7 quốc gia ở Đông Địa Trung Hải
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 1/12, Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – Tiến sĩ Ahmed Al-Mandhari cho biết 7 quốc gia trong khu vực này vẫn chưa đạt ngưỡng tỷ lệ bao phủ vaccine 10%.
Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, có tên Omicron, trên một màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Cairo của Ai Cập, ông Al-Mandhari nói rằng các quốc gia nói trên có nguy cơ phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo ông Al-Mandhari, các nước thu nhập thấp, chủ yếu là ở châu Phi, chỉ nhận được 0,6% lượng vaccine của thế giới, trong khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhận hơn 80%. Ông Al-Mandhari nói thêm: “Những sự bất bình đẳng này tồn tại càng lâu, nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể càng lớn. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”.
Giám đốc Bộ phận phòng chống nguy cơ lây nhiễm khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO – ông Abdinasir Abubakr cho hay đến nay, 24 quốc gia có thể đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron. Trong khi đó, ông Richard Brennen – Trưởng bộ phận khẩn cấp khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO – nói rằng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ban đầu có các triệu chứng nhẹ
Về việc ứng phó với biến thể Omicron, ông Brennen cảnh báo về sự chủ quan trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đồng thời khuyến khích các biện pháp giãn cách xã hội. Ông Brennen nói: “Chúng tôi hiểu rằng một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm đối với hoạt động đi lại quốc tế, song điều này cần phải được thực hiện dựa trên bằng chứng và phân tích chắc chắn”. Tính đến ngày 29/11, khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận hơn 16,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 309.500 trường hợp tử vong.
COVID-19 tới 6h sáng 27/8: Mỹ đứng đầu về ca mắc và tử vong mới; Ca tử vong mới ở Nga cao kỷ lục
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 671.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 215 triệu ca, trong đó trên 4,48 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 145.000 ca), Ấn Độ (44.558 ca) và Anh (38.281 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.079 ca), Mexico (986 ca) và Indonesia (889 ca).
Như vậy, Mỹ tiếp tục đứng đầu về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính từ đầu đại dịch, Mỹ đã ghi nhận trên 39,3 triệu ca mắc và 651.807 ca tử vong. Đáng lưu ý là số ca mắc và tử vong ở trẻ em tại Mỹ đang gia tăng. Theo Hiệp hội Bệnh viện nhi Mỹ và Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, số trẻ em mắc COVID-19 đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ đợt bùng phát dịch hồi mùa Đông năm ngoái.
Tính đến ngày 19/8, đã có gần 4,6 triệu trẻ em mắc COVID-19. Thống kê cho thấy trên 180.000 ca được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tuần qua, tương đương với cả đợt bùng phát hồi mùa Đông năm ngoái. Sau khi có xu hướng giảm vào đầu mùa Hè năm nay, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em đã tăng 4 lần trong tháng qua, từ mức 38.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 22/7 lên mức 180.000 ca trong tuần trước. Báo cáo cho thấy dường như số ca mắc có triệu chứng nặng không phổ biến ở trẻ em.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp báo cập nhật những diễn biến mới của đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh đến sự hợp tác toàn cầu trong việc tài trợ cho nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca mắc mới dù đã chững lại sau khi tăng trong gần hai tháng nhưng vẫn ở mức rất cao. Tình hình dịch diễn biến rất khác nhau giữa các khu vực, quốc gia, thậm chí giữa các tỉnh, thành trong một quốc gia. Một số khu vực và quốc gia tiếp tục chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng mạnh, trong khi những khu vực khác đang giảm. Điều này cho thấy khi virus SARS-CoV-2 vẫn là một mối đe dọa ở khắp nơi trên thế giới.
WHO tiếp tục khuyến nghị cách tiếp cận toàn diện, phòng ngừa rủi ro thông qua các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng kết hợp với việc tiếp cận vaccine công bằng. Hiện WHO đang triển khai các kế hoạch tăng cường khả năng ứng phó của thế giới với các bệnh dịch và đại dịch trong tương lai.
Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày
Chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Ngày 26/8, Lực lượng đặc trách phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 820 tử vong vì virus SARS-CoV-2. Đây là số ca tử vong cao chưa từng có tại Nga trong bối cảnh gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, trong khi tốc độ tiêm chủng ở nước này đang chững lại. Tính đến nay, tổng số ca tử vong ở Nga đã lên tới 179.243 ca, cao nhất châu Âu.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 19.630 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 6.824.540 người. Tuy vậy, trong một tín hiệu tích cực, với thêm 19.661 bệnh nhân bình phục, hiện đã có tổng cộng 6.092.818 người khỏi bệnh.
Xét theo tổng số ca mắc COVID-19, Nga đang là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng thứ 4 trên thế giới kể từ khi nước này trải qua làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta gây ra vào giữa tháng 6 năm nay. Thủ đô Moskva - tâm điểm dịch bệnh tại Nga - và một số khu vực khác ở nước này đã bắt buộc tiêm chủng cho nhiều nhóm đối tượng và thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích người dân tiêm phòng. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng đang chậm lại kể từ giữa tháng 8 này. Theo số liệu của trang Gogov thống kê về COVID-19, tính đến ngày 26/8, chỉ có hơn 35 triệu người trong tổng số 146 triệu người tại Nga đã tiêm đủ liều vaccine.
Trung Quốc mở lại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại điểm tiêm chủng lưu động ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 20/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 26/8, Trung Quốc đã mở lại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này, sau khi phải đóng cửa gần 1 tháng.
Do dịch COVID-19, nhà chức trách địa phương đã hủy toàn bộ chuyến bay tại sân bay này từ cuối tháng 7 vừa qua. Trung Quốc bắt đầu phát hiện các nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại sân bay này nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 20/7 khi xét nghiệm định kỳ.
Tuy nhiên, đến ngày 19/8, Nam Kinh đã dỡ bỏ toàn bộ các khu vực được xếp loại có nguy cơ trung bình và cao đối với COVID-19.
Cùng ngày, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong thông báo kể từ ngày 30/8, những người giúp việc tới từ Indonesia và Philippines đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được nhập cảnh vào hòn đảo này.
Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc nhiễm trên toàn quốc
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia,, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 26/8, Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc.
Cụ thể, theo Bộ Y tế Malaysia, bộ này đã ghi nhận 24.599 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, đưa tổng số ca mắc tới nay ở Malaysia là 1.640.843 ca.
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh bên ngoài Thung lũng Klang (gồm thủ đô Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần của bang Nigeri Sembilan). Ba bang ghi nhận kỉ lục mới về số ca mắc COVID-19 là Sabah với 3.487 ca, Johor với 2.785 ca và Penang với 2.078 ca, trong đó bang Johor lần đầu vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày, còn bang Penang lần thứ 2 vượt ngưỡng này.
Hàn Quốc ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ tháng 7
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc ngày 22/8/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Hàn Quốc ngày 25/8 có thêm 20 ca tử vong vì dịch COVID-19, mức cao nhất ghi nhận từ đầu năm đến nay, trong khi số ca bệnh nặng tăng gấp đôi kể từ khi làn sóng lây nhiễm hiện tại bùng phát hồi tháng 7.
Mặc dù tỷ lệ tử vong vì COVID-19 vẫn ở mức thấp (dưới 1%), nhà chức trách Hàn Quốc đang nỗ lực bổ sung giường điều trị tích cực (ICU) cho bệnh nhân nặng. Tính đến ngày 25/8, số ca bệnh nặng hoặc nguy kịch đã tăng lên 425 ca so với 155 ca ghi nhận ngày 7/7.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cũng trong ngày 25/8, nước này phát hiện 1.882 ca mới, đưa tổng số lên 243.317 ca, trong đó có 2.257 ca tử vong.
