Washington tê liệt khi giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng
Giá dầu xuống mức thấp nhất từ trước đến nay vào ngày 20/4. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra được phương án vực dậy giá dầu.
Các hãng hàng không, nhà hàng, nhà bán lẻ, nông dân và hàng loạt các ngành công nghiệp khác đang nhận được hàng tỷ USD tiền cứu trợ khi nền kinh tế Mỹ lao đốc vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ của Mỹ lại đang thua lỗ.
Giá dầu giao kỳ hạn của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay vào hôm 20/4, ở mức -37,63 USD /thùng. Con số này đã phá vỡ kỷ lục thấp nhất trước đó là 10 USD/thùng vào năm 1986, theo Politico.
Một nhà máy lọc dầu ở Texas, Mỹ. Ảnh: AP.
Các nhà hoạch định chính sách đang phải cố gắng giải quyết tình trạng dư thừa dầu thô có thể đẩy ngành công nghiệp này vào suy thoái và khiến hàng chục công ty phá sản.
Nước Mỹ lúng túng
Nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách Mỹ chỉ tập trung đưa ra các chính sách để đảm bảo việc giá dầu tăng cao trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ sẽ không quay lại. Họ đã tạo ra một kho dự trữ quốc gia để đảm bảo nguồn cung có sẵn cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, với việc lượng dầu Mỹ sản xuất đạt mức kỷ lục vào cuối năm ngoái và các bể chứa hiện tràn dầu, Washington có rất ít công cụ để nâng giá dầu và giữ cho ngành công nghiệp năng lượng không sụp đổ.
“Chính phủ Mỹ có rất ít khả năng thay đổi tình trạng này”, nhà phân tích về dầu mỏ của ngân hàng Raymond James, ông Pavel Molchanov cho biết. “Vấn đề là có tới 20% nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu bây giờ không cần dùng dần nữa, chủ yếu là do các biện pháp hạn chế để ngăn virus corona”.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã được khen ngợi vì thúc đẩy Nga và Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến giá dầu và giảm lượng dầu vận chuyển đến các nơi khác. Tuy nhiên, việc cắt giảm sẽ không có hiệu lực cho đến đầu tháng tới. Điều này ảnh hưởng đến giá dầu thô trong thời gian ngắn và khiến các nhà sản xuất dầu phải vật lộn để tìm kho lưu trữ sản phẩm của họ.
Khi được hỏi về các nỗ lực để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã chuyển các câu hỏi này cho Hội đồng An ninh Quốc gia. Tuy nhiên, ủy ban này không trả lời. Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ cũng không trả lời các câu hỏi.
Sau khi Quốc hội từ chối yêu cầu chi 3 tỷ USD để mua dầu đổ đầy kho Dự trữ Dầu Chiến lược của Bộ Năng lượng, cơ quan này đã thay đổi phương pháp và hiện cho phép các công ty thuê chỗ để chứa 30 triệu thùng dầu. Tuy nhiên, số dầu này và 47 triệu thùng dầu khác có thể được đưa vào kho lưu trữ liên bang trong những tuần tới chỉ chiếm phần nhỏ số dầu dư thừa. Các bể chứa dầu tư nhân đang được đổ đầy với tốc độ 2 triệu thùng dầu một ngày.
“Làn sóng phá sản sắp quét qua ngành dầu mỏ”
Các báo cáo rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét trả tiền cho các công ty dầu mỏ ngừng bơm dầu và xem lượng dầu vẫn còn dưới lòng đất là một phần trong kho dự trữ quốc gia của Mỹ không khiến các công ty dầu mỏ thấy an tâm.
Ông Dan Eberhart, giám đốc điều hành của công ty dịch vụ dầu mỏ Canary LLC, đã bác bỏ thông tin các công ty được trả tiền để ngưng bơm dầu và gọi đây là “câu chuyện đánh lạc hướng”.
“Một làn sóng phá sản sắp sửa quét qua ngành dầu mỏ”, ông Eberhart nói với Politico.
Các hợp đồng tương lai dầu thô của Mỹ vào tháng 5 có thể còn dưới 6 USD/thùng do các thương nhân buộc phải bỏ các khoản đầu tư trước khi hết hạn hợp đồng. Giá dầu trong các hợp đồng tháng 6 đã giảm khoảng 2,50 USD xuống còn 22,60 USD/thùng.
Một công nhân dầu mỏ tại công ty dầu mỏ ở Mexico. Ảnh: New York Times.
Các quan chức của ngành công nghiệp năng lượng cũng nói rằng chính quyền Mỹ đã đảm bảo với Saudi Arabia rằng chính phủ liên bang sẽ không trực tiếp viện trợ cho các công ty dầu khí Mỹ. Thay vào đó, họ sẽ để thị trường buộc doanh nghiệp phải đưa ra quyết định để giảm nguồn cung thừa.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), Nga và một nhóm các nhà sản xuất khác đã đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày bắt đầu từ tháng 5. Các nhà sản xuất ở Mỹ và Canada cũng đóng cửa các giếng khoan để loại bỏ hàng triệu thùng dầu trong những tháng tới. Chỉ đến khi nguồn cung dầu được thu hẹp hoặc có sự phục hồi trong nhu cầu toàn cầu, ngành công nghiệp này mới có thể ổn định trở lại. Nhu cầu dầu trên toàn cầu ước tính đã giảm từ 20-30 triệu thùng dầu một ngày.
Tệ hơn nữa, trước khi Saudi Arabia đồng ý cắt giảm lượng dầu đưa tới Mỹ, một nhóm tàu chở dầu đã xuất phát. Số dầu này sẽ làm tăng áp lực lên kho lưu trữ trừ khi một quốc gia khác mua trước khi nhóm tàu này cập cảng ở Mỹ.
