Vượt khó để học trực tuyến
Ở vùng sâu, vùng xa, nhiều học sinh gặp muôn vàn khó khăn trong việc học trực tuyến khi không có thiết bị công nghệ cao, đường truyền kém, sóng chập chờn…
Giàng A Trang.
Song, bằng tất cả niềm hăng say học tập, tinh thần vượt khó, các em đã khắc phục mọi khó khăn để theo đuổi việc học.
Hà Văn Quân, dân tộc Mường, học sinh lớp 11A6 Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, sinh ra và lớn lên tại xã Trung Thành (Quan Hóa, Thanh Hóa). Là vùng đặc biệt khó khăn, nơi Quân sinh sống chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông chỉ là lối mòn, xung quanh cây cối mọc um tùm.
Vì hoàn cảnh gia đình, địa phương, Quân phải học online qua chiếc điện thoại dùng sim 4G. Địa điểm học của Quân vì thế thay đổi liên tục. Lúc là góc sân nhỏ, hay góc nhà hoặc trên những bậc cầu thang nhà sàn quen thuộc để… bắt được sóng. Đôi khi mạng chập chờn, khó nghe nên sau tiết học Quân chủ động xin lại tài liệu từ thầy cô để nắm vững bài thầy cô đã dạy.
Cùng học Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Giàng A Trang, học sinh lớp 10A2, dân tộc Mông đến từ vùng đất Trung Thu (Tủa Chùa, Điện Biên), nơi có lẽ mạng
Internet còn là một thứ gì đó xa xỉ với người dân. Thế nhưng, những thiếu thốn chỉ khiến cậu học sinh chăm ngoan thêm quyết tâm hơn trong học tập. Trang chia sẻ: Từ lúc nhà trường tổ chức học trực tuyến, em phải xin anh trai cho đi theo xuống huyện ở trọ để có mạng. Đường xa, đi cũng mệt nhưng để học tập như các bạn, em phải quyết tâm, cố gắng ở mức cao nhất.
Khi anh trai đi làm, Trang ở lại phòng trọ để học. Đường truyền mạng còn chập chờn và yếu, nhiều khi em phải mang sách vở ra ngoài sân để có thể nghe giảng. Hết giờ học, Trang tranh thủ thời gian để làm nhanh các bài tập phải nộp cho thầy cô.
Hà Văn Quân.
Video đang HOT
Ngoài Quân, Trang, còn nhiều học sinh khác đang khắc phục khó khăn để ổn định học tập. Cô Lục Thúy Hằng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc cho biết: Học online đối với học sinh khu vực thành phố, thị xã không còn xa lạ nhưng với đặc thù của trường dân tộc nội trú, phần lớn học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, hình thức học này không hề đơn giản. Nơi các em sinh sống không có mạng Internet, sóng điện thoại chập chờn, thậm chí có nơi còn chưa được phủ sóng điện lưới quốc gia.
Dù khó khăn như vậy, nhưng học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc luôn cố gắng vươn lên, khắc phục hoàn cảnh để có thể bảo đảm việc học của mình. Có em phải đi ở nhờ nhà họ hàng, bạn bè, nơi cách nhà hàng chục cây số. Có em dựng lán trên đồi để bắt sóng, có em đạp xe ra ủy ban xã để học nhờ… Nhờ nỗ lực của các em, cùng ủng hộ từ phụ huynh, sự đồng lòng, quyết tâm và tận tình của thầy cô giáo nên chương trình dạy và học online của nhà trường được thực hiện liên tục, có hiệu quả và xuyên suốt thời gian qua.
Sau mỗi buổi học, Quân dành thời gian giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Có hôm nhà nhiều việc em phải thức khuya để học. Nhưng vì không có điện lưới, việc học đêm phụ thuộc vào cây đèn dầu nhỏ, nhiều khi chưa làm xong bài tập đã hết dầu. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng Quân không từ bỏ và luôn cố gắng từng ngày để kết quả học tập cao hơn.
Vân Anh
Xúc động câu chuyện học sinh vùng cao vượt núi, băng nương tìm con chữ qua sóng internet thời dịch Covid -19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 hiện nay, để đảm bảo sức khỏe của học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã quyết định cho các em nghỉ học và triển khai việc dạy học trực tuyến.
Phóng viên ANTĐ đã liên hệ với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) để viết lại những câu chuyện xúc động về các em học sinh hàng ngày vượt núi tìm sóng để học trực tuyến...
