Vụ nam sinh viên văng tục, đòi “solo” với thầy giáo: Thầy đã rất nhân văn
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong khi sinh viên dùng nhiều lời lẽ thô lỗ để xúc phạm mà thầy giáo có thái độ ứng xử rất bình tĩnh, chuẩn mực.
Hôm 21/9, đoạn clip một nam sinh viên của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic liên tiếp văng tục, đòi solo với thầy giáo vì bắt bẻ không thuộc bài trong buổi học trực tuyến được đăng trên hội, nhóm sinh viên, gây xôn xao dư luận.
Clip dài hơn 4 phút cho thấy, khi giảng viên gọi sinh viên trả bài, nam sinh không trả lời được nên thầy đã hỏi tiến độ học tập của bạn này để xác minh lý do.
Quá trình đối thoại, dù thấy học trò có thái độ hỗn hào, liên tục nói chuyện trống không rồi cắt ngang, thầy giáo vẫn bình tĩnh phân tích; nhưng đáp lại, nam sinh viên không ngừng lên giọng thách thức: “Em thích em nghỉ luôn …..sợ à? Lên phòng đào tạo solo luôn…….”.
Sau màn đôi co với thầy, nam sinh viên này tự out khỏi buổi học và nói “Ok, buổi này tao nghỉ” trước sự ngỡ ngàng, bất bình của cả lớp. Hầu hết người theo dõi clip đều lên án gay gắt thái độ, lời nói của nam sinh trên.
Quan sát vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) nhận xét, trong khi sinh viên dùng nhiều lời lẽ thô lỗ để xúc phạm mà thầy giáo có thái độ ứng xử rất bình tĩnh, chuẩn mực, hoàn toàn không gây kích động. Thầy đã rất nhân văn!
Theo luật sư, nếu cơ quan chức năng xác định rõ không phải nam sinh trong clip mắc bệnh tâm thần, mà do nhận thức và cảm xúc thì cần có hướng xử lý phù hợp, làm gương cho sinh viên khác. Xử lý ở mức độ nào, trước hết nhà trường và cơ quan chức năng cần làm rõ hoàn cảnh, nhân thân và khả năng nhận thức của sinh viên có bị tác động bởi yếu tố hoàn cảnh, lối sống, đạo đức, văn hóa hay không.
Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: Đ C.
Ông đánh giá, dù là một sinh viên nhưng nam sinh này không tôn trọng người dạy, không tôn trọng thầy cô giáo thì rất khó để có thể giáo dục.
Xem clip, luật sư Cường cho biết, sinh viên đã vi phạm Điều 6 Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT: “Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác”. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, sẽ có các hình thức xử lý, kỷ luật như sau:
Hình thức khiển trách: Áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất, mức độ nhẹ, hậu quả gây ra ở mức độ thấp, không thiệt hại nhiều
Cảnh cáo: Áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng.
Đình chỉ học tập có thời hạn: Áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tùy từng trường hợp để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Buộc thôi học: Áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.
Ngày 22/9, trao đổi trên Dân trí, đại diện Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, sau khi nắm thông tin, nhà trường đã liên hệ trực tiếp với giảng viên, sinh viên và gia đình sinh viên. Sinh viên trên thừa nhận, đã có hành động, phát ngôn, thái độ không phù hợp đối với giảng viên.
Trong ngày 21/9, sinh viên đã liên hệ trực tiếp với giảng viên để xin lỗi và mong muốn được đồng hành cùng thầy trong môn học này, tiếp tục được hoàn thành chương trình học tại trường. Gia đình sinh viên cũng gửi lời xin lỗi giảng viên và nhà trường, bày tỏ nguyện vọng cho bạn một cơ hội sửa sai.
Sinh viên đòi "solo" với giảng viên: Thầy sẵn sàng đón nhận trở lại lớp
Sinh viên và gia đình đã xin lỗi thầy giáo, đồng thời mong muốn có cơ hội sửa sai. Thầy giáo quyết định tha thứ cho hành động của sinh viên và sẵn sàng đón nhận nam sinh quay trở lại lớp học.
Liên quan tới vụ việc nam sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo gây xôn xao dư luận, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic xác nhận, giáo viên và sinh viên trong video là của nhà trường.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 22/9, đại diện nhà trường cho biết, ngày 20/9/2021 đã xảy ra tình huống sinh viên của trường ứng xử chưa đúng mực với giảng viên trong giờ học trực tuyến.
Ngay sau khi biết thông tin, nhà trường đã liên hệ trực tiếp với giảng viên, sinh viên và gia đình sinh viên. Sinh viên trên thừa nhận, đã có hành động, phát ngôn, thái độ không phù hợp đối với giảng viên.
Học trực tuyến đang nảy sinh nhiều vấn đề về tâm lý với cả người dạy và người học (Ảnh minh họa).
