Vụ lột quần áo, đánh hội đồng nữ sinh ở Hưng Yên: Cần có bộ phận an toàn trường học
TS tâm lý học Trần Thành Nam, ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, một khảo sát cho thấy, có đến 37,89% học sinh bị bắt nạt ở trường chủ yếu như: nói xấu, tẩy chay, o bế thậm chí là bạo lực… “Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn trường học”, TS Nam đề xuất.
Trường THCS Phù Ủng
Sự việc nhóm học sinh nữ lớp 9 đánh hội đồng, lột quần áo của bạn cùng lớp ông đánh giá như thế nào?
Quá đau lòng! Sự việc xảy ra cho thấy các hành vi bạo lực có tính chất ngày càng nghiêm trọng, hành động bạo lực theo nhóm có tổ chức, hành vi làm nhục không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn được ghi lại, đăng lên mạng để làm nhục nạn nhân trực tuyến. Hành vi bạo lực ngang nhiên diễn ra ở những môi trường được kỳ vọng là nơi an toàn nhất, là nơi được định nghĩa mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Ông nghĩ sao một sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng nhà trường xử lý nội bộ, xóa clip?
Đây là cách xử lý kiểu bao biện, xí xóa, che dấu. Rõ ràng cách xử lý này tập trung vào quyền lợi của người lãnh đạo, tập trung vào quyền lợi thành tích của nhà trường chứ không phải xử lý xuất phát từ học sinh, vì học sinh, lấy quyền lợi của học sinh làm trung tâm.
Cách hành xử này nếu soi chiếu vào các nguyên tắc đạo đức cốt lõi như hành động phải thiện tâm và không gây hại, công bằng, chính trực, tôn trọng phẩm giá đều không đúng.
Video đang HOT
Trước đó học sinh này bị dọa, đánh nhiều lần và lần này ở mức độ nặng hơn, ông nghĩ sao về vấn nạn bạo lực học đường?
Những vụ việc như thế này có thể được phát hiện sớm và ngăn chặn nếu cha mẹ và thầy cô sớm nhận ra những dấu hiệu bạo lực lời nói hoặc thái độ thù địch của nhóm thủ phạm với nạn nhân. Cha mẹ và thầy cô nếu để tâm hơn đã sớm nhận ra những dấu hiệu bị bắt nạt ở nạn nhân (thể hiện qua dấu hiệu bất an, né tránh khỏi nhóm bạn, quần áo xộc xệch hoặc chân tay xước xát). Sự việc có lẽ đã không leo thang nếu giáo viên báo cáo và nhà trường có một bộ phận hỗ trợ tâm lý cho những trường hợp nạn nhân bị bắt nạt và theo dõi, hỗ trợ kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc cho nhóm có nguy cơ đi bắt nạt. Sự việc có thể đã không xảy ra nếu nhà trường có một chính sách không khoan nhượng với bạo lực học đường, bảo vệ nhà trường định kỳ kiểm tra tình trạng phòng học, khu vệ sinh sau giờ học để đảm bảo an toàn…
TS tâm lý học Trần Thành Nam
Nữ sinh này hiện có tâm lý sợ hãi, không muốn quay trở lại lớp học. Vậy giải pháp tâm lý nào để trấn an, giải tỏa cho em?
Các biểu hiện tâm lý của nạn nhân là phản ứng thông thường của người bị rối loạn stress sau sang chấn với các biểu hiện rối loạn cảm xúc (lo lắng sợ hãi quá độ, dễ khóc, dễ cáu bẳn); hành vi né tránh (thu mình, không muốn tiếp xúc hay vui chơi, không muốn quay lại trường nơi có thể kích hoạt lại hình ảnh bị đánh) và ký ức xâm nhập (với ác mộng về những hình ảnh bị bạn đánh).
Để giúp trẻ vượt qua các vấn đề của rối loạn stress sau sang chấn, đầu tiên gia đình và nhà trường cần cung cấp cho trẻ một môi trường an toàn (về cả thể chất và tâm lý). Cần cách ly trẻ khỏi bất cứ điều gì có thể kích hoạt lại cảm xúc hoảng loạn hoặc hình ảnh bị đánh đập. Sau đó cần mời những chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm làm việc với trẻ tới giúp đỡ. Thông thường, chuyên gia sẽ trò chuyện bình thường hóa những phản ứng hiện tại của trẻ. Nói cho trẻ biết trẻ hoàn toàn không có lỗi và mọi người đang nỗ lực để bảo vệ trẻ như thế nào.
Theo ông, đâu là giải pháp bền vững để giảm thiểu bắt nạt và bạo lực học đường trong thời gian tới?