Hành trình đấy vất vả của các em học sinh vùng cao để được học online
Dựng lán, gùi sách vở, gạo, muối lên điểm cao để học bài
Cô Hoàng Phương Mai, giáo viên ngoại ngữ của trường cho biết, việc học online đối với học sinh khu vực thành phố, thị xã đã không xa lạ nhưng với tình hình đặc thù của trường dân tộc nội trú, phần lớn học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc học online lại không hề đơn giản.
Nơi các em sinh sống không có mạng wifi, sóng điện thoại chập chờn, thậm chí có nơi còn chưa được phủ sóng lưới điện. Dù khó khăn như vậy, nhưng các em học sinh luôn cố gắng vươn lên, khắc phục hoàn cảnh để có thể đảm bảo việc học của mình. Có em đi ở nhờ nhà họ hàng, bạn bè cách nhà hàng chục cây số, có em dựng lán trên đồi để bắt sóng, có em mỗi ngày đạp xe ra Ủy ban xã để học nhờ...
Sau khi được nghỉ học, Pờ Hùng Sơn, học sinh lớp 12A8, dân tộc La Hủ trở về nhà ở Bum Tở, Mường Tè - Lai Châu. Nhà Sơn ở khu vực sóng điện thoại yếu nên không thể dùng 3G để học online. Điểm có sóng thì nằm giữa đồi núi, gió mưa bất chợt.
Thương con, bố Sơn đã mất một ngày làm lán trên đồi để Sơn học. Gần 1 tháng nay, Sơn vẫn đi bộ gần 1 tiếng đồng hồ ra lán để học. Trên vai Sơn ngoài sách vở còn là củi, gạo, muối vừng... "Đường xa, em phải đi sớm nên mang cả đồ ăn đi để học. Với đồng bào dân tộc chúng em, cái chữ đáng quý lắm. Hôm nào đang học mà tự dưng mất sóng điện thoại là tủi thân đến phát khóc", Sơn chia sẻ.
Em Quang Thế Hà, học sinh lớp 10A10 học bài online trên lán
Cũng như Sơn, Quang Thế Hà, học sinh lớp 10A10 (bản Cướm, xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) trong buổi học online đầu tiên đã phải xin nghỉ để làm lán ngồi học.
Hà chặt tre, nứa, tìm lá cọ đưa lên đồi dựng lán ở chỗ cao nhất mà trâu bò không đến và phá được - đó cũng là điểm duy nhất có sóng đủ để online. Chỗ Hà ở, chưa có điện lưới quốc gia. Người dân chủ yếu dùng máy phát điện đặt dưới suối Để chuẩn bị cho việc học. Để điện thoại đủ pin cho một buổi học trực tuyến, mỗi tối Hà đi khắp các nhà trong xóm, nhà ai dư điện thì xin sạc pin nhờ...
Sùng A Vang, lớp 11A10 ở Tà Đằng, Xà Hồ,Trạm Tấu, Yên Bái kể: "Gia đình em có 4 anh chị em, mẹ không biết chữ, gia đình kinh tế khó khăn, xã em ở thuộc vùng không có sóng wifi, mạng 3G chập chờn. Để đảm bảo cho việc học online, em đã mang theo gạo và thực phẩm ra huyện cách 14km để trọ học. Đường xa và khó đi nên em ở trọ 3 hoặc 4 ngày mới về nhà. Có những hôm nhà nhiều việc, em phải đi làm giúp đỡ bố mẹ nên em phải nghỉ học. Những lúc đó rất nhớ lớp, nhớ thầy cô và rất tiếc khi mất những tiết học quý giá".
Để động viên học sinh học tập, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc lên danh sách những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gửi thẻ điện thoại 200.000 đồng cho mỗi em để nạp, đăng ký 3G, 4G học online.
Đoàn trường đăng tải hình ảnh học sinh "Tạm dừng đến trường - Không dừng học" lên mạng xã hội để lan tỏa tinh thần vượt khó học tập. Từ đó, nhiều cựu học sinh, nhà tài trợ cũng biết đến, ủng hộ tiền, thậm chí cả điện thoại giúp các em.
Với sự cố gắng của thầy và trò, tỷ lệ học online ban đầu chỉ 50%, sau tăng dần lên 70% và hiện là khoảng 90%. Ví dụ lớp 12A8 có 42 học sinh, trong đó một nửa thuộc dân tộc rất ít người nhưng 100% đã tham gia học trực tuyến.
Vàng A Tường, dân tộc Mông, học sinh lớp 11A9 mong mỏi dịch bệnh Covid -19 qua đi để được quay lại trường
Mong muốn cháy bỏng được đến trường...
