Vụ VN Pharma: Giả con dấu của Đại Sứ quán Việt Nam tại Canada
Hồ sơ gửi Cục quản lý dược xin nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet có đóng dấu lãnh sự của Đại Sứ quán Việt Nam tại Canada. Kết quả điều tra cho thấy, những tài liệu này là giả mạo.
Giả chữ ký tham tán thương mại
Theo dự kiến, ngày 24/9, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần VN Pharma cùng 11 đồng phạm về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4 điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt lên đến tử hình.
Con dấu và chữ ký Đại Sứ quán Việt Nam tại Canada bị làm giả.
Theo quy định, các loại thuốc muốn nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu do Cục quản lý dược cấp. Tuy nhiên thuốc H-Capita 500mg Caplet chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Để có hồ sơ gửi Cục quản lý dược thẩm định, cấp phép nhập khẩu theo quy định, Nguyễn Minh Hùng đã yêu cầu Võ Mạnh Hùng liên hệ và được Raymundo gửi tài liệu gồm: giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita 500mg Caplet và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho công ty Helix Pharmaceuticals Inc, có địa chỉ 192 Wilson Ave, Tonronto, Ontario, Canada. Các tài này được gửi từ Philippines cho Cường, có đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại Sứ quán Việt Nam tại Canada và ký tên tham tán Nguyễn Văn Quyền.
Ngoài 2 giấy phép trên, Raymundo còn gửi cho Cường 1 hộp thuốc mẫu và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc gốc để chuyển cho công ty VN Pharma làm hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu.
Kết quả xác minh, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao khẳng định: Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chỉ có tham tán Nguyễn Văn Quyến, không có tham tán nào tên Nguyễn Văn Quyền. Ông Quyến đã không còn ký các giấy tờ hợp pháp hóa lãnh sự từ tháng 6/2013.
Bộ Ngoại giao cũng có văn bản cho biết Đại sứ quán không hợp thức hóa lãnh sự các giấy tờ nêu trên và ông Nguyễn Văn Quyến cũng khẳng định không ký hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu nào cho công ty Helix Canada.
Ngày 30/9/2014, Bộ Ngoại giao có văn bản gửi Cục An ninh chính trị – Bộ Công an trả lời kết quả xác minh tại địa chỉ: 192 Wilson Ave, Tonronto, Ontario, Canada không có công ty Helix Pharmaceuticals Inc, có số, ngày đăng ký kinh doanh như giấy tờ nộp cho Cục quản lý dược.
Video đang HOT
Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, dấu hợp thức hóa lãnh sự và chữ ký của tham tán Đại sứ quán Việt Nam nói trên là giả. Kết quả tương trợ tư pháp, cơ quan chức năng Canada trả lời công ty có tên Helix Canada không đăng ký, hoạt động về dược tại Canada. Đồng thời, cơ quan chức năng Canada không cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita 500mg Caplet và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc cho công ty Helix Canada.
Đối tượng Raymundo hiện nay chưa rõ lai lịch nên cơ quan điều tra quyết định tách hành vi của Raymundo ra khỏi vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ.
Tiêu hủy chứng cứ vụ án
Do các giấy tờ Võ Mạnh Cường cung cấp không đủ để làm thủ tục gửi Cục quản lý dược nên Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo cấp dưới là Phan Xuân Thiện (phó tổng giám đốc), Bùi Ngọc Duy (phó trưởng phòng phụ trách) liên hệ dược sỹ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet gồm có “tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt” với giá thỏa thuận là 2.000 USD để hợp thức đủ hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược.
Tiếp đó, Phạm Văn Thông đã dựa vào thành phần, công thức thuốc ghi trên giấy chứng nhận lưu hành tự do và đối chiếu dược điển của Mỹ để viết hồ sơ kỹ thuật tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt. Sau khi viết xong, Thông chuyển qua cho Duy đóng dấu công ty Helix Canada trên hồ sơ để nộp cho Cục quản lý dược thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu.
Khi vụ án bị phát hiện, khởi tố, Bùi Ngọc Duy đã bỏ con dấu công ty Helix Canada và một số con dấu nước ngoài khác. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã thu giữ được biên bản bàn giao các con dấu nước ngoài của phòng nghiên cứu phát triển công ty VN Pharma, trong đó có con dấu của công ty Helix Canada. Quá trình điều tra vụ án, Duy khai nhận con dấu công ty Helix Canada do Hùng yêu cầu phòng hành chính, nhân sự công ty VN Pharma thuê cơ sở khắc dấu làm để sử dụng.
Phạm Văn Thông thừa nhận mình đã viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg Caplet của công ty Helix Canada cho công ty VN Pharma. Thông đã được công ty VN Pharma trả số tiền 33,6 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Thông thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và nộp lại số tiền 33 triệu đồng.
Theo Dân Trí
Vụ án thuốc ung thư giả của Công ty Cổ phần VN Pharma: Cục Quản lý Dược phải chịu trách nhiệm?
Các bị can trong vụ án đều bị truy tố về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" thay vì tội "buôn lậu" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" như trước đó.
Ảnh Internet
Với những tình tiết mới, dư luận kì vọng vụ án về thuốc ung thư giả của Công ty Cổ phần VN Pharma sẽ được xử một cách minh bạch và công tâm.
Thay đổi tội danh
Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần VN Pharma từ tháng 10/2011. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải Quốc tế H&C) để nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg Caplet (viết tắt là H-Capita 500mg) về Việt Nam.
Thuốc có chứa hoạt chất Capecitabine, dùng để chữa các bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng mang nhãn mác Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada (viết tắt là Công ty Helix Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam với giá 0,9 USD/viên.