Từ ngày 26/8, Hàn Quốc bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người từ 18-49 tuổi. Hiện đã có 70% trong số 15 triệu người đủ điều kiện tiêm chủng đã đăng ký tiêm vaccine. Nước này đặt mục tiêu tiêm ít nhất một mũi cho 70% dân số và tiêm đầy đủ cho 50% dân số vào tháng 9 tới.
Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi tại Ấn Độ tăng lên tới hơn 97%
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Ấn Độ thông báo tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 bình phục ở nước này đã tăng lên tới 97,63%. Hiện có tổng cộng 31.788.440 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Theo bộ trên, các ca bệnh phục hồi liên tục tăng đã góp phần làm giảm số ca tử vong. Trong 24 giờ qua, đã có thêm 32.926 bệnh nhân bình phục. Với thêm 44.558 ca mắc mới COVID-19, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện đang được điều trị ở nước này là 351.464 ca, trong đó số ca phải điều trị tích cực chỉ chiếm 1,02%.
Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 493 ca tử vong, nâng tổng số bệnh tử vong tại đây lên 436.889 người.
Thủ tướng New Zealand bảo vệ chiến lược "xóa sổ COVID-19"
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Auckland, New Zealand khi lệnh phong tỏa được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19, ngày 18/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã bảo vệ chiến lược "xóa sổ COVID-19" trong bối cảnh đang xuất hiện những quan ngại việc biến thể Delta có thể đảo ngược hiệu quả chống dịch trước đây.
Trong tuyên bố đưa ra sau khi New Zealand ghi nhận thêm 68 ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng Ardern bày tỏ tin tưởng có thể kiểm soát và loại bỏ biến thể Delta khỏi cộng đồng. Theo bà, chiến lược "xóa sổ COVID-19" mà nước này áp dụng vẫn là chiến lược tốt nhất. Nữ Thủ tướng New Zealand cũng khẳng định không quan tâm tới những chỉ trích liên quan đến chiến lược "xóa sổ COVID-19", đồng thời chỉ ra thành công của nước này trong việc ứng phó với đại dịch, khi mới chỉ ghi nhận 26 ca tử vong trong tổng số 5 triệu người dân. Bà cho rằng Delta đã buộc chính quyền phải điều chỉnh chiến lược loại bỏ COVID-19, như phong tỏa nhanh hơn và xét nghiệm rộng rãi hơn và đây vẫn là một mục tiêu hợp lý.
Tuần trước, New Zealand đã ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể Delta ở Auckland, sau 6 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Kể từ thời điểm đó, nước này ghi nhận tổng cộng 277 ca.
Số ca mắc mới ở Australia lần đầu vượt ngưỡng 1.000 ca
Cảnh vắng vẻ tại Sydney, Australia, trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 ngày 20/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 26/8, số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở Australia đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh ở thành phố Sydney.
Theo đó, New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất Australia với thủ phủ là Sydney - ghi nhận 1.029 ca mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Ổ dịch bùng phát ở thành phố Sydney hồi giữa tháng 6 vừa qua đã khiến hơn 15.000 người bị lây nhiễm và lan sang các thành phố khác, buộc toàn bộ vùng Đông Nam Australia phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được miễn trừ một số hạn chế. Theo thông báo của Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian, sau khi bang này đạt mục tiêu thực hiện 6 triệu mũi tiêm vaccine, chính quyền cho phép tối đa 5 người đã tiêm đầy đủ được tụ tập ở không gian ngoài trời tại các khu vực không thuộc danh sách điểm nóng của COVID-19.
Trước đó, chính quyền bang NSW đã gia hạn lệnh ở nhà đến ngày 10/9 do lo ngại biến thể Delta lây lan. Ngày 19/8, Thủ hiến Berejiklian thừa nhận tháng 9 và tháng 10 tới sẽ là những tháng "khó khăn" đối với người dân ở các khu vực bị phong tỏa và ngày càng khó để đạt được mục tiêu "COVID Zero". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh tình hình đại dịch ở bang NSW đã có "ánh sáng cuối đường hầm" khi số người tiêm chủng tiếp tục tăng và chính quyền bang đang xem xét kế hoạch nới lỏng một số hạn chế vào tháng 9 tới khi tỷ lệ tiêm chủng tại đây đạt ngưỡng 70%.
