Vừa đổi mới, phải cắt nhiều điểm hấp dẫn chương trình giáo dục mới
Nhiều giáo viên lớp 6 đánh giá cần điều chỉnh theo hướng cắt giảm yêu cầu của chương trình để dạy học trong dịch bệnh nhưng tiếc nuối khi những điểm hấp dẫn của chương trình, môn học mới chưa phát huy được trong năm học đầu tiên.
Năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở cấp trung học, bắt đầu với khối lớp 6 nhưng do dịch bệnh nên Bộ GD-ĐT hướng dẫn nhiều nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT học sinh (HS) tự đọc, tự học, tự làm và tự thực hiện…
Do học trực tuyến, giảm tải chương trình nên nhiều môn học của lớp 6 năm nay mất những đặc điểm hấp dẫn của chương trình mới – NGỌC THẮNG
Giảm tải với lớp 6: Giảm nhưng vẫn nặng
Giảm tải theo nguyên tắc nào?
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng việc tinh giản, tập trung dạy những nội dung, kiến thức cốt lõi là buộc phải làm. Tuy nhiên, Bộ cũng đặt ra nguyên tắc: giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu HS thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp… Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với lớp 7 đến lớp 12.
Đối với lớp 6, Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện dạy học bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Đối với những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy trực tuyến để dạy hoặc hướng dẫn HS tự thực hiện ở nhà. Phần tự học, tự làm này sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các cơ sở giáo dục và giáo viên (GV) đều đánh giá sự giảm tải này là phù hợp và cần thiết vì phần lớn địa phương vẫn phải dạy, học trực tuyến với điều kiện và chất lượng dạy học rất không đồng đều.
Ngay sau khi Bộ ban hành hướng dẫn với nhiều nội dung trong chương trình, sách giáo khoa (SGK) được tinh giản, GV cấp THCS và THPT của Trường Marie Curie (Hà Nội) ở từng môn đã nghiên cứu hướng dẫn và đưa ra những nhận xét ban đầu.
Ý kiến của GV tập trung nhiều vào những băn khoăn, lo lắng với lớp 6. Trong hướng dẫn của Bộ, riêng với lớp 6 cũng không đi vào từng bài học cụ thể theo SGK mà chỉ dựa vào chương trình. Do lớp 6 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), áp dụng một chương trình, nhiều SGK nên việc tinh giản không thể dựa vào bộ SGK nào mà chỉ có thể dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình.
Video đang HOT
Tổ GV môn ngữ văn khối THCS của trường này cho rằng: HS khối 6 so với các khối lớp còn lại đang gặp một số khó khăn khi học trực tuyến. Cụ thể, các em chuyển từ cấp tiểu học lên THCS khi lớp 5 vẫn học theo chương trình cũ. Lên lớp 6, nhiều môn học mới lại chưa quen với phương pháp mới, nhiều kỹ năng cần hướng dẫn cụ thể như ghi bài, chuẩn bị bài trước khi học, cách làm bài tập về nhà…
Sức hấp dẫn của các môn học tự nhiên có thực hành, thí nghiệm giảm đáng kể khi giảm tải chương trình do học trực tuyến – ĐÀO NGỌC THẠCH
Các GV chỉ ra rằng nội dung môn ngữ văn lớp 6 giảm lượng văn bản cần đọc; giảm mục liên hệ so sánh, kết nối giữa các văn bản; kỹ năng viết cũng giảm 3 bài viết; kỹ năng nói và nghe giảm 1 bài. Tuy đã giảm tải, nhưng với GV và HS khối 6, nội dung chương trình cần đạt vẫn còn khá nặng. Lý do là chương trình lớp 6 hướng tới dạy HS theo 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Do đó, dù có giảm tải một vài văn bản cần đọc, nội dung viết, nói, nghe cụ thể thì về cơ bản, khi dạy học, GV vẫn phải hướng dẫn HS đảm bảo thực hiện đầy đủ 4 kỹ năng nêu trên. Khi kiểm tra đánh giá, tuy không vào nội dung đã tinh giản, nhưng yêu cầu cần đạt của các kỹ năng vẫn không thay đổi. HS vẫn học đầy đủ các chủ đề, thực hiện đủ các kỹ năng như mục tiêu của chương trình.