Để có thể học online, mỗi buổi sáng Vàng Ha Mé (học sinh lớp 12A8 ở Mường Tè, Lai Châu) phải đạp xe ra khu vực có sóng điện thoại cách nhà gần 4km để ngồi học. Bạn cùng lớp và gần nhà Mé là Ly Giò Nu thì vất vả hơn nhiều. Gia đình Nu là hộ nghèo, Nu sớm mồ cô bố, và có 2 em nhỏ. Bà của Nu bị ốm nặng, phải nằm liệt giường. Hàng ngày Nu phải chăm sóc bà, làm nương cùng mẹ.
Thời gian nghỉ Tết, Nu đi làm thuê ở dưới huyện để kiếm tiền phụ giúp mẹ, sau khi dịch bùng phát, em về nhà phụ mẹ làm nương. "Năm nay là năm quan trọng trong cuộc đời em. Em quyết tâm phải đỗ đại học; sớm có việc làm để đỡ đần cho mẹ...Khó khăn thế nào em cũng phải học bằng được", Nu - cô gái La Hủ, một trong những học sinh giỏi của trường vùng cao Việt Bắc nói.
Câu chuyện của Vàng A Tường, dân tộc Mông học sinh lớp 11A9 ở bản Nậm Pố - xã Mường Nhé - huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên khiến ai cũng phải xúc động. Tường là một trong những học sinh giỏi của trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, từng đoạt giải Khuyến khích tỉnh Thái Nguyên môn GDCD năm học 2018 - 2019; giải Khuyến khích môn GDCD lớp 12 cấp trường (vượt cấp).
Tường cho biết, hiện tại, gia đình em đang rất khó khăn, nhà thiếu gạo. Anh trai phải lên rừng đi tìm ong về bán mua gạo... Bố Tường thì hay uống rượu. Khi say thì mất kiểm soát, đánh đuổi vợ con. Để học online kịp các bạn, Tường phải dậy sớm về trông cháu để mẹ và chị dâu nấu sáng ăn mới kịp được các bạn học và kịp được mọi người đi làm. Tường mượn sim mạng của mẹ vào để học, tốc độ đường truyền thấp nên thi thoảng cũng không vào được tốt như các bạn khác.
"Gia đình em hiện tại là có 6 người. Em mong muốn nếu có thể học vào buổi tối thì tốt hơn, ban ngày em sẽ đi kiếm việc làm hoặc đi làm giúp bố mẹ và lúc đó đi làm về mọi người ngủ hết và mát mẻ hơn, điện thoại đỡ nóng hơn vì trên chỗ em rất nắng. Em mong dịch bệnh Covid -19 qua đi càng sớm càng tốt để em được đi học trở lại bởi nhà không có gạo ăn, nếu em đi học sẽ bớt một chút khó khăn cho gia đình", Tường nói.
Cô Trần Thị Thanh Huệ, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên - An ninh, Bí thư Đoàn trường Phổ thông Việt Bắc cho biết, trường có hơn 2.500 học sinh đến từ 20 tỉnh vùng núi từ Quảng Bình trở ra Bắc, đa số ở vùng sâu, mạng, điện chập chờn, gặp khó khăn khi học online. Nhà trường sẽ tiếp tục lên danh sách học sinh còn khó khăn để hỗ trợ. Với những em không thể học online, trường sẽ có kế hoạch dạy bù khi các em quay trở lại trường...
Những ngày vừa qua, các tỉnh vùng núi phía Bắc mưa gió, mưa đá nhiều. Những ngày đó, các em học sinh đều phải nghỉ không thể học online. Khó khăn bủa vây nhưng các em luôn hoàn thành đầy đủ các bài tập được giao.
Dịch bệnh và những vất vả đời thường ấy không thể cản bước những "bông hoa" đầy sức sống của núi rừng, bởi con đường đến với cái chữ là khát khao cháy bỏng để các em vươn lên, thoát nghèo và xây dựng quê hương...
Phú Khánh
Cảm động học sinh vùng cao băng rừng, "hứng" mạng học trực tuyến Để đảm bảo kế hoạch học tập của nhà trường, nhiều học sinh THPT ở vùng cao miền núi phía Bắc phải băng rừng nhiều km, leo mỏm đá "hứng" sóng để học trực tuyến. Nơi nào có sóng, ở đó thành lớp học Từ bản Háng Á - Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cứ đều đặn 7h30 và 13h30...