Trong ngày 21/9/2021, sinh viên đã liên hệ trực tiếp với giảng viên để xin lỗi và mong muốn được đồng hành cùng thầy trong môn học này, tiếp tục được hoàn thành chương trình học tại trường. Gia đình sinh viên cũng gửi lời xin lỗi giảng viên và nhà trường, bày tỏ nguyện vọng cho bạn một cơ hội sửa sai.
Về phía giảng viên, thầy hiểu rằng các bạn trẻ có những phút bốc đồng, phạm phải sai lầm. Thầy giáo tha thứ cho hành động của sinh viên và sẵn sàng đón nhận bạn quay trở lại lớp học.
Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ căn cứ biên bản tường trình, đề nghị của giảng viên, sinh viên, ban cán sự lớp để xem xét và xử lý sự việc. Nhà trường đánh giá cao kỹ năng xử lý tình huống của giảng viên, đồng thời sẽ tăng cường truyền thông cho giảng viên, sinh viên về kỹ năng học tập, văn hóa ứng xử nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, môi trường học đường.
Ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Cao đẳng FPT Polytechnic bình luận về vụ việc trên trang cá nhân: "Thầy Xuân - thầy giáo trong video, là một người thầy mà bao thế hệ sinh viên hơn 10 năm giảng dạy đều kính trọng bởi không chỉ bởi chuyên môn mà còn tinh thần võ đạo, tấm gương đạo đức với một tình yêu vô điều kiện dành cho sinh viên. Chính vì thế, có thể hiểu được cách hành xử đáng ngưỡng mộ trong tình huống vừa qua. Ngay trong bản tường trình vụ việc thầy cũng hết sức bao dung và bỏ qua cho sinh viên".
Hiệu trưởng Vũ Chí Thành cho rằng, tình huống trong video đang gây xôn xao mạng xã hội có thể là một bài học đứng trên góc nhìn sư phạm. Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và phần xử lý tình huống xứng đáng được biểu dương.
"Ở phần chìm, thầy cô giáo có thể xử lý tốt hơn nữa khi bao quát lớp học dù trực tiếp hay trực tuyến để phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn ở một người hay một nhóm người rồi khơi lên bề mặt sớm hơn, đồng thời giải quyết ngay giúp duy trì năng lượng tích cực của lớp học. Tôi hy vọng thầy cô cố gắng hơn nữa dù giảng dạy trong bất kì hoàn cảnh nào", ông Vũ Chí Thành viết.
"Thầy Xuân là một trong số rất nhiều thầy cô đáng yêu tại FPT Polytechnic, cũng như hàng triệu giảng viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề tại Việt Nam. Mỗi sự việc đều cho ta bài học để việc dạy và học trở nên tốt hơn. Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và nhiều thứ bất tiện trong cuộc sống đang gây áp lực không nhỏ lên mỗi cá nhân, nhưng những điều đó chỉ làm chúng ta mạnh mẽ hơn nữa", thầy Hiệu trưởng viết.
Nam sinh văng tục, đòi "solo" với thầy giáo vì bị hỏi sao không thuộc bài
Trước đó, Dân trí đưa tin về một đoạn video quay lại cảnh tranh cãi gay gắt trong lớp học online đang gây xôn xao các diễn đàn học sinh, sinh viên.
Cuộc hội thoại trong video cho thấy một nam sinh tranh luận với giáo viên. Giáo viên hỏi: " Vì sao em không đi thi? Vì sao em không thuộc bài?"
Nam sinh đáp lại bằng thái độ thách thức: "Hẳn là phải thi rồi. Sao bây giờ thầy lại bắt bẻ như thế"; "Hôm nay người ta vẫn đang tập luyện các kiểu, thầy lại bảo là không thuộc bài nọ kia".
Thậm chí, nam sinh còn buông những lời xúc phạm giáo viên "Có tài mà không có đức thì vứt" ; hay hỏi thầy giáo là "Thầy có học kinh tế không? Có học marketing, học Đại học Harvard không? Thầy có làm được cái gì không?"...
Đối diện với thái độ khó thiện cảm của học trò, thầy giáo giữ bình tĩnh nói: "Em cứ nói xong đi rồi thầy nói".
Tuy vậy, nam sinh cũng vẫn không kiềm chế sự nóng nảy mà còn lấn tới, văng tục và còn đòi "solo" với thầy giáo. Cụ thể, nam sinh nói: "Vớ va vớ vẩn. Thích thì lên phòng đào tạo solo (từ ngữ thường dùng trong game online, chỉ việc đánh nhau tay đôi)".
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, Bách Khoa HN có thể trở lại trường sau 15/3 Mặc dù dịch Covid-19 đã được khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ, bớt "nóng" hơn trước nhưng nhiều trường đại học ở Hà Nội vẫn e ngại chưa cho sinh viên trở lại trường học, vẫn tiếp tục học trực tuyến. Ảnh minh họa ĐH Quốc gia Hà Nội: Có thể cho sinh viên trở lại trường từ ngày 15/3 PGS.TS Đinh Văn...