Vũ khí hóa học của Syria
Damascus từng xác nhận về việc sở hữu vũ khí hóa học, nhưng chưa bao giờ công bố chi tiết các kho vũ khí thuộc loại hủy diệt hàng loạt và bị cấm này.
Syria thừa nhận sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng chi tiết về kho vũ khí này không được hé lộ. Ảnh minh họa: Nowtheendbegins
Theo tổng hợp của CNN, các nhà quan sát quốc tế tin rằng Syria đang nắm trong tay cả những chất khí có khả năng làm rộp da như khí mù tạt, loại khí từng gây thương vong khủng khiếp trong Thế chiến I, lẫn chất độc thần kinh sarin và VX.
Khí mù tạt, còn được biết đến là mù tạt lưu huỳnh, gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi. Khí mù tạt có thể gây chết người, làm nạn nhân bị tàn tật, gây ung thư hoặc mù vĩnh viễn. Nó có thể tồn tại trong môi trường suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Mỹ.
Sarin, chất độc mà Mỹ nghi ngờ chính quyền Syria sử dụng trong cuộc tấn công hôm 21/8, bốc hơi nhanh, dễ hòa tan vào nước và có thể nhiễm vào thực phẩm, áo quần.
VX được xem là chất độc thần kinh có độc tính cao nhất, dễ dàng ngấm vào da hơn sarin. VX bốc hơi rất chậm, với tỷ lệ tương đương dầu bôi trơn động cơ. Giống như sarin, VX có thể bốc hơi khỏi quần áo trong vòng một tiếng rưỡi sau khi tiếp xúc.
Trước khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, Syria đã có những cơ sở nghiên cứu và sản xuất vũ khí hóa học gần Damascus, Aleppo, Homs, Latakia và Hama, Theo Trung tâm James Martin ở Mỹ, cơ quan thống kê kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của thế giới, những nơi này sản xuất hàng trăm tấn chất độc mỗi năm.
Syria có thể sử dụng chất độc hóa học thông qua nhiều loại vũ khí, như bom được thả từ máy bay, tên lửa Scud, đạn pháo hoặc rocket.
Syria chưaký kết Hiệp ước Vũ khí Hóa học (CWC), hiệp ước quốc tế hiện tại chống lại việc sử dụng chất độc hại. Tuy nhiên, nước này là một trong các quốc gia ký Nghị định thư Geneva 1925, có nội dung cấm việc sử dụng vũ khí hóa học và chiến tranh sinh học, theo Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học quốc tế (OPCW). Hiệp ước này cấm cả việc sử dụng và trả đũa các nước khác bằng vũ khí sinh hóa.
OPCW, cơ quan giám sát việc thi hành CWC, cho hay Syria đã làm lơ trước nhiều nỗ lực nhằm buộc nước này ký vào hiệp ước. Các chuyên gia từ OPCW là một phần trong nhóm thanh sát viên của Liên Hợp Quốc thu thập bằng chứng tại hiện trường vụ tấn công hôm 21/8.
Video đang HOT
Mỹ tin rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng kho vũ khí hóa học của mình để sát hại hơn 1.400 dân thường ở ngoại ô Damascus hôm đó. Tuy nhiên, tổng thống Syria bác bỏ cáo buộc này và cho rằng chính quân đội của ông đã bị trúng khí độc từ phe nổi dậy.
Tháng 7 năm ngoái, Syria từng xác nhận nước này đang sở hữu các vũ khí hủy diệt hàng loạt và kho vũ khí này do quân đội bảo vệ. Tuy nhiên, Syria khẳng định sẽ không bao giờ dùng vũ khí sinh hóa để sát hại người dân mà chỉ để đáp trả lại những kẻ ngoại xâm.
Bản đồ phân bố các cơ sở sản xuất và lưu trữ chất hóa học của Syria, theo nghiên cứu của Monterey Institute, Mỹ.
Nga hôm qua đề nghị Syria giao nộp kho vũ khí của mình để cộng đồng quốc tế giám sát, nhằm ngăn chặn kế hoạch không kích từ Mỹ. Ngoại trưởng Syria hoan nghênh ý tưởng này của Nga nhưng Tổng thống Assad chưa vẫn chưa lên tiếng.
