Vườn rau trường học nhân lên tình yêu thiên nhiên cho học sinh
Mô hình vườn rau dinh dưỡng, chuyên canh các loại rau xanh theo phương pháp hữu cơ nằm ngay trong khuôn viên trường học không chỉ là giáo cụ đắc lực để giáo viên truyền tải bài giảng tới học sinh một cách sinh động mà còn giúp nhân lên tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường cho các em nhỏ.
Khu vườn xanh tốt với nhiều loại rau trái đang trong vụ đông của thày trò Trường tiểu học Tống Phan.
Khu vườn nhỏ bốn mùa có các loại rau trái xanh tốt nằm ngay sau tòa nhà lớp học là thành quả của cô trò Trường tiểu học Tống Phan sau một năm tạo dựng. Các vị khách tới thăm ngôi trường với chưa đến 300 học sinh và 26 cán bộ, giáo viên ở huyện Phù Cừ, Hưng Yên sẽ đều được các giáo viên và học sinh tự hào giới thiệu và dẫn vào thăm vườn.
Cả khu vườn có diện tích chỉ khoảng 200m2, nhưng rất tươi tốt với các loài cây trồng đa dạng: rau xanh, đậu đỗ, cà rốt, cà chua, su hào, đu đủ… do chính tay các thày cô và học sinh chăm sóc, tưới bón hằng ngày.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Tống Phan Bùi Đình Sòn giới thiệu, khu vườn bắt đầu được nhà trường thực hiện từ tháng 11-2018, theo Chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường do Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, Viện dinh dưỡng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Néstle Việt Nam hỗ trợ triển khai. Cùng với việc thiết kế và hỗ trợ thiết bị để xây dựng vườn rau dinh dưỡng, nhà trường còn được trang bị phòng tin học với 15 bộ máy vi tính, hai bộ cột gôn bóng đá và bóng rổ…để học sinh tìm hiểu về dinh dưỡng, tăng cường vận động và phát triển thể lực.
Điều thú vị là, cùng với sự hướng dẫn của chuyên gia nông nghiệp, các thầy cô và các em học sinh rất hào hứng tham gia trực tiếp vào các công đoạn gieo trồng, chăm sóc, nhìn cây trồng lớn lên và thu hoạch sản phẩm rau củ sạch.
Video đang HOT
Các cô giáo cho biết, khu vườn đã gắn liền với các bài học trên lớp của học sinh. Như với các em lớp 3, khi học về cây trồng với các bài học về thân, rễ, lá… thì giáo viên có thể dẫn các em xuống vườn để trực tiếp tìm hiểu. Không khí những giờ học như vậy rất vui tươi, phấn khởi.
Để xây dựng được khu vườn cho học sinh như hôm nay, phải nhắc tới một cán bộ rất tâm huyết đến từ Trung tâm nông nghiệp hữu cơ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đó là giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Dinh.
Cô Dinh là người đã trực tiếp lo thực hiện các khâu từ thiết kế cảnh quan, phân luống, bố trí các loại rau sao cho đa dạng, đến việc hướng dẫn kỹ thuật trồng rau hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, hướng dẫn cho học sinh ủ phân từ chế phẩm vi sinh để chăm sóc cho cây trồng.
Cô Dinh cho biết, sau khi khảo sát về điều kiện tự nhiên, ánh sáng, nguồn nước…, khu vườn được thiết kế chia thành 10 ô, mỗi ô có hai luống, mỗi lớp một luống, hai bên có đường đi để các con có thể vào được tận luống rau, trực tiếp chăm sóc rau. Do sản xuất hữu cơ nên rất thân thiện với môi tường, trẻ con không phải tiếp xúc với hóa chất, nên rất sạch và an toàn.
“Đến nay, vườn rau chủ yếu để phục vụ các cháu học. Các cháu hằng ngày nhặt cỏ, tưới rau, bắt sâu, nhìn cây lớn lên từng chút một. Mỗi lớp sẽ do một cô giáo phụ trách và các lớp nhìn các nhóm khác làm để cùng thi đua rất vui”- Cô Dinh nói.
Cô Dinh cũng cho biết, rất nhiều kiến thức về sản xuất rau hữu cơ đã được truyền tải tới các giáo viên và các em học sinh qua khu vườn nhỏ này. Như khi trồng các loại rau đa dạng ngoài việc bảo đảm tất cả các vụ đều có rau, thì các em học được học về một trong những nguyên tắc của sản xuất hữu cơ là phải xen lẫn các loại cây: rau to, rau nhỏ, cây trồng chính cây trồng phụ để hạn chế sâu bệnh, nguyên tắc làm cho cây khỏe, đất khỏe, đất khỏe thì cây sẽ khỏe và sẽ kháng lại sâu bệnh.
