Washington hóa ‘pháo đài’ an ninh
Thủ đô Washington của Mỹ biến thành một “pháo đài” an ninh trước lễ nhậm chức của Biden, gây không ít bất tiện cho người dân thành phố.
Chuck Weathers sáng 18/1 đợi xe buýt ở Columbia Heights, một khu dân cư tập trung nhiều cửa hàng và các tòa nhà cổ kính nằm cách Đồi Capitol khoảng 6 km về phía bắc. Trời lạnh và xe buýt vẫn không thấy đâu. Weathers rất bực mình.
“Chúng tôi chẳng làm gì cả, nhưng nay nó lại trở thành rắc rối của chúng tôi”, ông nói, đề cập đến người dân thủ đô Washington.
Rắc rối mà Weathers gặp phải là việc di chuyển quanh thủ đô Washington dường như ngày càng trở nên khó khăn hơn khi thành phố phải căng mình đối phó với nguy cơ xảy ra bạo lực vào ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden 20/1.
Vệ binh Quốc gia bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Washington, Mỹ, ngày 17/1. Ảnh: AP.
Hàng nghìn binh sĩ Vệ binh Quốc gia từ khắp các bang đã đổ về thủ đô, nơi những chiếc xe tải quân sự án ngữ giữa các con phố để cấm đường và các ga tàu điện ngầm cùng hàng loạt tuyến phố đã bị đóng.
Trung tâm Washington đã bị phong tỏa, với hàng loạt hàng rào thép được dựng lên. An ninh được thắt chặt tối đa nhằm ngăn chặn kịch bản bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1 lặp lại.
Các lớp an ninh dày đặc được triển khai khiến Washington chìm trong bầu không khí hoang mang, lo âu, trong bối cảnh xuất hiện không ít tin đồn về các mối đe dọa tấn công từ những kẻ khủng bố trong nước nhằm cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Biden.
Weathers, 56 tuổi, lên kế hoạch dành ngày nghỉ lễ Martin Luther King hôm 18/1 với vài người bạn, nhưng họ sống ở đầu kia thành phố.
“Tàu điện ngầm hỗn loạn hết cả. Tôi không biết bao giờ xe buýt đến nữa”, ông nói.
Điều tồi tệ hơn là Weathers không biết phải đến nơi làm việc, một quán ăn ở trung tâm thành phố, như thế nào trong hai ngày tới. “Tôi đoán mình sẽ phải đi bộ”, ông cho hay.
“Họ đều nói về ‘những người đó’”, ông bày tỏ trong giận dữ, đề cập tới đám đông quá khích gây bạo loạn ở Đồi Capitol hồi đầu tháng. “Nhưng dân thường chúng tôi không liên quan gì đến việc họ làm. Chỉ toàn gây rắc rối, khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Vì cái gì cơ chứ?”.
Những người dắt chó đi dạo, người đi xe đạp và người đi đường bình thường khác tại Washington đang bị mắc kẹt trong một mê cung kiên cố với các hàng rào an ninh bằng kim loại phút trước không thấy đâu nhưng lát sau đã chắn kín lối đi.
Những công nhân cáu kỉnh xếp hàng dài trước các trạm kiểm soát mới được dựng lên dọc theo khuôn viên công viên National Mall ở trung tâm thủ đô, lo lắng sắp trễ giờ làm việc.
Những thành viên đầy căng thẳng của Cơ quan Mật vụ và các lực lượng an ninh khác thở dài trong bộ đàm, cố gắng cập nhật thường xuyên các quy định an ninh mới.
Một người đi xe đạp chán nản hôm 17/1 tiếp cận một sĩ quan cảnh sát trên ngã tư đông đúc gần National Mall. “Ngài cảnh sát, làm thế nào để tôi thoát khỏi vùng chiến sự này”, anh nói.
Người đàn ông chỉ về hướng nam, nơi có bức tường rào màu đen khổng lồ chắn ngang đường, miệng càu nhàu “Tôi sống ngay sau cái khối kia”. Cuối cùng, anh nhận được chỉ dẫn từ một sĩ quan khác, người dường như chỉ quan tâm đảm bảo con đường luôn thông suốt.
Chiều Chủ nhật, các con phố vắng vẻ, nhiệt độ đang giảm và Wendell McCollough không thể tìm được đường vào JW Marriott. Khách sạn này, ở mặt phía bắc Quảng trường Tự do (Freedom Plaza), vốn là một điểm lưu trú nổi tiếng cho khách du lịch và các quan chức nước ngoài tới thăm Mỹ. Nhưng nay, nó bị bao quanh bởi những hàng rào thép, rào chắn bê tông và các trạm kiểm soát. Lối vào thường ngày của nó đã bị chặn lại.
“Làm sao tôi vào được cái nơi chết tiệt đó”, McCollough vừa nói vừa lê chiếc vali của mình quanh một góc, tìm đường đến tiền sảnh khách sạn.
McCollough, 50 tuổi, đến từ Terre Haute, bang Indiana, đang trên đường tới thăm anh trai mình ở Maryland thì quyết định nghỉ lại vài đêm ở Washington để gặp bạn bè. Ông biết thủ đô sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng “không nghĩ mọi thứ điên khùng đến mức này”.
Washington hóa “pháo đài an ninh” trước lễ nhậm chức của Biden. Video: WP .
Tricia Ortiz, 48 tuổi, trong lúc dắt chó đi dạo cùng một người bạn hôm 17/1 đã đến trung tâm thành phố để xem mọi chuyện ồn ào đang diễn ra. Bà là cựu binh và một trong những nhiệm vụ cuối cùng Ortiz đảm nhận trước khi nghỉ hưu là phục vụ lễ nhậm chức thứ hai của tổng thống George W. Bush.