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama cũng nhận định tích cực về đề xuất này. Ông tuyên bố Mỹ sẽ ngừng “hoàn toàn” kế hoạch tấn công nếu Syria từ bỏ vũ khí hóa học và đặt chúng dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Libya, quốc gia Bắc Phi và cách không xa Syria, cũng có vũ khí hóa học. Khi Libya tuyên bố từ bỏ chương trình vũ khí hóa học năm 2004, nước này công khai kho vũ khí của mình với OPCW. Tổ chức này đã cử các thanh sát viên độc lập đến Libya để xác nhận và sau đó các nhà máy sản xuất của nước này bị dỡ bỏ, kho vũ khí hóa học bị phá hủy.
Hơn một nửa trong số 24 tấn khí mù tạt và khoảng 40% các hóa chất tiền thân đã bị phá hủy trước khi cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi nổ ra năm 2011, khiến công việc này bị gián đoạn và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Sau cuộc cách mạng, chính quyền mới của Libya cho hay đã tìm thấy thêm khí mù tạt và các loại đạn pháo có khả năng phân tán chất độc này.
Theo VNE
Nga, Syria "song kiếm hợp bích", Obama thoái lui
Sau khi Nga đưa ra đề xuất có tính đột phá, theo đó đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế hoặc tiêu hủy hoàn toàn nó, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã nhanh chóng lên tiếng hưởng ứng nhiệt thành lối thoát đầy tính khả thi này.
Tổng thống Obama đã buộc phải thoái lui trong kế hoạch tiến đánh Syria
Đề xuất của Nga cùng với sự nhất trí của Syria đã đón nhận sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, thậm chí là cả người dân và chính quyền Mỹ, bởi đó là một giải pháp hòa bình có tính khả thi, có thể giúp tháo gỡ tình hình Syria mà không cần dùng đến vũ lực.
Diễn biến trên đã đặt Tổng thống Barack Obama vào tình thế khó có thể tiến lên trong kế hoạch tiến đánh Syria. Có thể nói, Nga và Syria đã "song kiếm hợp bích", tạo ra một "tuyệt chiêu" khiến ông Obama buộc phải thoái lui, lùi bước.
Nga, Syria "song kiếm hợp bích"
Hôm 9/9, Nga đã bất ngờ đưa ra một đề xuất tháo gỡ "mớ bòng bong" đang rối tung lên về tình hình Syria. Theo đó, Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đề xuất này nhanh chóng được giới quan chức quốc tế và nhiều nước nhiệt liệt hoanh nghênh bởi họ cho rằng, đó là một hướng đi tích cực và có tính khả thi. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho "cuộc đối đầu" mang tầm quốc tế liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hơn 1.400 người chết.
Giới chức ở Mỹ cũng phải lên tiếng thừa nhận tính tính cực và đột phá trong giải pháp của Nga nhưng nước này vẫn chưa chịu từ bỏ ý định tấn công Syria. Một số quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, đã lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng chính quyền Syria chịu nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát.
Rõ ràng, đề xuất của Nga đẩy Mỹ vào thế bí, khó có thể ra tay với Syria. Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn cố tìm kẽ hở là sự hợp tác từ phía Tổng thống Assad để có được cái cớ can thiệp vào Syria. Nhưng có vẻ như Mỹ tiếp tục thất bại trong nỗ lực này khi ngày hôm qua (10/9), Ngoại trưởng Syria đã lên tiếng bày tỏ sự sẵn sàng của chính quyền Syria trong việc giao nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế và tham gia vào hiệp ước quốc tế về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học.
"Theo sáng kiến của Nga, Syria sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học", Ngoại trưởng Walid Muallem cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình vệ tinh Al-Mayadeen.
Damascus sẽ kê khai và nộp lại toàn bộ các cơ sở vũ khí hóa học đồng thời ngừng sử dụng loại vũ khí này. "Chúng tôi sẵn sàng giao nộp các cơ sở vũ khí hóa học cho đại diện của Nga cùng với các nước khác và Liên Hợp Quốc", ông Muallem khẳng định.