“Cảnh này giống như trong một số bộ phim từ những năm 1980 khi tổng thống Mỹ và người đứng đầu Liên Xô đi đến thỏa thuận tạm dừng chiến tranh hạt nhân nhưng một chiếc máy bay không nhận được lệnh quay lại”, một quan chức trong ngành theo dõi các con tàu này cho biết.
Như Trần
Tố Moscow thù địch, Mỹ muốn hất Nga khỏi OPEC+
Hoa Kỳ cáo buộc Nga hành động thù địch trong lĩnh vực năng lượng và muốn hất cẳng Nga khỏi định dạng OPEC .
Hồi đầu tháng 3, các nước OPEC đã không thể nhất trí về việc thay đổi các thông số thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu, mà cũng chẳng tán thành gia hạn thoả thuận. Saudi Arabia khăng khăng đòi giảm thêm sản lượng khai thác, nhưng điều này không hợp ý Nga, Moscow đề xuất duy trì những điều khoản hiện có, vì Nga đã ký nhiều hợp đồng dài hạn từ trước.
Kết quả là kể từ ngày 1 tháng 4, các thành viên tham gia giao kèo OPEC sẽ không còn bất kỳ nghĩa vụ nào nữa. Tiếp đến, Saudi Arabia tuyên bố ý định tăng sản lượng, giảm giá và mời chào các khách hàng châu Âu mua khối lượng lớn với mức khuyến mại. Động thái này dẫn đến tuột dốc giá các mác dầu trên thị trường thế giới, kể từ đầu năm, giá đã hạ hơn gấp đôi.
Thế nhưng, tất cả những sự kiện không mong muốn này xuất phát từ sự bất đồng quan điểm giữa nhiều bên, đều bị Mỹ quy trách nhiệm cho Nga.
Thông cáo báo chí sau cuộc họp báo ngắn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 21/3 đã chỉ ra rằng, Nga là kẻ "có hành động thù địch trong lĩnh vực năng lượng" và gọi Moscow là "kẻ chơi xấu" nhưng từ chối bình luận về khả năng áp dụng biện pháp trừng phạt mới.
Trước đó, tờ báo Mỹ "Nhật báo phố Uôn" (Wall Street Journal) đã dẫn nguồn tin riêng thông báo rằng, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang xem xét khả năng can thiệp vào đà tuột dốc của giá dầu và sử dụng đòn bẩy ngoại giao để buộc Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác nguyên liệu thô này. Còn trong quan hệ với Nga, Hoa Kỳ có thể áp đặt thêm những chế tài trừng phạt mới chống Moscow.
Mỹ đang muốn chia rẽ Nga với OPEC, nhất là với Saudi Arabia
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/3 cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào thị trường dầu mỏ "đúng thời điểm cần thiết".
"Nói về điều này (về khả năng áp đặt trừng phạt) là hoàn toàn trái với chính sách của chúng tôi, vì thế tôi sẽ không bình luận...
Tôi đã dẫn ra ví dụ hàng loạt trường hợp khi Nga sử dụng năng lượng như một kẻ chơi xấu, phục vụ cho mục đích thù địch. Hãy cứ để những sự kiện đó tự nó nói lên" - đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố khi trả lời câu hỏi về khả năng sử dụng biện pháp trừng phạt chống Nga như một cách thức để bình ổn giá dầu.
Ông này cũng lưu ý rằng, Hoa Kỳ không tham gia thảo luận về sự phát triển tiếp theo của tình hình với từng quốc gia riêng lẻ, nhưng kêu gọi tất cả các nước thực thi những biện pháp có trách nhiệm đối với vận mệnh chung của cộng đồng quốc tế.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả hãy chú ý đến thời điểm hiện tại với sự chao đảo bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, hãy thi hành các biện pháp trách nhiệm để có thể cùng nhau vượt qua" - đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định.
Tờ Wall Street Journal cho biết rằng, trong bối cảnh đó, các quan chức từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đang hối thúc chính quyền Tổng thống Donald Trump tạo lập liên minh dầu mỏ với Saudi Arabia để điều chỉnh giá dầu.
Theo ý kiến của các quan chức Mỹ, giải pháp như vậy sẽ tránh được chung cục sụp đổ nghiêm trọng của giá dầu, đồng thời cũng có thể làm phai nhạt quan hệ đối tác của Saudi Arabia với Nga. Như tờ báo Mỹ chỉ ra, điều đó có thể dẫn đến việc Vương quốc Ả rập này rời bỏ thành phần OPEC hoặc hất cẳng Nga khỏi định dạng OPEC .
Đáng chú ý là có một số phương án tiềm năng cho liên minh dầu mỏ mới có sự tham gia của Mỹ và Saudi Arabia, một trong đó dự trù sử dụng lượng dầu dự trữ của quốc gia.
Theo dữ liệu của tờ báo Mỹ, kế hoạch như vậy đang được thảo luận giữa các quan chức của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, nhưng chưa có sự chấp thuận của ban lãnh đạo Bộ và cũng chưa được đệ trình lên Nhà Trắng, nên chưa thể khẳng định chắc chắn rằng nó có được hiện thực hóa hay không.
Nhật Nam
Sau 6 năm, tài sản của hoàng thân Saudi Arabia bốc hơi hơn 22 tỷ USD Được mệnh danh là "Warren Buffett Trung Đông", Hoàng thân Alwaleed bin Talal từng bị bắt và giam giữ tại khách sạn xa xỉ Ritz-Carlton trong gần 3 tháng vào năm 2017. So với thời hoàng kim vào năm 2014, tài sản của Hoàng thân Alwaleed bin Talal xứ Saudi Arabia đã sụt 22,3 tỷ USD, tương đương 62%, xuống còn 13,8 tỷ...