Vững bước trên đôi chân tật nguyền
Vượt qua mặc cảm đôi chân không lành lặn, chàng trai nghèo Nguyễn Văn Cương – sinh viên lớp Sử K33, ĐH Khoa học Huế đã khẳng định được mình trên giảng đường ĐH. Em trở thành “ nhân chứng sống” cho nghị lực vượt khó vươn lên khiến nhiều người nể phục.
Vươn lên từ gian khó
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Cương có phần kém “may mắn” hơn so các bạn cùng trang lứa. Hơn 30 năm trước, do kinh tế gia đình khó khăn nên bố mẹ Cương đã tình nguyện rời vùng quê miền biển Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên – Huế) để đi làm kinh tế mới trên vùng cao Nam Đông.
Lúc mới chào đời, cậu bé Cương cũng lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn lên, đôi chân của em càng hiện rõ chứng dị tật. Bỗng chốc Cương bỗng trở thành đứa trẻ tật nguyền. Nhưng ở cậu bé Cương toát lên một điều đáng khâm phục, đó là chí ham học. Đến năm đi lớp 1, thấy bạn bè đều tung tăng đến trường, Cương nằng nặc đòi bố mẹ đưa mình đến trường đi học. Thương con, bố mẹ Cương thay nhau đưa con đến trường.
Mặc dù khoảng cách từ nhà đến trường chỉ hơn 3km nhưng với Cương là cả một “khoảng trời xa xôi”. Bởi lẽ, với bàn chân tật nguyền quá yếu, không thể đỡ nổi một cơ thể dù gầy gò, bé xíu.
“Biết là khó khăn mỗi khi đến lớp nhưng chưa bao giờ em có ý định bỏ học hay nhụt đi ý chí. Nhiều năm đi học em đã lê từng bước chân để tới trường học tập” – Cương tâm sự.
Năm lên cấp 2, bố mẹ đã tích cóp dành dụm và mua cho cậu con trai út Nguyễn Văn Cương một chiếc xe đạp để có thể tự mình đi học. Cương kể: “Lúc mới tập đi xe, do chân mình vừa ngắn lại vừa yếu nên đã không giữ được thăng bằng, cứ thế ngã miết. Nhưng mình không nản và tiếp tục tập cho đến khi đi được rồi mới thôi!”.
Tập được xe đạp rồi nhưng với thể trạng của em thì cũng chỉ đi được vài km là kiệt sức. Nhiều ngày trời mưa to, gió lớn, em cố gắng đạp xe đến được cổng trường thì ngã quỵ. Đôi chân run rẩy, đau buốt, không thể lê nhấc nổi đến chỗ bàn ngồi học.
“Cũng nhờ bạn bè, thầy cô dìu lên em mới được đến lớp, khi đau lại có người cho đi nhờ xe. Một mình em chắc cũng chẳng bao giờ đến được trường” – Cương cho biết thêm.
Năm lớp 11, cũng vì làm lụng quá lao lực, bố Cương chẳng may qua đời. Gạt đi nước mắt đau thương, Cương tiếp tục đến lớp, đến trường học tập. Bằng tất cả nghị lực, 12 năm học liền Cương đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Đây thật sự là một “kỳ tích” của cậu bé tật nguyền Nguyễn Văn Cương.
Video đang HOT
Hằng ngày, Cương tự mình đạp xe đến trường.
Vững tin trên bước đường đời
Dường như với sinh viên của trường ĐH Khoa học Huế, hình ảnh một chàng sinh viên tật nguyền, nhỏ thó hằng ngày vẫn đều đặn cắp sách đến giảng đường đã trở nên khá quen thuộc mỗi ngày…
Cương kể: “Khi vừa học xong 12, em rất buồn vì nghĩ con đường học tập sẽ bị gián đoạn bởi lý do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Như biết được nguyện vọng của em, mẹ đã dành dụm từng khoản tiền ít ỏi để đưa em đi thi ĐH. Không ngờ, ước mơ đó lại trở thành hiện thực”.
Ngày mới bước chân vào lớp Sử K33, khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế, Cương đã không khỏi mặc cảm bởi những ánh mắt đổ dồn về phía mình. Nhưng về sau, mọi nỗi lo, tự ti về bản thân đã không còn đeo bám “chàng trai tật nguyền” nữa, bởi Cương biết những ánh mắt kia không phải là những con mắt đầy mỉa mai, kinh thường mà là những màu mắt đầy ngạc nhiên, khâm phục về nghị lực của mình. “Ở lớp, các bạn thường hay quan tâm mình hơn là xa lánh” – Cương chia sẻ.