Trong khi đó, Nga đang tích cực triển khai kế hoạch của nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ sớm trình ra một kế hoạch chi tiết có tính "khả thi" để đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng lên tiếng cảnh báo, sáng kiến của Nga chỉ có thể thành công nếu Mỹ và các đồng minh cam kết không sử dụng vũ lực.
Rất khó để có thể bắt buộc bất kỳ nước nào, trong đó có Syria, đơn phương giải giáp vũ khí nếu nước khác dùng vũ lực chống lại họ, ông Putin phát biểu đồng thời nói thêm rằng, giới chức Nga sẽ "làm việc với các đối tác Mỹ và Syria". "Tôi nhắc lại lần nữa, tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một bước đi tích cực nhằm tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng", ông Putin nhấn mạnh.
Obama thoái lui
Trước đề xuất của Nga và sự hưởng ứng nhiệt liệt của Syria, Tổng thống Obama rõ ràng bị đẩy vào tình thế không thể ra tay với chính quyền của Tổng thống Assad.
Ông chủ Nhà Trắng trước đó đã nói rằng, đề xuất của Nga là mang tính tích cực và đột phá. Ông này cũng khẳng định Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo nước Mỹ vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về việc Syria sẽ sẵn sàng nộp vũ khí hóa học. Với lý do trên, chính quyền của ông Obama vẫn tiếp tục các nỗ lực tập hợp, tìm kiếm sự ủng hộ cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Rõ ràng, nếu Syria không chịu giao nộp khu vũ khí hóa học của nước này thì Mỹ vẫn có cớ để tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tiến đánh Syria. Tuy nhiên, với sự hưởng ứng của chính quyền Syria với đề xuất của Nga, chính quyền Obama hoàn toàn không thể tiến thêm được bước nào.
Nếu Mỹ không có câu trả lời tích cực cho đề xuất của Nga và thiện chí của chính quyền Syria thì nước này dễ dàng bị lên án bởi giới chức Mỹ thường xuyên tuyên bố ưu tiên cho lựa chọn ngoại giao và hơn nữa họ đã từng tuyên bố nếu chính quyền Syria nộp kho vũ khí hóa học, kế hoạch tiến đánh Syria "chắc chắn" sẽ được dừng lại.
Trước diễn biến mới từ phía chính quyền Syria, Tổng thống Obama hôm qua đã phải kêu gọi các nghị sĩ Mỹ hoãn bỏ phiếu cho kế hoạch tiến đánh Syria. Thay vào đó, Mỹ sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận ngoại giao về việc thu giữ và kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria.
Theo các Thượng nghị sĩ Mỹ có cuộc gặp với Tổng thống Obama ngày hôm qua, ông chủ Nhà Trắng đã nói, việc để ngỏ khả năng tiến đánh Syria là điều cần thiết để gây sức ép buộc chính quyền của ông Assad phải từ bỏ vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông này cho biết, cần phải có thêm thời gian cho các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Nga về một giải pháp ngoại giao thay thế.
"Tổng thống rõ ràng tin rằng, việc đe dọa dùng vũ lực có hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng và nó đã tạo ra đề xuất mới của phía Nga. Tôi nghĩ, ông ấy lo lắng về việc Quốc hội sẽ làm suy yếu quyền của ông ấy trong việc đe dọa dùng vũ lực bởi nếu ông ấy không nhận được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, ông ấy sẽ ít nhiều mất đi uy thế của mình. Đó là cách hiểu của tôi", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins cho biết sau cuộc họp Quốc hội ngày hôm qua.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Obama, Quốc hội Mỹ sẽ không tiến hành cuộc bỏ phiếu về kế hoạch trừng phạt Syria trong tuần này.
Theo_VnMedia
Thí sinh thoát y trên gameshow ăn khách ở Anh Các bậc phụ huynh tại Anh đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi cơ quan giám sát truyền thông cuối cùng cũng ra quyết định khiển trách đài truyền hình ITV vì chiếu cảnh thoát y không được làm mờ trong một chương trình thực tế ăn khách. Trong một đánh giá về giới hạn đối với các chương trình truyền hình,...