Hay những bài học rất cụ thể như cách thức trồng xen hành tỏi, cây sả, cây húng chó, húng bạc hà để tiết ra mùi xua đuổi côn trùng, các em hiểu được cách thức người nông dân trồng ở đầu luống những cây hoa cúc vạn thọ, cây ớt là để thu hút côn trùng, giảm bớt côn trùng ăn rau trên luống…
“Sâu xa hơn, đó là việc các học sinh hiểu được việc cần bảo đảm sự công bằng của tất cả các loại sinh vật, các vi sinh vật trong đất cũng có quyền được sống, đáp ứng mục đích chính khi đưa vườn rau vào trường học là để nhằm khơi dậy tình yêu thiên nhiên, ý thức giữ an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường cho các con” – Cô Dinh chia sẻ.
Được sự hướng dẫn của giảng viên từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam về kiến thức ủ phân hữu cơ, trồng và chăm sóc vườn rau dinh dưỡng, nhà trường tập trung xây dựng kế hoạch giảng dạy, phân công trồng, chăm sóc vườn rau dinh dưỡng.
“Hằng ngày, hằng tuần, phong trào chăm sóc vườn rau của nhà trường thu hút được nhiều học sinh tham gia, tạo không khí phấn khởi cho các em khi đến trường, góp phần nâng cao chất lượng học tập của các em” – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét.
Mô hình vườn rau dinh dưỡng như tại Trường tiểu học Tống Phan chính là một cách làm sáng tạo của nhà trường trong đổi mới phương pháp giáo dục, gắn việc học đi đôi với hành cho các em học sinh.
LÊ HÀ
Theo Nhân dân
Nestlé nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho hơn 30.000 học sinh tiểu học
Tính đến tháng 10/2019, chương trình "Giáo dục Dinh dưỡng học đường - Cùng Nestlé cho trẻ vui khỏe hơn" đã tiếp cận và cung cấp kiến thức về dinh dưỡng cho hơn 30.000 học sinh của 61 trường tiểu học tại 9 tỉnh thành trên cả nước.
Các em học sinh thể hiện kiến thức về dinh dưỡng trong phần giao lưu giữa các trường
Để khởi động cho Chương trình "Giáo dục Dinh dưỡng học đường - Cùng Nestlé cho trẻ vui khỏe hơn" năm học 2019-2020, mới đây, Nestlé đã tổ chức giao lưu tìm hiểu kiến thức dinh dưỡng và tăng cường vận động thể lực cho học sinh tiểu học với sự tham gia của hơn 300 em học sinh tiểu học của 5 trường tiểu học tại tỉnh Hưng Yên cùng thầy cô, phụ huynh. Các hoạt động chính của chương trình bao gồm: tìm hiểu kiến thức dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động cho học sinh tiểu học và thuyết trình "Tranh cổ động về Dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh".
Đánh giá về những hiệu quả của chương trình, TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chương trình đã giúp học sinh tiểu học bước đầu có kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, có khả năng nhận biết một số thực phẩm hàng ngày tốt cho sức khỏe. Từ đó, các em sẽ có ý thức biết giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cá nhân và gia đình mình. Từ kiến thức dinh dưỡng học đường sẽ là hành trang tri thức dinh dưỡng hợp lý cho sức khỏe các em học sinh bước vào cuộc sống.
Ông Bùi Đình Sòn, Hiệu trưởng trường tiểu học Tống Phan, thông tin, qua một năm triển khai chương trình "Giáo dục Dinh dưỡng học đường - Cùng Nestlé cho trẻ vui khỏe hơn", việc nhận thức các kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe thông qua các bài kiểm tra kiến thức của trẻ đã có nhiều chuyển biến. Website của chương trình cung cấp những thông tin bổ ích cho giáo viên, bên cạnh các học phần được thiết kế cho chương trình giảng dạy thì còn cung cấp diễn đàn để hỏi đáp và chia sẻ các kiến thức liên quan.
Chương trình "Giáo dục Dinh dưỡng học đường - Cùng Nestlé cho trẻ vui khỏe hơn" nằm trong sáng kiến toàn cầu "Cùng Nestlé cho trẻ vui khỏe hơn" của Tập đoàn Nestlé. Chương trình được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2012 với sự tham gia phối hợp của Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, và triển khai mở rộng tại nhiều tỉnh thành từ năm 2017 với sự đồng hành của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Chương trình hướng tới mục đích hỗ trợ cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ em Việt Nam.
Nguyễn Hiền
Theo baohaiquan
Truyền cảm hứng môn học bằng... lá cây khô Việc dùng lá cây khô để tạo nên những bức tranh độc đáo, sinh động cuốn hút học trò, từ đó truyền cảm hứng môn học qua tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sống là một trong nhiều ý tưởng sáng tạo của cô giáo Hoàng Thị Hoa (SN 1983), giáo viên môn Mỹ thuật Trường Tiểu học Nguyễn...