Vượt lên số phận, chàng sinh viên tật nguyền Nguyễn Văn Cương đã quyết tâm học tập, mong muốn trở thành người thầy giáo giỏi truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức cho những em nhỏ nơi quê hương bản làng miền núi Nam Đông của mình. Hằng ngày, sau những buổi học tập trên lớp, Cương lại cùng chiếc xe đạp “tí hon” của mình cọc cạch tìm đến phòng trọ của các bạn sinh viên trong lớp để trao đổi bài vở mỗi khi gặp khó khăn. Cương bảo: “Thời buổi chừ mà không tự thân vận động tìm tòi, học hỏi thì ai sẽ lo được cho mình. Em nghĩ, trong cuộc sống đôi khi cũng rất cần từ cả những thứ mà người ta bỏ đi vì cho là nhỏ nhặt”.
Di chứng của chất độc da cam đã không “quật ngã” được nghị lực sống của chàng trai xứ núi Nam Đông. Cuộc sống là vậy nhưng chưa bao giờ Cương nhụt đi ý chí mà ngược lại, Cương luôn phấn đấu và nuôi niềm tin lớn lên từng ngày.
“Nhiều đêm em không ngủ được, cứ trằn trọc hoài vì nghĩ về mẹ, về hoàn cảnh gia đình khổ cực. Chính những thứ đó lại càng thúc giục em luôn cố gắng học tập, quyết tâm làm một việc gì đó để giúp đỡ mẹ” – Cương tâm sự.
Ghi nhận nỗ lực của chàng trai tật nguyền biết vượt lên số phận, năm 2009, huyện Đoàn Nam Đông đã giới thiệu tấm gương Nguyễn Văn Cương và đề nghị được xét nhận học bổng “Niềm hy vọng” của Công ty Bia Huế phối hợp với Báo Tiền Phong. Cương cho biết, năm học vừa rồi mình cũng đạt danh hiệu sinh viên khá của khoa Lịch sử, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Chia tay chúng tôi, Cương nói đầy tự tin: “Giờ em không còn thấy mặc cảm nữa. Cuộc sống là vậy, đẹp hay không là do mình tự quyết định lấy, không ai có thể tự thay đổi được mình. Quan trọng là bản thân mình có dám vượt lên số phận để chiến thắng hay không mà thôi!”.
Theo Dân Trí
Nữ sinh bị bại liệt nhiều năm liền là HS giỏi toàn diện
Đôi chân bị tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng gần 10 năm qua em Trần Thị Thúy, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Tĩnh Gia 4, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã vượt qua mặc cảm vươn lên trong học tập và trở thành học sinh giỏi toàn diện suốt quá trình học...
Nỗi đau tuổi thơ
Là con đầu trong gia đình có ba chị em, Thúy sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng không may bất hạnh ập đến khi em vừa tròn 9 tuổi. Trong một lần sốt cao dẫn đến biến chứng khiến đôi chân Thúy cứ thế co quắp lại, rồi teo tóp dần. Gia đình đã đưa em đi bệnh viện khám và được chẩn đoán là bị teo cơ biến chuyển và rất khó chữa.
Trần Thị Thúy (ngồi) luôn được bạn bè yêu quý và giúp đỡ trong quá trình học tập.
Không nản lòng, vợ chồng anh Trần Văn Hòa và chị Lê Thị Bảy đã đưa con đi khắp nơi, từ Bắc Giang, Lào Cai, Tuyên Quang...để mong sao chữa lành chân cho con. Anh Hòa cho biết có lần nghe người ta mách nước ở Lục Ngạn, Bắc Giang có thầy thuốc giỏi, anh liền đưa con lên nhà thầy thuốc ở hẳn trên đó gần một tháng trời để điều trị, nhưng vẫn không có biến chuyển gì.
Về sau khi đi khám tại mội bệnh viện ở Hà Nội, các bác sĩ người Úc cho biết đôi chân của Thúy vĩnh viễn không đi lại được nữa. Thúy cảm thấy thất vọng vì hàng ngày, em không còn được nô đùa như những người bạn cùng trang lứa.
Thương con mà không biết làm cách nào, hai vợ chồng anh Hòa, chị Bảy vẫn đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi, hễ có ai giới thiệu là anh chị lại đến tìm với hy vọng cứu lấy đôi chân của cô con gái.
