Vùng Vịnh : Càng đối địch nhau càng bế tắc giải pháp
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, hải quân Anh bắt giữ con tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar.
Ởkhu vực Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc cho biết sẽ lại tập trận chung trong tháng 8 này và Triều Tiên lại 2 lần phóng tên lửa với mục đích cảnh báo và răn đe Mỹ và Hàn Quốc. Anh, Pháp và Đức đã cùng nhau đưa việc Triều Tiên lại phóng tên lửa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vì cho rằng Triều Tiên như thế đã vi phạm các quy định trong các nghị quyết của HĐBA LHQ. Dù vậy, tình hình chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á vẫn không căng thẳng và dễ bùng nổ đụng độ quân sự như ở vùng Vịnh.
Tầu chở dầu Grace 1 của Iran.
Chính phủ Anh đã bác bỏ đề nghị của Chính phủ Iran về trao trả những con tầu của bên này bị bên kia bắt giữ. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, hải quân Anh bắt giữ con tầu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar.
Sau đấy, Iran bắt giữ con tầu Stena Impero của Anh ở vùng Vịnh. Trước đây thì không nhưng hiện tại phía Anh dường như đã thuận theo yêu cầu của Mỹ tham gia một dạng liên quân nhiều bên huy động tầu chiến hộ tống những tầu thuyền của họ qua lại vùng Vịnh theo nguyên tắc tầu của bên nào thì được hải quân bên đó hộ tống.
Hàn Quốc đã tuyên bố tham gia kế hoạch này của Mỹ trong khi Đức và Pháp thì không. Nếu kế hoạch này được thực thi thì sẽ có tình trạng là tầu chiến của nhiều nước hiện diện và qua lại vùng Vịnh. Mới rồi, Iran phóng thử loại tên lửa mới trong khi Mỹ và Israel cùng nhau thử nghiệm phòng chống bị tấn công bằng tên lửa ở Alaska của Mỹ. Động thái mới đây nhất là việc Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với cá nhân Bộ trưởng Ngoại giao Iran.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Mỹ đồng thời gia hạn thêm 90 ngày miễn trừ trừng phạt đối với 5 trong tổng số 7 chương trình hạt nhân quan trọng của Iran. Tất cả những diễn biến ấy cho thấy giữa Mỹ và Iran vẫn tiếp tục chiều hướng leo thang căng thẳng. Chiến lược và sách lược của Mỹ vẫn là duy trì “gia tăng áp lực tối đa” đối với Iran nhưng đồng thời kiểm soát tình hình chứ không để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp hay chiến tranh.
Đối sách của Iran vẫn là “người sao ta vậy” với Mỹ nhưng cũng chủ ý tránh để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp và chiến tranh với Iran. Hai bên thận trọng với mọi bước đi của họ để không đẩy nhau vào tình thế phải sử dụng biện pháp quân sự, đồng thời cũng tránh để bị sa vào bẫy của bên thứ ba mà đụng độ quân sự hay chiến tranh với nhau. Bên nào cũng thể hiện ý chí không nhượng bộ cũng như phô trương thanh thế để cảnh báo và răn đe lẫn nhau.
Xem ra, phía Mỹ cho rằng và tin rằng tình trạng hiện tại cứ kéo dài thì chưa hẳn sẽ giúp Mỹ đạt được mọi mục tiêu đề ra nhưng ít nhất cũng khiến cho Iran bị khó khăn và sẽ là bên phải xuống thang căng thẳng, đáp ứng những yêu cầu của Mỹ. Việc Mỹ trừng phạt cả Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho thấy phía Mỹ hiện không có nhiều khả năng đàm phán với Iran trong thời gian tới.
Thật ra, đàm phán với nhau thì Mỹ và Iran mới có thể chấm dứt được tình trạng đối địch hiện tại ở vùng Vịnh mà không bên nào bị tổn hại thể diện hay bị coi là thất thế so với bên kia. Muốn hoá giải dứt điểm và hoàn toàn mối bất hòa lâu nay giữa hai bên thì Mỹ và Iran lại càng phải đàm phán với nhau.
Điều có thể chắc chắn được là chiến lược và sách lược “gia tăng áp lực tối đa” của Mỹ sẽ không khuất phục được Iran và Mỹ không dám chủ động gây chiến tranh với Iran. Nhưng Iran cũng có nhu cầu cấp thiết và lợi ích chiến lược lâu dài với việc nhanh chóng bình thường hoá quan hệ với Mỹ chứ không đối địch mãi mãi với Mỹ. Nhu cầu và cả ý muốn về đàm phán trực tiếp với nhau để giải quyết mọi vấn đề song phương đều thấy rất rõ ở cả hai phía.
Chỉ có điều là cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà cho việc đàm phán giải quyết ổn thoả mọi chuyện này đến nay đều chưa thấy có cho Mỹ và Iran. Càng găng nhau và đối địch nhau như hiện tại, Mỹ và Iran càng bế tắc ý tưởng về lối thoát ra khỏi tình trạng này.
Thiên Nhai
Theo phapluatplus
Gian nan tìm 'liều thuốc' cứu thỏa thuận hạt nhân Iran
Đại diện các quốc gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn gọi là Kê hoach Hanh đông chung toan diên (JCPOA) gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran sau cuộc họp khẩn tại Vienna (Áo) ngày 28/7 đã "tái khẳng định tiếp tục cam kết duy trì JCPOA".