Hiện hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân của Australia vẫn đang trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19.
Bộ Quốc phòng Mỹ bắt buộc tất cả nhân viên phải tiêm phòng vaccine
Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN
Lầu Năm Góc thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành một bản ghi nhớ yêu cầu tất cả nhân viên bộ này phải tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ lãnh đạo các đơn vị trong bộ lập tức khởi động tiêm vaccine cho tất cả các thành viên thuộc các lực lượng vũ trang dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng đang làm nhiệm vụ hoặc thuộc Lực lượng dự bị, bao gồm cả Vệ binh Quốc gia, những người chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine. Công tác tiêm chủng sẽ chỉ sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ.
Trước đó trong tháng 8, Bộ trưởng Austin đã ban hành bản ghi nhớ nói rằng Bộ Quốc phòng dự định yêu cầu tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các quân nhân vào giữa tháng 9, hoặc ngay khi FDA chính thức cho phép. Quan điểm này của ông Austin được Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh. Ngày 23/8, FDA đã cấp phép chính thức vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, đây là loại vaccine đầu tiên được cấp phép đầy đủ để sử dụng cho những người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ.
Cùng ngày, Thị trưởng thành phố Chicago Lori Lightfoot cho biết tất cả viên chức chính quyền thành phố này phải hoàn thành tiêm chủng trước ngày 15/10 tới, song một số trường hợp do lý do sức khỏe hoặc tôn giáo sẽ được miễn trừ. Ông Lightfoot cũng nêu rõ những người trong diện được miễn trừ phải có sự chấp thuận của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ.
Theo thống kê, thành phố Chicago có hơn 30.000 công chức, viên chức. Hồi đầu tháng 8, chính quyền bang Illinois đã yêu cầu buộc tất cả nhân viên làm việc trong các cơ sở tập trung đông người như nhà tù hay nhà dưỡng lão phải tiêm đủ liều trước ngày 4/10.
Brazil sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho người cao tuổi và dễ tổn thương
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Brazil cho biết nước này sẽ triển khai chương trình tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho các đối tượng có vấn đề về hệ miễn dịch và người trên 70 tuổi kể từ giữa tháng 9 tới.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang có xu hướng lây lan mạnh và những nghiên cứu mới đây cho thấy hiệu quả của các loại vaccine đang suy giảm trước các biến thể mới. Bộ Y tế Brazil cũng thông qua việc sử dụng các loại vaccine của AstraZeneca, Johnson & Johnson và Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng trên.
Dự kiến, mũi vaccine bổ sung sẽ được tiêm 28 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2 đối với những người có vấn đề về hệ miễn dịch, trong khi thời gian giữa mũi 2 và mũi tăng cường đối với người từ 70 tuổi trở lên sẽ là 6 tháng. Ngoài ra, kể từ tháng 9, thời gian giữa mũi 1 và 2 của các loại vaccine Pfizer và AstraZeneca sẽ giảm từ 12 tuần xuống 8 tuần đối với tất cả những người bắt đầu tiêm chủng trong giai đoạn này.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đã có khoảng 123,9 triệu người Brazil, tương đương với 59% dân số, đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 55,7 triệu người, gần 26,5% dân số, đã hoàn tất hai mũi vaccine. Đến nay, Brazil đã ghi nhận trên 20,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 577.565 trường hợp tử vong.
Mỹ cảnh báo người chưa tiêm phòng Covid-19 nguy cơ nhập viện cao gấp 29 lần Một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra rằng, những người chưa tiêm chủng vắc xin Covid-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp 29 lần người đã tiêm đủ liều. Mỹ hiện ghi nhận hơn 38,9 triệu ca Covid-19 và trên 648.000 người tử vong vì dịch (Ảnh minh họa: Reuters)....