Giảm sự hấp dẫn của những môn “lần đầu xuất hiện”
Với các môn khoa học tự nhiên, do đặc thù của môn học có nhiều phần thực hành, thí nghiệm, trong khi hướng dẫn giảm tải của Bộ chuyển phần lớn nội dung này sang để HS tự thực hiện chứ không trở thành yêu cầu bắt buộc. Nhiều GV cũng cho rằng điều này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của môn học, đặc biệt lớp 6 lần đầu tiên được học các môn như: lý, hóa, sinh.
GV dạy môn sinh của Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho biết các bài thực hành không bắt buộc nên GV có thể chỉ hướng dẫn HS các bước hoặc xem video hướng dẫn, còn phần thực hành khuyến khích HS tự làm tại nhà. Nếu có thời gian thì báo cáo kết quả, còn chủ yếu dành thời gian dạy học để giúp HS nắm những kiến thức lý thuyết mang tính nền tảng của môn học.
Trong các môn khoa học tự nhiên, hóa học là môn lần đầu HS lớp 6 phải học. Do vậy, khi phải tinh giản, GV cũng thấy nuối tiếc nhất những phần hấp dẫn của môn học và có thể khiến HS yêu thích môn này, đó là phần thực hành, thí nghiệm. Nhóm GV dạy hóa của Trường Marie Curie nhận định: Qua những tuần đầu dạy, nhận thấy HS lớp 6 ghi bài chậm, GV phải hướng dẫn tỉ mỉ, thời lượng học trực tuyến chỉ 35 phút/tiết nên phải bỏ hết phần xem thí nghiệm trong bài dạy. Do đó, không còn đặc trưng hấp dẫn của bộ môn, không tổ chức được nhiều hoạt động phát triển năng lực cho HS.
Với môn toán, nhiều GV chung một nhận định, khi tinh giản và dạy học trực tuyến đã khiến HS thiệt thòi, khó khăn hơn trong tương tác theo hoạt động nhóm, đặc biệt là phân môn hình học.
Bên cạnh đó, chương trình lớp 6 mới lần đầu tiên đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào như một hoạt động giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, vì dịch bệnh và dạy học trực tuyến nên môn học đặc thù này bị ảnh hưởng đáng kể. GV chỉ có thể hướng dẫn HS tự trải nghiệm trong điều kiện cho phép.
Phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tới?
Bộ GD-ĐT tuyên bố từ năm 2022 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương án của giai đoạn mới, nhưng phương án này như thế nào vẫn chưa có khiến các trường THPT rất sốt ruột.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM - ĐỘC LẬP
Thầy, trò cần biết càng sớm càng tốt
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ mới ký ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022.
Thông tin đáng chú ý nhất trong văn bản này liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đó là: "Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh (HS), có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH vào năm sau. Kịch bản đổi mới sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải nội dung trên, câu hỏi nhiều nhất của bạn đọc là "phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025" có nội dung ra sao, đổi mới như thế nào so với trước? Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết phương án đang xây dựng nên chưa thể thông tin, sớm nhất trong tháng 10 mới công bố.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), dùng từ "mong lắm lắm" khi nói về việc Bộ cần sớm công bố phương án đổi mới thi cử cho năm tới. Theo bà Nhiếp, việc đổi mới thi tốt nghiệp rất có thể sẽ kéo theo thay đổi lớn trong tuyển sinh ĐH và thực tế phần lớn HS, đặc biệt là HS ở thành thị chỉ quan tâm chủ yếu vào phương án tuyển sinh của các trường ĐH ra sao. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi lớn khiến các trường ĐH tốp trên không dùng kết quả kỳ thi để tuyển sinh nữa thì các trường sẽ có phương án riêng.