Toàn cảnh cuộc họp giữa đại diện các nước Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Iran nhằm thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận, còn gọi là JCPOA, tại Vienna, Áo, ngày 28/7/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tuy nhiên, giống như cuộc họp đầu tiên ở thủ đô của nước Áo cách đây 1 tháng không đạt đột phá nào, hội nghị lần này cũng chưa thực sự mang lại điều gì mới mẻ, chưa thấy khả năng thế bế tắc sớm được tháo gỡ để cứu thỏa thuận đang "thoi thóp".
Cuộc họp này diễn trong bối cảnh đặc biệt, không chỉ căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mà cả Anh, một bên tham gia JCPOA, cũng đã lao vào cuộc tranh cãi với Tehran sau khi hai bên bắt giữ tàu chở dầu của nhau. Mặc dù đều tuyên bố không muốn đối đầu, song cả Iran và Anh đều chưa tỏ thái độ nhân nhượng. Căng thẳng giữa Anh và Iran càng khiến cơ hội đạt được thỏa thuận giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia JCPOA với Tehran trở nên khó khăn thêm.
Cho tới nay, Iran đã từng bước hiện thực hóa lời cảnh báo điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết trong JCPOA, sau khi các quốc gia còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, không chỉ ra một con đường khả quan để cứu vãn thỏa thuận, giúp Iran tránh những đòn trừng phạt của Mỹ. Sau khi Tehran tuyên bố vượt xa hạn mức urani làm giàu cấp thấp được phép dự trữ là 300 kg và bắt đầu làm giàu urani hơn giới hạn 3,67% nêu trong thỏa thuận (lên 4,5%), ngay trước cuộc họp ngày 28/7, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran xác nhận nước này đã làm giàu 24 tấn (24.000kg) urani kể từ khi tham gia JCPOA, và tái khởi động lại lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak. Các chuyên gia cảnh báo khi mức làm giàu urani được nâng lên và lượng dự trữ cũng không ngừng gia tăng thì thời hạn một năm để Iran có đủ nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử cũng thu hẹp, dù Tehran đã khẳng định không có ý định chế tạo bom nguyên tử.
Tuyên bố mới của Iran về con số 24 tấn urani đã làm giàu có thể là một động thái cảnh báo từ phía Tehran rằng nếu các nước châu Âu tiếp tục chậm trễ và để Iran một mình chống đỡ các biện pháp trừng phạt từ Washington, thì JCPOA cuối cùng sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Thực tế thì nội dung cốt lõi của JCPOA là Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc quốc tế ngừng các biện pháp trừng phạt, hướng tới bình thường hóa quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, các biện pháp tái trừng phạt ngày càng siết chặt của Mỹ nhằm vào Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của quốc gia Hồi giáo này, đã làm tổn hại nặng nề nền kinh tế Iran. Ước tính 80% nền kinh tế Iran hiện đang phải chịu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt, khiến Tehran tỏ ra "quyết liệt" gây sức ép, lấy việc tuân thủ JCPOA như một "quân bài mặc cả" buộc các nước EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, EU, một mặt chịu áp lực từ Mỹ để loại bỏ hoàn toàn JCPOA, mặt khác bị Iran thúc ép, thực sự "tiến thoái lưỡng nan". EU phụ thuộc vào quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời lại có những lợi ích kinh tế khi duy trì hợp đồng thương mại với Iran, không thể đóng vai trò "cầu nối trung lập" để tháo gỡ căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Sau cuộc họp tại Vienna, Thư trương Ngoai giao Iran Abbas Araqchi khăng đinh Tehran sẽ tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ cam kết và chỉ đảo ngược những quyết định này khi các đối tác châu Âu đưa ra biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích Tehran theo thỏa thuận, tuyên bố thể hiện thái độ khá cứng rắn của Iran.
Cùng với đó, các bên chưa có tiến triển gì trong việc dập mồi lửa căng thẳng vùng Vịnh xoay quanh các vụ bắt giữ, tấn công tàu chở dầu. Khả năng Anh tham gia một liên minh quân sự cùng với Mỹ tại vùng Vịnh, động thái được cho sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu quân sự, cũng bỏ ngỏ khi Anh đưa ra đề xuất thành lập một đội tàu hải quân hộ tống tàu của châu Âu qua khu vực này.
Tình trạng leo thang hiện nay đang tạo ra quá nhiều mối đe dọa lớn theo kiểu hiệu ứng domino. Khi thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân, kèm theo đó là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Mỹ, mà sức nóng chắc chắn lan rộng cả khu vực Trung Đông. Khi đó thì an ninh của châu Âu cũng chịu ảnh hưởng. Bởi vậy EU vẫn chủ trương bảo vệ JCPOA, song dường như các nước EU chưa tìm được cách để "cân bằng" các lợi ích trong vấn đề này. Trong khi đó, "chiến thuật" gây sức ép của Iran cũng có nguy cơ "già néo đứt dây". Con đường cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran kể từ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi tháng 5/2018 thực sự quá gian nan, mà chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Tổng thống Iran : Hành động của Mỹ đe dọa sự ổn định trong khu vực Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14/6 tuyên bố, những hành động gần đây của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định trong khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14/6 tuyên bố, những hành động gần đây của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng đối...