Tôi cho rằng với tình hiện nay, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn trường học. Bộ phận đó sẽ đánh giá và theo dõi mọi học sinh có nguy cơ gây hấn hoặc bạo lực trong trường để có kế hoạch giáo dục và hỗ trợ. Cần có những chương trình phòng ngừa bạo lực học đường được tổ chức thường xuyên cung cấp các kỹ năng như giải quyết xung đột, quản lý cảm xúc tức giận và chiến lược ứng phó khi đối diện/chứng kiến bạo lực. Trong mỗi nhà trường cũng cần đưa ra luật không khoan nhượng với hành vi nguy hiểm như mang vũ khí đến trường, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích và đánh nhau (như vụ việc trên). Nếu phạm phải những hành vi này sẽ bị đình chỉ học ít nhất 1 học kỳ.
Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp với cơ quan an ninh khu vực để có thể nhận mọi cuộc gọi hoặc thông tin từ học sinh, nhà trường về những hành vi bạo lực học đường. Có chính sách để bạo vệ nhà trường thường xuyên kiểm tra các khu vực có thể xảy ra các vụ việc phức tạp.
“Tôi cho rằng với tình hiện nay, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn trường học. Bộ phận đó sẽ đánh giá và theo dõi mọi học sinh có nguy cơ gây hấn hoặc bạo lực trong trường để có kế hoạch giáo dục và hỗ trợ”.
TS Trần Thành Nam
NGUYỄN HÀ (GHI)
Theo Tiền phong
Cứ 10 học sinh thì 3 em bị bắt nạt trực tuyến
Ngày 2/1, tại hội thảo khoa học "Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học" do trường Đại học (ĐH) Giáo dục tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam thông tin: Có 30,6% học sinh (HS) bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức 2 lần trở lên.
Kết quả nghiên cứu thực trạng bắt nạt trực tuyến ở học sinh THCS và THPT được trường ĐH Giáo dục thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa) với 864 HS cho thấy, có 30,6% HS bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên; 26,7% HS có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên.
GS Bahr Weiss cho rằng, nhà trường ngăn chặn hành vi bắt nạt trực tuyến hiệu quả nhất.
Các hành vi HS bị bắt nạt trực tuyến là: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn...
"Một số HS càng đi bắt nạt trực tuyến thì có xu hướng càng bị bắt nạt và ngược lại. Học sinh THPT có mức độ đi và bị bắt nạt trực tuyến nhiều hơn HS THCS. HS càng dành nhiều thời gian để sử dụng internet thì càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều. HS bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội (Facebook, Twitter), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber); các trang chia sẻ hình ảnh, video clip (Youtube, Instagram,...) và qua thư điện tử (gmail)" - PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân HS đi bắt nạt trực tuyến. Chẳng hạn như, bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn để gây áp lực với bạn đó. HS muốn người khác chú ý đến mình; làm như vậy để trả thù lại vì bạn ấy đã làm như thế với mình. Đáng chú ý, môt nguyên nhân HS bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất, được nêu ra đó là "chỉ là trêu đùa cho vui".
Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 10 HS thì có khoảng 3 - 4 em tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. HS nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. HS càng dành nhiều thời gian sử dụng internet, càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều.
Điều đáng lưu ý là học sinh bị bắt nạt trực tuyến có nhiều cách ứng phó nhưng rất ít em kể lại với bố mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn.
Đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng HS bị bắt nạt trực tuyến được đưa ra. Tuy nhiên, theo GS.TS Bahr Weiss đến từ Mỹ, việc can thiệp hiệu quả và quan trọng nhất là trong nhà trường. Bởi bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra trong nhà trường nhiều hơn vì HS sử dụng máy tính và mạng internet. Nhà trường cũng là môi trường giáo dục, tập hợp được HS và có nguồn lực lớn hơn để can thiệp việc bắt nạt trực tuyến.
"Có nhiều cách để can thiệp bắt nạt trực tuyến, như dạy cho cá nhân cách ứng phó, phòng ngừa. Giáo viên chủ nhiệm có thể làm việc với cả lớp để có cách thay đổi ứng xử hành vi. Cũng có thể thay đổi không khí toàn trường bằng cách không chấp nhận việc HS bị bắt nạt" - GS Bahr Weiss nhấn mạnh.
Theo kinhtedothi
Trước tiên, hãy dạy làm người Sự việc 5 nữ sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) ngang nhiên lột quần áo và đánh dã man một nữ sinh cùng lớp ngay trong lớp học, quay video rồi tung lên mạng, thực sự gây bất bình và chấn động trong dư luận. Ảnh minh họa Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Thủ tướng Nguyễn...