Do thuốc H-Capita chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên cần phải có hồ sơ pháp lý nộp cho Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế để thẩm định, cấp phép nhập khẩu. Vì vậy, Nguyễn Minh Hùng đã thực hiện việc làm giấy tờ giả.
Sau khi hoàn thiện việc làm giả hồ sơ pháp lý, Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo nhân viên lập Đơn hàng số 225/ĐH/VNP-NK ngày 16/10/2013, đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita Caplet do Công ty Helix Canada sản xuất; thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin Pharma Specialities Co., (công ty này đã được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc từ năm 2002).
Kèm theo hồ sơ pháp lý gồm: Giấy chứng nhận FSC, GMP giả; hộp thuốc gốc và toa thuốc gốc giả do Võ Mạnh Cường cung cấp; Tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc và Tờ hướng dẫn sử dụng giả bằng tiếng Việt; nhãn mác lưu hành tại Việt Nam do Phòng Nghiên cứu phát triển Công ty VN Pharma tự thiết kế. Hồ sơ giả nộp Cục Quản lý Dược có một số nội dung không đồng nhất giữa FSC, Tiêu chuẩn chất lượng và Hướng dẫn sử dụng về thành phần tá dược, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản...
Trao đổi về vụ việc này, luật sư Phùng Thanh Sơn, Công ty Luật TNHH Thế giới luật pháp, Đoàn Luật sư TPHCM bày tỏ quan điểm:
Kinh doanh bất cứ cái gì cũng cần có đạo đức chứ không riêng gì kinh doanh thuốc. Tuy nhiên, do thuốc chữa bệnh, phòng bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người nên hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần phải được xử lý nghiêm và nặng hơn đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả khác.
Thực tế, Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã phản ánh tinh thần này. Nếu hàng hoá bị làm giả là hàng hoá thông thường thì sẽ xử lý theo Điều 156 (Tội sản xuất, kinh doanh hàng giả) còn nếu hàng hoá bị làm giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh thì sẽ bị xử lý theo Điều 157 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh).
Mức cao nhất khung hình phạt của Điều 156 chỉ 15 năm tù trong khi đó mức cao nhất khung hình phạt của Điều 157 lên đến tử hình. Tinh thần này vẫn được Bộ luật Hình sự 2015 kế thừa tại các Điều 192, 193, 194.
Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dùng mà còn ảnh hưởng uy tín ngành y và "chảy máu" ngoại tệ. Bởi, ngay cả khi bác sĩ khám, lên phác đồ điều trị và kê toa đúng nhưng vì thuốc giả, thuốc kém chất lượng mà việc điều trị sẽ không hiệu quả.
Người dân không biết rõ nguyên nhân sẽ đổ lỗi cho việc khám chữa bệnh yếu kém. Từ đó, người dân không còn tin tưởng vào việc khám chữa bệnh trong nước và có khuynh hướng đi nước ngoài để điều trị. Việc này về lâu dài làm giảm động lực phát triển của ngành y trong nước, khiến ngành y trong nước bị tụt hậu so với các nước khác.
Không để lọt tội phạm
Quá trình xảy ra vụ án, trên cơ sở hồ sơ giả do Công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thành lập Tổ thẩm định gồm 3 nhóm: Nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng; Nhóm thẩm định dược lý, lâm sàng; Nhóm thẩm định pháp chế.
Tổ thẩm định đã tiến hành thẩm định Đơn hàng 225 cùng với hồ sơ pháp lý thuốc H-Capita của Công ty VN Pharma từ ngày 5/11/2013 - 25/12/2013. Mặc dù, rất nhiều tài liệu trong hồ sơ nhập khẩu thuốc được làm giả như đã nêu, nhưng Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu đơn hàng trên.
Rõ ràng, để xảy ra vụ việc nhập khẩu lô thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam, Cục quản lý Dược Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm.
Tài liệu điều tra có căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục Quản lý Dược tham gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua các điều kiện để cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita cho Công ty VN Pharma. Từ sai phạm trong việc cấp phép đã dẫn đến Công ty VN Pharma nhập thuốc chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam.
Về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng, đối với những cán bộ tại Cục Quản lý Dược có liên quan, cơ quan điều tra chỉ cần căn cứ vào quy định pháp luật, quy định nội bộ để xác định trách nhiệm, quyền hạn của từng cá nhân liên quan rồi đối chiếu với hồ sơ lưu thì sẽ biết họ đã làm hết trách nhiệm hay chưa. "Tôi hy vọng cơ quan điều tra không để "chìm xuồng" trách nhiệm của các cá nhân liên quan tại Cục Quản lý Dược. Có như vậy thì mới đủ tính răn đe và nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về dược phẩm để người dân được an tâm khi dùng thuốc".
Trong quá trình điều tra nếu chứng minh được các cán bộ Cục Quản lý Dược biết rõ đây là thuốc giả, không đúng với hồ sơ đăng ký nhưng vẫn cố tình cấp phép nhập khẩu lô thuốc nói trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội buôn bán hàng giả với vai trò là đồng phạm giúp sức.
Nếu những cán bộ này nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác để "bật đèn xanh" cho các sai phạm hoặc bỏ qua các yêu cầu luật định để cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc thì cần phải truy cứu những cán bộ này về tội "Nhận hối lộ".
Châu Anh
Theo giaoducthoidai
Vì sao Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử nhiều cán bộ Bộ Y tế? Theo lịch xét xử, từ ngày 24 đến 30/9, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma. Tổng Giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng Ngày 16/9 Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Thông báo Kết luận thanh tra (KLTT) liên quan tới vụ án. Đáng lưu ý...