Anh Hòa tâm sự: "Mặc dù gia đình không phải là giàu có, nhưng con bị bệnh, cha mẹ nào chẳng đau, chẳng xót hả chú. Nếu tôi nghe ở đâu có thầy thuốc chữa bệnh bại liệt giỏi là tôi lại đi ngay, gia đình tôi vẫn luôn hi vọng sẽ chữa được cho con".
Tìm chữ trên đôi chân của bố mẹ
Đôi chân không còn đi được nữa, nhưng không phải vì thế mà Thúy từ bỏ đi niềm đam mê học tập. Thấy con ham học, lại thương con tật nguyền nên bố mẹ Thúy đã tạo mọi điều kiện để em được đến trường. Trong những năm học cấp 1 và cấp 2, Thúy được bố mẹ cõng đến trường. Còn lúc lớn hơn Thúy được bố mẹ chở đến trường trên chiếc xe máy đã cũ.
Thành tích học tập đáng nể của Thùy trong thời gian qua.
Dù khó khăn, vất vả nhưng bố mẹ Thúy vẫn cố gắng để con vơi bớt đi nỗi đau và sự thiệt thòi về thể xác. Vì vậy, dù trời có mưa tầm tã, hay nắng chói chang, hình ảnh cô bé được bố mẹ đưa đến trường đã trở nên quen thuộc với người dân xã Các Sơn.
Không phụ lòng bố mẹ, 9 năm học ở cấp 1 và cấp 2, Thúy đều đạt học sinh giỏi của trường, là một trong những học sinh xuất sắc toàn diện. Mặc dù đi lại rất khó khăn, nhưng mọi việc ở nhà Thúy đều lo toan, giúp đỡ bố mẹ mỗi khi đi làm đồng, nào là quét nhà, giặt giũ, nấu cơm, rửa bát và dạy cho các em học tập.
Dù bị tật nhưng Thùy vẫn thường giúp mẹ làm việc nhà.
Năm 2010, Thúy đăng ký thi vào Trường THPT Tĩnh Gia 4 và xuất sắc thi đậu vào lớp chuyên Toán của trường với số điểm khá cao. Trường cấp 3 cách nhà gần 10 km nên khó khăn lại càng thêm khó với em. Sáng dậy từ rất sớm, bố mẹ chở Thúy đến trường bằng xe máy. Do lớp Thúy nằm ở tầng 3 nên bố Thúy phải cõng Thúy lến đến tận lớp, rồi về đi làm. Sau mỗi buổi tan trường, bố hoặc mẹ lại thay nhau đến đón em về. Cứ thế đã gần hết năm học đầu tiên của cấp 3 và kỳ 1 vừa rồi Thúy đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc.
Thầy Bùi Giang Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4, cho biết: "Em Thúy tuy không được lành lặn, nhưng em biết cố gắng vươn lên trong học tập, là một trong những học sinh khá giỏi của trường, được bạn bè, thầy cô trong trường mến mộ".
Thúy chỉ bảo các em học bài.
Cũng theo thầy Thắng cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ em Thúy trong học tập. Từ đầu năm khi biết bố em Thúy cứ phải cõng Thúy lên đến tầng 3 để đến lớp, nhà trường đã quyết định chuyển lớp Thúy xuống tầng 1 học để bản thân và gia đình em đỡ vất vả hơn. Nhà trường cũng miễn học phí cho Thúy và tổ chức chương trình "Thắp sáng ước mơ" nhằm động viên Thúy và những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, nhưng biết vươn lên trong học tập.
Trong tháng 12 năm 2010, Thúy được Hội huyện Tĩnh Gia trao tặng một chiếc xe lăn, cùng các phần quà khác nhằm động viên em cố gắng trong học tập cũng như cuộc sống.
Chia sẻ về mơ ước sau này của mình, Thúy tâm sự: "Em sẽ cố gắng học thật giỏi, để sau này kiếm được việc làm ổn định và đỡ đần cho bố mẹ".
Theo Dân Trí
"Con chỉ ước có đôi nạng để đến trường" Đó là mong mỏi của cô bé Lê Thị Thúy, học sinh lớp 5D, Trường tiểu học số 2 Hòa Xuân Tây (Đông Hòa, Phú Yên). Đôi chân teo nhỏ ngay từ khi mới sinh ra, Thuý không thể đi lại như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng điều đó không thể ngăn được niềm khát khao học tập của cô bé. Hơn...