Phần lớn học sinh các địa phương trong cả nước bước vào năm học mới bằng cách học trực tuyến - ĐÀO NGỌC THẠCH
Dạy học trong dịch bệnh, đổi mới lớn thi cử có nên không \?
Bà Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho rằng mấy năm gần đây nhiều trường ĐH đã có những phương thức riêng để tuyển sinh và việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong những phương án đó. Do vậy, HS của Trường THPT Yên Hòa phần lớn đã chuẩn bị trước các điều kiện theo quy định trong từng phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH thay vì chỉ "trông chờ" vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng cho rằng năm 2020 từ kỳ thi "THPT quốc gia" với 2 mục đích công nhận tốt nghiệp cho HS và tuyển sinh ĐH, CĐ chuyển sang kỳ thi "Tốt nghiệp THPT" với mục đích chính là công nhận tốt nghiệp cho HS, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ lấy đó làm căn cứ tuyển sinh. Vì vẫn còn mục tiêu thứ hai nên đề thi đòi hỏi có tính phân hóa theo 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao).
Do dịch Covid-19, Bộ đã 2 lần tinh giản chương trình và giảm độ khó của đề thi. Mục tiêu thứ nhất đạt được, nhưng mục tiêu thứ hai thì bị ảnh hưởng khiến tổ hợp điểm xét tuyển ĐH, CĐ cao vọt lên, bình quân 9 điểm/môn mà vẫn trượt ĐH. "Dẫu sao, những giải pháp của Bộ trong 2 năm 2020 và 2021 để ứng phó với việc chống dịch là cần thiết", ông Khang nói và cho rằng chưa nên có sự đổi mới căn bản, lâu dài kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2022.
"Trước mắt, Bộ cần rút kinh nghiệm 2 kỳ thi tốt nghiệp trong dịch bệnh vừa qua, để xây dựng các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho phù hợp. Dịch Covid-19 chưa bị đẩy lùi, nó có thể phá vỡ mọi phương án tốt đẹp dự kiến cho lâu dài", ông Khang nói.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng phương thức học bạ - ĐÀO NGỌC THẠCH
Nên tách bạch thi tốt nghiệp và tuyển sinh
GS-TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tiếp tục nhắc lại quan điểm về việc thi tuyển sinh ĐH và thi tốt nghiệp là 2 kỳ thi khác nhau với mục đích khác nhau, nên không thể tổ chức một kỳ thi để sử dụng cho 2 mục đích như hiện nay. Bộ cũng đã nhận thức ra điều này nên 2 năm nay đã quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn, việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường ĐH.
Dù đã nói rằng không còn kỳ thi "2 trong 1", nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn mang tính "bình mới rượu cũ". Lỗi do cả Bộ và các trường ĐH. Bộ ra đề thi, tổ chức thi vẫn là tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng các trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển thì đã dùng sai mục đích. Do vậy, GS Đào Trọng Thi cho rằng Bộ giao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong kỳ thi này vì quan niệm đây là kỳ thi tốt nghiệp, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Như hiện nay mục đích của kỳ thi đang không được xác định rõ ràng.
"Theo quan điểm của tôi, để xét tuyển ĐH, tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đánh giá khách quan, Bộ chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi. Các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh. Các trung tâm khảo thí có thể do các trường ĐH hoặc chính hiệp hội các trường ĐH thành lập, hoạt động độc lập. Về kỳ thi tốt nghiệp, nên giao cho các địa phương tổ chức", GS Đào Trọng Thi đề xuất. .
Nhiều kịch bản dạy học phù hợp tình hình dịch bệnh Các địa phương có nhiều kịch bản dạy học để sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết trong dịch Covid-19. Học sinh tỉnh Bắc Ninh đã trở lại học trực tiếp thay cho học trực tuyến - ẢNH: B.N Hà Nội có nhiều cách dạy học khác nhau? Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết 100% cơ...