“Lúc đó, tôi nhanh chóng cảm nhận được bầu không khí hồ hởi, thú vị ở Washington”, Ortiz chia sẻ. “Tình hình hiện tại khác xa trước đây, không có bất kỳ đám đông nào. Tôi có cảm giác như chúng ta đang ở trong thời chiến vậy”.
Các cơ sở kinh doanh ở trung tâm thành phố, vốn đã lao đao vì đại dịch Covid-19 nay càng trở nên kiệt quệ. Gần Quảng trường Farragut hồi cuối tuần qua, một phụ nữ ngồi lẻ loi bên chiếc bàn gấp bày bán những chiếc mũ theo chủ đề về Tổng thống Trump cùng phụ kiện mùa đông. Hầu như không có khách nào tới mua hàng.
“Tất cả là do vụ bạo loạn Đồi Capitol”, cô nói, liếc nhìn con đường vắng phía sau.
Mặt tiền nhiều tòa nhà hiện bị chắn lại bằng những tấm ván ép. Đa số nhà hàng, khách sạn, quán cà phê đều đã đóng cửa hoặc dán thông báo ở cửa về việc sẽ ngừng hoạt động những ngày còn lại trong tuần.
Nữ quan chức chịu áp lực chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ
Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công Emily Murphy biết rõ từ trước ngày bầu cử rằng bà sẽ gặp phải tình huống phức tạp về chuyển giao quyền lực.
Trước ngày bầu cử 3/11, Emily Murphy, giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công (GSA), đã liên lạc với Dave Barram, 77 tuổi, người từng nắm giữ chức vụ này 20 năm trước.
Cuộc trò chuyện qua ứng dụng trực tuyến Zoom này là cơ hội để Barram chia sẻ cho Murphy trải nghiệm khó khăn khi ông thực hiện nhiệm vụ xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và khởi động quá trình chuyển giao quyền lực.
Barram là giám đốc GSA trong mùa bầu cử năm 2000, chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush và đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ.
"Tôi đã nói với Murphy 'Tôi sẽ kể cho cô những điều mẹ tôi đã dặn: 'Nếu con làm những điều con cho là đúng, tất cả những gì con phải làm là sẵn sàng sống với hậu quả của nó'", Barram nhớ lại cuộc trò chuyện với nữ Giám đốc GSA, song không tiết lộ Murphy đã chia sẻ điều gì với ông.
Giám đốc GSA Emily Murphy phát biểu tại thủ đô Washington hồi tháng 6/2019. Ảnh: AP.
Đã 10 ngày kể từ khi truyền thông Mỹ xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử, Giám đốc GSA Murphy vẫn chưa ký giấy xác nhận ứng viên Dân chủ là người chiến thắng cuộc bầu cử, khiến quá trình chuyển giao quyền lực bị đình trệ.
Chỉ khi Murphy ký giấy xác định Biden là người thắng cử, nhóm của ông mới có thể tiếp cận các cơ quan chính phủ để bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Các quan chức chính quyền cũng nói rằng họ sẽ không cho Biden tiếp cận báo cáo tình báo hàng ngày của Tổng thống cho đến khi GSA có thông báo chính thức.
Trên mạng xã hội, Murphy đang bị những người ủng hộ Biden chỉ trích, cho rằng bà cố tình cản trở quá trình chuyển giao quyền lực một cách dân chủ. Tuy nhiên, những người ủng hộ Trump lại bảo vệ hành động của Murphy, khẳng định bà hành động đúng đắn vì Tổng thống vẫn theo đuổi các nỗ lực pháp lý về cáo buộc gian lận bầu cử.
Murphy nhậm chức Giám đốc GSA năm 2017 và sớm vướng vào tranh cãi về kế hoạch di dời trụ sở của FBI, tòa nhà vốn thuộc quản lý của GSA, ra khỏi trung tâm Washington. Kế hoạch phá dỡ tòa nhà cũ và chuyển trụ sở FBI ra khỏi thủ đô đã được hoạch định trong một thập kỷ qua, nhưng vấp phải sự phản đối của Tổng thống Trump.
Nhiều thành viên Dân chủ sau đó cáo buộc hành động này của Trump là vì "lợi ích cá nhân", do ông lo ngại khi FBI di dời, trụ sở cũ sẽ xây một dự án thương mại khác và có thể cạnh tranh với khách sạn của ông gần đó.
Murphy, 47 tuổi, lãnh đạo một cơ quan gồm 12.000 người, phụ trách quản lý các tòa nhà liên bang, có nhiệm vụ ký các thủ tục giấy tờ chính thức sau khi có tổng thống đắc cử. Trước thềm bầu cử, cái tên Murphy và cơ quan GSA của bà dường như vẫn khá "xa lạ" với mọi người.
Vai trò của Murphy và GSA đang gây chú ý khi quá trình chuyển giao quyền lực cho ứng viên Dân chủ Joe Biden diễn ra quá chậm, bất chấp truyền thông dự đoán ông giành được tới 306 phiếu đại cử tri. Nhóm của Biden đã dọa có hành động pháp lý khi GSA chậm trễ công nhận chiến thắng và chuyển giao quyền lực.
Mỹ phong tỏa Đồi Capitol Đồi Capitol bị phong tỏa do "mối đe dọa an ninh bên ngoài", những người đang tham gia diễn tập lễ nhậm chức của Biden cũng được sơ tán. "Gửi đến mọi tòa nhà trong khu tổ hợp Đồi Capitol: Do mối đe dọa an ninh bên ngoài được phát hiện dưới cây cầu ở đường I-295, mọi hoạt động ra vào đều...